Thi Tiên Lý Bạch - Bài 1: Thanh Liên cư sĩ trích Tiên nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem khắp thơ đàn cổ điển Trung Hoa, Lý Bạch là cái tên vang vọng nhất, là ngôi sao rực rỡ nhất. Thơ như thế nào, cảnh giới như thế nào mới xứng danh với tên gọi "Thi Tiên"?

Triêu từ Bạch Đế thái vân gian,
Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn.
Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trú,
Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.
(Tảo phát Bạch Đế thành)

Dịch thơ (Tản Đà):

"Sớm ra Bạch Đế thành mây,
Giang Lăng nghìn dặm một ngày về luôn,
Hai bờ tiếng vượn véo von,
Thuyền nan đã vượt núi non vạn trùng".

Ta đi thuyền trên dòng Trường Giang, chứng kiến cuộc du ngoạn phóng khoáng, ngâm vịnh thơ bay bổng, chuyển tải hùng tâm tráng chí của Thi Tiên. Câu từ của Lý Bạch hội tụ sự lãng mạn, mỹ lệ, hùng tài và mới mẻ: có lúc hoành tráng như dòng nước Hoàng Hà cuồn cuộn, có lúc lại kỳ ảo như biển mây mù mịt, có lúc thanh đạm trang nhã như bông cúc nhỏ mùa thu, có lúc nhẹ nhàng thoát tục long lanh như vầng trăng sáng, chiếu sáng muôn vạn hào khí thời Thịnh Đường...

Ngàn năm độc bộ

Hứng say, bút chuyển núi cao;
Thơ xong, cười cợt rạt rào bãi sông.
("Giang thượng ngâm", nguyên văn: Hứng hàm lạc bút dao ngũ nhạc, thi thành tiếu ngạo lăng thương châu).

Xem khắp thơ đàn cổ điển Trung Hoa, Lý Bạch là cái tên vang vọng nhất, là ngôi sao rực rỡ nhất. Thơ như thế nào, cảnh giới như thế nào mới xứng danh với tên gọi "Thi Tiên"?

Lý Bạch sinh năm 701 ở làng Thanh Liên, huyện Xương Long, Cẩm Châu, tỉnh Tứ Xuyên (tức thị trấn Thanh Liên, thành phố Giang Du ngày nay), quê tổ ở Tây Thành Kỷ (huyện Tần An, thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc ngày nay). Cả đời, Lý Bạch đã du ngoại quá nửa mảnh đất Trung Hoa rộng lớn. Tuổi trung niên, ông đã từng nhậm chức quan Hàn lâm. Do không chịu a dua quyền quý nên ông đã rời thành Trường An để tiếp tục du ngoạn. Những năm cuối đời, Lý Bạch bị khép tội, giam trong nhà ngục vì tham gia mạc phủ của Vương Lý Lân, trên đường đi đày thì được đặc xá. Sau đó phiêu bạt khắp nơi, cuối cùng đến ở với người chú trong gia tộc là Lý Dương Băng, huyện lệnh huyện Đương Đồ, An Huy. Tháng 11 năm 762, Lý Bạch qua đời vì bệnh, trước khi lâm chung, ông đem hàng vạn quyển sách viết tay phó thác cho Lý Dương Băng.

Lý Dương Băng đã không phụ sự phó thác, đem những thơ văn này biên tập thành sách "Thảo đường tập", đồng thời viết lời tựa, tóm tắt thuật lại gia tộc, cuộc đời của Lý Bạch, ca ngợi thành tựu văn học của ông là "ngàn năm độc bộ, duy nhất mình ông". Lý Dương Băng còn nói: văn từ của Lý Bạch, đại đa số là giống như những lời của Thần Tiên trên trời. (Cố kỳ ngôn đa tự Thiên Tiên chi từ).

Đại thi nhân Đỗ Phủ ca ngợi Lý Bạch rằng:

"Vung bút: mưa gió nổi
Thành thơ: quỷ thần sầu".
(Nguyên văn: Bút lạc kinh phong vũ, thi thành khấp quỷ thần).

"Lý Bạch thơ vô địch,
Phiêu du ý phi phàm"
(Nguyên văn: Bạch dã thi vô địch, phiêu nhiên tứ bất quần).

Tiền Dị đời nhà Tống đã viết trong "Nam bộ tân thư", ca ngợi Lý Bạch rằng: "Lý Bạch là thiên tài tuyệt đỉnh" (Lý Bạch vi thiên tài tuyệt).

