‘Thanh mai chử tửu luận anh hùng’ hàm chứa đạo dưỡng sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, ‘thanh mai chử tửu luận anh hùng’ là một trong những phân đoạn đặc sắc. Lã Bố tấn công Bái Thành, nơi Lưu Bị đóng quân. Lưu Bị đại bại vội bỏ chạy. Để tính kế về sau, ông đã nghe theo lời khuyên của Tôn Càn, đến Hứa Đô đầu quân cho Tào Tháo.

Năm ấy, khi cây mơ ở vườn sau của Tào phủ đang độ xanh tốt, Tào Tháo đã mời Lưu Bị thưởng mơ uống rượu, “Bàn trí thanh mai, nhất tôn chử tửu” (khay đặt mơ xanh, một ly rượu nóng). Tào Tháo mở tiệc khoản đãi Lưu Bị, vừa lúc rượu đun nóng, hai người ngồi uống thỏa thích, đàm luận chuyện anh hùng thiên hạ.

Tào Tháo nói với Lưu Bị rằng, trong cuộc chinh thảo Trương Tú năm ngoái, do trên đường thiếu nước nên quân Tào bị đói khát. Trong đầu Tào Tháo nảy ra một kế, ông dùng roi ngựa chỉ về phía trước và nói: “Phía trước có một rừng đầy trái mơ”. Khi quân sĩ nghe thấy “trái mơ”, đột nhiên cảm thấy trong miệng ứa nước miếng, thế là đỡ khát.

Trên đời có rất nhiều đồ chua, vậy tại sao ăn mơ có thể tiết nhiều nước miếng?

Theo sách “Bản Thảo Cương Mục” viết: Cây mơ, hoa nở vào mùa đông, quả chín vào mùa hè, thu được toàn bộ khí của Mộc, nên vị của nó là chua nhất.

Mà gan của cơ thể con người là Ất Mộc, còn túi mật là Giáp Mộc (Giáp Mộc là Dương Mộc, Ất Mộc là Âm Mộc). Do dưới lưỡi người có bốn khiếu (huyệt), trong đó có hai khiếu thông với dịch mật, cho nên khi ăn mơ nước bọt sẽ tự động tiết ra.

Về điểm này, “Bản thảo diễn nghĩa” cũng giải thích: Ăn mơ thì tiết nước bọt, là Thủy sinh Mộc.

Uống rượu luận anh hùng – hàm chứa đạo dưỡng sinh

Tào Tháo đãi Lưu Bị thanh mai (mơ xanh) và rượu vào độ xuân đang chín. “Hoàng Đế Nội Kinh” nói: “Mùa xuân tháng ba, gọi là ‘phát trần’, trời đất sinh sôi nảy nở, vạn vật tốt tươi”. Đông y cho rằng, mùa xuân thuộc “Mộc” trong ngũ hành, đối ứng với "gan" trong ngũ tạng và "thanh" (màu lục) trong ngũ sắc.

Tôn Tư Mạc, dược vương đời Đường, viết trong “Nhiếp Dưỡng Luận”: "Tháng 4, gan đã yếu, tim dần khỏe, nên tăng chua giảm đắng, bổ thận trợ gan, điều dưỡng vị khí”.

Do “chua nhập gan” nên dưỡng sinh mùa xuân chú trọng vào việc dưỡng gan, ăn lượng chua vừa đủ sẽ có lợi cho gan. “Chu Lễ” cũng ghi rõ: “Xuân phát tán, nên ăn chua để thu lại”.

Sách “Hán Thư - Thực Hóa Chí” nói: “Rượu là vị thuốc đứng đầu trong trăm vị thuốc, là thứ tốt dùng trong những dịp hội họp tốt đẹp, quý giá. Vì rượu có tính ấm, vị ngọt, đắng, cay, tác động đến kinh mạch của tim, gan, phổi, dạ dày, giúp thông kinh mạch, là chất dẫn thuốc, xua tan sự trì trệ, nuôi dưỡng lá lách, hỗ trợ gan, làm sinh khí của gan và mật”.

