Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (12): Nam chinh Bách Việt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phần trước kể về việc Tần Thủy Hoàng phái Mông Điềm đánh đuổi Hung Nô, lấy lại Hà Sáo, xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Câu chuyện hôm nay sẽ là một chiến công khác của vị hoàng đế nhà Tần: Nam chinh Bách Việt.

Xem lại phần 11: Mạnh Khương Nữ là ai?
Xem lại bài giới thiệu (có link các phần): Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng

Nhắc đến “Bách Việt”, rất có thể quý độc giả sẽ liên tưởng đến tộc người Việt cổ. Và tất nhiên, câu chuyện này có phần liên quan đến lịch sử nước ta. Dưới đây chúng tôi sẽ trích dẫn các ghi chép trong cả “Sử Ký” của Tư Mã Thiên và “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” của sử thần Ngô Sĩ Liên, ngõ hầu làm rõ vấn đề này.

Trở lại với chuyện tướng quân Mông Điềm đánh đuổi Hung Nô, dẹp yên rợ Hồ phương bắc, bảo vệ Trung Nguyên, kỳ thực chiến tích ấy có sự đóng góp không nhỏ của một người Việt, đó là Lý Ông Trọng. Huyền thoại về Lý Ông Trọng được ghi chép “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”:

Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta, là Lý Ông Trọng người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao, uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm (Triệu Xương nhà Đường làm đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân Thu, Tả Truyện, nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là [tượng] Lý hiệu úy. Đề ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm).

(Trích “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, quyển 1, phần “Kỷ nhà Thục”)

Khi không còn nỗi lo về Hung Nô, Tần Thủy Hoàng liền chuyển hướng mũi nhọn, tiến tới thu phục các tộc người Bách Việt ở phía nam, dốc sức mở mang và phát triển khu vực Việt tộc.

Nam chinh Bách Việt

“Bách Việt” là tên gọi chung để chỉ các bộ tộc người Việt ở dãy núi Ngũ Lĩnh, ngày nay là dải duyên hải đông nam, từ phía nam Giang Tô và Chiết Giang cho đến Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây… một mạch đến miền Trung của Việt Nam. Vào thời Xuân Thu - Chiến Quốc, các dân tộc thiểu số ở đây được gọi là người Việt. Do có rất nhiều bộ lạc khác nhau nên người ta gọi chung là Bách Việt, phân thành các bộ phận như Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt, Tây Âu, v.v.

bản đồ Bách Việt
(Ảnh: dẫn từ trang Tin Đa Chiều)

Năm thứ 28 (năm 219 TCN), Tần Thủy Hoàng phái Đồ Tuy (屠睢 - một số bản dịch gọi là Đồ Thư) dẫn 50 vạn binh tấn công Bách Việt. Đồ Tuy chia quân làm năm đạo tiến về phía nam. Rất nhanh chóng, ba trong số năm đạo quân hạ được Mân Việt và Đông Việt, lập ra quận Mân Trung (gồm tỉnh Phúc Kiến và phía nam tỉnh Chiết Giang), sau lại đánh chiếm được Nam Việt, lập ra quận Nam Hải.

Tuy nhiên, hai đạo quân còn lại gặp rất nhiều khó khăn khi tiến vào Ngũ Lĩnh. Quân Tần đều là người phương bắc, khó có thể thích ứng với khí hậu nóng bức và ẩm thấp phương nam. Thêm vào đó là đường sá khó khăn, lương thực thiếu thốn, đạo quân lại vấp phải sự chống cự ngoan cường của Bách Việt. Trong các thủ lĩnh người Việt khi ấy có Thục Phán (sau này là An Dương Vương, lập nên nước Âu Lạc).

Người Việt giỏi trèo đèo lội suối, băng núi vượt rừng, biết dùng cung nỏ, nhiều lần đánh úp trong đêm khiến quân Tần tổn thất nặng nề. Binh lính nhà Tần bị thương vong, ba năm không thể tiến quân, chủ soái Đồ Tuy cũng phải bỏ mạng trên sa trường. Đến đây, chiến tranh Việt - Tần bước vào giai đoạn giằng co khốc liệt.

Kênh đào Linh Cừ

Trong cuộc chiến lần này, vì giao thông bất tiện nên khó có thể vận chuyển lương thảo. Trong lúc thương nghị, Tần Thủy Hoàng và các đại thần nhận thấy rằng lưu vực sông Trường Giang và lưu vực sông Châu Giang bị ngăn cách bởi dãy núi Ngũ Lĩnh, vốn không có đường thủy làm thông đạo. Một nhánh của Trường Giang là sông Tương, một nhánh của Châu Giang là sông Li, thượng nguồn sông Tương và thượng nguồn sông Li đều cùng xuất phát ở nơi mà ngày nay là Hưng An, Quảng Tây. Tại đây, khoảng cách gần nhất giữa hai sông là khoảng 1,5 km, nếu nối liền hai con sông thì có thể theo đường thủy vượt qua núi Ngũ Lĩnh, tiến vào Lĩnh Nam, dễ dàng vận chuyển lương thảo.