Khuất Phục, thi nhân đời Thanh đã miêu tả Lý Bạch rằng: "khí phách phiêu dật ngang lưng trời" (dật khí hoành không).

Thi nhân nổi tiếng Hạ Tri Chương khi gặp Lý Bạch ở Trường An đã nói: "Ông là ông Tiên bị giáng đày" (Tử, Trích Tiên nhân dã). Người đời sau vì thế đã tôn sùng Lý Bạch là "Thi Tiên".

Hình: "Lý Bạch - Tranh chân dung bán thân các Thánh hiền các triều đại" - hiện lưu giữ ở Bảo tàng Quốc lập Cố Cung Đài Bắc.
"Lý Bạch - Tranh chân dung bán thân các Thánh hiền các triều đại" - hiện lưu giữ ở Bảo tàng Quốc lập Cố Cung Đài Bắc. (Ảnh miền cộng đồng)

Danh, tự, và hiệu có ngụ ý riêng

Theo sử sách ghi chép, dung mạo và tài hoa của Lý Bạch khiến Hạ Tri Chương kinh ngạc khen là thần kỳ. Hạ Tri Chương sau khi đọc bài thơ "Thục đạo nan" (đường đất Thục gian nan) đã nhướng cặp lông mày lên nói với Lý Bạch rằng: "Ông không phải là người trong nhân thế, chẳng phải Thần Tiên ở sao Thái Bạch đó sao?".

Vậy thì giữa Lý Bạch và sao Thái Bạch có quan hệ như thế nào?

Lý Dương Băng đã thuật lại trong "Thảo đường tập tự" rằng: vào đêm Lý Bạch ra đời, mẫu thân ông mộng thấy sao Trường Canh rơi vào bụng. Trường Canh tức là sao Thái Bạch Kim Tinh, do đó bà đặt tên cho con trai là Bạch, ngụ ý Thái Bạch.

Thái Bạch Kim Tinh là ngôi sao xuất hiện sớm nhất, sáng nhất ban đêm, cũng là một vị Thần Tiên rất nổi tiếng của Đạo giáo. Mộng thấy sao này tức là điềm lành. Mọi người cho rằng, Lý Bạch là hóa thân của Thái Bạch Kim Tinh. Có học giả đời sau đánh giá ông là: tinh tú trên trời, tinh anh dưới đất.

Chúng ta cùng xem biệt hiệu của Lý Bạch: "Thanh Liên cư sĩ". "Thanh liên" là một loài hoa, vốn có nguồn gốc từ Tây Vực, trắng đen rõ ràng, không nhiễm bụi trần. Tiếng Phạn gọi là hoa Ưu Bát La (utpala), cũng có tên là hoa Ưu Đàm Bà La (udumbara). Kinh Phật nói rằng: Khi hoa Ưu Bát La nở thì "Vị vương của vạn vương" - Chuyển Luân Thánh Vương sẽ đến thế gian phổ độ chúng sinh.

Lý Bạch tự ví mình là Thanh Liên, là biểu đạt tâm chí cao khiết vượt ngoài cõi hồng trần, phải chăng cũng đã tiết lộ nguồn gốc sâu xa của ông với Chuyển Luân Thánh Vương của Phật gia? Thực tế cũng là để nhắc nhở mọi người, không được quên tin tức mà hoa Ưu Bát La truyền đạt.

Ngoài ra, trong một số bài thơ, Lý Bạch cũng đã nói rõ bí mật thân thế của ông, chỉ là người đời sau đại đa phần coi là tưởng tượng, là mê tín mà không chú ý đến hoặc không coi trọng.

Ví như bài thơ "Đáp Hồ Châu Ca Diếp Tư Mã vấn Bạch thị hà nhân" (Trả lời Ca Diếp Tư Mã Hồ Châu hỏi Lý Bạch là ai) đã viết rằng:

Thanh Liên cư sĩ Trích Tiên nhân,
Tửu tứ tàng danh tam thập xuân.
Hồ Châu tư mã hà tu vấn ?
Kim Túc Như Lai thị hậu thân.

Dịch thơ (Phan Kế Bính):

Thanh Liên Cư sĩ Trích Tiên đây,
Ba chục năm giời tỉnh lại say.
Tư Mã Hồ Châu bằng muốn hỏi,
Như Lai Phật ấy tức thân này.