Như đã nói ở trên, mơ xanh mùa xuân thu được khí của Mộc, gan cũng lại tương ứng với Mộc. Do đó, việc Tào Tháo thiết đãi Lưu Bị rượu và mơ xanh trong mùa xuân cũng hàm chứa đạo dưỡng sinh.

Nhân đây, chúng ta hãy tìm hiểu thêm các giải nghĩa khác của “chử tửu”, nó có đơn giản chỉ là uống rượu hay không?

Trong phim cổ trang do con người hiện đại làm ra, “thanh mai chử tửu” được mô tả là cho mơ xanh vào nồi nấu chung với rượu. Còn trên thực tế, ở Trung Quốc cổ đại, “chử tửu” có nhiều nghĩa khác nhau, có lúc nó dùng để chỉ việc đun nóng rượu, có lúc để chỉ quá trình cất giữ và niêm phong rượu, cũng có lúc nó là tên gọi của rượu.

Chử tửu – đun nóng rượu

Trong truyện Tam Quốc, khi các anh hùng uống rượu thường phải đun sôi hoặc làm ấm rượu, chủ yếu là vào mùa đông lạnh giá hoặc vào mùa xuân. Ví dụ, trong Hồi 5 của "Tam Quốc Diễn Nghĩa", sự kiện Quan Vũ rượu ấm trảm Hoa Hùng xảy ra vào mùa đông. Hay Tào Tháo mở tiệc chiêu đãi Lưu Bị, chính là vào mùa xuân.

Thời đó người ta uống “trọc tửu”, tức là rượu đục. Sau khi gạo nấu lên men phải được nén ép chắt lọc thì mới cho ra loại rượu trong suốt. Người dân thường cũng gọi loại rượu gạo “ủ qua đêm là lên vị” là “trọc tửu”, nó cũng chưa được lọc bã rượu. Vì vậy, trong miêu tả của các tiểu thuyết cổ điển, các anh hùng hào kiệt thường nói là "ăn rượu", vì không chỉ uống rượu, mà còn ăn cả bã rượu.

Thanh Long Yển Nguyệt đao
Quan Vũ dùng Thanh long đao trảm rất nhiều tướng, mà màn trình diễn đặc sắc nhất phải kể đến "Chén rượu vẫn còn nóng đã chém đầu Hoa Hùng" .(Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Chử tửu (đun nóng rượu) – để chống rượu chua và cất giữ rượu

Về quy trình nấu rượu, “chử tửu” có nghĩa là đun nóng và khử trùng rượu.

Lưu Tuân đời Đường ghi trong “Lĩnh Biểu Lục Dị”: “Rượu ủ ở Nam Trung (tương ứng với tỉnh Vân Nam, Quý Châu và miền nam Tứ Xuyên thời nay)… đất ấm, Xuân và Đông ủ 7 ngày là chín, Thu và Hạ ủ 5 ngày là chín. Sau khi chín, cất vào chum ngói, quét phân rồi đốt (cũng có loại không đốt vì là thanh tửu, rượu dùng để cúng tế)”.

Đến thời Bắc Tống, Chu Quăng đã ghi lại một phương pháp “chử tửu” rõ ràng hơn trong cuốn "Bắc Sơn Tửu Kinh". Để rượu không bị chua và đảm bảo rượu nguyên chất, cần phải đun sôi bình rượu đã được phong kín hoàn toàn, đó là quá trình khử trùng bằng nhiệt.

Cuối đời Tống, đầu nhà Nguyên, quyển 30 trong “Tục Cổ Kim Khảo” của Phương Hồi có ghi lại rằng: “Kim chi chử tửu, thực tắc chưng, nê chi quý đông giả giai” (Chử tửu ngày nay, đơm đầy bình rồi chưng đun, đắp bùn đất lên, đúng tháng cuối đông là đẹp).

