Thấy gì khi đại gia sa vòng lao lý: Làm giàu có khó hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Mấy ai chê bỏ sự giàu có, nhưng làm đại gia mà phải sa vòng lao lý thì thì cũng đáng lo ngại. Vậy gốc rễ vấn đề là từ đâu và làm giàu có khó hay không?...

Khi đại gia sa vòng lao lý

Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ bắt giữ các đại gia đã từng nổi đình đám, chủ yếu trong giới kinh doanh bất động sản. Thực ra, câu chuyện đại gia sa vòng lao lý cũng không phải bây giờ mới có, chỉ là ngày càng thường xuyên hơn một cách đáng lo ngại. Nếu vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, những vụ án kinh tế của một số đại gia có thể khiến dư luận dậy sóng trong một thời gian dài, thì ngày nay, người ta không quá ngạc nhiên trước thông tin đại gia này, đại gia kia xộ khám.

Bài viết này không có ý tìm kiếm những lý do thuộc hàng “thâm cung bí sử” vốn chỉ là những nguyên nhân bề mặt, không phải bản chất sâu xa của sự việc. Cũng tuyệt đối tránh một thái độ hả hê, vì cảm xúc sẽ che mờ lý trí sáng suốt và công lý chẳng bao giờ có thể được thiết lập dựa trên tình cảm yêu ghét của cá nhân. Mọi việc đều có Nhân - Quả chi phối, và thất bại của tha nhân nên được tận dụng như bài học kinh nghiệm cho những người chứng kiến. Có lẽ đó mới là điều quan trọng hơn hết. Bài viết này chỉ là một góc nhìn từ góc độ Lịch sử, văn hóa và Luật Nhân - Quả.

Đại gia là gì mà bao người mơ ước?

“Đại gia” theo định nghĩa trong từ điển (1) là: “dòng họ lớn có danh tiếng thời trước”. Trong những năm gần đây, “đại gia” hay được hiểu là những nhân vật rất giàu, có thế lực và mạnh về quan hệ.

Đại gia thường có xuất thân là doanh nhân, hay được mô tả là có tài khoản ngân hàng kếch xù; đi siêu xe, thậm chí có máy bay riêng; ra phố ở biệt thự, về quê xây biệt phủ; trong làm ăn quan hệ với giới tai to mặt lớn, trong vui chơi cặp kè với các “chân dài”, và cả những nghệ sĩ nổi tiếng; có ưu thế trong việc tiếp cận nguồn thông tin từ giới quyền quý, và làm những điều mà người bình thường thậm chí không dám nghĩ đến… Đó là tấm gương của nhiều người trẻ, người khởi nghiệp khao khát thành công và khẳng định giá trị bản thân. Bởi vậy, xã hội không ngớt nói về họ, truyền thông cũng khai thác tối đa hình ảnh của họ, càng khiến “đại gia” là một danh xưng đáng thèm muốn của biết bao nhiêu người.

Tất nhiên cũng có người thuộc giới siêu giàu nhưng kín đáo và không có những biểu hiện trên, nhưng họ không phải là đa số.

Doanh Nhân, Hình Bóng, Các Cửa Sổ, Nhìn Ra Ngoài
Có người thuộc giới siêu giàu nhưng kín đáo và không có những biểu hiện trên, nhưng họ không phải là đa số. (Ảnh: Pixabay)

Vì sao thành đại gia?

Trong danh tác “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái, có một đoạn đối thoại giữa Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Huệ - hai chiến lược gia xuất sắc, như sau: “Phép dùng binh có ba điều cốt yếu, một là ‘thời’, hai là ‘thế’, ba là ‘cơ’; ba điều ấy đều có cả thì đánh đâu cũng thắng. Nay ở Bắc Hà, tướng lười binh kiêu, triều đình không còn kỷ cương gì cả, ta thừa thế mà đánh lấy, như trong sách đã nói: ‘Chiếm nước yếu, đánh nước ngu, lấy nước loạn, lấn nước suy vong’. Cơ và thời ấy không nên bỏ lỡ!”.

“Một là thời, hai là thế, ba là cơ”, đạo lý này không chỉ trong binh gia, mà trên thương trường hay nơi đâu cũng vậy. Một người muốn thành công lớn trước hết phải gặp thời, thường có thế lực lớn hậu thuẫn phía sau, và có cơ hội để thể hiện bản thân hay đơn giản là để làm.

Như con diều muốn bay cao phải nhờ có gió, chứ diều không tự mình bay lên được.

