Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (14): Xây đường cao tốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi bãi bỏ chế độ phân đất phong hầu, Tần Thủy Hoàng lập ra hệ thống quận huyện, tạo nên thể chế quản lý hoàng quyền kéo dài suốt 2000 năm. Nhưng để triển khai trong trong thực tế thì vẫn còn khó khăn cần khắc phục. Đó là gì?

Xây dựng cao tốc Trì Đạo

Rất nhiều người đều biết, Vạn Lý Trường Thành là thành tựu thiên thu vĩ đại của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, nhưng ông còn có một công trình khác không kém phần bề thế khiến người ngày nay phải nghiêng mình thán phục. Đó chính là Trì Đạo - đường cao tốc đầu tiên của nhà Tần thời cổ đại.

Vì sao Tần Thủy Hoàng lại xây dựng và tu sửa Trì Đạo? Có người dùng nhãn quan hậu thế mà cho rằng Tần Thủy Hoàng vì muốn hưởng lạc, muốn chu du thiên hạ nên mới tu sửa đường. Nhưng khi xem xét các nhân vật lịch sử thì không thể thoát ly thời đại họ đang sống và hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ, lại càng không thể dùng suy nghĩ hạn hẹp của bản thân để nhận định người xưa.

Tục ngữ có câu: “Yếu tưởng phú, tiên tu lộ” (nếu muốn giàu có, trước hết phải sửa đường). Vào năm thứ hai sau khi thống nhất thiên hạ, Tần Thủy Hoàng nhận thấy giao thông là một vấn đề lớn cần giải quyết. Toàn quốc có ngần ấy quận huyện, phải phái xuất rất nhiều quan viên đến từng địa phương nhậm chức. Không ít quận huyện ở những nơi xa xôi hẻo lánh, cách xa thiên triều, chỉ riêng việc di chuyển và đi lại có thể mất đến 3 tháng, nửa năm, thậm chí lâu hơn nữa. Nếu xảy ra tai nạn bất ngờ, hoặc giữa đường phát sinh sự cố ngoài ý muốn, thì không thể kịp thời cấp báo. Thống nhất thiên hạ không chỉ là thống nhất về lãnh thổ, mà cần phải đạt đến sự hợp nhất về nhiều phương diện, từ văn tự, tiền tệ, v.v. cho đến các tiêu chuẩn đo lường đều phải quy phạm thành chuẩn mực. Bắt đầu từ trung ương quy định thống nhất, sau đó sẽ đưa đến quận, huyện, hương, thôn… tầng tầng truyền đạt xuống, tầng tầng cùng nhất loạt chấp hành.

Vậy nên, việc đầu tiên cần giải quyết là vấn đề giao thông, nếu không thì rất nhiều chiếu lệnh của hoàng đế sẽ không thể nhanh chóng thi hành. Thời gian kéo dài, lòng người rời rạc, chế độ quận huyện cũng không thể thực sự phát huy được trọn vẹn. Năm xưa, nhà Chu lựa chọn chế độ phân đất phong hầu cũng có nguyên nhân ở phương diện này. Núi cao, đường xa, triều đình ngoài tầm tay với, Thiên tử khó có thể chăm lo tới bách tính muôn dân. Do đó, Tần Thủy Hoàng quyết định xây dựng Trì Đạo, tu bổ và xây dựng đường cao tốc để giao thông được thông suốt, huyết mạch được nối liền. Vốn dĩ, sáu nước chư hầu trước kia cũng có hệ thống đạo lộ riêng, nhưng các nước đều suy xét đến an ninh quốc phòng, vì muốn ngăn cản đoàn xe của lân bang ngoại quốc nên đã thiết kế chiều rộng mặt đường mỗi nơi mỗi khác, không như nhau.

Tần Thủy Hoàng hạ lệnh nối liền hệ thống đạo lộ của nước Tần với các con đường cũ trong lãnh thổ sáu nước rồi mở rộng thêm, đặt tên là Trì Đạo. Hoàng đế quy định mỗi Trì Đạo rộng 50 bước (69.3 m), khoảng cách giữa hai bánh xe là sáu thước (138.6 cm) (*), cứ cách ba trượng (6.9 m) lại trồng một cây đại thụ. Lúc ấy một bước là sáu thước, Trì Đạo rộng 50 bước, do đó mỗi đường cao tốc có thể chứa tới 50 chiếc xe xếp ngang hàng. Trì Đạo thông thoáng bằng phẳng, xe chạy trên đường có thể đạt tốc độ rất cao. Theo ghi chép, xe chạy trên Trì Đạo nửa ngày có thể phi nước đại hơn 200 dặm (81.36 km) (**).

Hoàng đế quy định mỗi Trì Đạo rộng 50 bước (69.3 m), khoảng cách giữa hai bánh xe là sáu thước (138.6 cm). (Tranh: Winnie Wang - secretchina)

Nhà Tần lấy kinh đô Hàm Dương làm trung tâm, từ đây các ngả đường tỏa ra mọi hướng, do đó đã xây dựng rất nhiều cao tốc Trì Đạo. Trong đó, một đường hướng về phía đông thẳng đến Yên Tề, nay là Vinh Thành, Sơn Đông; một đường hướng về phía nam thẳng đến Ngô Sở, quận Nam Hải, tức Quảng Châu ngày nay; một đường khác thẳng hướng tây nam đến Điền, nay là vùng phụ cận hồ Điền Trì, Vân Nam; còn một ngả khác hướng về phía tây đến quận Lũng Tây, nay là huyện Mân ở tỉnh Cam Túc.

