Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (10): Kinh Kha hành thích Tần Vương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phần 9 nhắc đến chuyện đại tướng Lý Tín đem quân truy đuổi và lấy được thủ cấp của Thái tử Đan - người chủ mưu trong vụ “Kinh Kha hành thích Tần Vương”. Câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào? Chúng ta hãy cùng ngược dòng lịch sử trở lại khoảng thời gian trước khi Tần thống nhất Trung Nguyên.

Xem lại phần 9: Tần Vương diệt Sở
Xem lại bài giới thiệu (có link các phần): Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng

Thái tử Đan

Thái tử Đan là người nước Yên, tên thật là Cơ Đan, cha ông là Yên Vương Hỷ - vị quân chủ cuối cùng của nước Yên.

Khi ấy nước Tần đem quân đến vùng Sơn Đông chinh phạt các nước chư hầu, thế quân áp đảo ngày càng tiến gần về phía Yên. Tần hùng mạnh, Yên nhỏ yếu, cứ đà này sớm muộn Yên cũng sẽ bị tiêu diệt. Thái tử Đan nhận thấy rằng muốn kháng Tần thì cần sáu nước cùng “hợp - tung”, nhưng để thực hiện điều ấy lại mất rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, vì mỗi nước vẫn còn tư tâm nên kế hoạch vẫn mãi không thành. Do đó, ông mới nghĩ đến biện pháp chiêu mộ thích khách, tìm người ám sát Tần Vương.

Thông qua lời giới thiệu của Điền Quang, Thái tử Đan bèn tìm đến Kinh Kha, một bậc hào kiệt rất có khí phách lúc bấy giờ.

Thái tử Đan đối đãi với Kinh Kha vô cùng trọng hậu, cung kính tôn Kinh Kha làm Thượng khanh, cung cấp cho ông nơi ở tốt nhất, sơn hào hải vị ngon nhất. Thái tử Đan ngày ngày đến thăm Kinh Kha, lại thường xuyên dâng tặng kỳ trân bảo vật, ngựa xe, mỹ nữ… tìm mọi cách thỏa mãn tâm ý của Kinh Kha.

Có câu chuyện kể rằng, một lần đi dạo bên bờ hồ, Kinh Kha tiện tay nhặt một viên đá ném xuống nước. Thái tử Đan thấy vậy, liền gọi người bưng khay vàng tới để tráng sĩ ném hồ. Lần khác, Thái tử Đan mở tiệc chiêu đãi, các cung nữ gảy đàn ca múa rộn ràng. Kinh Kha cao hứng, khen bàn tay của một cung nữ. Một lúc sau có người dâng lên Kinh Kha chiếc khay phủ khăn gấm, thì ra bên trong đựng hai bàn tay của người cung nữ kia. Giai thoại này từng được nhà thơ Nguyễn Bính nhắc đến qua hai câu thơ trong bài “Hành phương Nam”:

“Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?”

Tráng sĩ một đi không trở về

Sau khi Tần quốc phá được Triệu và bắt được Triệu Vương, đại quân Tần lại tiến lên phía bắc đến biên cảnh phía nam của Yên, trực tiếp uy hiếp nước Yên. Trước tình hình ấy, thái tử Đan vô cùng lo lắng bèn đến gặp Kinh Kha và nói: “Quân Tần sớm muộn cũng qua sông Dịch, ta muốn giữ túc hạ ở lại lâu e cũng không được nữa”.

Kinh Kha đáp: “Nay thần ra đi mà lại không có tín vật gì để vua Tần tin, như thế không có cách nào đến gần vua Tần được. Phàn tướng quân bị vua Tần treo giá ngàn cân vàng, ban ấp vạn gia, vậy thần xin được đem đầu Phàn tướng quân cùng bản đồ vùng Đốc Kháng dâng lên cho vua Tần. Vua Tần tất hài lòng và cho thần đến gần, khi ấy thần mới báo ơn Thái tử được”.

Sau khi có được thủ cấp của Phàn Ô Kỳ và bản đồ Đốc Kháng - vốn là nơi trù phú đông đúc nhất của nước Yên, Thái tử Đan lại sai người tìm kiếm khắp thiên hạ, mua được thanh đoản kiếm sắc bén của một người nước Triệu họ Từ, tên là Phu Nhân. Cây chủy thủ đã ngâm tẩm thuốc độc, chỉ cần chạm vào da thịt và chảy ra một chút máu là người ấy sẽ lập tức mất mạng. Xong xuôi, thái tử lại cử một dũng sĩ có tiếng của nước Yên tên là Tần Vũ Dương đi theo trợ giúp cho Kinh Kha.