Và điều quan trọng bậc nhất, theo văn hóa truyền thống Á Đông, đó là trong bản mệnh của người này có sự thành công, giàu có. Người xưa có câu: “Đại phú do Thiên, tiểu phú do cần”, tức là “muốn giàu có lớn phải là Trời cho, còn chỉ khá giả một chút thì nhờ cần cù tiết kiệm”. Người Việt xưa lại có câu: “có đức mặc sức mà ăn” hay “có phúc ắt có phần”, giàu có lớn là nhờ phúc đức từ đời trước, kiếp trước tích lại, đời này cần nối dài thêm. Đó chính là một thể hiện của luật Nhân - Quả.

"Kinh Nhân Quả ba đời” có viết:

"Giàu sang đều do mạng
Đời trước tu nhân lành
Ai thọ trì lời này
Đời đời phước lộc thâm

Ăn mặc dư giả là nhân gì?
Đời trước cơm nước thí người nghèo

Đời này ngồi tù là nhân gì?
Đời trước thấy nguy mà không cứu...”

Tất nhiên, nỗ lực của tự thân cũng không thể không có, nhưng quy toàn bộ cho tài năng của bản thân thì e rằng tư duy ấy thiếu trưởng thành.

Vì đâu đại gia sa lưới pháp luật?

Cũng có đại gia ít nhiều oan khuất, nhưng nhiều người xộ khám là vì vi phạm pháp luật. Kẻ vì lừa đảo, kẻ lại trục lợi cá nhân, có kẻ tham lam bòn rút của công, lại có kẻ dựa vào thần thế mà tác oai tác phúc, nhiều kẻ gây oán thù khi tranh đoạt với người dân, lắm kẻ tạo bao nhiêu oan khuất nơi công đường… Lừa đảo sẽ có ngày bị vạch mặt; trục lợi cá nhân thì mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng; tham nhũng bòn rút của công thì của Thiên lại trả Địa; cậy dựa thần thế mà thần thế thì nay ở đây mai ở đó bất định, trong khi việc thiện ác đã làm chẳng thể tự mất đi; hại dân thì Trời phạt; gây oan khuất thì đền tội chẳng oan…

Trên cao thường có gió lớn, nếu gốc không vững rễ không sâu thì cây dễ đổ. Đâu là gốc rễ? Đó là đức, đức đã có từ kiếp trước và phải tiếp tục giữ gìn ở đời này.

Nhưng nhiều đại gia xộ khám chưa chắc đã nghĩ thế.

Đang Làm Việc, Nữ Doanh Nhân, Giống Cái, Công Việc
Trên cao thường có gió lớn, nếu gốc không vững rễ không sâu thì cây dễ đổ. Đâu là gốc rễ? Đó là đức, đức đã có từ kiếp trước và phải tiếp tục giữ gìn ở đời này. (Ảnh: Pixabay)

Đại gia nói đạo lý… và hành động thực tế

“Đen thôi, đỏ quên đi”, có nhiều người tự an ủi rằng đây là chuyện đen đỏ, như thể cuộc đời là trò chơi trên chiếu bạc, được ăn cả ngã về không. Nhiều người bảo rằng đã gia nhập cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi, đó là mạnh được yếu thua, thành công ai cũng muốn, nếu mình không làm kẻ khác sẽ làm v.v. Thực ra, đứng trước mỗi sự việc, người ta đều có lựa chọn của riêng mình. Và mỗi lựa chọn đều có tiếng dội lại của nó. Đó là quy luật của vũ trụ, thường không được nhận ra bởi những người chấp mê bất ngộ, dùi mãi vào ngõ cụt.

Khi ở trên đỉnh thành công, lâng lâng trong men say chiến thắng, mấy người đủ tỉnh táo để nhận ra rằng thành công không phải là vì họ tài giỏi hơn người, mà là vì được Trời thương, vì cái phúc phận sẵn có, vì “có đức mặc sức mà hưởng”... và thất bại không phải vì xui xẻo, mà có nguyên nhân sâu xa hơn.

Một đại gia chủ doanh nghiệp bất động sản từng triết lý: “Một doanh nghiệp bất động sản muốn tồn tại và phát triển thì chỉ có con đường duy nhất là phải có đạo, có phúc, là phải làm ra sản phẩm chất lượng tốt nhất”. Nhưng ông ta đã bị bắt với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với số tài sản chiếm đoạt lên đến gần 10.000 tỷ đồng.

