Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (19): Pháp luật triều Tần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hễ nhắc đến triều Tần, không ít người đều cho rằng nhà Tần là vương triều bạo chính, hoàng đế bạo ngược, pháp luật hà khắc. Vậy luật pháp Tần triều có thực sự hà khắc hay không?

“Vân Mộng Tần Giản”

Trong sử sách có đoạn ghi chép về sự kiện Trần Thắng và Ngô Quảng tạo phản. Sự việc xảy ra khi 900 người được gọi đi phục dịch, nhưng vì nguyên nhân thời tiết nên họ không thể đến nơi như hạn định. Theo luật pháp nhà Tần khi ấy, ai đến muộn sẽ phải bị chặt đầu, những người này bị bức đến đường cùng nên tìm cách tạo phản. Sự kiện này đã trở thành một bằng chứng về nền chính trị hà khắc thời Tần.

Mãi cho đến tháng 12 năm 1975 sau khi “Vân Mộng Tần Giản” được phát hiện thì nghi vấn trên mới được giải khai.

“Vân Mộng Tần Giản”, còn gọi là “Thụy Hổ địa Tần giản”, là những thẻ tre thời Tần được khai quật trong một ngôi mộ ở Thụy Hổ, huyện Vân Mộng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Theo khảo chứng, chủ nhân của phần mộ tên là Hỉ, lúc sinh tiền từng làm huyện lệnh và đã từng tham gia vào việc hình ngục. Rất có thể vì yêu cầu công việc mà chủ nhân ngôi mộ đã sao chép lại các văn thư pháp luật triều Tần và viết lên những thẻ tre này.


Vân Mộng Tần Giản. (Wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Thể chữ trên thẻ tre viết bằng bút mực theo lối chữ Triệt, ghi chép về chế độ pháp luật, pháp quy hành chính, v.v. thời nhà Tần. Trong đó có tổng cộng 1155 thẻ tre, 80 mảnh Tàn phiến, bao gồm 10 bộ phận nội dung là: “Tần luật thập bát chủng”, “Hiệu luật”, “Tần luật tạp sao”, “Pháp luật đáp vấn”, “Phong chẩn thức”, “Biên niên ký”, “Ngữ thư”, “Vi lại chi đạo”, v.v.

Từ “Vân Mộng Tần Giản” có thể thấy bộ luật nhà Tần bao phủ phạm vi rất rộng, từ gia đình, xã hội, cho đến các lĩnh vực toàn quốc, nội dung vô cùng chi tiết tường tận. Phát hiện mới này giúp hậu thế nâng cao nhận thức về thể chế chính trị và pháp luật nhà Tần, hoàn toàn không hề hà khắc và bạo ngược như chúng ta vẫn lầm tưởng. Nhà Tần có bộ luật hoàn chỉnh, việc chấp pháp nghiêm minh, các điều luật có quyền uy tuyệt đối đối với các đối tượng từ quan lại cho đến thường dân. Hệ thống pháp luật Tần triều vô cùng hoàn thiện, phân thành ba bộ phận lớn là: Điều lệ quản lý hành chính, hình pháp, và dân pháp. Ngoại trừ hình pháp, hai bộ phận còn lại đều lấy việc phạt tiền làm chủ đạo, không dùng đến hình pháp.

“Pháp luật đáp vấn”

Có thể nói, nhà Tần là triều đại sớm nhất đưa ra các điều luật khen thưởng người dũng cảm làm việc nghĩa. Trong những thẻ tre trong Tần mộ ở Vân Mộng có một chương là “Pháp luật đáp vấn”, lấy hình thức hỏi đáp để giải thích về các điều khoản và nội dung của bộ luật nhà Tần.

