Thần tướng Nhạc Phi: Thu phục Kiến Khang - Đại thắng đầu tiên của Nhạc Gia quân

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Nhạc Phi không những không bị ngoại cảnh tác động, mà còn ra sức khích lệ sĩ khí quân binh. Ông tự cắt tay cho chảy máu, rồi nói lời tâm huyết: ‘Chúng ta chịu ơn xã tắc, phải lấy trung nghĩa báo quốc, sát địch lập công, lưu danh sử xanh. Nếu các vị đầu hàng hoặc tháo chạy, thì cuối cùng vẫn thân tử danh diệt. Trận hôm nay, chúng ta phải xả thân, ai tự ý quay đầu chém ngay lập tức!’

Một câu thơ trong “Dương châu mạn” viết: ‘Quá xuân phong thập lý, tận tề mạch thanh thanh’ (gió xuân thổi suốt mười dặm, chỉ thấy đồng lúa bỏ hoang cỏ xanh rì), lời thơ tả cảnh tiêu điều của cổ thành Dương Châu khi bị giặc ngoại xâm. Những năm đầu Nam Tống, không chỉ vùng Dương Châu, Giang Nam, mà cả nửa quốc gia nhà Tống đều rên xiết dưới gót sắt của quân xâm lược nhà Kim, nơi nơi chìm trong đại kiếp khói lửa chiến tranh. Trong loạn thế mà thành tựu lên Đại tướng Nhạc Phi, ví như đang giai điệu bi ai nảy ra một âm thanh hùng tráng.

Khi ấy, Tống Cao Tông lên ngôi chưa lâu, dưới sự xúi giục của gian thần, vua rời Kiến Khang (nay là Nam Kinh) chạy về Dương Châu, không có ý chí khôi phục giang sơn. Một năm sau, nhà Kim đột ngột xuất binh đánh Tống, binh mã hùng hùng hổ hổ thẳng tiến Dương Châu, muốn bắt giam vua Tống. Cao Tông cùng quần thần lại cuống cuồng tháo chạy, lánh về Hàng Châu, để lại thành Dương Châu cho quân Kim mặc sức cướp bóc.

Hai lần trấn thủ Chung Sơn, cô độc kháng Kim

Ở phía bắc, sau khi danh thần kháng Kim - chủ soái Tông Trạch trấn thủ Đông Kinh Khai Phong, qua đời, tiếp nhiệm là Đỗ Sung, kẻ nhát gan sợ chiến đấu. Khi nghe thấy tin quân Kim lui binh quay về Bắc, việc đầu tiên Đỗ Sung nghĩ tới là sợ quân Kim kéo qua đây sẽ tấn công Khai Phong. Thế là lấy cớ là để giúp vua, Đỗ Sung thu gom toàn quân bỏ thành di chuyển về Nam, tới Hàng Châu hội quân với Cao Tông.

Nhạc Phi không quên ý chí kháng Kim cứu quốc, cô độc giao chiến, kiên thủ Chung Sơn. Tranh Minh Cừu Anh (Miền công cộng)

Từ thời các vị trung thần Trương Sở, Tông Trạch cho đến Nhạc Phi, quân binh tướng sĩ đều không thể quên nỗi nhục Tĩnh Khang (năm Tĩnh Khang, quân Kim xâm lược, bắt trói hai vua Tống mang về Kim làm tù binh), họ ôm chí lớn khôi phục Trung Nguyên, đón hai vua về. Nhạc Phi thấy rõ Đỗ Sung tham sống sợ chết, nhiều lần khuyên can nhưng vô hiệu.

Đến năm Kiến Viêm thứ ba (năm 1129), Kim Ngột Thuật xuất đại binh đánh xuống phía Nam. Khi quân giặc áp sát mặt phía Bắc Kiến Khang, Đỗ Sung mới vội vàng phái bốn vạn quân ra ứng chiến, Nhạc Phi lúc này mới có cơ hội giao chiến với quân Kim. Ai ngờ, Đỗ Sung hàng Kim, quân Tống có người liều chết quên thân, có kẻ buông đao tháo chạy, thế cục Giang Nam nguy trong sớm tối.