Tuy thời đại khác nhau, nhưng sau khi rượu ủ xong, để tiện bảo quản được lâu, đều cần phải đun sôi và đậy kín, hoặc tráng dầu sáp phong kín miệng bình, hoặc ủ đất rồi nung. Vì vậy, “chử tửu” không chỉ là một quá trình, mà còn là thành phẩm sau khi được đun nấu, đậy kín và bảo quản.

Chử tửu – tên rượu

Trong thời nhà Tống, "chử tửu" chính thức trở thành tên gọi thông dụng của rượu.

"Vào tháng 9 năm Hàm Bình thứ 2 thời Tống Chân Tông (năm 999), trong chiếu viết kho rượu hoàng gia nhận ‘bạo tửu’ từ phường rượu vào ngày 1 tháng 9, nhận ‘chử tửu’ vào ngày 1 tháng 4". Ở đây, “bạo tửu” dùng để chỉ rượu được ủ vào mùa hè.

Vào tháng 4 năm Thiên Thánh thứ 7 thời Tống Nhân Tông (năm 1029), có một "Chiếu lệnh kho rượu không được tồn đọng chử tửu".

Cuốn "Đông Kinh Mộng Hoa lục" ghi lại rằng, vào ngày 8 tháng 4, ngày lễ Phật đản, "lần đầu tiên có bảy mươi hai hộ ở kinh thành mở tiệm bán chử tửu".

Từ những ghi chép trên, có thể thấy rằng “chử tửu” là một trong những loại rượu được bán trong phường rượu ở kinh thành và trong các cửa hàng rượu ở địa phương khác.

‘Thanh mai chử tửu’ – nhã hứng cho văn nhân hậu thế

Thanh mai chử tửu, Tào Tháo - Lưu Bị luận anh hùng, "Nói đến anh hùng, lòng ôm chí lớn, mưu lược tài giỏi, chứa đựng thiên cơ vũ trụ, dám thu phục, dám buông bỏ". Chỉ có người như vậy mới có thể được coi là anh hùng.

Thời gian dần trôi, “thanh mai chử tửu” cũng trở thành nhã hứng cho giới văn nhân hậu thế và thường xuất hiện trong thơ ca, chẳng hạn như:

Nhà thơ Yến Thù thời Tống viết trong “Tố Trung Tình”: “Thanh mai chử tửu đấu thời tân, thiên khí dục tàn xuân. Đông thành nam mạch hoa hạ, phùng trứ ý trung nhân” (Mơ xanh rượu nồng thật đúng thời, tiết trời vào cuối xuân. Dưới gốc hoa phía nam Đông Thành, tương phùng ý trung nhân).

Hay vào tháng Giêng năm 1101, sau 7 năm lưu đày, khi trở về đi qua Lĩnh Thượng thấy mai vàng rực sắc rơi trong cơn mưa xuân, nhà thơ Tô Thức đã cảm khái viết nên bài thơ “Tặng Lĩnh Thượng mai”: “Bất sấn thanh mai thường chử tửu, yếu khán tế vũ thục hoàng mai” (Chẳng đúng mùa mai xanh thưởng rượu, Đừng lỡ cảnh mai vàng trong mưa).

Quả mơ xanh ăn sống, có vị chua, chát, giòn, ăn kèm với rượu, không chỉ để dưỡng sinh mà còn là món ăn vui miệng. Uống rượu ngon, thưởng mơ xanh, trong cơn say ngâm thơ đàn hát, nếm trải mùi vị tươi đẹp của cuộc đời. Sự nhã hứng đó, có lẽ giống như nữ thi sĩ nổi tiếng thời Tống Lý Thanh Chiếu từng nói: "Tùy ý mâm chén tuy sơ sài, rượu ngon mơ chua, vừa hay hợp lòng người”.

Nam Phương
Theo Hồng Hi – The Epoch Times

Tài liệu tham khảo:

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” - Hồi 19 và 21

“Thế Thuyết Tân Ngữ - Giả Quyệt”

"Bản Thảo Cương Mục - Quả Chi Nhất”



BÀI CHỌN LỌC

‘Thanh mai chử tửu luận anh hùng’ hàm chứa đạo dưỡng sinh