Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (2): Thủy Hoàng về Tần quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày Tổ Long ra đời, mây tỏa hào quang, trăm chim cùng hót, trời hiện điềm lành, báo hiệu con Phượng cháu Rồng vừa giáng thế. Khi công tử và phu nhân đang vui vẻ ăn mừng thì gia nhân chạy vào bẩm báo: Lã Bất Vi xin cầu kiến. 

Xem lại Phần 1: Tổ Long xuất thế

Lã Bất Vi và Dị Nhân gặp mặt nhau liền theo thứ tự ngồi xuống. Họ Lã chắp tay chúc mừng vương tôn sinh được quý tử. Dị Nhân sai nha hoàn bế đứa trẻ ra, Lã Bất Vi thấy đứa trẻ có thần thái đế vương, liền nói: “Quý công tử sinh ra đã có tướng mạo phi phàm, sau này tất sẽ là người đại phú đại quý!”.

Sau đó Lã Bất Vi mới tiết lộ với Dị Nhân rằng, ông vừa sang nước Tần làm một việc lớn. Là đại sự gì đây?

Trở thành “đích tự”

Nguyên là, Dị Nhân làm con tin ở nước Triệu, nhưng bản thân ông lại là cháu nội của vua Tần là Tần Chiêu Vương. Cha của Dị Nhân là Thái tử An Quốc Quân, cũng chính là người kế thừa vương vị sau khi Tần Chiêu Vương băng hà. Thông thường, thái tử sẽ chọn con trai trưởng làm người kế vị. Vì sao vậy? Các quân vương hay thái tử đều tuân theo thông lệ “lập đích dĩ trưởng” (lập con trưởng của vợ cả), mục đích là để tránh xảy ra chuyện tranh giành nội bộ, không để các hoàng tử tranh đoạt lẫn nhau khiến quốc gia bất ổn, vương triều lung lay. Vị chính thất phu nhân được An Quốc Quân sủng ái là Hoa Dương phu nhân lúc ấy không sinh được đích tử, nhưng nếu lập con trai của thê thiếp khác thì Hoa Dương phu nhân sẽ phật ý. Do đó An Quốc Quân mặc dù có hơn 20 con trai nhưng ông mãi vẫn chưa xác lập ai sẽ kế thừa vương vị của mình, vậy nên sự việc này vẫn cứ luôn trì hoãn.

Lã Bất Vi thấy rằng đây là cơ hội ngàn năm có một. Nếu nắm bắt đúng thời cơ thì Dị Nhân sẽ trở thành vua Tần, còn Lã Bất Vi cũng có được tiền đồ vinh hiển. Vậy nên họ Lã mới dốc toàn lực đầu tư vào “canh bài” này.

Có giai thoại kể rằng:

Lã Bất Vi trở về hỏi phụ thân: “Trồng trọt có thể đạt được lợi nhuận gấp mấy lần?”.

Phụ thân ông nói: “10 lần”.

Lã Bất Vi lại hỏi: “Bán hàng châu ngọc thì thu lợi gấp mấy lần?”.

Phụ thân ông đáp: “100 lần”.

Lã Bất Vi tiếp tục hỏi: “Nếu phò tá một người mà người đó làm vua, nắm giữ sơn hà, thì lợi được mấy lần?”.

Phụ thân ông đáp: “Cái lợi đó là gấp hàng ngàn, hàng vạn lần, không thể tính đếm”.

Lã Bất Vi nói: “Được, vậy thì con sẽ làm ăn mối này, con sẽ đem hết toàn bộ gia sản để đầu tư vào mối làm ăn này”.

Lã Bất Vi đã làm gì? Ông ta mang ngàn lượng hoàng kim đến thủ đô Hàm Dương của nước Tần, cầu kiến chị gái của Hoa Dương phu nhân.

