Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (15): “Đồng Euro” sớm 2000 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi bình định sáu nước, thống nhất thiên hạ, Tần Thủy Hoàng đã bãi bỏ chế độ phân đất phong hầu, đồng thời thiết lập quận huyện, xây dựng Trì Đạo, hệ thống lại các đơn vị đo lường. Bên cạnh đó, ông còn đưa ra rất nhiều sáng kiến oanh liệt khác mà một trong số đó là: Thống nhất tiền tệ.

Vào thời Chiến quốc, văn tự, tiền tệ cũng như hệ thống đo lường của mỗi nước một khác. Nói về tiền, một số nước như Tề, Yên sử dụng Đao tệ (tiền đúc thành hình cây đao), các nước như Triệu, Ngụy, Hàn lại sử dụng đồng tiền hình chiếc xẻng, trong khi Tần và Đông Chu lưu thông tiền xu hình tròn có lỗ vuông, còn nước Sở thì sử dụng tiền vỏ sò. Các loại đồng tiền có hình dạng khác biệt, chất liệu bất đồng, trọng lượng nặng nhẹ không như nhau, hơn nữa lại có ưu có nhược, khiến việc trao đổi rất khó khăn, không chỉ cản trở thông thương và giao lưu kinh tế giữa các địa phương, mà còn bất lợi cho việc trưng thu thuế của quốc gia.

Đao tệ (Ảnh: PENG Yanan, Wikipedia/ CC BY SA 3.0)

File:Bronze Wampum Covered with Gold Lead.jpg
Tiền vỏ sò (Ảnh: Ghost Barney, Wikipedia/ CC BY SA 3.0)

File:S556 1 (8188619762).jpg
Tiền hình xẻng (Ảnh: Jean-Michel Moullec, Wikipedia/ CC BY SA 2.0)

Nhận thấy trở ngại này, Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh phát hành tiền xu hình tròn lỗ vuông làm đồng tiền duy nhất trên toàn quốc, nghiêm cấm sử dụng bất kỳ loại tiền nào khác như tiền Quy, Bối, Ngọc… Theo quy định, cả nước thống nhất sử dụng hai loại tiền vàng và đồng, trong đó tiền vàng gọi là Thượng tệ, tiền đồng là gọi Hạ tệ. Tiền vàng kim lấy đơn vị là “Dật”, một Dật bằng 20 lượng. Tiền đồng lấy đơn vị là “bán lượng”, hình tròn lỗ vuông, trên mặt đúc rõ hai chữ “bán lượng”, tục xưng là “Tần bán lượng”. Loại tiền đồng có hình dáng ngoài tròn trong vuông này vẫn còn được sử dụng suốt 2000 năm về sau.

File:S-88 or 82, W Han banliang, Empress Gao, 187-180, 34mm.jpg
Tiền tròn lỗ vuông (Ảnh: GS Gary Lee Todd, Wikipedia)

Hình dạng tiền “bán lượng” là mô phỏng theo hình bánh xe quay sợi bằng ngọc bích, nhờ hình dáng ngoài tròn trong vuông nên việc sử dụng vô cùng thuận tiện, dần dần trở thành khuôn mẫu cho các đồng tiền sau này.

Trọng lượng của mỗi xu là nửa lạng (thời cổ đại, 1 lạng xấp xỉ 15,5 gram), do đó dân gian thường gọi là tiền “Tần bán lượng”. Từ nửa sau thời Chiến quốc cho đến thời đại nhà Tần, vật giá rất thấp, thông thường mỗi thạch gạo chỉ có giá mấy chục đồng, một đấu gạo cũng chỉ được bán với giá ba đồng “Tần bán lượng”. Có thể thấy lúc ấy giá cả rất rẻ, tiền có giá trị khá cao.

Trên mặt đồng xu khắc nổi hai từ “bán lượng” theo lối Triện thư, mỗi chữ khắc một bên của lỗ vuông, tương truyền do Thừa tướng Lý Tư tạo ra, bố cục nghiêm cẩn, nét bút rắn rỏi dứt khoát. Tiền “bán lượng” trong tròn có vuông, ngoài vuông có tròn, vừa cương vừa nhu, tĩnh động kết hợp, mang vẻ đẹp cân đối hài hòa.

Tạo hình của tiền “bán lượng” cũng là tượng trưng cho “Thiên mệnh hoàng quyền” thời nhà Tần. Sách “Lã Thị Xuân Thu” viết: “Thiên đạo viên, địa đạo phương, Thánh vương pháp chi, sở dĩ lập thiên hạ”, đại ý là: Đạo trời tròn, đạo đất vuông, Pháp của Thánh vương tuân theo đó, do vậy mà lập ra thiên hạ. Hình dáng bên ngoài tròn là tượng trưng cho Thiên mệnh, bên trong vuông là đại biểu cho hoàng quyền, tạo hình của đồng tiền ‘ngoại thương nội phương’ mang ý nghĩa: Hoàng đế là quân vương coi khắp cả thiên hạ, hoàng đế tuân theo Thiên Đạo mà hành sự. “Tần bán lượng” lưu thông đến nơi nào thì uy phong của hoàng đế cũng vươn tới nơi ấy, mang Thiên đạo rải khắp thế gian, tạo phúc cho muôn dân.

