'Thang Trời' xuất hiện trên bầu trời Thẩm Dương? Cảnh tượng thần bí ẩn chứa ý nghĩa sâu xa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ xa xưa, trong cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, "thiên thê" đều được coi là con đường thông Thiên mà Thần lưu lại cho con người, là chiếc thang dẫn đến thế giới Thiên quốc.

Sáng ngày 8/9, một cảnh tượng kỳ lạ xuất hiện phía trên một trung tâm mua sắm ở Thẩm Dương, Trung Quốc. Một cột sáng khổng lồ từ trên trời chiếu xuống, giữa cột sáng có những đường lằn ngang như những bậc thang. Cảnh tượng kỳ lạ này khiến nhiều người lấy điện thoại di động để chụp ảnh. Nhiều người cho rằng đây là hiện tượng "hải thị thận lâu" (hiện tượng phản xạ toàn phần khiến ta nhìn thấy ảo ảnh).

Theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc Đại lục: Ngày 8/9, một "cột sáng" khổng lồ xuất hiện phía trên trung tâm mua sắm gần đường phố Hồn Hà ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, chiếu thẳng xuống từ bầu trời, thu hút nhiều người qua đường dừng lại chụp ảnh.

Qua đoạn video có thể thấy rằng trên bầu trời xám xịt, xuất hiện một "chùm ánh sáng", và bên dưới "chùm ánh sáng" có một cột sáng, giống như cầu thang dẫn đến "chùm ánh sáng" ở trên bầu trời. Dường như nó không khác gì "Thiên thê" - chiếc thang bắc lên Trời trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.

Sự việc đã dẫn đến những cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng Internet. Cư dân mạng cho rằng: "Mấy ngày trước có nhiều sấm như vậy, đoán chừng là đã độ kiếp thành công, hôm nay là muốn phi thăng"; "Thần tiên muốn tới đón tiếp con người"; "Thế giới bí ẩn chưa có lời đáp, thang trời thẳng tới Nam Thiên môn"; "Thẩm Dương trở thành nơi gần với Thiên đường".

Cảnh tượng "thiên thê" này thực sự rất ấn tượng, khiến mọi người háo hức muốn khám phá thế giới bên kia nhân thế này. Chưa biết video là thật giả thế nào, vậy chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa sâu xa đằng sau "chiếc thang lên Trời".

Trên thực tế, từ xa xưa, trong cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, "thiên thê" đều được coi là con đường thông Thiên mà Thần lưu lại cho con người, là chiếc thang dẫn đến thế giới Thiên quốc. Vào thời kỳ Trung cổ, nhà thơ người Ý Dante Alighieri đã miêu tả cảnh tượng chiếc thang lên Trời trong tác phẩm "Thần khúc" (Divine Comedy). Trong khổ thơ thứ mười của chương "Thiên đường", Dante leo lên tầng trời thứ tư, tức tầng trời của Mặt trời, và nhìn thấy rất nhiều thắng cảnh.

Khổ thơ miêu tả rằng, Dante được bao quanh bởi một vầng hào quang khổng lồ, các Thiên sứ ở trong đó hát những bài ca mỹ diệu. Trong vầng hào quang đó, có một vị Thánh đồ tên là Thomas Aquino (1226-1274). Khi còn sống, Thomas từng là cố vấn quốc sự cho Vua Louis VIII của Pháp.

Thomas một lòng kính yêu Chúa, dốc lòng tu dưỡng đạo đức, ngôn hành cử chỉ ôn tồn lễ độ, nói chuyện với người khác nhẹ nhàng mộc mạc tựa như gió xuân. Ông liệt kê "tứ đại mỹ đức" của con người là: thận trọng, tiết chế, chính nghĩa và kiên nhẫn. Ông tin tưởng rằng tín ngưỡng, hy vọng và lòng bác ái là siêu nhiên, và xếp chúng vào "tam đại mỹ đức" theo quan niệm Thần học. Phẩm đức và phong thái của ông được người dân thời bấy giờ tôn kính.