Ngày lên đường, thái tử cùng các tân khách mặc quần trắng, áo trắng, mũ trắng, đến bờ sông Dịch Thủy đưa tiễn tráng sĩ. Trong đó có một người bạn thân thiết của Kinh Kha ở nước Yên tên là Cao Tiệm Ly - chính là người đã cùng ông “giữa chợ sầu nghiêng chén” trong câu thơ của Nguyễn Bính. Hôm ấy Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc, Kinh Kha xướng họa, tiếng đàn se sắt lạnh lùng khiến những tân khách tiễn đưa ai nấy đều sụt sùi rơi lệ.

Bài ca rằng :

“Phong tiêu tiêu hề, Dịch Thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn”

(Gió hiu hắt chừ, Dịch Thuỷ lạnh
Tráng sĩ ra đi chừ, không trở về)

Sau đó, Kinh Kha lên xe đi thẳng một mạch, không ngoái đầu nhìn lại.

Cao Tiệm Ly gảy đàn trúc, Kinh Kha xướng họa, tiếng đàn se sắt lạnh lùng khiến những tân khách tiễn đưa ai nấy đều sụt sùi rơi lệ. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

“Đồ cùng chủy hiện”

Sau khi đến nơi, Kinh Kha đem ​​lễ vật hậu hĩnh trị giá ngàn vàng biếu cho sủng thần của vua Tần là Trung thứ tử Mông Gia. Mông Gia đến gặp mặt Tần Vương và nói: “Vua Yên kính sợ uy đức của đại vương, tình nguyện theo đại vương làm thần dân của nước Tần, cống nạp thuế giống như một quận huyện, chỉ cầu có thể giữ vững tông miếu tổ tiên. Vì để biểu thị thành ý, Yên Vương phái một trọng thần là Kinh Kha mang đầu của Phàn Ô Kỳ cùng với địa đồ vùng Đốc Kháng đến bái kiến đại vương. Sứ giả hiện đang ở phủ của thần đợi đại vương triệu kiến”.

Tần Vương nghe lời Mông Gia nói thì vô cùng cao hứng, bèn mặc lễ phục lên triều, sửa soạn đại lễ Cửu Tân vô cùng long trọng để đón tiếp sứ giả nước Yên tại cung Hàm Dương.

Kinh Kha bưng chiếc hộp đựng đầu Phàn Ô Kỳ, còn Tần Vũ Dương ôm địa đồ, theo sát Kinh Kha đi vào trong đại điện. Hai người đến trước bậc thềm dưới điện, vừa nhìn thấy Tần Vương, Tần Vũ Dương hai tay run rẩy, sắc mặt xanh xao, không giấu được vẻ sợ hãi. Các đại thần nhìn thấy cảnh này đều cảm thấy kỳ quái. Kinh Kha quay đầu lại cười với Tần Vũ Dương, rồi bước lên tạ tội với Tần Vương và nói: “Kẻ man di nơi phương Bắc chưa từng thấy thiên tử nên mới khiếp đảm như vậy, kính mong đại vương rộng lượng tha thứ và để anh ta hoàn thành sứ mệnh của mình”.

Tần Vương nói với Kinh Kha: “Hãy đứng dậy và cầm địa đồ của Tần Vũ Dương lên đây cho ta”.

Kinh Kha cầm địa đồ dâng lên Tần Vương. Tấm địa đồ giống như một cuộn tranh từ từ hé mở, đến khi toàn bộ mở ra bỗng xuất hiện một cây chủy thủ. Đây cũng là nguồn gốc của câu thành ngữ: “Đồ cùng chủy hiện” (Địa đồ mở hết chủy thủ hiện ra – ý nói rằng: Sự việc đi đến bước cuối cùng thì chân tướng hoặc ý đồ mới được bộc lộ).