Về quy định khen thưởng đối với những người dũng cảm làm việc nghĩa, “Pháp luật đáp vấn” viết: “Bộ vong, vong nhân thao tiền, bộ đắc thủ tiền”. Nghĩa là ai bắt được kẻ đạo tặc bỏ trốn, nếu như kẻ bị bắt có tiền trong người thì toàn bộ số tiền này đều thuộc về người đi bắt. Điều luật này là biện pháp khen thưởng và khuyến khích người dân làm việc nghĩa, giảm thiểu các tệ nạn xã hội.

Trong “Pháp luật đáp vấn” có câu hỏi: Có kẻ sát nhân gây thương tích trên đường phố, nếu người gần đó không cứu giúp, những người ở khoảng cách trong vòng 100 bước cũng không giúp đỡ, thì nên xử thế nào?

Đáp rằng: Nên phạt nhị giáp.

Chính là nói: Những người thấy chết mà không cứu và người không bảo vệ chính nghĩa thì sẽ bị xử phạt số tiền bằng hai bộ khôi giáp.

Liên quan đến tội vu cáo hãm hại, có quy định: Người cùng nhóm, cùng đội, hoặc hàng xóm láng giềng mà tố cáo lẫn nhau, vu cáo những tội danh không đáng có, nếu qua quá trình thẩm tra mà không xác thực được hành vi có tội, vậy thì sẽ luận tội người vu cáo với các tội danh đã thêm vào.

Bộ luật cũng nói: Nếu không thể xác định tội nhân mà vẫn tố cáo thì gọi là tố cáo sai sự thật. Nếu Giáp tố cáo Ất giết người, qua quá trình tra xét thấy rằng Ất hoàn toàn không sát nhân, Giáp đã nói lời sai sự thật, vậy thì nên luận tội Giáp là tố cáo sai sự thật hay là xử theo tội danh đã thêm vào?

Câu trả lời là: nên luận xử theo tội danh thêm vào, trong trường hợp này là xử Giáp theo tội sát nhân.

Điều luật này là nhằm biểu dương chính khí, đả kích những kẻ tiểu nhân vu cáo hãm hại người.

Chẳng hạn hỏi: Có kẻ trộm đột nhập vào nhà Giáp, giết người và gây ra thương tích đối với Giáp. Khi Giáp la lớn rằng có trộm, nếu hàng xóm, Lý Điển (một chức quan thời cổ đại), và Ngũ Lão (đội trưởng) đều ra ngoài không có ở nhà, không nghe thấy Giáp hô hoán, vậy có nên luận xử hay không?

Câu trả lời là: Hàng xóm không có nhà nên không bị xử tội, nhưng Lý Điển và Ngũ Lão mặc dù không ở nhà thì vẫn bị luận tội.

Qua đó có thể thấy, Tần pháp quy định rất nghiêm khắc đối với người làm quan.

Tần pháp quy định rất nghiêm khắc đối với người làm quan. (Tranh: Winnie Wang)

Thẩm vấn tra hỏi

Trong “Vân Mộng Thư Giản” còn có quy định liên quan đến thẩm vấn tra hỏi. Khi thẩm lý vụ án, có thể căn cứ theo bản ghi chép lời khẩu cung mà tiến hành điều tra truy xét. Không tra tấn phạm nhân là tốt nhất, nếu tra tấn và tra khảo là không tốt, còn đe dọa phạm nhân thì bị coi là thất bại.

Theo quy định, phàm là thẩm vấn vụ án thì trước tiên phải lắng nghe và ghi chép lại khẩu cung, để người được thẩm vấn tự trình bày sự việc. Nếu biết rõ người bị tra hỏi đang nói dối thì cũng không cần lập tức hỏi vặn lại, sau khi ghi chép xong lời khai mà vấn đề vẫn chưa được khai báo rõ ràng, thì mới tiến hành hỏi cặn kẽ những vấn đề tương ứng cần tra hỏi. Sau khi tra hỏi thì cần ghi chép lại mọi lời giải thích, xem xem còn vấn đề nào chưa rõ ràng thì lại tiếp tục tra hỏi, tra hỏi cho đến khi phạm nhân đã nói hết lời, đuối lý.

