Thánh nhân phương Tây Socrates: Mỹ đức chính là tri ​​thức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào một buổi tối tháng 6 năm 399 TCN, một ông già khoảng 70 tuổi trong nhà tù ở Athens sắp bị hành quyết. Ông mặc bộ quần áo rách rưới và đi chân trần, nhưng gương mặt ông rất thản nhiên và điềm đạm. Sau khi đuổi người thân ra ngoài, ông nói chuyện với các bằng hữu, ông dường như quên mất việc mình sắp bị hành quyết.

Mãi cho đến khi lính ngục cầm một chén thuốc độc tiến đến, ông mới dừng cuộc nói chuyện, nhận lấy chén nước và uống một hơi cạn sạch, rồi ông nằm xuống, nhắm mắt rời khỏi thế gian trong sự bình thản.

Nhà triết học vĩ đại của Hy Lạp cổ

Ông già này chính là Socrates (469 TCN ~ 399 TCN), một triết gia Hy Lạp cổ đại nổi tiếng. Ông xuất thân trong một gia đình bần hàn, cha ông là thợ chạm khắc và mẹ ông là một bà đỡ.

Khi còn là một thiếu niên, Socrates học nghề chạm khắc từ người cha, ông từng làm nghề điêu khắc tượng đá. Sau đó, ông đã tự học các tác phẩm của các nhà triết học cổ đại, hình học, thiên văn học, âm nhạc và thơ ca, đặc biệt là Sử thi Homer và các tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng khác.

Ở độ tuổi ba mươi, Socrates chủ yếu đi truyền đạt kiến ​​thức và trở thành một thầy giáo đạo đức, không nhận thù lao cũng không mở trường dạy học; ở tuổi bốn mươi, ông trở thành người nổi tiếng nhất và có trí tuệ nhất ở Athens.

Socrates có một tính cách khác biệt, bất kể trời nóng hay lạnh, ông luôn mặc một chiếc áo khoác bình thường, thường không mang giày và không coi trọng việc ăn uống, ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu học vấn, cả đời sống khổ hạnh.

Ông thường nói về chiến tranh, chính trị, đạo đức và triết học với mọi người ở những nơi công cộng như hội chợ, sân vận động và trên đường phố.

Cả cuộc đời ông không lưu lại bất kỳ tác phẩm nào, những ngôn luận và tư tưởng của ông hầu như được thấy trong các cuộc đối thoại trong "Hồi ức về lời nói và hành động của Socrates" của Plato và Xenophon. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của ông đối với nền triết học phương Tây sau này là rất to lớn, các nhà sử học triết học thậm chí còn coi ông là khởi nguồn trong lịch sử phát triển của triết học Hy Lạp cổ đại.

Những lời nói đầy trí tuệ của ông thường được sử dụng như một chỉ dẫn về đạo đức và hành vi đúng đắn trong các thời đại sau này. Trong lịch sử văn hóa châu Âu, ông luôn được coi là vị Thánh “tử vì Đạo", vai trò của ông ở phương Tây giống như Khổng Tử ở phương Đông.

Trong lịch sử văn hóa châu Âu, ông luôn được coi là vị Thánh “tử vì Đạo", vai trò của ông ở phương Tây giống như Khổng Tử ở phương Đông. (Ảnh: Tổng hợp)

Mỹ đức là tri thức

Triết học của Socrates chủ yếu bàn về các vấn đề luân lý đạo đức, đề xướng rằng con người nên biết đạo lý làm người và sống một cuộc sống có đạo đức. Câu nói nổi tiếng của ông: Mỹ đức là tri thức. Ông đã nói ra thiên cơ rằng "tu dưỡng đức hạnh có thể khiến cho con người sinh ra trí tuệ".

Tiền đề "tự nhận thức sự vô tri của chính mình"

Ông đưa ra tiền đề “tự nhận thức sự vô tri của chính mình”, cho rằng chỉ những người từ bỏ sự tìm tòi thế giới tự nhiên, và thừa nhận sự vô tri của mình mới là người thông minh.

Ông tin rằng Chúa là đấng tối cao của thế giới, mọi thứ đều do Chúa sáng tạo và an bài, thể hiện trí huệ và mục đích của Chúa. Ông phản đối việc nghiên cứu tự nhiên, và cho rằng mục đích của triết học không phải là để nhận biết tự nhiên, mà là để "nhận thức chính mình".