Cuối cùng, trong quân Tống chỉ còn lại một cánh quân cô độc của Nhạc Phi, xả thân giao chiến cho đến tận hoàng hôn. Do không có viện binh, lương thảo không đủ, quân đội Nhạc Phi bất đắc dĩ phải lui về cố thủ Chung Sơn (nay là Tử Kim Sơn, Nam Kinh). Mờ sáng hôm sau, Nhạc Phi lại tiếp tục giao chiến, người ngựa đều nhuốm máu, nhưng do quân địch quá đông nên đành lui về trấn thủ Chung Sơn.

Tình thế căng thẳng như vậy, dần dần gặm nhấm bào mòn sĩ khí của những chiến binh cùng Nhạc Phi vào sinh ra tử. Có người trước binh lực cường đại của quân Kim cảm thấy hoang mang tuyệt vọng, len lén đào thoát. Lúc này tiết trời sang thu, gió bấc nổi lên, mây đen vần vũ, càng làm tăng không khí nặng nề u ám trong quân doanh.

Nhạc Phi không những không bị ngoại cảnh tác động, mà còn ra sức khích lệ sĩ khí quân binh. Ông tự cắt tay cho chảy máu, rồi nói lời tâm huyết: ‘Chúng ta chịu ơn xã tắc, phải lấy trung nghĩa báo quốc, sát địch lập công, lưu danh sử xanh. Nếu các vị đầu hàng hoặc tháo chạy, thì cuối cùng vẫn thân tử danh diệt. Trận hôm nay, chúng ta phải xả thân, ai tự ý quay đầu chém ngay lập tức!

Lời Nhạc Phi khảng khái hiên ngang, anh dũng hào hùng, làm quân binh ai nấy đều cảm động, sĩ khí toàn quân dâng cao, đồng thanh hô lớn: ‘Duy thống chế mệnh’ (Xin tuân lệnh Thống chế).

Quân Kim do Kim Ngột Thuật chỉ huy, vẫn tiếp tục cướp bóc tấn công, Kiến Khang, Hàng Châu lần lượt rơi vào tay giặc, Cao Tông cùng quần thần đành lánh nạn trên biển. Nhạc Phi đơn độc một cánh quân, làm thế nào để cứu vãn Đại Tống khỏi nguy nan?

undefined
Nhạc Phi di chuyển đóng quân tại Nghi Hưng, vỗ về dân chúng. Quan dân nơi ấy cảm động, kiến lập sinh từ (đền thờ khi vẫn đang sống). Ảnh miếu Nhạc Vương ở Hàng Châu. (Peter Potrowl/Wikimedia)

Chuyển quân về Nghi Hưng, giữ một phương an định

Để bảo toàn binh lực, Nhạc Phi di chuyển quân đội về đóng ở thôn Quảng Đức Chung. Nhằm dự phòng lương thực, quân nhu, Nhạc Phi bàn với mẫu thân quyên góp toàn bộ gia tài, cùng binh sĩ vượt qua khó nạn. Trong thời loạn, quân đội thường cướp bóc chúng dân để mưu sinh, nhưng Nhạc gia quân có một điều lệ nghiêm ngặt trứ danh: ‘Rét chết không dỡ nhà, đói chết không cướp bóc’.

Nhạc Phi lập quân lệnh nghiêm khắc, yêu cầu tướng sĩ không được tơ hào cái kim sợi chỉ của dân, bách tính nhờ thế nên vẫn duy trì canh tác, buôn bán như thường. Lòng nhân ái của Nhạc Phi được thế nhân kính trọng và ủng hộ, ngày càng nhiều người quy phục theo về, thế nhân đặt cho cánh quân này một tôn xưng: ‘Nhạc Gia Gia Quân’ (quân ông Nhạc).