Con số trên tiền “bán lượng” thể hiện tư tưởng của học thuyết âm dương ngũ hành. Mỗi đồng tiền nặng 12 thù (thời nhà Tần, 24 thù là 1 lượng), đường kính 12 phân, mỗi cạnh của lỗ vuông dài 6 phân. Dễ thấy những những con số này đều là 6 hoặc bội số của 6 – con số của hành Thủy trong âm dương ngũ hành. Từ chất liệu sử dụng cho đến công nghệ chế tác có thể thấy, tạo hình ‘ngoại thương nội phương’ là cách tối ưu giúp tiết kiệm vật liệu hơn so với bất cứ loại tiền có hình dáng nào khác. Thiết kế lỗ vuông ở giữa giúp thuận tiện cho việc giữ cố định đồng tiền trong quá trình gia công và chế tác. Tiền “Tần bán lượng” thể hiện ý nghĩa quyền lực của hoàng đế là do Trời ban, phù hợp với học thuyết âm dương ngũ hành, thể hiện quan niệm về giá trị thẩm mỹ của người xưa, đồng thời cũng có tính thực tế và tính nghệ thuật, là kết tinh trí huệ của cổ nhân.

Việc thống nhất tiền tệ còn tạo thuận lợi cho quá trình trưng thu thuế, thuận tiện cho phát triển kinh tế và trao đổi hàng hóa giữa các vùng miền, đồng thời thúc đẩy hình thành nên cộng đồng kinh tế trong lãnh thổ rộng lớn của nhà Tần khi ấy.

Vào năm Thủy Hoàng thứ 37 (năm 210 TCN), việc thống nhất tiền tệ trên toàn quốc cuối cùng đã hoàn thành. Có thể nói, đồng tiền chung “Tần bán lượng” ra đời sớm hơn những 2000 năm so với đồng Euro ở châu Âu ngày nay.

Một học gia về tiền cổ là Đinh Phúc Bảo từng có thơ vịnh “Tần bán lượng”:

“Thiên thu duy hữu Trường Thành tại
Bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng,
Mạc đạo khu khu Tần bán lượng
Tằng khán Lưu Hạng nhập Hàm Dương”

Tạm dịch:

Ngàn năm vắng bóng Thủy Hoàng
Mà nay vẫn thấy Trường Thành trơ trơ
Ai chê “bán lượng” tơ hào
Lưu Bang, Hạng Vũ tiến vào Hàm Dương

Chính là nói, thời Hán Sở giao tranh, cả Lưu Bang và Hạng Vũ đều sử dụng đồng tiền “Tần bán lượng” mà Thủy Hoàng đã định ra năm xưa.

Trong dân gian còn lưu truyền một cố sự kể rằng, Tiêu Hà vì biếu thêm hai đồng “Tần bán lượng” cho Lưu Bang mà khiến Lưu Bang cảm kích đến cuối đời, sau khi công thành danh toại ông đã phong đất cho Tiêu Hà nhiều hơn những vị khai quốc công thần còn lại.

Câu chuyện diễn ra khi Hán Cao Tổ Lưu Bang vẫn còn là một người dân thường áo vải. Ở quê nhà ông là huyện Bái (nay là huyện Bái ở Giang Tô) có một vị quan nhỏ triều Tần tên là Tiêu Hà. Không ít lần Tiêu Hà dùng thân phận quan viên của mình để bao che cho Lưu Bang, đến khi Lưu Bang được thăng lên làm đình trưởng, Tiêu Hà vẫn thường xuyên giúp đỡ ông. Sau này, Lưu Bang ở núi Mang Đãng trảm xà khởi nghĩa, Tiêu Hà vẫn luôn đi theo phò tá, giúp họ Lưu bày mưu tính kế, hoạch định sách lược lâu dài.

Lưu Bang dẫn quân tiến vào Hàm Dương, các quan lại và thủ hạ mỗi người đều đưa ông 3 đồng tiền, duy chỉ có Tiêu Hà là biếu ông 5 đồng. Lúc ấy loại tiền thông hành là “Tần bán lượng”, 3 đồng hay 5 đồng đều là tiền “bán lượng”. Đến khi Lưu Bang lên cầm quyền và khao thưởng tướng sĩ, cha con Tiêu Hà hơn mười người đều được phong thực ấp, duy chỉ có Tiêu Hà là được tăng thêm 2000 hộ. Mọi người đều nói duyên cớ là vì Lưu Bang muốn báo đáp hai đồng “Tần bán lượng” năm xưa.

Đến nay chúng ta đã thấy Tần Thủy Hoàng thống nhất tiền tệ, định ra hệ thống đo lường, vậy ông còn thực hiện sáng kiến gì tiếp theo? Mời quý độc giả đón xem phần kế tiếp: Thư đồng văn.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (15): “Đồng Euro” sớm 2000 năm