Bởi vì học thuyết và cách nhận thức này, mà đôi khi ông bị một số người cho là coi thường địa vị của khoa học tự nhiên. Trên thực tế, từ quan điểm của giới tu luyện từ cổ chí kim, Socrates đương thời đã hiểu rõ mối quan hệ giữa "Thượng thiên" và "con người", cũng như kết quả khác biệt một trời một vực giữa "nội tu" (truy cầu sự hợp nhất với Thiên Đạo) và "truy cầu bên ngoài." (nghiên cứu tri ​​thức về tự nhiên).

Tổ tiên của phương pháp giáo dục heuristic ở phương Tây

Phương pháp dạy học của Socrates rất độc đáo, ông không bao giờ cho học trò câu trả lời sẵn mà sử dụng phương pháp hỏi lại và phản bác để khơi gợi tư tưởng của họ, khiến mọi người có thể chủ động phân tích và suy xét vấn đề. Ví dụ, khi một học trò hỏi ông "việc làm tốt" là gì, sau đây là cuộc vấn đáp thú vị giữa ông và học sinh:

Socrates: Ăn cắp, lừa gạt, bán người làm nô lệ, những hành động này là tốt hay xấu?

Học trò: Là việc ác.

Socrates: Đánh lừa kẻ thù có phải là việc xấu không? Bán kẻ thù bị bắt làm nô lệ có phải là việc ác không?

Học trò: Đây là việc làm tốt. Tuy nhiên, trò đang nói về bạn bè, không phải kẻ thù.

Socrates: Theo trò, ăn cắp có hại cho một người bạn. Nhưng nếu một người bạn định tự sát, và trò ăn cắp công cụ mà anh ta định dùng để tự sát thì đó có phải là một hành động xấu không?

Học trò: Đó là một hành động tốt.

Socrates: Trò nói lừa dối là xấu xa, nhưng trong chiến tranh, chỉ huy quân đội, để nâng cao tinh thần, nói với những người lính rằng quân tiếp viện đang đến. Nhưng trên thực tế không có quân tiếp viện, loại lừa gạt này có phải là việc làm xấu xa không?

Học trò: Đây là một việc làm tốt.

Vì đức tin lựa chọn cái chết

Năm 404 TCN, Athens thất bại trong Chiến tranh Peloponnesian, một chính phủ bù nhìn do vua Sparta thành lập, và sự cai trị của 30 bạo chúa đã thay thế nền dân chủ.

Critias, thủ lĩnh của 30 bạo chúa, là học trò của Socrates. Chuyện kể rằng có lần Critias cho gọi Socrates, và lệnh cho ông dẫn 4 người đi bắt một người giàu có để chiếm đoạt tài sản. Socrates từ chối tuân theo, phẩy tay áo bỏ đi và công khai lên án hành vi tàn bạo này. Sau đó, sự cai trị của 30 bạo chúa bị lật đổ, và những người dân chủ trở lại nắm quyền.

Socrates cho rằng tất cả các ngành nghề, thậm chí chính quyền quốc gia, thì những người quản lý cần được đào tạo và có hiểu biết, ông cũng phản đối việc nền dân chủ thực hành tuyển cử bằng cách rút thăm.

Sự hiểu biết của ông đã đụng chạm đến lợi ích của một số chủ nô dân chủ thời bấy giờ, nên một số người buộc tội ông thân cận với Critias, chống lại chính trị dân chủ, đề xướng các vị Thần mới và không thành kính với các vị Thần Athen, dùng tà thuyết đầu độc những người trẻ tuổi. Vì thế Socrates bị bắt vào tù.

Trên thực tế, không ngoa khi nói rằng, đây là một cuộc bỏ tù vô cớ gây ra bởi lợi ích chính trị, bởi sự ghen tị và vu khống của những kẻ quyền thế. Kết quả thẩm phán, chính quyền Athens yêu cầu ông lựa chọn: hoặc là từ bỏ các nguyên tắc của mình, hoặc là uống thuốc độc và chết. Tuy nhiên, việc không được đi khắp nơi thuyết giáo không phải là sự chọn của Socrates. Và cuối cùng ông đã bị phán xử tử hình.

Socrates nhấn mạnh rằng, là một công dân Athens cần tuân thủ luật pháp Athens. Khi ở trong tù, bạn bè của ông cố gắng thuyết phục ông liều mạng vượt ngục, mua chuộc các lính ngục để lập kế hoạch vượt ngục, nhưng ông thà chết chứ không làm trái với niềm tin của mình. Cứ như vậy, ông lão bảy mươi tuổi đã thanh thản rời khỏi nhân gian.

