Thành Pompeii phương Đông bị hồng thủy hủy diệt, tồn tại người khổng lồ và rồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Thành cổ Pompeii của Ý vào năm 79 bị ngọn núi lửa Vesuvius vùi lấp và hủy diệt. Phương Đông cũng có một thành Pompeii như thế, nằm ở bên bờ sông Hoàng Hà, Trung Quốc. Phát hiện khảo cổ đã hé lộ nhiều bí ẩn.

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Câu chuyện Đại Vũ trị thủy, thời đại Tam Hoàng Ngũ Đế, thậm chí triều đại đầu tiên của Trung Quốc, triều Hạ, đều bị cho là truyền thuyết Thần thoại, nguyên nhân là không có chứng cứ đáng tin cậy, không giống như triều Thương, có bằng chứng từ lời bói trên xương thú và mai rùa ở di chỉ Ân Khư. Tuy nhiên những năm gần đây, các nhà khảo cổ và chuyên gia địa chất đã từng bước tìm thấy những chứng cứ phù hợp với hồng thủy thời thượng cổ và việc Đại Vũ trị thủy trong truyền thuyết. Các nhà khoa học cho rằng, trận hồng thủy đó xảy ra khoảng năm 1900 TCN.

Câu chuyện khởi đầu từ mùa xuân năm 2007. Chuyên gia địa chất Ngô Khánh Long và các đồng nghiệp thuộc Học viện Khoa học Địa lý, Đại học Sư phạm Nam Kinh, đến tỉnh Thanh Hải khảo sát. Ở Tích Thạch Hiệp, ông vô tình trông thấy vật trầm tích đặc biệt của Hồ Yển Tắc. Ông ngạc nhiên, di chỉ Lạt Gia cách đó phía hạ du 25 km bỗng hiện ra trong đầu ông: “Lẽ nào sự hủy diệt của di chỉ Lạt Gia được mệnh danh là “Thành Pompeii phương Đông” có liên quan đến những trầm tích này?”

Ông suy đoán, Hồ Yển Tắc ở Tích Thạch Hiệp có thể đã xảy ra vỡ bờ, gây ra đại hồng thủy. Nhưng do ở Trung Quốc vẫn chưa có các nghiên cứu về đại hồng thủy, nên ông cũng không biết hồng thủy do vụ vỡ bờ lớn gây ra thì sẽ để lại những chứng cứ gì.

Thành Pompeii phương Đông

Thành cổ Pompeii của Ý vào năm 79 bị ngọn núi lửa Vesuvius vùi lấp và hủy diệt. Phương Đông cũng có một thành Pompeii như thế, nằm ở bên bờ sông Hoàng Hà, Trung Quốc. Vùng tiếp giáp của tỉnh Thanh Hải và tỉnh Cam Túc có một địa danh là làng Lạt Gia. Bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước, dân làng Lạt Gia thỉnh thoảng lại đào được những văn vật, thậm chí còn có xương người rải rác.

Những sự kiện này khiến các ban ngành văn vật địa phương chú ý. Bắt đầu từ năm 1999, chính quyền quyết định tiến hành khai quật mảnh đất này. Trên một mảnh đất cao phía góc đông bắc làng, những nhà khảo cổ phát hiện ra di tích một ngôi nhà. Từ tầng bùn đất đỏ ở giữa ngôi nhà, họ đào được một bộ hài cốt. Dáng vẻ của hài cốt này rất kỳ lạ, không phải nằm thẳng, không phải nằm nghiêng, mà là hai tay giơ ra phía trước, cẳng tay xoay ngược rất không tự nhiên, trông giống như đang giãy giụa, xung quanh cũng không có đồ tùy táng.

Tiếp tục đào xuống, phía dưới bộ hài cốt này lại có một bộ xương người nhỏ hơn nằm co ro. Bộ hài cốt ở bên dưới quay về hướng ngược lại. Cảm giác như người ở phía trên đang dốc sức chống lại một sức mạnh nào đó, còn người bên dưới bị sức mạnh đó kéo xuống.