Một đại gia khác cũng từng phát biểu: “Tôi giàu có bao nhiêu không quan trọng mà quan trọng là làm giàu chính đáng”. Nhưng cưỡng ép lấy đất của dân ở khắp nơi và đền bù với giá rẻ mạt khiến đời sống của họ điêu đứng khổ sở có phải là làm giàu chính đáng hay không? “Bán chui” số lượng lớn cổ phiếu để trục lợi trên lòng tin của nhà đầu tư có phải là làm giàu chính đáng hay không? Có thể khi tuyên bố điều ấy, đại gia này cũng nghĩ đến sự chính đáng. Nhưng điều quan trọng là liệu có giữ được sự chính đáng? Hay là thỏa hiệp, buông thả theo thói đời hiểm ác hoặc bao biện mỗi khi làm việc bất chính. Lịch sử đã có không ít bài học về phương diện này.

Gia tộc bị tuyệt diệt vì trưởng tộc do dự trước việc làm chính đáng

Hoắc Quang (130 TCN (?) - 21 tháng 4, 68 TCN), là quan đại thần phụ chính của nhà Hán qua mấy đời Hán đế.

Hoắc Quang có người anh cùng cha khác mẹ là danh tướng Hoắc Khứ Bệnh công lao trùm đời, nên từ thời Hán Vũ Đế Lưu Triệt, Quang đã được phong các chức vụ Lâm Quan rồi Tào Quan, Thị trung, Phụng Xa đô úy, Quang Lộc đại phu. Hoắc Quang trở thành cố mệnh đại thần được Hán Vũ Đế giao cho vai trò Phụ chính giúp người con nhỏ của mình là Hán Chiêu Đế Lưu Phất Lăng. Sau khi Hán Chiêu Đế lên ngôi, Hoắc Quang được phong làm Đại tư mã kiêm Đại tướng quân, quyền Bỉnh chính và được phong làm Bác Lục hầu. Sau khi Chiêu Đế mất, Hoắc Quang lập người trong tông thất là Xương Ấp vương Lưu Hạ làm Hoàng đế, nhưng phế truất ông ta chỉ 27 ngày sau và đưa chắt của Hán Vũ Đế là Lưu Tuân lên ngôi, tức là Hán Tuyên Đế. Dưới thời Tuyên Đế, Hoắc Quang vẫn tiếp tục phụ chính thêm 6 năm nữa.

Vợ của Hoắc Quang vì muốn con gái thành Hoàng hậu nên đã sai người hạ độc đương kim Hoàng hậu của Hán Tuyên đế. Hứa Hoàng hậu mất, con gái của Hoắc Quang lên thay. Hoắc Quang dù ít học thức nhưng vốn là người cẩn thận, tinh tường, ra vào cung cấm hơn hai mươi năm chưa từng mắc lỗi. Nhưng lần này ông ta do dự, che giấu cho tội ác của vợ và đồng đảng.

Sau khi Hoắc Quang mất, gia tộc họ Hoắc vẫn tiếp tục phóng túng xa hoa, ngông nghênh càn rỡ làm nhiều việc bất thiện, nhưng Hán Tuyên đế vẫn bỏ qua vì nghĩ đến công lao của Hoắc Quang. Tuy vậy, khi tội danh ám hại Hứa Hoàng hậu và Thái tử Lưu Thích được chứng minh, cả gia tộc họ Hoắc đã bị tru di. Bao nhiêu công lao to lớn, giúp nước an dân, trùng hưng Hán thất… của Hoắc Quang trước đó cũng không cứu được gia tộc của ông ta, rốt lại tai họa diệt tộc cũng bắt đầu từ một hành động không chính đáng.

Ngày nay, người có công lao như Hoắc Quang thì ít, người có hành vi bất chính thì không ít, phúc đức đã tiêu hết, tội nghiệt lại dày thêm, họa ập đến đâu phải vô cớ hay vì xui xẻo mà luận “đen” với “đỏ”.

Một Mình, Sách, Tường Gạch, Đàn Ông, Người, Kinh Thánh
Người có hành vi bất chính thì không ít, phúc đức đã tiêu hết, tội nghiệt lại dày thêm, họa ập đến đâu phải vô cớ hay vì xui xẻo mà luận “đen” với “đỏ”. (Ảnh: Pixabay)

Khôn ngoan không lại với Giời

Có không ít người ôm giữ quan niệm: người ta thất bại chỉ là vì chưa đủ khôn khéo, nếu là mình thì sẽ thi triển thủ đoạn thế này thế khác, đâu có dại gì như đương sự… chứ không nghĩ rằng những việc làm thương luân bại lý, vi phạm luật pháp sớm muộn cũng phải trả giá.

