Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (16): Thống nhất văn tự, tạo phúc vạn đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà Tần nay đã có lãnh thổ bao la rộng mở, trở thành quốc gia thống nhất về mặt địa lý. Nhưng vì sự khác biệt giữa các vùng miền, nếu muốn các cộng đồng trên vùng đất rộng lớn ấy trở thành một dân tộc thì vẫn cần một công trình cự đại.

Trong thời gian đầu trị quốc, hoàng đế mỗi ngày đều ban hành rất nhiều mệnh lệnh và chiếu thư, giữa các quận huyện cũng cần tiến hành nhiều hoạt động thông thương qua lại. Tần Thủy Hoàng phát hiện rằng, các khu vực khác nhau văn hóa bất đồng, ngôn ngữ khác biệt, văn tự cũng không như nhau. Điều này khiến mệnh lệnh và chiếu thư của hoàng đế gặp rất nhiều trở ngại, hoặc là xem không rõ ràng, hoặc là hiểu sang nghĩa khác, lý giải sai lệch, dễ tạo thành hỗn loạn. Do đó, việc thống nhất văn tự trở thành vấn đề cần giải quyết trước mắt.

Tần Thủy Hoàng liền triệu tập Thừa tướng Lý Tư và các vị đại thần đến bàn bạc, yêu cầu các đại thần nghiên cứu chữ viết của từng nước, lấy văn tự Tần làm cơ sở, dựa trên nguyên tắc nét chữ giản đơn, đẹp mắt, dễ đọc, dễ học mà sáng tạo ra một loại văn tự mới. Trải qua nhiều nỗ lực, rất nhanh chóng một thể chữ mới gọi là Tiểu Triện đã ra đời. Lý Tư phụng mệnh hoàng đế, tự tay viết bảy chương “Thương Hiệt Thiên” làm bản mẫu tiêu chuẩn để thiên hạ phỏng theo.

Tần Thủy Hoàng hạ lệnh: Cho dù địa phương dùng phương ngôn khẩu ngữ nào thì đều nhất loạt lấy Tiểu Triện làm chữ viết thống nhất trên toàn quốc. Ông ra lệnh sao chép “Thương Hiệt Thiên” thành nhiều bản rồi gửi đến các quận huyện để quan và dân cùng tham chiếu và học tập.

Khi công trình thống nhất văn tự đang trở nên náo nhiệt thì bỗng một ngày, có người đệ trình lên hoàng đế một công văn, bên trong đính kèm bản viết tay về một thể chữ hoàn toàn mới. Đó là thể chữ do một phạm nhân tên là Trình Mạc sáng tác. Trong những ngày bị giam giữ, Trình Mạc không ngừng nghiên cứu văn tự, ông cho rằng chữ Tiểu Triện khó học, khó đọc nên vẫn cần một thể chữ dễ nhận biết hơn, đồng thời có thể viết sách một cách đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng.

Nỗ lực không phụ người có tâm. Trình Mạo dành toàn bộ tâm huyết và thời gian tìm hiểu các thể chữ lưu truyền trong dân gian, nghiên cứu về kết cấu và nét viết của chữ, sau đó cải tiến từng chữ một, chuyển các nét tròn trong thể chữ ban đầu thành nét gấp vuông, đồng thời bỏ bớt các nét phức tạp và đơn giản hóa, bỏ thô lấy tinh. Trải qua 10 năm tìm tòi nghiên cứu, cuối cùng ông đã sáng tạo nên 3000 chữ viết thuận tiện và dễ dàng nhận diện.

Tần Thủy Hoàng xem xét mẫu chữ mới và hết lời khen ngợi, ông cho rằng thể chữ này rất thực tế và thích hợp sử dụng. Sau đó, ông bèn hạ lệnh ân xá, không chỉ khôi phục chức quan mà còn thăng chức cho Trình Mạc làm Ngự sử, chuyên trách công việc thống nhất văn tự. Vì Trình Mạc hoàn thành công việc này trong ngục, nên hậu thế gọi thể chữ do ông biên soạn và chỉnh lý là “Lệ Thư” (隸書).

