Thấy gì từ tuyệt chiêu “Gậy ông đập lưng ông” của các họa sĩ Nhật Bản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Pixiv là một website truyện tranh và minh họa lớn nhất Nhật Bản. Còn Vpixiv là một trang web ăn cắp bản quyền của Trung Quốc. Các họa sĩ Nhật Bản đã xuất "tuyệt chiêu" bảo vệ các tác phẩm của mình.

Khắc tinh của kẻ cắp Trung Quốc

Nếu hỏi một người trưởng thành ở bất kỳ quốc gia nào câu hỏi này: “Trên thế giới hiện nay, quốc gia nào làm giả nhiều nhất, trộm cắp bản quyền nhiều nhất?” thì ắt hẳn câu trả lời đa số sẽ là: “Trung Quốc”. Nếu ai đó còn chưa dám chắc, đó là vì họ không biết được Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ sau năm 1949 đã nhồi nhét văn hóa Đảng “Giả - Ác - Đấu” cho người Trung Quốc làm phương châm xử thế thay cho văn hóa truyền thống và đạo đức của cha ông họ.

Ở Trung Quốc ngày nay, người ta có thể làm nhái mọi thứ từ tối tân đến bình dân, trộm cắp mọi điều từ cao cấp đến hạng thấp, gây vô số thiệt hại và quan ngại cho thế giới bên ngoài mà chưa ai biết cách ứng phó ra sao cho thích hợp.

Nhưng cũng không hẳn thế, bất cứ vật gì cũng đều có thể tìm ra vật khắc chế nó, đó là lý tương sinh tương khắc của vũ trụ. Có vẻ như Nhật Bản vẫn luôn là khắc tinh của Trung Quốc, luôn cả trong vấn đề này.

Pixiv trị Vpixiv như thế nào?

Pixiv là một website truyện tranh và minh họa lớn nhất Nhật Bản. Còn Vpixiv là một trang web ăn cắp bản quyền của Trung Quốc, như thể Nhật Bản có xe Honda, thì Trung Quốc cũng có xe Hongda vậy. Vpixiv gần như “bê” nguyên toàn bộ nội dung trên Pixiv, chỉ cần dịch sang tiếng Trung giản thể.

Các họa sĩ của trang Pixiv đã đối phó như thế nào? Họ thêm những từ khóa bị kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc vào sản phẩm của mình. Chẳng hạn như: “Sự kiện Thiên An Môn”, “Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6”, “Quang phục Hồng Kông”, “Trại tập trung Tân Cương”, “Đài Loan độc lập”, v.v. khiến những hình ảnh bị đánh cắp ngay lập tức biến mất trên trang của Trung Quốc.

Thế là từ 22h ngày 3/9, Website trộm cắp Vpixiv đã bị đóng cửa, để lại sau nó những trận cười ngả nghiêng của dân chúng Đại lục.

Một cư dân mạng Trung Quốc nói: “Đoạn tweet hài hước nhất mà tôi thấy hôm nay, là có một trang web vi phạm bản quyền của Pixiv ở xứ sở phép thuật (Nhật Bản), liên tục copy toàn bộ nội dung của họ. Người Nhật đã sử dụng 2 loại phép thuật để tránh bị đánh cắp.”

“Tôi thực sự sẽ chết vì cười trước khi đi ngủ … Giờ đây những từ này đang thịnh hành hàng ngày, khiến các trang web ăn cắp bản quyền phải đóng cửa. Đúng thật là một câu thần chú đầy ma thuật.” (theo trithucvn.org)

Dùng chính cơ chế kiểm duyệt của chính quyền Trung Nam Hải để trị thói trộm cắp được Trung Nam Hải khuyến khích, tuyệt chiêu này của các họa sĩ Nhật Bản quả là vô cùng tinh tế. Phải chăng họ lấy cảm hứng từ chiêu “gậy ông đập lưng ông” nổi tiếng của nhà Mộ Dung Cô Tô?

“Gậy ông đập lưng ông” - tuyệt chiêu của nhà Mộ Dung

Trong trường thiên tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ của văn hào Kim Dung có kể về một gia tộc sở hữu ngón đòn kỳ lạ, đó là nhà Mộ Dung ở Cô Tô với tuyệt chiêu “Đẩu chuyển tinh di” hay còn gọi là “gậy ông đập lưng ông”.

Mộ Dung ở Cô Tô với tuyệt chiêu “Đẩu chuyển tinh di”. (Baidu)

Phàm là nhân sĩ võ lâm bôn tẩu giang hồ, người nào cũng phải thủ sẵn trong mình những tuyệt chiêu của cá nhân hay của môn phái họ. Nhưng khi đối chiêu với nhà Mộ Dung, dù nhân sĩ võ lâm sử dụng bất kỳ tuyệt chiêu nào, chiêu “Đẩu chuyển tinh di” của nhà Mộ Dung cũng sẽ khiến nó quay về tấn công lại chính bản thân họ. Vậy mới gọi là “gậy ông đập lưng ông”. Vô số “ông” đã bị chính “gậy” của mình đập, không thiệt mạng cũng thương tổn, đó cũng là thể hiện của lẽ nhân quả nhãn tiền, hiện thế hiện báo.