Cũng như việc người ta không xem dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán do virus COVID - 19 là lời cảnh báo của Thiên thượng để con người phải sám hối, tu đức, quy chính nhân tâm… mà lại coi đó là cơ hội để kiếm chác, trục lợi trên sức khỏe, sinh mạng của đồng bào. Nên một đại gia mới nổi, tổng giám đốc của một công ty cổ phần đã cấu kết với đồng đảng ở nhiều cơ quan doanh nghiệp, đến nỗi kéo nhau sa lưới pháp luật vì tội nâng khống giá kit test trên thị trường và chia chác lợi nhuận bất chính. Không những “thổi giá” mà còn lừa đảo dán nhãn “made in Vietnam” trong khi nhập hàng từ Trung Quốc, lại bịa đặt là có chấp thuận sử dụng từ… WHO

Đại gia này từng khẳng định trên báo chí rằng ông ta không cổ xúy cho việc một số doanh nghiệp lợi dụng tình cảm của người Việt với hàng Việt để đẩy giá sản phẩm lên cao:

"Quan điểm của tôi là người Việt dùng hàng tốt giá tốt. Doanh nghiệp sản xuất trong nước phục vụ cho chính người dân của mình. Vậy tại sao phải tăng giá lên cắt cổ người dân mình".

Người Việt ta có câu: “khôn ngoan không lại với Giời”. Làm người thường mà bất chính gây họa một, thì nhân vật quyền thế mà bất chính gây họa trăm, họa nghìn, càng nghĩ mưu cho lắm, càng gây họa cho nhiều bởi dân gian có câu: “mưu càng cao họa càng sâu”.

Giàu mà có đức mới là cái giàu không gây khó

Những Thánh nhân xưa nay không chê sự giàu có, nhưng điều quan trọng là phải giữ được đức. Thánh nhân Socrates của cổ Hy Lạp nói: “Đạo đức - tất cả mọi đạo đức - là kiến thức” hoặc: “Đạo đức là đủ cho hạnh phúc”. Trong khi đó, ở bên kia đại dương, xứ Thần Châu hạo thổ, đức Khổng Tử lại nói rằng: “Giàu và sang, người ta ai cũng muốn, nhưng chẳng phải đạo mà được giàu sang thì người quân tử chẳng thèm. Nghèo và hèn, người ta ai cũng ghét, nhưng chẳng lỗi đạo mà phải nghèo thì người quân tử chẳng bỏ”. (2)

Mong muốn giàu có là mong muốn tự nhiên, không phải là điều gì đáng chê trách. Thậm chí những người giàu có nhờ lao động lương thiện là điều đáng hoan nghênh. Nếu người ấy mang sự giàu có để giúp đỡ người nghèo khổ bất hạnh, chấn hưng văn hóa, giáo dục, tuyên dương đạo đức, nâng đỡ người tài có phẩm hạnh, kiến thiết quốc gia văn minh thịnh vượng v.v. thì còn là việc đáng hoan nghênh hơn nữa. Đồng thời, người ấy vì làm việc thiện, tích đức nên lại càng kéo dài sự hưng vượng của bản thân và gia tộc, để lại phúc dày cho thế hệ sau. Gương xưa, nay hãy cùng soi lại.

Danh thần Phạm Trọng Yêm thời Bắc Tống mua được mảnh đất đẹp, thầy phong thủy nói đất ấy có phong thủy rất tốt, nếu chọn để làm nhà thì chắc chắn trong gia tộc kể từ đó về sau sẽ luôn có người làm quan. Phạm Trọng Yêm nói đại ý rằng: “chỉ một gia tộc hiển quý chẳng bằng người ham học khắp vùng Giang Tô này đều có thể hiển quý”, bèn hiến đất ấy để xây dựng trường cho con em khắp vùng Giang Tô đến học. Trong cuộc sống, Phạm Trọng Yêm luôn luôn đức độ, mực thước, ông cũng nghiêm nghị giáo huấn con em mình lối sống trong sạch, khuyến khích họ làm việc thiện. Nhờ vậy, gia tộc Phạm Trọng Yêm ngày càng phát đạt, phúc đức kéo dài đời này sang đời khác, hưng vượng suốt 800 năm không suy.

Làm giàu có khó hay không? Chỉ khi nào con người lấy đức, lấy nhân nghĩa làm gốc, nhờ vào đó trí tuệ, tài năng, của cải, hạnh phúc sẽ nảy nở tự nhiên như ân phước Trời ban cho người thiện… mới có thể nói rằng: làm giàu không khó.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ

Chú thích:

(1): Theo “Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê 2018”

(2): Theo “Luận Ngữ” của đức Khổng Tử, bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê



BÀI CHỌN LỌC

Thấy gì khi đại gia sa vòng lao lý: Làm giàu có khó hay không?