Ở đây, Lý Bạch tự xưng là Trích Tiên, đồng thời trực ngôn ông là "Kim Túc Như Lai" chuyển thế. Thần Tiên trên Thiên Thượng hạ phàm, Như Lai của Phật gia chuyển thế, nguồn gốc của thi nhân thực sự không phải bình thường.

Hình: Dưới kính hiển vi phóng đại 400 lần, hoa Ưu Đàm Bà La và cuống hoa hiện rõ trong suốt.
Dưới kính hiển vi phóng đại 400 lần, hoa Ưu Đàm Bà La và cuống hoa hiện rõ trong suốt. (Ảnh: Chun An / Epochtimes.com)

Thiên tài tinh anh, chí ở bốn phương

Lý Bạch có thiên tư hơn người, từ nhỏ đã đọc hết thi thư, "Năm tuổi thông Lục giáp, 10 tuổi xem Bách gia". Lục giáp chính là lịch pháp học tính toán ngày tháng, còn Bách gia chính là các trước tác của Bách gia chư tử. Khi còn nhỏ, phụ thân ông là Lý Khách đã để ông đọc thuộc "Tử hư phú" - tác phẩm nổi tiếng của Tư Mã Tương Như, nhà từ phú đời Tây Hán. Khi 15 tuổi, Lý Bạch đã viết được rất nhiều thơ phú, ví như tập "Minh đường phú".

Nói đến tài hoa của Lý Bạch, chúng ta hãy xem hai điển cố nổi tiếng: "Mộng bút sinh hoa" và "Mài sắt nên kim":

Vương Nhân Dụ, nhà Hậu Chu đời Ngũ Đại đã ghi chép câu chuyện trong sách "Khai Nguyên Thiên Bảo di sự" rằng: Lý Thái Bạch tuổi thiếu thời, mộng thấy trên đầu cây bút ông dùng mọc bông hoa, sau này tài năng tràn đầy, nổi danh thiên hạ. Đây chính là xuất xứ câu thành ngữ "Diệu bút sinh hoa".

Mục "Ma châm khê" phần "My Châu" sách "Phương dư thắng lãm" có ghi chép rằng: Lý Thái Bạch khi đọc sách ở núi Tượng Nhĩ, vào một ngày nọ trốn học đi chơi. Khi ông đi qua một con suối nhỏ thì trông thấy một bà lão đang mài cái chày sắt dùng để giã gạo trên tảng đá ven suối. Lý Bạch hiếu kỳ hỏi: "Lão bà đang làm gì vậy?"; Bà lão trả lời rằng: "Muốn mài nó thành cây kim". Lý Bạch không hiểu hỏi: "Chày sắt có thể mài thành kim ư?". Cụ bà nói: "Chỉ cần công phu thâm sâu". Lý Bạch nghe xong rất chấn động, liền quay lại lên núi khắc khổ học tập, nghiệp học có bước tiến dài. Bà lão này tự xưng là họ Vũ, do đó ngày nay ở bên cạnh suối Ma Châm Khê (Suối Mài Kim), còn có một hòn đá, gọi là Vũ Thị Nham (Đá Bà Vũ).

Lý Bạch thuở thiếu niên thích gì?

- “Thập ngũ quan kỳ thư, tác phú lăng Tương Như” (15 tuổi xem được sách kỳ lạ, làm thơ phú vượt cả Tương Như) - (trích: Tặng Trương Tương Cảo).

- "Thập ngũ hiếu kiếm thuật, biến can chư hầu" (15 tuổi thích kiếm thuật, yết kiến khắp chư hầu) - (trích: Dữ Hàn Kinh Châu thư).

- "Thập ngũ du Thần Tiên, Tiên du vị tằng yết" (15 tuổi ngao du Thần Tiên, du Tiên chưa bao giờ ngừng) - (trích: Cảm hứng bát thủ chi ngũ)

Xem kỳ thư, thích kiếm thuật, ngao du Thần Tiên, văn tài sánh ngang Tư Mã Tương Như, Lý Bạch tuổi thiếu niên mà đã được giới thượng lưu trong xã hội chú ý và tán thưởng.

Theo lời tự thuật của Lý Bạch, ông đã từng ẩn cư ở núi Mân Sơn cùng với ẩn sĩ Đông Nham Tử, nhiều năm không vào kinh thành. Ở trong núi sâu, họ nuôi hơn 1000 con chim lạ. Những con chim này nghe tiếng gọi thì bay đến đỗ lên lòng bàn tay họ lấy thức ăn. Thái thú Quảng Hán nghe được chuyện lạ này liền đích thân đến nơi ở của Lý Bạch trong núi để xem. Thái thú cho rằng: Lý Bạch và Đông Nham Tử có Đạo thuật, nên muốn tiến cử họ tham gia kỳ thi Đạo khoa, nhưng hai người khéo léo từ chối.