Nếu thấy nghi phạm nhiều lần nói dối, hơn nữa còn thay đổi khẩu cung không chịu nhận tội, thì theo luật cần phải tra khảo. Đến lúc này có thể đánh đập tra tấn, khi tra tấn phạm nhân thì cần phải ghi chép lại, gọi là “viên thư” (văn án). Ví dụ như: Ai đó đã nhiều lần cải biến khẩu cung, bản thân họ cũng không có lý lẽ giải thích rõ ràng, lúc này cần tra khảo đối với người này. Đây là điều được chép trong “Phong chẩn thức”.

Bạn thấy đó, những quy định trên đây nào có gì là bạo chính, hà khắc? Những quy định này bảo đảm quyền được nói của nghi phạm, cả bị cáo và nguyên cáo đều được trình bày, được đối chứng nhiều lần và ghi chép lại lời khai. Ngay cả khi thực sự cần tra tấn thì cũng cần ghi chép lại văn bản và tuyên bố lý do. Các cơ quan công an, kiểm sát và tư pháp ở Trung Quốc ngày nay, nếu như có thể chiểu theo một nửa quy định trên mà làm, vậy thì sẽ giảm thiểu bao nhiêu vụ án oan, án sai, và án giả?

Lại nói về chuyện Trần Thắng và Ngô Quảng vì bị dồn đến đường cùng nên mới tạo phản. Trong “Vân Mộng Tần Giản” có điều luật quy định về lao dịch như sau: Khi triều đình triệu tập đi lao dịch, nếu đến muộn 3-5 ngày thì sẽ bị khiển trách, đến muộn 6-10 ngày thì sẽ bị phạt số tiền bằng một chiếc khiên, đến muộn quá 10 ngày sẽ bị phạt số tiền bằng một bộ khôi giáp. Nhưng nếu như mưa lớn cản trở khiến không thể khởi công thì người lao dịch có thể được miễn trừ việc triệu tập lần này.

Như vậy, nếu người đi lao dịch không đến địa điểm đã chỉ định trong thời hạn thì phải chịu xử phạt. Nhưng Trần Thắng và Ngô Quảng đi làm lính thú biên thùy, chỉ vì đến muộn mà có thể bị chặt đầu, so sánh với điều luật nói trên thì sự khác biệt quá lớn, đơn giản là không thể tưởng tượng được. Chúng ta biết, ghi chép trong “Vân Mộng Tần Giản” là chân thực, mà ghi chép trong “Sử Ký” cũng là chân thực. Nếu vậy thì rốt cuộc là chuyện như thế nào? Nên giải thích ra sao đây?

Rất có thể, sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, thái giám Triệu Cao đã bí mật lên kế hoạch giả tạo di chiếu, hại chết hoàng tử Phù Tô nhằm đưa hoàng tử út là Hồ Hợi lên ngôi. Hồ Hợi không có năng lực trị nước, tâm tư chỉ đặt vào việc vui chơi hưởng lạc, vậy nên Triệu Cao mới có thể lộng quyền, một tay che cả bầu trời. Nhân tâm bất phục, thiên hạ đại loạn, Triệu Cao liền loạn cải pháp lệnh, ban hành pháp luật bạo chính hà khắc, dẫn đến sự diệt vong của nhà Tần. Điều này cũng ứng với lời sấm ngôn “Diệt Tần giả Hồ” (kẻ diệt Tần là Hồ Hợi).