Vào năm thứ 29 ( năm 218 TCN), Tần Thủy Hoàng lệnh cho quan Giám ngự sử tên là Lộc đào kênh dẫn nước nối liền sông Tương và sông Li, gọi là Linh Cừ. Kênh đào Linh Cừ mở ra đường thông giữa nam và bắc, không chỉ tạo điều kiện cho Tần thống nhất Lĩnh Nam, mà còn mang đến thuận lợi cho giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế và vận chuyển vật tư giữa nam và bắc.

Kênh đào Linh Cừ dẫn sông Tương nhập vào sông Li, tạo nên truyền kỳ bất hủ trong lịch sử về vận chuyển bằng đường sông, đồng thời cũng là một thành tựu lưu danh thiên cổ của nhà Tần. Trước khi có đường sắt và đường ô tô thời cận đại, Linh Cừ là con kênh duy nhất để vận chuyển hàng hóa trên sông giữa phương bắc và phương nam. Ví dụ như, ngồi thuyền từ Quảng Châu, ngược dòng Châu Giang đi lên, qua sông Li, dọc theo Linh Cừ, men theo sông Tương, đến Trường Giang, chuyển sang kênh đào Đại Vận Hà, cuối cùng có thể đến Bắc Kinh.


Linh Cừ (Ảnh: zhengjian)

Mực nước của Linh Cừ cao hơn sông Tương, do đó quá trình đào kênh dẫn nước cũng vô cùng khó khăn. Lúc ấy người Tần lợi dụng khóa nước “Đẩu Môn” khiến cho hai dòng Tương - Li vốn không liên kết với nhau nay đã được liên thông. Nguyên lý của “Đẩu Môn” cũng tương đồng với kênh đào Panama trứ danh thời cận đại, nhưng lại ra đời sớm hơn những 2000 năm. Ngoài việc vận chuyển hàng thủy, Linh Cừ còn tạo thuận lợi cho dẫn nước tưới tiêu vào hàng vạn mẫu ruộng hai bên bờ. Tháng 11/1986, Hội Đập lớn Thế giới (International Commission On Large Dams - ICOLD) đến Linh Cừ khảo sát, và đưa ra kết luận: “Linh Cừ là viên minh châu của kiến trúc thủy lợi thời cổ đại, Đẩu Môn là cha đẻ của hệ thống khóa nước trên thế giới”.

Mở rộng biên cương bờ cõi

Vào năm Linh Cừ được hoàn thành (năm 214 TCN), Nhâm Hiêu (cũng gọi là Nhâm Ngao) và Triệu Đà phụng lệnh Thủy Hoàng Đế tấn công Bách Việt thêm lần nữa. Lần này nhờ được cung ứng đầy đủ vật tư, quan binh nhà Tần vốn nổi tiếng là kiêu dũng thiện chiến nay lại càng nâng cao sĩ khí. 30 vạn đại quân hùng dũng, thế như phá trúc, rất nhanh đánh tan quân Bách Việt.

Sau khi chinh phục Lĩnh Nam, Tần Thủy Hoàng ra lệnh thiết lập ba quận là Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải tại địa khu này, chính thức nhập Lĩnh Nam vào bản đồ của Tần. Sau đó nhà Tần lại lập thêm quận Mân Trung, khiến số quận được kiến lập lên tới 40, hình thành đại đế quốc đầu tiên theo chế độ trung ương tập quyền trong lịch sử Trung Quốc. Bốn năm sau (năm 210 TCN), quân Tần lần thứ ba xuất binh, mở rộng cương vực đến Bắc Bộ của Việt Nam ngày nay. Đến đây, chiến tranh Bách Việt đã hạ màn.

“Sử Ký” chép:

Thời Hiếu Văn Vương, Trang Tương Vương làm vua không được bao lâu, nước nhà vô sự. Đến đời Thủy Hoàng, nhờ cái sự nghiệp sáu đời để lại, cầm roi dài mà chế ngự cả thiên hạ, nuốt hai nhà Chu (Đông Chu và Tây Chu) mà diệt chư hầu, lên ngôi chí tôn mà làm chủ cả sáu cõi, cầm gậy gộc để đánh đập thiên hạ, uy vang bốn biển. Phía nam lấy đất Bách Việt, lập thành Quế Lâm, Tượng Quân. Vua của Bách Việt cúi đầu, buộc cổ nộp tính mạng cho quan coi ngục.