Lã Bất Vi nói: “Tôi nghe nói, nếu tôn sùng nhan sắc thì khi nhan sắc suy tàn tình yêu cũng phai nhạt. Em gái bà rất đẹp, nhờ đó mà được Thái tử sủng ái. Tương lai khi nhan sắc không còn, tình cảm Thái tử dành cho phu nhân cũng không được như xưa. Đến lúc ấy, phu nhân nói với Thái tử điều gì thì cũng đã muộn. Cho nên nhân lúc được sủng ái nhất, phu nhân nói gì Thái tử nghe nấy. Phu nhân muốn lập con trai của mình làm người kế thừa, Thái tử cũng đồng ý. Tương lai khi thái tử mất, con trai phu nhân sẽ kế vị ngai vàng, phu nhân được lên làm Thái hậu, quyền quý bất tận”.

Chị gái của Hoa Dương phu nhân cảm thấy rất có lý, nhưng vấn đề là em gái bà không có con trai, vậy làm thế nào đây? Lã Bất Vi lại kể về Dị Nhân: “Dị Nhân là bậc hiền lương hiếu hạnh không ai sánh bằng. Mỗi năm cứ đến ngày Đông Chí cho đến tận đầu năm sau, Dị Nhân đều đốt một lò hương hướng về phía nước Tần mà lễ bái. Sau đó cung chúc Tần Vương, cung chúc Thái tử, cung chúc Hoa Dương phu nhân được khoẻ mạnh. Mẫu thân của Dị Nhân không được Thái tử sủng ái, khiến ông ấy phải sang nước Triệu làm con tin. Nếu như Hoa Dương phu nhân có thể nhận Dị Nhân làm con thừa tự, vậy thì tương lai Dị Nhân làm vua Tần, Hoa Dương phu nhân cũng cao quý như Thái hậu, mãi hưởng thụ vinh hoa phú quý, há chẳng phải tốt sao?”.

Chị của Hoa Dương phu nhân liền nhận lễ vật mà Lã Bất Vi mang đến và đi gặp em gái, nói rằng đây là của Dị Nhân dâng lên mẫu thân, đồng thời kể lại mọi chuyện cho em gái biết. Hoa Dương phu nhân nghe xong cũng rất tâm đắc, bèn lựa thời điểm thích hợp nói với An Quốc Quân: “Ngài xem, thiếp không có con trai, nay thiếp hy vọng có thể nhận một đứa con thừa tự, tương lai nó được lên kế vị thì phú quý của thiếp cũng được lâu dài”.

An Quốc Quân yêu mến Hoa Dương phu nhân nên nhanh chóng đồng ý. Ông lấy một khối ngọc rồi khắc lên đó bốn chữ: “Đích tự Dị Nhân”. Chữ “Đích” (嫡) nghĩa là vợ cả, chữ “Tự” (嗣) nghĩa là kế thừa kế vị, “Đích tự Dị Nhân” nghĩa là coi Dị Nhân như con trai của người vợ cả, chính là người sẽ kế vị sau này.

Mặc dù kế hoạch thuận buồm xuôi gió, nhưng vẫn cần Tần Vương đồng ý thì mới có thể danh chính ngôn thuận. Vì thế, Lã Bất Vi lại đi cầu kiến quốc cữu của Tần Vương, cũng chính là anh em của Tần Vương hậu. Lã Bất Vi nói: “Quốc cữu không biết cái chết sắp cận kề rồi sao?”.

Quốc cữu kinh hãi hỏi lại, Lã Bất Vi nói rằng: "Ngài hiện nay ngựa xe như nước, áo quần như nêm, nếm hết mọi sơn hào hải vị, hưởng hết mọi phú quý vinh hoa… Nhưng đợi đến khi Thái tử tức vị, trong triều không có người của ngài nữa, vậy thì những kẻ từng nhìn ngài không thuận mắt, lẽ nào lúc ấy lại không giở trò hiểm độc sao? Ngài thấy đó, đương kim Tần Vương tuổi tác đã cao, ngài nghĩ xem, bản thân ngài chẳng phải rất nhanh sẽ gặp tai họa sao?"