Quân số Nhạc gia quân nhanh chóng lên tới hơn vạn người, là đội quân mạnh nhất của nhà Tống, quy mô lớn như vậy làm cho vấn đề về lương thảo càng thêm cấp bách. Có lẽ nhờ Trời cao tương trợ, có người đề xuất di chuyển đại quân về Nghi Hưng. Tri huyện Nghi Hưng nghe tin quân Nhạc Phi đóng quân gần đó, liền lập tức mang thư tín, cung kính khẩn mời, còn quả quyết: ‘Lương thực dự trữ của Nghi Hưng, đủ cho cả vạn quân dùng trong chục năm!’

Mùa Xuân năm Kiến viêm thứ tư (năm 1130), Nhạc Phi chính thức đồn trú tại Nghi Hưng. Trong vòng vài tháng, Nhạc gia quân bảo vệ dân chúng, quét sạch giặc cướp, biến Nghi Hưng thành một miền tịnh thổ an định giữa thế cuộc chiến loạn. Một kẻ tặc khấu tên Quách Cát, nghe tin Nhạc gia quân tiến đánh liền chạy trốn; rồi bọn giặc cỏ do Thích Phương cầm đầu, cũng bị quân Nhạc Phi đánh tơi tả. Nhạc gia quân không bao giờ quấy nhiễu bách tính, một vùng quan dân được nghỉ ngơi dưỡng sức, các ngành nghề lại hưng thịnh phồn vinh.

Không chỉ có vậy, dân chúng các quận huyện lân cận nghe nói quân Nhạc gia bảo gia vệ quốc nên lòng đều hướng theo, lũ lượt rời cố thổ đến Nghi Hưng yên ổn làm ăn. Ai nấy đều khen Nhạc Phi yêu dân như con, quân đội kỷ luật nghiêm minh. Trong bách tính còn lưu truyền câu nói: ‘Phụ mẫu sinh ngã dã, dị; công chi bảo ngã dã, nan!’ (ý tứ là cha mẹ sinh thành cũng khó, nhưng Nhạc Phi bảo vệ chúng dân còn khó hơn).

Để ghi nhớ ân đức của Nhạc Phi hộ quốc bảo dân, bách tính kiến lập ‘Sinh từ’ (đền thờ khi người còn đang sống) thờ phụng, quan tri huyện tự thân khắc bia văn. Từ thời Nam Tống đến nhà Thanh, sinh từ Nhạc Phi chuyển thành miếu Nhạc Vương, vạn nhân lễ bái, đèn hương nghi ngút, cũng là điều cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử.

Trong thời gian Nhạc gia quân trấn thủ Nghi Hưng, các xứ nghĩa quân Giang Nam dần dần tập kết, Kim Ngột Thuật bị tổn thất nhiều cả ở đường thủy và đường bộ, đành lui binh vào đầu năm Kiến Viêm thứ tư. Khi đại quân Kim qua Thường Châu, Nhạc Phi từ Nghi Hưng xuất quân tập kích, cả bốn lần đều giành chiến thắng, quân Kim tử vong vô số. Trận thắng này đã làm nức lòng tướng sĩ, càng kiên định thêm quyết tâm tiêu diệt quân Kim của Nhạc Phi, trên đường thắng trận về qua chùa Kim Sa, Nhạc Phi vung bút đề từ, lưu lại một bài từ chí trang sơn hà, ngàn năm vang mãi.

Ông nói: ‘Đợi ta lập kỳ công, diệt giặc Kim, thu lại giang sơn, đón hai vua về, nhất định chấn hưng đại Tống. Khi ấy ta sẽ quay lại nơi đây, khắc đá lập bia, chẳng phải là hay sao?