– (Trích “Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, bản dịch của Nhữ Thành)

Theo đó, bản đồ nhà Tần đã mở ra vô cùng rộng lớn, phía đông là biển lớn, phía nam là Việt Nam, phía tây đến hoang mạc, phía bắc đến Âm Sơn.

Ở đây cần nói rõ: Nhà Tần đã thu phục được một số tộc Bách Việt ở những nơi mà ngày nay là Quảng Tây, Quảng Đông và Chiết Giang, nhưng dải đất phía nam mà sau này là nước Âu Lạc của An Dương Vương thì vẫn được bảo tồn. Mãi đến khi Tần Thủy Hoàng băng hà, Triệu Đà dùng kế cầu thân với An Dương Vương, lấy được nỏ thần, thì Âu Lạc mới bị thu phục về tay Triệu Đà, nhưng vẫn là một nước độc lập, không chịu sự cai trị của nhà Hán.

“Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” chép:

Tân Mão, năm thứ 48 [210 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 37). Mùa đông, tháng 10, Thần Thủy Hoàng mất ở Sa Khâu. Nhâm Ngao và Triệu Đà đem quân sang xâm lấn. Đà đóng quân ở núi Tiên Du, Bắc Giang đánh nhau với vua. Vua (An Dương Vương) đem nỏ thần ra bắn, Đà thua chạy. Bấy giờ Ngao đem thủy quân đóng ở Tiểu Giang (tức là con sông ở phủ Đô hộ, sau lầm là Đông Hồ, tức là bến Đông Hồ ngày nay), vì phạm thổ thần nên bị bệnh, phải rút về. (...)

Đà sai con là Trọng Thủy vào hầu làm túc vệ, cầu hôn con gái vua là Mỵ Châu. Vua bằng lòng. Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu để xem trộm nỏ thần, rồi ngầm bẻ gãy lẫy nỏ, thay cái khác vào, giả vờ về Bắc thăm cha mẹ (...) Quân của Đà tiến sát đến nơi, vua giương nỏ thì lẫy đã gãy rồi.

(Trích “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”, quyển 1, phần “Kỷ nhà Thục”)

Địa khu Bách Việt có khí hậu ôn hòa, lượng mưa dồi dào, sản vật phong phú, lãnh thổ rộng lớn. Nhưng do sông núi cách trở nên mãi đến thời Tần Thủy Hoàng thì cuộc sống nơi đây vẫn còn khá sơ khai, xã hội lạc hậu hơn rất nhiều so với vùng đồng bằng Trung Nguyên.

Việc Tần Thủy Hoàng xây dựng đường sá và đào kênh Linh Cừ không chỉ là phương sách chiến lược về quân sự, mà còn khởi tác dụng vô cùng trọng yếu trong việc củng cố mối liên hệ giữa Lĩnh Nam với nội địa, đả khai cục diện bế tắc, xúc tiến phát triển kinh tế phía nam.

Tần Thủy Hoàng di dân một lượng lớn về Lĩnh Nam, mang đến cho bách tính ở đó kỹ thuật, công cụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp khá tiên tiến, xúc tiến phát triển kinh tế và sản xuất. Việc di dân còn mang đến văn hóa Trung Nguyên, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của dân chúng trong vùng.

Đến đây, chiến tranh cơ bản đã kết thúc. Dưới sự chỉ huy của Tần Thủy Hoàng, Trung Quốc cổ đại đã đạt được những bước tiến thần kỳ, gần như tất cả những nơi con người có thể đặt chân đến đều nằm trong tay Thủy Hoàng Đế, có thể nói là nhà Tần đã thống trị thiên hạ. Từ quần hùng tranh bá đến đế quốc được tứ hải quy phục, Tần Thủy Hoàng đã kết thúc thời Chiến Quốc loạn lạc sau hơn 20 năm chinh chiến. Đại thi nhân Lý Bạch viết trong bài thơ Cổ Phong:

“Tần hoàng tảo lục hợp,
Hổ thị hà hùng tai.
Huy kiếm quyết phù vân,
Chư hầu tận tây lai”.

(Vua Tần dẹp sáu nước,
Hổ mạnh đã nhe nanh.
Vung kiếm lên trời xanh,
Chư hầu từ tây tới.)

Bài thơ trên đã nói lên khí thế thiên uy khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sơn hà. Lúc này, lãnh thổ triều Tần rộng lớn chưa từng có, trở thành quốc gia lớn mạnh nhất trên thế giới lúc bấy giờ.

Quý độc giả thân mến, Tần Thủy Hoàng binh chinh thiên hạ, nhất thống sơn hà, mở mang lãnh thổ, để đất nước đạt được những thành tựu vô cùng rực rỡ. Vậy tiếp theo ông sẽ làm gì? Mời quý độc giả đón xem phần 13 của “Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng”.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (12): Nam chinh Bách Việt