Phía dưới bộ hài cốt này lại có một bộ xương người nhỏ hơn nằm co ro. (Ảnh baidu)

Lại tiếp tục đào xuống, ở góc tây nam phát hiện ra 5 bộ xương người đang nằm co ro với nhau, ôm chặt lẫn nhau. Tiếp theo, ở góc tây bắc cũng đào được 5 bộ hài cốt. Xem ra có vẻ như họ ở giây phút cuối cùng của cái chết. Thân thể của họ dường như bị một sức mạnh nào đó tách ra, nhưng họ vẫn dốc sức dùng chân và tay ngoan cường khóa chặt lại với nhau.

Những hài cốt này, ai nấy đều trong tình trạng chết thê thảm. Trông có vẻ như có một tai họa đã khiến họ chết, mới khiến dáng vẻ của họ cố định ở giây phút kinh hoàng như vậy. Rốt cuộc đã xảy ra tai họa gì?

Sau khi giám định, di chỉ người cổ đại ở nơi này khoảng 4000 trước, chính là vào thời đại của các vị vua Nghiêu, Thuấn, Vũ.

Rất nhanh chóng, các chuyên gia phát hiện ra lớp bùn đỏ bao phủ hài cốt này có cả ở ruộng vườn, khe lạch của Lạt Gia. Xuôi theo những khe lạch này là đến điểm cực nam của làng Lạt Gia, mà nơi đây chính là sông Hoàng Hà cuồn cuộn sóng.

Các nhà khảo cổ suy đoán, tai họa tuyệt diệt trong làng có lẽ liên quan đến nước sông Hoàng Hà tràn dâng. Cùng với việc hoàn thành các công việc khai quật nhiều hơn, càng nhiều hài cốt xuất hiện, các chuyên gia lại phát hiện ra một hiện tượng kỳ lạ.

Ở tầng đất phía dưới sâu, cách xa mặt đất của ngôi nhà có những mảnh gốm vỡ, và đất cát màu nâu đen khác hẳn với chất đất xung quanh. Theo lý mà nói, ở tầng đất sâu như thế thì không có vết tích hoạt động của con người.

Sau đó, họ phát hiện ra một vết nứt kéo dài đến mặt đất, đất cát chính là theo vết nứt này từ trên bề mặt chảy xuống. Tiếp theo đó, lượng lớn những vết nứt ở xunh quanh những ngôi nhà, ở núi rừng, đất hoang ở làng Lạt Gia đã được phát hiện ra.

Liên kết lại nhìn nhận, làng Lạt Gia được xây dựng trên mạng lưới dệt nên bởi những vết nứt này. Sức mạnh nào mới có thể khiến trên mặt đất dệt thành một chiếc lưới khổng lồ đáng sợ này?

Các nhà khảo cổ ý thức được rằng, sức mạnh này chỉ có thể từ bản thân trái đất. Cũng có nghĩa là, những vết nứt là do đại địa chấn xảy ra 4000 năm trước tạo thành. Do đó có thể suy đoán là làng Lạt Gia đã bị động đất lớn, sau đó lại gặp hồng thủy lớn sông Hoàng Hà, do đó mới có cảnh tượng mà ngày nay mọi người nhìn thấy: Những thi hài con người hoảng sợ trong giây phút tử vong.

Các nhà khảo cổ khai quật di chỉ Lạt Gia. (Ảnh baidu)

Đại Vũ trị thủy không phải là truyền thuyết

Từ trầm tích Hồ Yển Tắc, Ngô Khánh Long suy đoán có thể là động đất đã hình thành Hồ Yển Tắc ở Tích Thạch Hiệp. Mà Hồ Yển Tắc có thể đã xảy ra vỡ bờ, gây ra đại hồng thủy, nhưng khổ nỗi ông chưa phát hiện ra chứng cứ của đại hồng thủy, nên đành từ bỏ. Việc này vẫn luôn canh cánh trong tim ông, không thể nào dứt bỏ được.