Bị Kinh Kha đuổi theo gấp, Tần Vương chạy vòng quanh cây cột. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Chữ nghĩa dài dòng nhưng kỳ thực sự việc xảy ra rất nhanh. Kinh Kha vừa nhìn thấy thanh đoản kiếm, lập tức tay trái túm lấy tay áo Tần Vương, tay phải cầm chủy thủ đâm thẳng về phía trước. “Sử Ký - Thích khách liệt truyện” chép:

Kinh Kha bèn dùng tay trái nắm chặt lấy ống tay áo của Tần Vương, rồi dùng tay phải rút con chủy thủ mà đâm ông ta, nhưng đâm không trúng người. Tần Vương hoảng sợ, cố lấy sức, đứng dậy bỏ chạy. Nhưng tay áo bị đứt một đoạn. Tần Vương muốn rút kiếm ra, nhưng kiếm lại quá dài, đành phải rút vỏ kiếm ra trước vậy. Lúc bấy giờ, trong lòng Tần Vương rất hoảng hốt, sợ hãi. Kiếm lại quá chặt, nhất thời rút ra không được, bị Kinh Kha đuổi theo gấp. Tần Vương chạy vòng quanh cây cột. Quần thần đều sợ hãi, tỏ ra mất bình tĩnh. Theo luật pháp của nước Tần thời ấy, quần thần, thị giá nhà vua ở điện, không được phép mang bất cứ một thứ binh khí nào.

Các viên quan Lang trung tuy có mang binh khí, nhưng đều sắp hàng ở dưới điện, nếu chưa có lệnh của vua thì không được tự tiện lên điện.Trong lúc nguy cấp như thế, vệ sĩ không được lệnh, nên Kinh Kha mới có thể rượt đuổi theo vua Tần. Sĩ tốt đều hoảng hốt, không kịp có gì để đối phó, chỉ lấy tay không mà đấm Kinh Kha. Lúc đó viên thị y là Hạ Vô Thư bèn dùng cái túi đựng thuốc ném Kinh Kha. Vua Tần vẫn cứ chạy quanh cột điện. Sĩ tốt cũng còn hoảng hốt, không biết xử trí cách nào.

Tả hữu có người hô:

- Đại vương đeo kiếm ở đằng sau!

Vua Tần mới tuốt được kiếm ra, chém trúng vào đùi bên trái của Kinh Kha. Bị trúng thương, Kinh Kha bèn cầm con chủy thủ ném Tần Vương. Nhưng không trúng. Trúng vào cái cột đồng. Tần Vương quay lại đâm Kinh Kha thêm tám nhát nữa. Kha biết việc mình đi hành thích không thành, bèn dựa vào cột đồng mà cười, rồi ngồi xoạc chân ra chửi Tần Vương:

- Việc sở dĩ không thành, là ta có ý muốn bắt sống hắn, ép hắn ký giấy để trả lại đất đã chiếm cho Yên, báo đền ơn Thái Tử.

Sau đó, Kinh Kha bị bọn tả hữu xông đến giết chết.

Tần Vương trong lòng bồi hồi một lúc lâu, rồi mới luận công ban thưởng hoặc trị tội các bầy tôi, tùy theo thứ bậc.

(Trích “Sử Ký - Thích khách liệt truyện”, bản dịch của Phạm Xuân Hy)

Lấy lễ quốc sĩ hậu táng Kinh Kha

Trên đây là toàn bộ quá trình Kinh Kha hành thích Tần Vương. Sau khi sự việc xảy ra, Tần Vương xét công luận thưởng, xét tội xử phạt. Hạ Vô Thư công lao lớn nhất, ban thưởng 200 lượng vàng kim cùng với ruộng tốt, lụa là, thăng quan, tiến chức, ban tước vị cha truyền con nối. Đối với Kinh Kha, các thần tử kiến nghị phơi thây nơi hoang dã, nhưng Tần Vương nói:

“Người này có trí có mưu, mượn việc dâng bản đồ mà dám dùng lực của bản thân hành thích trẫm, có thể nói là vô cùng dũng mãnh, vì tri kỷ mà dám buông bỏ sinh mệnh, cũng là có hào khí! Chỉ đáng tiếc anh ta không biết đại nghĩa, chỉ vì tiểu nghĩa, nhưng cũng tính là một bậc nghĩa sĩ!”.

Sau đó Tần Vương lệnh cho thủ hạ lấy lễ quốc sĩ để hậu táng Kinh Kha.

