Thế gian có những Ông Táo Bà Táo nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 23 tháng Chạp là ngày cúng Ông Táo, đưa ông Táo lên Trời báo cáo với Ngọc Hoàng Đại Đế, đến đêm Giao thừa thì Ông Táo trở lại nhân gian. Đây là tín ngưỡng và tập quán của người dân cả ở Việt Nam và Trung Quốc, họ cho rằng Táo Quân là chức quan được Ngọc Hoàng Đại Đế phái xuống nhân gian để theo dõi việc thiện ác của một gia đình.

Tập quán cúng Ông Táo là gửi gắm mong muốn tốt đẹp trừ tà, tiêu tai, cầu phúc. Ngoài người Việt và người Hoa ra, các nước khác đều không có Táo Quân, Nhật Bản có Thần Bếp Kamado được thờ ở bếp và những nơi dùng lửa, nhưng tính chất giống như Thần Lửa, bảo hộ nông nghiệp, chăn nuôi và gia đình, hoàn toàn không có tục cúng tiễn Táo Quân về Trời.

Táo Quân còn được gọi là Táo Công, Táo Thần, Táo Vương Gia, Táo Quân Tư Mệnh. Trong Đạo giáo gọi Táo Quân là Cửu Thiên Tư Mệnh Định Phúc Đông Trù Yên Chủ Báo Táo Hộ Trạch Chân Quân, gọi tắt là Tư Mệnh Chân Quân, hoặc tôn là Cửu Linh Nguyên Vương Bảo Táo Hộ Trạch Thiên Tôn, Cửu Thiên Vân Trù Giám Trai Sứ Quân, Cửu Thiên Hương Trù Diệu Cống Chân Quân, Định Phúc Táo Quân.

Truyền thuyết Táo Quân ở Việt Nam

Tuy nhiên Táo Quân ở Việt Nam là hai ông Táo và một bà Táo, còn được gọi là hai ông một bà đầu rau hay sự tích Thần Bếp, có khá nhiều dị bản, nhưng cốt chuyện đều khá thống nhất là hai ông một bà, trong đó sự tích phổ biến nhất như sau

1. Trọng Cao - Thị Nhi - Phạm Lang

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:

Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.

Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

cúng ông công ông táo
Táo quân Việt Nam, hình vẽ thế kỷ 19. (Ảnh: Wikipedia)

2. Hai ông một bà Đầu Rau

Có hai vợ chồng nghèo, chồng làm nghề buôn hương, vợ làm ruộng. Chồng thường xa vợ thi thoảng mới về một lần. Có lúc ông ta đi suốt năm chỉ gửi tiền về cho vợ tiêu mà thôi.

Một chuyến chồng đi biền biệt không tiền nong tin tức gì cả, người vợ chờ mãi đến gần mười năm mà vẫn không thấy tăm dạng.

Rồi đó, người vợ nối duyên với một người khác chuyên nghề săn bắn và làm ruộng. Người này có nuôi một người đầy tớ tên là Lốc. Người chồng mới rất yêu quý vợ.

Một hôm, trong khi chồng mới và đầy tớ đi săn vắng thì người chồng cũ đột nhiên trở về sau bao nhiêu năm cách biệt. Ông bị giặc bắt lưu lạc trong rừng núi mãi đến nay mới trốn thoát được. Người vợ chỉ còn biết ôm lấy chồng cũ khóc than rồi dọn cơm rượu cho ăn. Khi chồng mới sắp về, vợ đưa chồng cũ ra ngoài đống rơm để tránh tiếng không hay.

Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm mọi thứ để làm một bữa chén. Trong khi người đàn bà đi vắng thì người đầy tớ đốt đống rơm để thui con cầy. Lửa vô tình đã đốt chết người bán hương đang lúc ngủ say.

Giữa lúc đó thì vợ về. Thấy thế, nàng rất đau đớn, tự coi như mình phạm tội giết chồng cũ, vội nhảy vào đống lửa. Người chồng mới thương vợ đâm đầu vào đó thiêu nốt. Người đầy tớ thương chủ, lại thêm hối hận vì tay mình đốt chết người nên cũng nhảy vào lửa chết theo.

Ba vợ chồng sau đó được Diêm vương cho hóa thành ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa thành cái dùng để chặn đống nhấm, người ta quen gọi là thằng Lốc.

Truyền thuyết Táo Quân ở Trung Quốc

Khác với Việt Nam, Trung Quốc có rất nhiều thuyết về Táo Quân khác nhau, cụ thể như sau:

1. Hoàng Đế

Sách Vật Sự Nguyên Hội cho rằng, Hoàng Đế phát minh ra bếp, sau khi chết làm Táo Thần.