Ông nghĩ đến năm 1959, bắt đầu phát hiện ra di chỉ văn hóa Nhị Lý Đầu ở Yển Sư, Lạc Dương, Hà Nam,trải qua mấy chục năm phát hiện khảo cổ, giới khảo cổ đã cơ bản xác định rằng, di chỉ Nhị Lý Đầu chính là di chỉ cung điện hoàng gia thời kỳ cuối triều Hạ.

Ở đó còn phát hiện ra rất nhiều đồ đồng, còn có đỉnh. Câu chuyện Đại Vũ đúc “cửu đỉnh” trong truyền thuyết có thể là thật.

Ngô Khánh Long vẫn không ngừng suy nghĩ, cho đến một đêm khó ngủ vào tháng 7 năm 2008, trong đầu ông bỗng lóe lên một ý nghĩ, cái gọi là cát đen mà những nhà khảo cổ phát hiện ra ở di chỉ Lạt Gia, rất có thể là trầm tích của đại hồng thủy. Ý tưởng này khiến ông vô cùng xúc động, ông bắt đầu nghiên cứu theo hướng này.

Tháng 8 năm 2016, Ngô Khánh Long và 15 chuyên gia trong và ngoài nước đã đăng bài luận văn trên tạp chí học thuật hàng đầu thế giới “Khoa học” có tên là “Hồng thủy vỡ bờ năm 1920 TCN cho thấy sự tồn tại của vương triều Hạ và Đại hồng thủy trong truyền thuyết Trung Quốc”.

Đội ngũ nghiên cứu lớn mạnh này là do các chuyên gia địa chất, khảo cổ, niên đại học, và lịch sử, trong quá trình nghiệm chứng chéo đã dần dần hình thành. Hiệp hội Thúc đẩy Khoa học Mỹ và Tạp chí Khoa học đã triệu tập một cuộc họp báo qua điện thoại về nghiên cứu này, đồng thời mời David Montgomery, giáo sư khoa Khoa học Địa cầu và Không gian, Đại học Washington, Mỹ, viết một bài bình luận “Đại hồng thủy của Vũ Đế” đăng trên tạp chí cùng kỳ.

Sở dĩ việc này được coi trọng như vậy là vì những phát hiện được nêu ra trong bài luận văn đủ để lật đổ nhận thức của khoa học thực chứng hiện đại đối với khởi nguồn nhân loại thượng cổ.

Bài luận văn rằng, khoảng năm 1920 TCN, sau một trận động đất lớn, núi sạt lở. Trong một thời gian ngắn, ở thượng du sông Hoàng Hà tại khu vực Tích Thạch Hiệp, tỉnh Thanh Hải đã tạo nên một con đập lớn cao khoảng 200 mét, chặn hoàn toàn sông Hoàng Hà.

Sau đó, trong thời gian từ 6 đến 9 tháng, khoảng 12 tỷ đến 17 tỷ mét khối nước đã được tích lại, hình thành Hồ Yển Tắc khổng lồ. Khi nước hồ chầm chậm tràn qua đỉnh con đập, con đập đã nhanh chóng bị vỡ. Khoảng 11 tỷ đến 16 tỷ mét khối nước hồ tràn xuống, ầm ầm chảy về phía trung du sông Hoàng Hà trên 2000 km. Hơn nữa, nó còn có thể phá vỡ các con đê, đập ở đồng bằng hạ du sông Hoàng Hà, khiến cho lũ lụt trong nhiều năm.

Lưu lượng nước lúc lên cao có thể đạt đến 360.000 đến 480.000 mét khối trên giây, tương đương với trên 500 lần lưu lượng nước Hoàng Hà ở đoạn Tích Thạch Hiệp ngày nay.