Vị quốc cữu này nghe xong, trán ướt đẫm mồ hôi, bèn chắp tay thi lễ và nói: “Thỉnh tiên sinh chỉ giáo, nói xem tôi nên làm thế nào?”

Lã Bất Vi bèn ghé tai nói nhỏ rằng như thế, như thế. Quốc cữu gật đầu, liền đến nói với Vương hậu, Vương hậu lại thuyết phục Tần Vương, cuối cùng Tần Vương cũng chấp thuận.

Xong xuôi mọi việc, họ Lã lại trở về nước Triệu. Sau khi kể lể một hồi với Dị Nhân, Lã Bất Vi nói: “Không chỉ thái tử An Quốc Quân và Hoa Dương phu nhân, mà còn có Vương hậu, các vị ấy cấp cho ngài rất nhiều vàng kim, dặn rằng để Vương tôn Dị Nhân làm phí tổn kết giao với các quyền thần của nước Triệu. Hoa Dương phu nhân còn cấp cho công tử một rương lụa là quần áo”.

Dị Nhân vui mừng đáp: “Y phục tôi xin nhận, còn vàng kim thì phiền tiên sinh cứ giữ lấy, nếu có chỗ phải dùng đến thì trăm sự nhờ cậy tiên sinh, chỉ cần cứu được tôi về nước, tôi sẽ cảm ơn vô cùng!”.

Sau đó, Lã Bất Vi liên tục đi lại giữa hai nước Tần và Triệu, trên bề mặt là giao thương buôn bán, nhưng sau lưng là dốc sức giúp Dị Nhân được về nước.

Dị Nhân ở nước Triệu, ngoài việc mỗi ngày tận lực kết giao với các quyền thần danh tiếng của nhà Triệu, thì thời gian còn lại đều ở trong nhà. Triệu Chính càng lớn càng tỏ ra có thiên phú. Cậu bé chưa đến 1 tuổi đã biết nói, không khóc không quấy, mỗi khi nghe cha đọc sách đều tỏ vẻ thông hiểu. Lớn đến 2 tuổi, cậu bé nghe cha ngâm thơ rồi tụng đọc lại theo, khiến Dị Nhân trong lòng càng yêu mến. Trong thời gian ấy, Tần quốc vẫn không ngừng đem quân chinh phạt nước Triệu. Trận chiến Trường Bình khiến Triệu quốc tổn hao nguyên khí, thất bại ê chề. Ba người nhà Dị Nhân tuy rằng nhờ sự bảo hộ của tướng Bình Nguyên Quân mà may mắn sống sót, nhưng vẫn không tránh khỏi ánh mắt căm hận của bách tính nước Triệu đối với người Tần. Dị Nhân ở nhà thấp thỏm chờ tin, mỗi ngày đều mong móng Lã Bất Vi, bản thân ở đâu làm gì cũng cẩn trọng, không dám cẩu thả sơ xuất điều gì.

số mệnh đã được an bài
Dị Nhân ở nước Triệu, ngoài việc mỗi ngày tận lực kết giao với các quyền thần danh tiếng của nhà Triệu, thì thời gian còn lại đều ở trong nhà. (Do Bảo tàng Cung điện Quốc gia cung cấp)

Ngày hôm ấy, Dị Nhân đang ngồi buồn bực thì bỗng thấy Lã Bất Vi đến cầu kiến. Lần gặp mặt này là vì chuyện gì đây?