Đạo làm quan

Trong những điều luật ghi chép trong “Vân Mộng Tần Giản”, bộ phận được người đời dành nhiều lời khen ngợi chính là “Vi lại chi đạo” (đạo làm quan). “Lại” là chỉ quan lại, bộ luật quy định người làm quan cần làm như thế nào, trong đó yêu cầu khá khắt khe đối với quan lại. Đây là minh chứng cho tín điều mà Tần Thủy Hoàng luôn theo đuổi: “Minh chủ trị lại bất trị dân” (bậc quân chủ anh minh trị quan chứ không trị dân). Ông cho rằng quan chức phải làm gương cho dân, do đó cũng đưa ra yêu cầu vô cùng nghiêm khắc đối với quan viên.

Trong đó viết: Phàm là đạo làm quan, phải trong sạch chính trực, thận trọng kiên trì, chí công vô tư, cẩn thận tỉ mỉ, an tĩnh chớ hà khắc, biết thưởng biết phạt.

“Vi lại chi đạo” đề xuất quan lại cần có Ngũ thiện, tức 5 đức hạnh: Trung tín kính thượng (trung tín kính trong bề trên), thanh liêm vô báng (thanh liêm chính trực, không nói lời phỉ báng), cử sự thẩm đương (xét xử đúng đắn, thận trọng), hỉ vi thiện hành (thích làm việc thiện), cung kính đa nhượng (cung kính nhẫn nhường).

Và Ngũ thất, tức 5 điều sai trái là: Khoa đản (khoác lác), tự đại (kiêu căng), thiện quyền (chuyên quyền, lạm chức), tùy ý phạm thượng (làm việc tùy tiện, phạm thượng), khán trọng tiền tài khinh thị nhân tài (xem trọng tiền tài mà coi khinh bậc hiền tài).

Đạo làm quan, phải trong sạch chính trực, thận trọng kiên trì, chí công vô tư, cẩn thận tỉ mỉ, an tĩnh chớ hà khắc. (Tranh: Winnie Wang)

Qua đó đề xướng người làm quan cần: Khoan dung trung tín, hòa ái không oán hận, ăn năn hối hận nhưng chớ nặng nề, thương xót kẻ dưới không lấn hiếp, tôn kính bậc trên không mạo phạm, nghe lời khuyên gián không tắc trách, v.v.

Quan lại nếu như làm được “Ngũ thiện” thì sẽ được trọng thưởng, nhưng nếu vi phạm pháp lệnh, lơ là nhiệm vụ, tham ô tiền của bất chính, hối lộ và nhận hối lộ thì sẽ bị phạt tiền, nghiêm trọng hơn sẽ bị lưu đày. Vì để pháp luật và pháp lệnh được quán triệt và thi hành ở phạm vi rộng hơn và ở các tầng sâu hơn, nhà Tần khuyến khích toàn thể thần dân học pháp, biết pháp, quy định người làm quan phải thông hiểu pháp luật, dân chúng học tập pháp luật nhưng nên “lấy quan làm thầy”. Đây cũng là một trong những nét đặc sắc của chế độ pháp luật Tần triều.

Thời thượng cổ, nhân tâm thuần phác, nhưng sau này nhân tâm trở nên băng hoại, đạo đức trượt dốc, không có quy phạm pháp luật, mọi phương diện đều không còn tốt nữa. Tần Thủy Hoàng thông qua pháp luật này để chế định và thực thi chiếu lệnh, chấn chỉnh dân phong, giáo hóa thiên hạ, “cấm chỉ dâm dật, nam nữ kiết thành”, không chỉ cải thiện dân phong đương thời mà còn mở ra con đường chính thống cho hậu thế, gọi là “tục đồng luân” hoặc “hành đồng luân”.

Ngoài thống nhất về pháp luật, nhà Tần còn thống nhất về kinh tế và văn hóa. Mặc dù Tần triều chỉ kéo dài trong 15 năm ngắn ngủi, nhưng từ thể chế hoàng quyền, pháp luật, kinh tế, cho đến chữ viết do Tần Thủy Hoàng thiết lập lại được hậu thế và các triều đại sau này không ngừng tiếp nối và duy trì trong suốt 2000 năm.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (19): Pháp luật triều Tần