Theo logic thông thường, lẽ ra chiêu “Đẩu chuyển tinh di” của các họa sĩ Nhật Bản phải nhắm vào luật bản quyền của quốc gia có người xâm phạm bản quyền của họ mới phải chứ? Tại sao họ lại nhắm vào chính sách kiểm duyệt thông tin của nhà nước Trung Quốc? Bởi vì Trung Quốc đương đại không phải là quốc gia hoạt động theo logic thông thường, hay tuân theo giá trị phổ quát của nhân loại. Những gì là thông thường ở Trung Quốc sẽ là bất thường với các quốc gia văn minh và ngược lại, chính quyền Trung Quốc còn xuất khẩu những điều bất thường ra thế giới là đằng khác, để mong cầu đến một ngày thế giới cùng chung đụng những điều bất thường với họ, mới càng dễ “dậu đổ bìm leo”. Trong câu chuyện này, thế nào là đạo lý thông thường, thế nào là bất thường của Trung Quốc?

“Thông thường” và “bất thường” của chính quyền ĐCSTQ

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, trộm cắp tiền tài bất nghĩa là hành vi bị khinh ghét, lên án, nghiêm trị… đó là đạo lý thông thường và điều đương nhiên phải thế. Đức Khổng Tử trên đường bôn tẩu đã có lúc rất khát nhưng nhất quyết không uống nước suối “Đạo Tuyền” vì cái tên này gắn liền với những sự tích đạo tặc của nó. “Không uống nước Đạo Tuyền” trở thành một điển cố nói lên nhân cách của người chính trực liêm khiết, nhất quyết không dùng thủ đoạn chiếm dụng đồ vật hoặc tiền tài bất nghĩa.

Cổ nhân còn ý tứ đến mức dạy bảo nhau điều này: “Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chính quan”, có nghĩa là: “qua ruộng dưa nhà người thì không cúi xuống sửa giày, đi dưới gốc mận nhà người thì không đưa tay lên chỉnh mũ”, vì như vậy dễ tình ngay lý gian, bị hiềm nghi là kẻ trộm cắp.

Đạo Chích và Thiếu Chính Mão luôn được coi là hai trong số những kẻ đáng khinh bỉ nhất trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đạo Chích thì trộm cướp, chém giết, làm loạn, ăn thịt người… là loại “chân tiểu nhân” điển hình. Thiếu Chính Mão thì thâm hiểm, giả dối, ngụy biện, mê hoặc người theo tà ác, nhưng hùng biện, học nhiều hiểu rộng… nên lại càng nguy hiểm, là loại “ngụy quân tử” tiêu biểu. Nhưng chính quyền ĐCSTQ lại ca ngợi Đạo Chích là “lãnh tụ khởi nghĩa nông dân giàu tính cách mạng nhất”; còn Thiếu Chính Mão được coi là người tiên phong, hiện thân của “tự do ngôn luận”; là dũng sĩ, dám khiêu chiến với Khổng Tử “điên cuồng khôi phục chế độ vua”; là nhà giáo dục, vì tranh đoạt nguồn sống với Khổng Tử mà bị hại… còn Khổng Tử lại bị nói thành “tên lính xung kích của ngục tù văn tự”.

“Đổi trắng thay đen, đổi đen thay trắng”, khi lật nhào xong xuôi hệ giá trị truyền thống thì trộm cắp, cướp đoạt đối với chính quyền Trung Quốc từ điều bất thường đã trở thành đạo lý thông thường.

Theo AFP, tại một sự kiện công khai của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Council on Foreign Relations) ngày 26/4/2019, Giám đốc FBI Christopher Wray phát biểu rằng không có quốc gia nào đặt ra mối đe dọa to lớn và nghiêm trọng đối với Hoa Kỳ bằng Trung Quốc về góc độ tình báo.

Ông nói: “Trung Quốc là người dẫn đầu huy động toàn xã hội ăn cắp, thông qua tất cả các loại hình công ty, trường đại học và tổ chức, làm tất cả mọi thứ có thể để đánh cắp những sáng tạo của chúng tôi, thông qua các cơ quan tình báo Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước, số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân, nghiên cứu sinh và học giả cùng nhiều người khác trở thành người làm việc cho Trung Quốc”.

Phát biểu của ông Christopher Wray đủ đại diện cho thái độ của ngoại giới sau khi trải qua những kinh nghiệm thương đau mà “quốc sách” trộm cắp của Trung Quốc gây ra cho họ trên mọi lĩnh vực.