Sau sự việc này, Tần Vương gấp rút hành động, lệnh cho Vương Tiễn đem quân đi tấn công nước Yên, đến tháng 10 thì đánh hạ thủ đô Kế Thành. Yên Vương là Hỷ và Thái tử Đan dẫn toàn bộ số quân còn lại lùi về giữ lấy Liêu Đông. Tướng quân Lý Tín nhanh chóng truy đuổi, tiến đánh tàn quân. Yên Vương Hỷ vì để cầu Tần hoãn binh nên đã giết Thái tử Đan và dâng đầu lên Tần Vương để cầu hòa. Nhưng Tần Vương còn muốn nhiều hơn thế. 5 năm sau, nước Tần cuối cùng cũng tiêu diệt được Yên, bắt Yên Vương làm tù binh.

Sau khi Tần diệt Yên, những tân khách của Thái Tử Đan và vây cánh đồng mưu của Kinh Kha đều bị truy lùng, trong đó có Cao Tiệm Ly.

Cao Tiệm Ly đặc biệt giỏi đánh đàn trúc. Sinh thời, Kinh Kha rất thích rượu, mỗi ngày đều cùng Cao Tiệm Ly vào trong chợ nước Yên uống rượu, sau khi say lại khóc lớn như thể không có ai ở xung quanh. Cao Tiệm Ly gảy đàn, Kinh Kha hát họa theo, cả hai như đôi bạn tri kỷ cùng vui cùng đùa, cùng khóc với nhau, coi bên cạnh như chẳng có ai.

Kế hoạch hành thích thất bại, Cao Tiệm Ly vì để tránh bị truy lùng mà phải mai danh ẩn tính, từng làm thuê nhiều loại việc khác nhau ở Tống Tử (nay là huyện Triệu, Hà Bắc). Thời gian lâu sau, nhờ có kỹ năng gảy đàn xuất sắc mà Cao Tiệm Ly trở nên nổi tiếng, thanh danh vang xa, cuối cùng đến tai Tần Vương. Vua Tần vốn yêu thích âm nhạc, ông vì mộ danh mà hạ lệnh triệu kiến Cao Tiệm Ly. Có người nhận ra, bèn nói với hoàng đế rằng đây chính là bạn tâm giao của Kinh Kha, kẻ đồng mưu hành thích Tần Vương. Lúc ấy các quan đại thần trong triều đều chủ trương xử tử họ Cao. Nhưng Tần Vương trân quý tài nghệ của ông nên không nhẫn tâm, miễn cho ông khỏi tội chết. Đổi lại, Cao Tiệm Ly phải bị hun mù hai mắt rồi mới được giữ lại trong cung làm nhạc công.

Một ngày, Cao Tiệm Ly đổ chì vào đàn trúc, lợi dụng lúc Tần Vương say sưa nghe nhạc mà đánh đàn về phía vua nhưng không trúng. Tần Vương lấy làm tiếc buộc lòng phải giết chết Cao Tiệm Ly. Cũng vì điều này mà Tần Vương càng thêm cẩn trọng, từ đó đến cuối đời không bao giờ còn tiếp xúc với người của sáu nước chư hầu nữa.

Hậu thế khi nhìn lại lịch sử cũng không khỏi cảm thán về Kinh Kha – một bậc hào kiệt sẵn sàng vì tri kỷ mà hy sinh thân mình. (Tranh: Winnie Wang)

Trong “Thích khách liệt truyện”, Tư Mã Thiên có lời bình: “Từ Tào Mạt đến Kinh Kha là năm người, việc làm của họ đều vì nghĩa, hoặc thành hoặc bất thành, nhưng chí hướng của họ rõ ràng là minh bạch như thế, không thể xem thường được, danh thùy thiên cổ, đâu phải chuyện nói càn được!”.

Câu nói ấy có ý khen ngợi Kinh Kha là một bậc kiếm khách trượng nghĩa, khí phách bất phàm. Hậu thế khi nhìn lại lịch sử cũng không khỏi cảm thán về Kinh Kha – một bậc hào kiệt sẵn sàng vì tri kỷ mà hy sinh thân mình. Chỉ tiếc rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, Kinh Kha khí thái kiêu hùng nhưng sinh không gặp thời, không thuận theo Thiên lý, nghịch thiên chi hành, cuối cùng hy sinh tính mệnh một cách vô ích. Còn Tần Vương dù bị hành thích nhưng không kể ân oán cá nhân, lại lấy lễ quốc sĩ để hậu táng thích khách, đã tỏ rõ tấm lòng đại lượng của một bậc Thiên tử.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (10): Kinh Kha hành thích Tần Vương