Trong suốt cuộc đời của mình, Thomas đã viết rất nhiều, trong đó cuốn “Thần học bách khoa toàn thư” (Summa Theologie) là quan trọng nhất. Ông qua đời năm 1274, và được phong Thánh vào năm 1323. Vì những thành tựu trong lĩnh vực Thần học và triết học, ông được hậu thế ca ngợi là nhà Thần học vĩ đại nhất của thế kỷ 13.

Thomas nói với Dante:

“Khi tia sáng của Ơn trên thắp sáng,
Tình yêu thực sự và lớn lên cùng với tình yêu,
Nhân lên và rực rỡ nơi người như vậy
Nó dắt dẫn người lên cao theo bậc thang,
Mà người ta không xuống được nếu không trèo lên".

Ở nơi nhân gian, Dante chỉ là một người phàm, bởi vì ông sợ mê lạc quên mất con đường chân lý, cho nên không ngừng suy ngẫm và tự nhìn nhận lại bản thân, nỗ lực để trở về với chính đạo. Thiên Thần từ bi thương xót Dante, gọi nguyên thần của nhà thơ La Mã cổ đại Virgil làm người dẫn đường, dẫn dắt Dante thoát khỏi con đường lạc lối.

Thomas ngưỡng mộ sự từ bi của Thần, bởi vậy đã chiếu sáng lên tình yêu đích thực vinh quang, chiếu sáng trên con đường phía trước của Dante, để ông có thể bước lên chiếc thang Trời.

Theo những miêu tả trong "Thần khúc", các tầng trời khác nhau có các chiếc thang khác nhau. Khi Dante lên đến tầng trời thứ bảy, tức là tầng trời của sao Thổ. Tại đây, ông nhìn thấy chiếc thang màu vàng, phản chiếu ánh hào quang chói sáng như đang ở dưới ánh mặt trời. Chiều cao của chiếc thang này lớn đến nỗi dù có dùng hết sức nhìn lên Dante cũng không thể nhìn đến tận cùng.

"Tôi thấy một màu của vàng phát ra,
Từ một cái thang rất dài vươn tít lên cao,
Mà mắt tôi không nhìn theo được.
Tôi cũng thấy các bậc đi xuống,
Tràn ngập ánh sáng huy hoàng,
Khiến tôi tưởng mọi ánh sáng của trời đều phát ra từ đấy".

Tại đây, ông nhìn thấy chiếc thang màu vàng, phản chiếu ánh hào quang chói sáng như đang ở dưới ánh mặt trời. (Ảnh: Pixabay)
Tại đây, ông nhìn thấy chiếc thang màu vàng, phản chiếu ánh hào quang chói sáng như đang ở dưới ánh mặt trời. (Ảnh: Pixabay)

Trong tầng trời này, vạn ác không sinh. Những Thiên nhân trong tầng trời này, khi còn sống đều thành kính tu hành theo lời Thần dạy, luôn giữ gìn mỹ đức trong tâm. Họ khác với những nhân viên Thần chức hủ hóa sa đọa hiện nay trên thế giới, họ không tham dự vào việc mua bán Thánh chức, không tranh giành quyền lực trong tôn giáo, cũng không tham lam vơ vét của cải. Họ chỉ biết tự mình hành đạo, kiên định nhẫn khổ tu tâm, lấy việc tuân theo lời dạy của Thần là quan trọng nhất.

Sau khi qua đời, họ thực sự được lên Thiên quốc, trở thành những sinh mệnh vui sướng vinh quang. Trên người của họ phát ra ánh hào quang sáng chói, mỗi khi họ di chuyển, Dante nhìn thấy từng chùm sáng chiếu lấp lánh, và không thể nhìn thấy dung mạo cụ thể của họ. Họ bước theo thang trời đi xuống, dáng người xoay tròn, chào đón sự xuất hiện của Dante. Thế giới Thiên quốc mỹ diệu làm chấn động tầm mắt của Dante.

Phàm là những ai leo lên chiếc thang trời, trong lòng của họ đều được thắp sáng bằng ánh sáng của tình yêu thương (bác ái) trong trái tim. Tình yêu trong trái tim họ, như một luồng sáng mạnh mẽ, chiếu rọi vào Dante. Mà nội tâm của một người càng thiện lương, thì ánh sáng kia càng thêm chói lọi sáng ngời.