Năm 212 TCN, Tần Thủy Hoàng lệnh cho Mông Điềm sửa chữa con đường từ Hàm Dương thẳng tiến về phía bắc, đi qua Vân Dương, Thượng Quận, thẳng đến Cửu Nguyên, chính là thành phố Bao Đầu ngày nay, tổng chiều dài hơn 1800 dặm (732.24 km). Cho đến nay chúng ta vẫn có thể tìm thấy di tích của Trực Đạo này. Tần Thủy Hoàng còn hạ lệnh xây dựng Ngũ Xích Đạo ở nơi mà ngày nay là địa khu Vân Quý, tu sửa con đường vòng qua dãy núi Ngũ Lĩnh ở khu vực mà nay là Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, gọi là Tân Đạo. Từ đó, hình thành một mạng lưới giao thông lấy Hàm Dương làm trung tâm rồi tỏa ra bốn phương tám hướng, nối liền các địa khu trên toàn quốc lại với nhau.

Trong quá trình xây dựng Trì Đạo, đoàn quân gặp núi mở núi, gặp sông bắc cầu. Mặt đường rộng rãi bằng phẳng, nhờ dùng đá vôi và Giao thổ rồi đầm chặt mà thành nên chất lượng rất cao, trải qua hơn hai ngàn năm mưa gió đến nay vẫn có thể nhìn thấy một số đoạn đường khi ấy.

Định ra tiêu chuẩn đo lường

Bên cạnh xây dựng Trì Đạo, Tần Thủy Hoàng còn quy định thống nhất các đơn vị đo lường, gọi là “độ lượng hành”. “Độ” là chỉ độ dài, “lượng” là chỉ dung tích và thể tích, “hành” là chỉ trọng lượng.

Vào thời Xuân thu - Chiến quốc, mỗi nước chư hầu cát cứ một phương, đơn vị đo lường của mỗi nước cũng năm hình bảy dạng. Đến khi nhà Tần thống nhất thiên hạ, các đơn vị đo lường này cũng cần phải quy chuẩn. Từ tiền tệ, xe cộ, ruộng điền, đến binh khí… rất nhiều sản phẩm và vật phẩm cần nhất quán về quy cách kỹ thuật, kích thước và trọng lượng.

Hãy nói về xe cộ, Tần Thủy Hoàng quy định khoảng cách giữa hai bánh là sáu thước. Nhưng ở mỗi địa khu khác nhau thì độ dài của thước cũng khác nhau. Nếu như không nhất quán, mỗi nơi đều tham chiếu theo độ dài thước đo của địa phương mình thì mỗi chiếc xe sản xuất ra có kích thước không đồng nhất, gây khó khăn cho giao thông vận tải. Do đó, đặt ra quy chuẩn về “độ lượng hành” không chỉ là việc buộc phải chấp hành mà còn là vấn đề cấp bách ngay trước mắt.

Tần Thủy Hoàng lệnh cho thừa tướng Vương Oản ban bố chiếu thư, quy định tiêu chuẩn các đơn vị đo lường và triển khai ra toàn quốc. (Tranh: Winnie Wang - secretchina)

Bước đầu tiên, Tần Thủy Hoàng lệnh cho thừa tướng Vương Oản ban bố chiếu thư, quy định tiêu chuẩn các đơn vị đo lường và triển khai ra toàn quốc. Những thiết bị đo lường không phù hợp với tiêu chuẩn sẽ phải hủy bỏ. Bước thứ hai là phát hành thiết bị tiêu chuẩn đo lường và đưa đến các địa phương để tham chiếu. Không chỉ vậy, ông còn kiến lập chế độ kiểm định và hiệu chuẩn: Quan phủ định kỳ kiểm tra, kiểm định, và hiệu chuẩn độ chính xác của các thiết bị, mỗi năm ít nhất một lần kiểm tra, đảm bảo các thông số đo lường không sai lệch.

Điều này đã mang đến cho quốc gia và dân sinh những lợi ích và thuận tiện vô cùng to lớn. Ví dụ như bổng lộc của quan viên, lúc ấy người ta dùng “thạch” để đong đếm ngũ cốc làm lương bổng cho quan lại. Nếu không thống nhất về đơn vị đo, có nơi thạch lớn, có nơi thạch nhỏ, dễ phát sinh mâu thuẫn giữa các địa khu. Tương tự, việc thu thuế của quốc gia cũng tiến hành như vậy.

Tần Thủy Hoàng tu sửa Trì Đạo và thống nhất các tiêu chuẩn đo lường có tác dụng xúc tiến kinh tế và mang lại sự tiện lợi cho giao thương buôn bán và giao lưu văn hóa trên toàn quốc, đồng thời cũng tiêu trừ ảnh hưởng của các thế lực cát cứ. Thống nhất đơn vị đo lường cũng là phương pháp tiêu chuẩn hóa mà chúng ta vẫn biết, và Tần Thủy Hoàng chính là người đầu tiên trong lịch sử định ra sự việc này.

Bên cạnh đó, vị hoàng đế nhà Tần còn có một sáng kiến khác lưu danh thiên cổ, mang lại lợi ích cho trăm vạn đời sau. Đó là gì? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: “Đồng Euro” sớm 2000 năm.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope

(*) Một thước (xích) thời nhà Tần bằng 23.1 cm

(**) Một dặm (lý) thời Tần bằng 406.8 m

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (14): Xây đường cao tốc