Lý Bạch chí ở núi xanh, đạm bạc thanh tịnh, tuy không đi con đường khoa cử nhưng trong lòng ông ôm chí lớn báo đáp quốc gia, hy vọng có ngày thi triển hùng tâm tráng chí.

Năm Khai Nguyên thứ 6 (năm 718), sau khi rời núi Tượng Nhĩ, Lý Bạch ẩn cư ở núi Đại Khuông đọc sách. Trong thời gian này, Lý Bạch thường đến Bàng Quận, lần lượt du ngoạn Giang Du, Kiếm Các, Tử Châu... đã tăng trưởng rất nhiều kiến thức.

Đại thể có một thời gian khoảng một năm Lý Bạch theo Triệu Nhuy, một Tung hoành gia nổi tiếng để học thuật Tung hoành. Triệu Nhuy viết sách "Trường đoản kinh", nói về đạo lý trị quốc an bang. Sau khi xem bộ sách này, Lý Bạch hâm mộ danh tiếng tìm đến. Hai người Triệu - Lý vừa là thầy trò vừa là bằng hữu, được liệt vào "Hai kiệt nhân đất Thục" đời Đường, mọi người ca ngợi: "Triệu Nhuy thuật số, Lý Bạch văn chương".

Mùa xuân năm Khai Nguyên thứ 9 (năm 721), cựu Thị lang Bộ Lễ là Tô Đĩnh được bổ nhiệm làm Trưởng sử Phủ Đại đô đốc Ích Châu (Thành Đô ngày nay). Đương thời, Lý Bạch ở tuổi nhược quan (20 tuổi - ND) đem thơ văn đến cầu kiến Tô Đĩnh. Sau khi gặp Lý Bạch, Tô Đĩnh ca ngợi ông với các quan rằng:

"Chàng trai này thiên tài tuấn lệ, hạ bút không ngừng, tuy phong lực chưa thành nhưng cũng đã thấy được cốt cách chuyên xa. Nếu mở rộng thêm học vấn thì có thể sánh với Tương Như". Đó là nói tài năng Lý Bạch sánh với Tư Mã Tương Như.

Năm Khai Nguyên thứ 12 (năm 724), Lý Bạch cáo biệt cố hương khởi đầu cuộc ngao du. Trước khi khởi hành, ông đã viết bài thơ "Biệt Khuông Sơn", đã biểu đạt chí hướng lớn lao của mình:

Mạc quái vô tâm luyến thanh cảnh
Dĩ tương thư kiếm hứa minh thời

Dịch thơ:

Chớ trách vô tâm với cảnh thanh
Nguyện đem thư kiếm báo minh quân

"Minh thời" là chỉ thời đại có nền chính trị khai sáng. Lý Bạch chí ở bốn phương, quyết tâm hiến dâng văn tài võ nghệ của mình cho giang sơn Thịnh Đường.

Hình: Tranh "Lý Bạch phỏng Đới Thiên Sơn Đạo Sĩ bất ngộ thi" của Lý Lưu Phương đời Minh
Tranh "Lý Bạch phỏng Đới Thiên Sơn Đạo Sĩ bất ngộ thi" của Lý Lưu Phương đời Minh. (Ảnh miền cộng đồng)

Bài phú "Chim đại bằng" nổi danh thiên hạ

Trước tiên, Lý Bạch du ngoạn Thành Đô, núi Nga My. Mùa xuân năm sau (năm 725), Lý Bạch một mình ra khỏi Tứ Xuyên, "chống kiếm rời bang quốc, biệt thân bước viễn du". Đi đến Giang Lăng ở Hồ Bắc, ông gặp ẩn sĩ Nguyên Đan Khâu, đồng thời thông qua Đan Khâu kết giao với Tư Mã Thừa Trinh, một cao Đạo đời Đường đi qua nơi này.