Đặc điểm của Lệ Thư là nét chữ rộng rãi, hào phóng, kết cấu giản đơn, nét bút thẳng, ngay ngắn, chữ viết thuận tiện và dễ nhận biết hơn so với Tiểu Triện. Nếu như các văn tự trước đó có nhiều nét móc và vòng, khi viết mất khá nhiều công sức và thời gian, hơn nữa cũng khó nhận biết mặt chữ, thì Lệ Thư đã khắc phục được tất cả những nhược điểm này. Sau khi nhà Hán ra đời còn có chữ Lệ Thư mới, vì để phân biệt, hậu thế liền gọi chữ của Trình Mạc là “Tần Lệ”.

Lệ Thư là chữ viết bước ngoặt thời cổ đại, làm cơ sở đặt định để sau này ra đời chữ Hành Thư, Khải Thư, Thảo Thư, v.v. Trong “Đại Quan Thiếp” bản khắc thời Tống cũng ghi chép cuốn sách “Tần Ngự sử Trình Mạc thư” của Trình Mạc.

Từ đó, mảnh đất Trung Nguyên đã tạm biệt các văn tự cổ kéo dài liên tục hơn 3000 năm, mở đầu cho sự ra đời của Hán tự thời hiện đại. Trên hình thể, văn tự cũng dần dần biến đổi từ đồ hình sang bút họa, từ tượng hình thành tượng trưng, từ phức tạp sang đơn giản, nguyên tắc tạo chữ từ biểu hình, biểu ý cho đến hình thanh, tiếp cận gần với văn tự hiện đại.

Trải qua hơn 2000 năm, những bút tích của chữ Tần Lệ cũng chôn vùi theo cát bụi thời gian. Mãi đến cuối năm 1975, từ lăng mộ cổ số 11 ở Thụy Hổ Địa, huyện Vân Mộng, tỉnh Hồ Bắc, người ta đã khai quật được hơn 1100 thẻ tre, chữ viết trên đó rất nhỏ, nét chữ ngay ngắn đẹp mắt, bút họa hồn hậu. Nét viết khi dày khi mảnh, dày đậm nghiêm trang, cương nhu hài hòa, ngang dọc không gò bó, lên xuống rõ ràng, biến hóa cũng vô cùng đa dạng. Đây chính là bút tích chân thực của chữ Lệ Thư thời Tần.


Một số thẻ tre thời Tần khai quật ở Vân Mộng, Hồ Bắc, Trung Quốc năm 1975, trưng bày trong Bảo tàng Thẩm kế Nam Thông Trung Quốc (Ảnh:
Wikipedia)

Cổ nhân giảng: “Văn dĩ tải Đạo”, chữ viết là công cụ để con người câu thông với Thần Linh, cũng là công cụ để truyền tải đạo nghĩa, qua đó tìm về với cội nguồn văn học và lịch sử qua các triều đại.

Công trình thống nhất văn tự của Tần Thủy Hoàng giúp bảo tồn văn hóa và lịch sử Trung Hoa, nhờ vậy hậu thế mới có thể chân chính lý giải về chính sử, chính lý, chính Pháp, và văn hóa Thần truyền. Đó quả thực là công trình vĩ đại, công tại thiên thu, tạo phúc đến muôn đời. Khi “vạn Phật lâm phàm, vạn Pháp quy nhất”, hậu thế thông qua văn tự cổ sẽ có thể tìm về với cội nguồn lịch sử, đắm mình trong văn hóa Thần truyền, qua đó sẽ đắc được Đại Pháp, đắc được Đại Đạo, phản bổn quy chân, hoàn thành sứ mệnh cuối cùng của nhân loại.

Quý độc giả thân mến, đến đây bạn đã có được cái nhìn chính diện về Tần Thủy Hoàng - vị thiên cổ nhất đế trong lịch sử Trung Hoa cổ đại. Bạn cũng có thể vẫn còn nghi vấn: Vì sao người đời thường nói Tần Thủy Hoàng là kẻ bạo chúa? Để giải khai mối băn khoăn thiên cổ này, mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (16): Thống nhất văn tự, tạo phúc vạn đại