Từ thời Trung cổ đến nay, khi giới học thuật giải đọc “Thần khúc”, nhiều người cho rằng chiếc thang của Dante bị ảnh hưởng bởi giấc mơ về chiếc thang của Jacob - tổ tiên người Israel.

Jacob và Esau là anh em sinh đôi. Jacob là người trầm tĩnh, thường ở trong lều và được mẹ là Rebekah yêu quý, nhưng cha ông là Isaac lại thiên vị Esau hơn.

Khi Isaac về già, đôi mắt đã mờ, ông muốn ăn một bữa thịt rừng ngon lành trước khi chết, đồng thời chúc phúc cho Esau, cho nên ông bảo Esau đi săn ngoài đồng. Rebekah thiên vị Jacob, vì vậy đã để Jacob giả làm Esau dâng thịt rừng lên. Vì vậy, cuối cùng lời chúc phúc của tổ phụ Isaac đã rơi vào Jacob. Esau rất thống hận người em gian xảo này, lên kế hoạch giết Jacob sau khi cha qua đời.

Để tránh cho huynh đệ tương tàn, Rebekah yêu cầu Jacob đi đến nhà người cậu. Trong suốt cuộc hành trình dài, Jacob phải ngủ ngoài trời nơi hoang dã. Đến một đêm nọ, ông nằm mộng thấy một cái thang bắc từ dưới đất, đầu đến tận trời, các thiên sứ của Đức Chúa Trời lên lên xuống xuống trên chiếc thang đó. Trong mộng, Jacob còn nhận được lời chúc phúc của Đức Chúa Trời. Vì vậy, sau khi tỉnh dậy, Jacob chân thành sám hối và cầu nguyện với Đức Chúa Trời, hy vọng lúc nào cũng được ở bên cạnh Đức Chúa Trời và được Ngài che chở.

Bức tranh "Giấc mơ của Jacob", tác giả William Blake (khoảng năm 1800, Bảo tàng Anh, Luân Đôn)
Bức tranh "Giấc mơ của Jacob", tác giả William Blake (khoảng năm 1800, Bảo tàng Anh, Luân Đôn)

Trước đó, Jacob đã từng lợi dụng lúc Esau kiệt sức, dụ dỗ anh trai bán danh phận con trai trưởng cho mình, hơn nữa còn giả làm anh trai để lừa gạt cha. Trong thế tục dơ bẩn, bị dục vọng điều khiển, Jacob tham luyến danh phận trưởng tử cũng như tài phú và tình yêu nơi thế gian. Những việc mà Jacob làm đã khiến đạo đức của ông tan thành mây khói. Khi Jacob lạc lối trên con đường nhân sinh, Thần minh từ bi đã không bỏ rơi ông, hiện vào giấc mơ của ông để ban xuống Thần dụ chỉ lối dẫn đường.

Giấc mơ về chiếc thang trời này đã cho Jacob cơ hội nhìn nhận lại bản thân mình. Sau khi tỉnh dậy ông đã hoàn toàn tỉnh ngộ, từ đó tràn đầy lòng cảm ân và kính sợ đối với Thần. Về sau, khi ông chiến thắng trong cuộc đấu vật với Đức Chúa Trời, Đức Chú Trời đã ban cho ông cái tên "Israel". Bởi vậy, Jacob đã trở thành tổ tiên của Israel.

Hai câu chuyện này, dù là mô tả của Dante trong "Thần khúc" hay giấc mơ của Jacob, ngụ ý của "thiên thê" - chiếc thang lên Trời chính là: con đường đi lên Thiên đường của con người không gì khác hơn là tuân theo lời dạy bảo của Thần, nhìn nhận lại bản thân, đi về hướng chính đạo, đồng hành cùng với Thần.

(Tư liệu tham khảo: "Thần khúc - Chương Thiên đường" khúc số 10, khúc số 21).

Lý Tuệ
Theo Tống Bảo Lam - Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

'Thang Trời' xuất hiện trên bầu trời Thẩm Dương? Cảnh tượng thần bí ẩn chứa ý nghĩa sâu xa