Tư Mã Thừa Trinh hiệu là Bạch Vân Tử, là vị tông sư đời thứ 12 của tông Mao Sơn phái Thượng Thanh của Đạo giáo. Tư Mã Thừa Trinh vốn ẩn cư tu Đạo ở núi Thiên Thai, Chiết Giang, đã từng được 3 đời hoàng đế là Võ Tắc Thiên, Duệ Tống và Huyền Tông triệu kiến. Tư Mã Thừa Trinh không những Đạo thuật tinh thông mà cầm, kỳ, thư, họa đều có trình độ rất cao. Huyền Tông vô cùng tôn kính Tư Mã Thừa Trinh, đã từng vời ông đến nội điện, thỉnh giáo Đạo pháp, đồng thời xây dựng Dương Đài Quán ở núi Vương Ốc, Hà Nam cho ông. Em gái Huyền Tông là Công chúa Ngọc Chân còn bái Tư Mã Thừa Trinh làm thầy.

Khi gặp Lý Bạch, Tư Mã Thừa Trinh tuổi đã gần 80, danh tiếng vang khắp thiên hạ, còn Lý Bạch đang ở tuổi thanh xuân, phong tư tuấn kiệt. Tư Mã Đạo nhân thấy Lý Bạch khí vũ hiên ngang, rồi lại đọc thơ văn Lý Bạch thì càng kinh ngạc, ca ngợi Lý Bạch "có Tiên phong Đạo cốt, có thể cùng Thần du ngoài Bát cực".

Lý Bạch được nhất đại tông sư tán thưởng, phấn chấn, liền viết bài phú "Chim đại bằng gặp chim hiếm". Đây là trước tác thành danh đầu tiên của Lý Bạch. Ông ví mình là chim đại bằng, ví Tư Mã Thừa Trinh là chim hiếm, nói lên tình cảm hào hùng đầy ắp trong lòng, mong đợi một ngày giương cánh bay vọt lên trời cao.

Bài văn phóng khoáng dạt dào, khí thế hùng hồn. Lý Bạch đã phát huy đến cùng cực sức tưởng tượng kỳ diệu tuyệt vời, hình tượng và ví von tinh tế:

"Lừng lẫy vũ trụ, bay vút cao vượt Côn Luân. Mỗi lần vỗ cánh, khói mây mù mịt, đất cát mịt mù. Ngũ Nhạc vì vậy mà rung chuyển sụp đổ, trăm sông vì vậy mà xô đổ sụp bờ đê".

Hùng tư của đại bằng không gì sánh nổi, rung động vũ trụ. Đằng sau hình tượng này, thi nhân trút cả chí khí át mây trời cao hơn cả trời xanh. Đương thời, Lý Bạch quả thực như cánh chim đại bằng, khát vọng xông vọt trời mây, bay liệng bốn biển, thi triển thân thủ.

Hình: "Đại bằng phú (và lời tựa)" của Lý Bạch

Năm 727, Lý Bạch đến An Lộc, Hồ Bắc, được Đô đốc An Châu là Mã Chính Hội và Trưởng sử Lý Kinh Chi tiếp kiến. Mã Chính Hội liền ca ngợi Lý Bạch là "kỳ tài", và nói với Lý Kinh Chi rằng: "Văn chương Lý Bạch, thanh khiết, hùng thế và phóng khoáng, chương hay lời đẹp, dạt dào dâng đầy, sáng trong thấu triệt, từng câu cảm động lòng người".

Cũng trong năm đó, Lý Bạch đã viết "Đại Thọ Sơn đáp Mạnh Thiếu Phủ di văn thư", ông dùng thủ pháp nhân cách hoá, dùng lời của Thọ Sơn để nói lên hoàn bão trong lòng. Ông viết rằng: "Đàm luận Quản, Yến, mưu thuật đế vương. Phấn chấn trí năng, nguyện làm phò trợ, khiến bốn cõi yên đinh, bốn biển trong xanh. Đạo thờ vua thành, nghĩa vẻ vang mẹ cha tận, sau đó cùng Đào Chu (tức Phạm Lãi - ND) Lưu Hầu (tức Trương Lương - ND) bơi thuyền nơi Ngũ Hồ, đùa vui chốn Thương Châu, chẳng có gì là khó cả".

Lý Bạch đã bày tỏ rõ tâm nguyện: ông mong muốn phò tá quân vương, khiến thiên hạ an định. Sau khi thành tựu đại nghiệp, ông muốn như Phạm Lãi, Trương Lương, công thành thân thoái, tiêu dao ẩn cư với non xanh nước biếc.

(Còn nữa)

Hoàng Mai

Theo: Nhóm Văn hóa - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thi Tiên Lý Bạch - Bài 1: Thanh Liên cư sĩ trích Tiên nhân