Đến đây, có lẽ mọi người nghĩ đến đập thủy điện Tam Hiệp. Nếu đập thủy điện Tam Hiệp ở vị trí nước cao mà bị vỡ đập, nước lũ đổ xuống, sẽ nhấn chìm các thành phố trung du sông Trường Giang như Vũ Hán, Nam Kinh… và xông thẳng đến Thượng Hải.

Bài luận văn cho rằng, đã chứng minh sự tồn tại của đại hồng thủy, và cũng cung cấp chứng cứ cho sự tồn tại của triều Hạ. Đại Vũ trị thủy thành công, cuối cùng khiến ông trở thành vị quân vương khai quốc của triều Hạ.

Tuy nhiên, nhìn từ niên đại xảy ra hồng thủy ở Tích Thạch Hiệp, ước tính thời gian kiến lập triều Hạ là khoảng vào năm 1900 TCN, muộn hơn so với giới học thuật hiện nay ước tính là năm 2070 TCN. Điều này phù hợp với kết luận mà nhà Hán học người Mỹ David Shepherd Nivison căn cứ vào tinh tượng trong lịch sử đưa ra. Ông cho rằng, năm 1914 TCN, triều Hạ thành lập.

Nếu kết quả khảo cổ này và suy đoán này chính xác, thì việc Đại Vũ trị thủy không phải là truyền thuyết.

Di chỉ Lạt Gia. (Baidu)

Đại Vũ trị thủy

“Sơn hải kinh - Hải nội kinh” có ghi chép: “Hồng thủy ngút trời, Cổn lấy trộm đất Tức nhưỡng để chặn hồng thủy mà không đợi mệnh của Thiên Đế. Thiên Đế lệnh cho Chúc Dung giết chết Cổn ở Vũ Giao. Cổn sinh ra Vũ. Vua lệnh cho Vũ đắp đắt để định Cửu châu”.

Đoạn văn này có nghĩa là: Trên mặt đất xảy ra trận đại hồng thủy. Thiên Thần Cổ chưa được Thiên Đế cho phép, lấy trộm đất tức nhưỡng của Thiên Đế để trị thủy. Tức nhưỡng là loại đất tự sinh trưởng, vốn có thể ngăn chặn hồng thủy, nhưng do Cổn chưa được Thiên Đế sai khiến, tự mình hạ phàm. Thế là Thiên Đế lệnh cho Chúc Dung xử tử Cổn ở Vũ Giao.

Cổn bị Chúc Dung giết chết, trong các sách cổ như “Quốc ngữ”, “Tả truyện”, “Sủ ký”, “Ngũ đế bản kỷ” đều có ghi chép tương đồng. Sau khi Cổn chết, thi thể 3 năm không thối rữa. Sau này, có thể là Chúc Dung dùng Ngô đao mổ thi thể Cổn, Vũ từ thân thể của Cổn chui ra, còn thi thể của Cổn hóa thành con rồng vàng bay đi.

Chúc Dung dùng Ngô đao mổ thi thể Cổn, Vũ từ thân thể của Cổn chui ra, còn thi thể của Cổn hóa thành con rồng vàng bay đi. (Chụp video)

Đại Vũ kế thừa di chí của phụ thân, bắt đầu trị thủy. Lần trị thủy này thành công phi thường. Thiên Đế phái đại thần là Ứng Long trợ giúp. Phục Hy thị và Hà Bá cũng đến tương trợ. Còn có rùa Thần dâng Lạc thư. Cuối cùng, Đại Vũ dựa vào hai phương pháp kết hợp là khơi thông và ngăn chặn, đã thành công khắc phục đại hồng thủy. Mọi người tôn Đại Vũ, người có công trị thủy, lên làm vua.

Từ những miêu tả Đại Vũ trị thủy trong các thư tịch cổ cho thấy, Đại Vũ đục đường dẫn nước, khơi thông sông ngòi, gặp núi mở núi, gặp đá phá đá, dọc đường còn tiêu diệt yêu ma.