Hoàng Đế được người Hoa coi là ông tổ của họ, là người đã đánh thắng Viêm Đế, và đánh thắng Xi Vưu, thống nhất Trung Nguyên cách đây khoảng 5.000 năm, khởi đầu nền văn minh Trung Hoa. Thế nên nền văn minh Trung Hoa được cho là có lịch sử 5.000 năm. Hoàng Đế là người có công trong việc sáng tạo ra chữ viết, làm nhà, đóng xe thuyền, may được quần áo ngũ sắc, chế kim chỉ nam, làm lịch, y thuật.

2. Viêm Đế

Sách Hoài Nam Tử viết: "Viêm Đế tạo ra lửa, sau khi chết làm Táo". Cao Dụ chú thích: "Viêm Đế dùng Hỏa đức quản lý thiên hạ, sau khi chết được thờ cúng làm Táo Thần.

Viêm Đế tức Thần Nông, được cả người Hoa và người Việt coi là Thủy Tổ, là ông tổ nông nghiệp, người đã dạy dân trồng ngũ cốc và chế tạo ra cày bằng gỗ, ông tổ nghề gốm sứ và nghề y dược. Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, phần lời tựa của Ngô Sĩ Liên chép: "Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ Lĩnh, thế là trời đã phân chia giới hạn Nam–Bắc. Thuỷ tổ của ta là dòng dõi họ Thần Nông, thế là trời sinh chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương".

Vị Viêm Đế cuối cùng thua trận Xi Vưu nên đã đầu hàng, về đầu quân cho Hoàng Đế.

táo quân 2
Táo Quân Trung Hoa. (Ảnh: Wikipedia)

3. Chúc Dung

Sách Chu Lễ Thuyết viết: "Chuyên Hiệt có cháu trai là Lê, là Thần lửa Chúc Dung, được thờ làm Táo Thần".

Theo truyền thuyết, Chúc Dung chính là vị Thần Lửa phụng mệnh Thiên Đế giết Cộng Công, Cổn thời Đại Vũ trị thủy, và trợ giúp nhà Thương diệt nhà Hạ.

4. Bà lão Tiên Xuy

Sách Nghi Lễ của Khổng Dĩnh Đạt cho rằng: Táo Thần không phải Thần lửa, cũng không phải người phát minh ra bếp, mà là một bà lão cai quản bếp núc tên là Tiên Xuy.

5. Trương Đan

Trong dân gian dân tộc Hán có lưu truyền Trương Đan lấy vợ là Đinh Hương, nàng rất hiếu kính với cha mẹ chồng. Sau này Trương Đan đi xa kinh doanh phát tài, phải lòng cô kỹ nữ Hải Đường nên trở về nhà ly hôn Đinh Hương. Đinh Hương lấy con trai bà cụ đốn củi nghèo khó. Hải Đường thích ăn ngon mặc đẹp, lười lao động, lỡ tay để lửa cháy hết cả gia sản, thế là vứt bỏ Trương Đan tái giá. Trương Đan đành phải lưu lạc xin ăn. Ngày 23 tháng Chạp, ông đến nhà Đinh Hương xin cơm, sau khi bị vợ cũ nhận ra, ông xấu hổ quá chui vào bếp lò và chết ngạt trong đó. Do ông và Ngọc Hoàng Đại Đế là người có duyên, vốn người cùng họ Trương, nên được Ngọc Hoàng Đại Đế phong làm Táo Vương.

6. Trương Khuê và Cao Lan Anh

Bình nguyên Ký Châu (Hà Nam Hà Bắc ngày nay), nhà nhà đều thờ Táo Vương, dán tranh chân dung Táo Vương gồm Táo Vương Gia (Ông Táo) và Táo Vương Nãi (Bà Táo). Tương truyền Táo Vương Gia và Táo Vương Nãi chính là Trương Khuê và phu nhân Cao Lan Anh được Khương Tử Nha phong làm Thần trong "Phong Thần diễn nghĩa".

Như vậy, Táo Quân Trung Quốc không cố định, có nhiều nhân vật được thờ làm Táo quân. Tuy nhiên hiện nay, dân gian Trung Quốc phổ biến thờ Táo Quân theo truyền thuyết Trương Đan, hoặc Ông Táo Trương Khuê và Bà Táo Cao Lan Anh ở vùng Hà Nam, Hà Bắc, Trung Quốc. Hình tượng Táo Quân mà người Hoa thờ cúng là một Ông Táo, hoặc là một Ông Táo và một Bà Táo, còn người Việt thờ cúng là hình tượng hai Ông Táo và một Bà Táo.

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Thế gian có những Ông Táo Bà Táo nào?