Bức tranh nổi tiếng thế giới "Cái chết của Socrates"

Cái chết của Socrate (La Mort de Socrate, 1787), họa phẩm của Jacques-Louis David (Ảnh: Miền công cộng)
Cái chết của Socrate (La Mort de Socrate, 1787), họa phẩm của Jacques-Louis David (Ảnh: Miền công cộng)

Socrates bảy mươi tuổi đã trải qua ngày cuối cùng trong tù như thế nào? Trong cuốn Phaedo, cuốn sách ghi chép các cuộc đối thoại của Plato, có ghi chép tỉ mỉ. Những ghi chép này đã trở thành cơ sở quan trọng để Jacques-Louis David, người sáng lập chủ nghĩa tân cổ điển Pháp và những người cùng thời với ông khắc họa Socrates.

Theo ghi chép, trước khi qua đời vào ngày hôm đó, Socrates ở trong tù, rất bình tĩnh thảo luận về chủ đề sự sống và cái chết, và sự bất tử của linh hồn, với các đệ tử và bạn bè đang rất đau buồn của ông, ông từ đầu chí cuối trấn định tự nhiên, thậm chí còn đề cập rằng, trong các không gian khác nhau xung quanh địa cầu cũng có sinh mệnh mệnh tồn tại, vv. Những điều này nghe giống những chủ đề thảo luận của một nhà tiên tri tôn giáo.

Cái chết của Socrates được vẽ bởi bậc thầy tân cổ điển Jacques-Louis David vào năm 1787. Bức tranh có bố cục và ánh sáng ấn tượng, lối tạo hình nhân vật và biểu cảm chính xác, tinh tế, và lối tự sự tổng thể vô cùng mạnh mẽ, thể hiện những khoảnh khắc cuối cùng của Socrates theo phong cách cổ điển trang nhã.

Socrates trong bức tranh ở bên phải, và ánh sáng rực rỡ từ trên chiếu vào người ông, khiến ông trở thành trung tâm thị giác của bức tranh.

Khuôn mặt của ông thản nhiên tự tại, không biểu lộ bất kỳ sự uỷ khuất, sợ hãi hay thương tâm nào, hoàn toàn trái ngược với vẻ mặt bi thương của những người xung quanh. Ông đang duỗi tay phải ra, sẵn sàng lấy nước độc từ người cai ngục đang mang vẻ đau buồn, và cử chỉ đưa tay trái lên trời thể hiện quyết tâm không vì sinh tử mà lung lay đức tin của mình.

Ngồi bên phải là cậu học trò Crito, tay phải ôm chân Socrates, dường như đang hy vọng người thầy có thể đổi ý. Một học sinh khác, Plato, ngồi trên mép giường, đầu và mắt nhắm lại, quay lưng về phía Socrates, với các cuộn giấy rải rác xung quanh.

Theo ghi chép, vào ngày hôm đó, đầu tiên Socrates đuổi vợ con và những người thân đang khóc lóc của ông ra ngoài, sau đó thảo luận lần cuối với các môn đồ về sự sống, cái chết và linh hồn. Vậy nên, bên trong cổng vòm bên trái, có thể nhìn thấy một số người thân của Socrates đang rời khởi bậc thang.

Triết học tân cổ điển nửa sau thế kỷ XVIII nhấn mạnh đến sự phục hưng của tính trang nghiêm, đạo đức và lý tưởng của thời kỳ cổ điển (Hy Lạp, La Mã). Hưởng ứng xu hướng này, bức tranh “Cái chết của Socrates” của họa sĩ người Pháp David đã trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu quan trọng của hội họa tân cổ điển với chủ đề thể hiện sự kiên định vào đức tin của nhà hiền triết Socrates.

Nhà xuất bản nổi tiếng người Anh John Boydell đã ca ngợi bức tranh trong một bức thư gửi cho họa sĩ cùng thời đại Sir Joshua Reynolds, cho rằng bức tranh nay là tác phẩm vĩ đại nhất kể từ bức tranh tường trên trần nhà nguyện Sistine của Michelangelo và bức tranh tường ở Cung điện Vatican của Raphael.

Lam Sơn
Theo Sound of hope



BÀI CHỌN LỌC

Thánh nhân phương Tây Socrates: Mỹ đức chính là tri ​​thức