Tranh Hàn Thế Trung. Khổng Kế Nghiêu đời Thanh vẽ ( Phạm vi công cộng)

Liên thủ Hàn Thế Trung thu phục Kiến Khang

Chiến thắng Thường Châu làm danh tiếng Nhạc Phi vang xa, chấn động cả triều đình, Tống Cao Tông trước giờ chỉ biết cầu an, nay lần đầu tiên chú ý đến vị tướng lĩnh trẻ tuổi đảm lược trung thành, không sợ uy quyền quý tộc. Để cổ vũ sĩ khí của Nhạc Phi, Tống Cao Tông hạ chiếu thư, lệnh cho ông cùng tác chiến với vị tướng dày dạn sa trường Hàn Thế Trung để thu phục Kiến Khang. Hai vị đại tướng trung dũng ý hợp tâm đầu hợp tác kháng Kim, triển hiện sự kiên định bất khuất, anh dũng thiện chiến của quân đội nhà Tống.

Hoàng Thế Trung cầm tám ngàn quân thủy ở Hoàng Thiên Đãng giao tranh với mười vạn quân Kim trong 48 ngày, cũng được xưng tụng là thần thoại trong lịch sử chiến tranh Trung Hoa. Cũng thời kỳ này, cánh quân trên bộ của Nhạc Phi cũng lập lên kỳ tích phi phàm. Trận kịch chiến ở Thanh Thủy Đình, Nhạc gia quân đã chém được hơn 170 tướng lớn nhỏ của quân Kim, thu về hơn ba nghìn bộ giáp cùng cung tên, đây là trận đại bại đầu tiên của quân Kim sau khi vượt sông xuống Giang Nam.

Vào đầu tháng 5 năm Kiến Viêm thứ tư, Kim Ngột Thuật chuẩn bị rút quân khỏi Kiến Khang, Nhạc Phi tiên liệu được việc này, sớm sắp đặt phục binh ở Ngưu Đầu Sơn phía Nam Kiến Khang, ngồi đợi quân Kim sa lưới. Đêm xuống, Nhạc Phi cử một trăm sĩ tốt mặc đồ đen, đột nhập doanh trại quân địch đánh úp, quân Kim trong đêm tối không phân biệt được địch ta, lúc hoảng loạn cứ bừa chém giết, kết quả tử thương thảm trọng. Sau đó mới phát hiện ra quân mình đã tàn sát lẫn nhau, nên tăng cường tuần tra đề phòng. Nhưng Nhạc Phi tùy cơ ứng biến, phái tinh binh bí mật bắt sống quân tuần tra, làm quân Kim không nắm bắt được tin tình báo, bị Nhạc Phi dùng diệu kế làm hao binh tổn tướng rất nhiều.

Về sau, Kim Ngột Thuật may mắn đánh bại Hàn Thế Trung trong một trận thủy chiến, vượt sông chạy khỏi Kiến Khang. Khi chuẩn bị dẫn quân qua sông ở Tĩnh An, thì bị Nhạc gia quân sĩ khí ngút trời từ Ngưu Đầu Sơn lao đến tấn công. Trận này quân Kim bị chết hơn ba nghìn quân, ba trăm sĩ tốt bị bắt làm tù binh, thu về áo giáp, quân nhu lên con số hàng vạn, giành đại thắng lợi.

Nhạc Phi cùng Hàn Thế Trung hợp lực tấn công, Kim Ngột Thuật liên tục thoái lui. Một dải Giang Nam sạch bóng quân Kim, từ đó người Kim không dám nhòm ngó gì tới sông núi Giang Nam nữa. Chưa đầy nửa tháng, Nhạc Phi thuận lợi thu phục Kiến Khang, trả lại an bình cho bách tính.

Từ trước tới nay, Kiến Khang luôn là vị trí yết hầu của Giang Nam, có ý nghĩa chiến lược trọng yếu, do đó thu phục Kiến Khang là chiến tích huy hoàng đầu tiên của Nhạc Gia quân, Nhạc Phi cũng được toàn thể triều đình kính trọng, ngợi khen.

Liễu Địch - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thần tướng Nhạc Phi: Thu phục Kiến Khang - Đại thắng đầu tiên của Nhạc Gia quân