Ví như “Hoài Nam Tử” có ghi chép: “Vũ đục phá Long Môn, khai mở Y Khuyết, trị yên thủy thổm, khiến dân có được đất đai”.

Long Môn chính là núi Long Môn ở Lạc Dương, Hà Nam ngày nay. Y Khuyết chính là cổng khuyết trên núi Hương Sơn và núi Long Môn, tức là vùng hang đá Long Môn ngày nay.

Trước khi Đại Vũ trị thủy, giữa núi Hương Sơn và núi Long Môn là liền nhau, và đều gọi là núi Long Môn. Khi nước Hoàng Hà dâng lên ngập khắp nơi, núi Long Sơn chặn đường chảy của nước sông. Đại Vũ đục phá núi Long Môn, khiến nó thành 2 quả núi phía đông và phía tây. Núi phía tây vẫn gọi là núi Long Môn. Còn núi phía đông, sau này vì Võ Tắc Thiên xây chùa Hương Sơn ở đó, nên gọi là Hương Sơn. Giữa 2 quả núi hình thành cổng khuyết gọi là Y Khuyết. Dòng nước sông Y Thủy từ đó chảy qua.

Từ xưa Y Khuyết đã là địa danh quan trọng của Lạc Dương, cũng là chiến trường mà quần hùng tranh giành quyền lực. Tùy Dạng Đế gọi nó là Thiên Khuyết. Triều Bắc Ngụy sau khi dời đô về Lạc Dương, phái quân đội trấn thủ Y Khuyết, đồng thời đục hang tạo tượng ở 2 bên bờ sông Y Thủy. Đó chính là tượng hang đá Long Môn ngày nay.

Ngày nay, con người muốn đào núi mở đường cũng không dễ. Ở thời đại sử dụng công cụ nguyên thủy đó, làm thế nào Đại Vũ lại đào núi thành 2 nửa được?

Thần thú và người khổng lồ

Nếu bạn dùng thuyết tiến hóa để suy nghĩ, thì vĩnh viễn không thể nào tìm được năng lực Đại Vũ trị thủy là từ đâu mà có. Trong các sách cổ có ghi chép: Thiên Đế phái Ứng Long trợ giúp Đại Vũ trị thủy.

Sách “Thuật dị ký” ghi chép rằng: “Thủy hôi (một loài rắn nước) 500 năm hóa thành giao long, giao long 1000 năm hóa thành rồng, rồng 500 năm hóa thành giác long, 1000 năm hóa thành ứng long”.

Ứng Long có cánh, là Thần thú trước bảo tọa của Thiên Đế, nó đã 3 lần hạ phàm. Lần đầu tiên là dâng Hà Đồ cho Phục Hy, lần thứ 2 là trong trận chiến Trác Lộc, nó giúp Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, lần thứ 3 là giúp Đại Vũ trị thủy.

Trong Sơn Hải Kinh, Ứng Long đại biểu cho Thần Mưa. Theo truyền thuyết, chỉ cần trên mặt đất vẽ hình Ứng Long, thì có thể hô mưa gọi gió. Sơn Hải Kinh có ghi chép rằng, Ứng Long dùng đuôi vẽ lên mặt đất thành sông, từng con sông dẫn nước lụt chảy đi. Sông Trường Giang ngày nay cũng là có nguồn gốc từ đây.

Ứng Long còn giúp Đại Vũ tiêu diệt Vô Chi Kỳ, yêu quái khổng lồ dưới sông Hoài. Sau khi Đại Vũ trị thủy thành công, Ứng Long lại dựng Long Môn ở Hoàng Hà, và nói với các loài thủy tộc rằng, bất kể là ai, chỉ cần vượt qua được Long Môn thì có thể hóa thân thành rồng. Từ đó có truyền thuyết “Cá chép vượt Long Môn”.