Thế nào là biến điều bất thường thành thông thường? Một chính quyền lừa gạt, bức hại nhân dân của chính mình trong suốt quá trình tồn tại của nó chính là điều bất thường: gây nạn đói chết hàng chục triệu người trong “Đại Nhảy Vọt”; đàn áp trí thức, tinh anh của văn hóa truyền thống trong phong trào “trăm hoa đua nở” và Đại Cách Mạng Văn Hóa; tắm máu sinh viên ở Thiên An Môn; kìm kẹp cả triệu người Duy Ngô Nhĩ ở các trại tập Trung Tân Cương; đàn áp giết hại người Hong Kong; bức hại Pháp Luân Côngmổ cướp nội tạng người tu luyện, bức tử nhân dân trong đại dịch COVID-19 v.v. Thông thường, sau những tai họa tày trời đó, người dân sẽ có quyền đòi hỏi sự công bằng, cất tiếng kêu oan, hoặc yêu cầu chính quyền nhận lãnh trách nhiệm và bồi thường, thậm chí thay thế một chính quyền mới nhân đạo và hiệu quả hơn. Tuy vậy, chính quyền ĐCSTQ bắt buộc người dân coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra, cấm không được nhắc đến tội ác của ĐCSTQ, đó là biến điều thông thường trở thành bất thường.

Cách mạng Văn hóa là thời kỳ cực tả điên cuồng nhất ở Trung Quốc. Chém giết đã trở thành một cách cạnh tranh để bày tỏ vị trí cách mạng của cá nhân, nên việc tàn sát “các kẻ thù giai cấp” là cực kỳ tàn bạo và độc ác.
Cách mạng Văn hóa là thời kỳ cực tả điên cuồng nhất ở Trung Quốc. Chém giết đã trở thành một cách cạnh tranh để bày tỏ vị trí cách mạng của cá nhân, nên việc tàn sát “các kẻ thù giai cấp” là cực kỳ tàn bạo và độc ác. (Epoch Times)

Còn gì nữa? Trộm cắp bất lương thì chính quyền bao che, còn làm người tử tế thì bị bức hại, đến nỗi các trí thức còn có lương tâm ngày nay ở Trung Quốc phải thốt lên đau đớn: “Ở Trung Quốc, những đứa trẻ trung thực sẽ chịu thiệt thòi”. Đó là biến điều bất thường trở thành thông thường.

Như vậy, đâu chỉ có trộm cắp, bao che trộm cắp và huy động toàn dân trộm cắp những giá trị vật chất hữu hình, thứ có giá trị nhất mà ĐCSTQ trộm cắp được của người dân Trung Hoa xưa chẳng phải là đạo đức, nhân tính và sự lương thiện hay sao?

Bài học từ ngón đòn “gậy ông đập lưng ông” của các họa sĩ Nhật Bản

Tuyệt chiêu vô hiệu hóa trò trộm cắp của các công ty Trung Quốc thật thú vị, đáng được nghiên cứu, đa dạng hóa hình thức triển khai và áp dụng đại trà. Các doanh nghiệp ở ngoại giới từ nay có thể gắn kèm trên sản phẩm của họ những khẩu hiệu tương tự như các nghệ sĩ Nhật Bản đã sử dụng, chẳng hạn như là: “kỷ niệm hãi hùng xx năm Cách Mạng Văn Hóa”; “Thiên An Môn mãi mãi không quên”; “người Tân Cương kêu cứu”; “Ai đã cướp đoạt tự do của người Hong Kong”; “ĐCSTQ chịu trách nhiệm về COVID - 19”; “Death by China”; “Trả lại Tây Tạng cho người Tạng” v.v.

Nếu các doanh nghiệp, cá nhân trộm cắp ở Trung Quốc vẫn còn ngoan cố, có thể sử dụng khẩu hiệu mà ĐCSTQ sợ hãi nhất: “ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công”, “mổ cướp nội tạng người tu Pháp Luân Công”; “bức hại Chân - Thiện - Nhẫn”; “truy tố Giang Trạch Dân vì bức hại Pháp Luân Công”; “Pháp Luân Đại Pháp là tốt, Chân Thiện Nhẫn là tốt” v.v.

Dưới ánh nến trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles, các học viên Pháp Luân Công tổ chức một buổi cầu nguyện cho những người đã chết trong cuộc bức hại của ĐCSTQ vào ngày 15/10/2015. (Ảnh: The Epoch Times)

Bức tường lửa mà rất lâu nay, ĐCSTQ dùng để bưng bít nhân dân của nó và nhân loại sẽ đột ngột bị xuyên thủng một lỗ lớn, trong ngoài sẽ có cơ hội để đối chiếu giữa sự thật và dối trá. ĐCSTQ hẳn sẽ vô cùng lúng túng, như con ma cà rồng quen ẩn náu trong bóng đêm giờ bị phơi mình trước ánh dương quang rực rỡ, bỏng rát.

Giữa chính sách trộm cắp bản quyền và nguy cơ bị phơi bày tội lỗi, chính quyền Trung Nam Hải chỉ có thể chọn một. Mà lựa chọn điều gì thì cũng là tử huyệt của chính nó. Biết đâu đó sẽ là bước ngoặt trọng đại của một thế giới đang mắc kẹt với đại họa “Trung Hoa đỏ”.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Thấy gì từ tuyệt chiêu “Gậy ông đập lưng ông” của các họa sĩ Nhật Bản