Ứng Long. (Miền công cộng)

Long Môn giúp Đại Vũ đào sông mở núi, sau đó có rùa Thần cõng đất Tức Nhưỡng để lấp vực sâu. Sách Thượng Thư có ghi chép: "Trời ban cho vua Vũ, sông Lạc xuất hiện Lạc thư, là rùa Thần cõng văn tự xuất hiện, viết trên lưng”.

Ý nghĩa là: Phương pháp Đại Vũ trị thủy là Trời ban cho, do rùa Thần cõng văn tự kỳ lạ xuất hiện ở sông Lạc Thủy, nên gọi là Lạc Thư.

Hà Đồ Lạc Thư sau này trở thành ông tổ của sấm vĩ học thời Đông Hán. Sấm vĩ học chính là tập hợp của sấm ngữ và vĩ thư, là một học vấn người xưa cầu thần xem bói, dự đoán lành dữ. Hà Đồ Lạc Thư được gọi là Thiên Thư.

Giúp Đại Vũ trị thủy còn có tộc người khổng lồ Phòng Phong thị. Người tộc Phòng Phong thị có thai 36 năm mới sinh con. Con cháu của họ đều là người khổng lồ, thân hình cao lớn.

Sách Thuật Dị Ký đề cập rằng, họ “đầu rồng tai trâu, ngay cả lông mày, con mắt cũng dài 3 trượng”.

Trong quá trình Đại Vũ trị thủy, tộc người khổng lồ đã phát huy tác dụng to lớn, ở các vùng như Hàng Châu, Hồ Châu, Đức Thanh, Trường Hưng, An Cát, Thiệu Hưng, Kim Hoa… đều có truyền thuyết về Phòng Phong thị.

Câu chuyện của Phòng Phong thị sớm nhất do chính miệng Khổng Tử nói ra. Sử sách ghi chép rằng, khi nước Ngô đánh nước Việt, chiếm được thành Cối Kê, đã đào được một khúc xương lớn. Khúc xương này cần một cỗ xe mới chở đi được. Mọi người đều không biết đây là xương của vật gì mà lại lớn như vậy, bèn đi hỏi Khổng Tử. Khổng Tử xem rồi nói, đây là xương của Phòng Phong thị.

Khổng Tử nói: “Xưa vua Vũ hội chúng Thần đến núi Cối Kê, Phòng Phong thị đến sau, bị vua Vũ giết”.

Thư tịch thời Tiên Tần như sách Quốc Ngữ, Hàn Phi Tử, và Sử Ký đều có ghi chép về sự kiện này. Sau khi Đại Vũ trị thủy thành công, ông triệu tập Thần Tiên các lộ khai hội ở núi Cối Kê, Phòng Phong thị đến muộn 3 ngày. Để quy chính kỷ cương, Đại Vũ đã trảm Phòng Phong thị.

Ngày nay, ngoài việc chúng ta biết Phòng Phong thị là người khổng lồ ra, còn lại đều không cách nào khảo chứng được nữa. Tuy nhiên, nhân loại tiền sử đã từng là người khổng lồ, việc này trong các loại khảo cổ cũng có những luận chứng liên quan, bao gồm tuổi thọ của nhân loại tiền sử, so với người hiện nay thì lâu hơn nhiều. Do đó, việc Phòng Phong thị có thai 36 năm, việc này có lẽ là do tuổi thọ của họ vốn rất lâu dài, so với sinh mệnh sống vài trăm năm đến nghìn năm mà nói, có thái 36 năm cũng chỉ tương đương với người hiện đại chúng ta có thai 10 tháng.

Đương nhiên, khoa học thực chứng có lẽ sẽ tin đại hồng thủy từng tồn tại, nhưng vẫn chưa thể nào tin vào thời Đại Vũ trị thủy, thực sự là thời đại Nhân - Thần đồng tại (con người và Thần cùng tồn tại).

Trung Hòa
Theo weiyushiguang



BÀI CHỌN LỌC

Thành Pompeii phương Đông bị hồng thủy hủy diệt, tồn tại người khổng lồ và rồng