Trở về Tần quốc

Năm Tần Chiêu Vương thứ 50, tức năm 257 TCN, tướng nhà Tần là Vương Hột dẫn quân bao vây kinh đô Hàm Đan của Triệu quốc. Trước tình cảnh ngặt nghèo ấy, Dị Nhân bèn hỏi Lã Bất Vi có cách nào để rời khỏi Triệu không? Lã Bất Vi dốc hết tiền bạc, tổng cộng được 600 cân vàng kim, rồi đem vàng đi hối lộ người canh giữ Dị Nhân, sau đó lại hối lộ vị tướng trấn thủ cổng thành phía nam, nói rằng: “Hiện nay Tần và Triệu đang xảy ra chiến tranh, Hàm Đan rất nguy hiểm, ta hy vọng các ông mở cho ta một con đường thoát”. Tướng quân thủ thành và binh sĩ đã đồng ý.

Lã Bất Vi vội vàng trở về nói với Dị Nhân: “Thỉnh công tử nhanh chóng chuẩn bị, tôi đã mua chuộc được quan thủ thành, thỏa thuận là tôi sẽ về nhà cũ ở Dương Trạch, nửa đêm nay sẽ ra khỏi thành. Bây giờ công tử hãy giả trang thành kẻ tùy tùng mà trà trộn vào trong đám hạ nhân, rồi chúng ta sẽ khởi hành. Còn về phu nhân và tiểu công tử, tôi đã thuyết phục nhà mẹ của phu nhân, phái người đưa mẹ con nàng đến Triệu phủ, tạm thời lánh ở đó một thời gian. Đợi sau này an định, nhất định sẽ giúp công tử đến đón mẹ con nàng trở về Tần đoàn tụ”.

Vì thời giờ gấp gáp, Dị Nhân chỉ còn cách khẩn trương thu xếp hành lý cho mẹ con Triệu Cơ. Lúc này Triệu Cơ kéo tay Dị Nhân và nói: “Phu quân nghìn vạn lần không được quên mẹ con thiếp…”.

Hai hàng nước mắt nhạt nhòa, nàng lại rút từ trong ngực ra một miếng ngọc phù, nói: “Hôm nay có Lã tiên sinh chứng kiến, xin phu quân cầm lấy một nửa miếng ngọc phù này”.

Vốn dĩ đó là hai nửa của một miếng ngọc phù, trên khắc dòng chữ: “Bất ly bất khí, Tần Vương tôn Dị Nhân chi chính thê Triệu Cơ, trưởng tử Triệu Chính” (Không rời không bỏ, vợ chính Triệu Cơ của cháu nội vua Tần là Dị Nhân, con trưởng là Triệu Chính). Vì để phòng một khi bất trắc vợ chồng phải chia lìa, Dị Nhân và Triệu Cơ đã chuẩn bị sẵn tấm ngọc phù này, khắc chữ lên đó rồi chia thành hai mảnh, Dị Nhân và Triệu Cơ mỗi người giữ một mảnh. Sau này khi phu thê tương ngộ, gia đình đoàn tụ, chỉ cần hợp hai nửa thành một là có thể nhận ra nhau.

Lã Bất Vi lặng lẽ gật gật đầu: “Phu nhân đừng quá lo lắng, tôi và Vương tôn đến Tần quốc rồi, đợi đến khi an định sẽ lập tức đến đón phu nhân và tiểu công tử về đoàn tụ”.

Lúc ấy, người đầy tớ già đã thu xếp xong xe cộ và hành lý, Triệu Cơ ôm Triệu Chính vừa mới 3 tuổi, lòng bịn rịn bước lên xe, thẳng tiến về dinh phủ họ Triệu. Dị Nhân nhìn theo mẹ con nàng, mãi đến lúc xe khuất bóng mới cùng Lã Bất Vi trở vào phòng.

Dị Nhân thay y phục, giả trang thành người hầu trà trộn vào trong đám gia nhân của Lã Bất Vi, lợi dụng lúc nửa đêm đến trước cổng thành. Người giữ cổng vừa thấy Lã Bất Vi đã hiểu ý, liền mở cổng để đoàn xe ra khỏi thành.

Xe của Lã Bất Vi ra khỏi cửa thành một đoạn liền bắt đầu quất roi thúc ngựa, chạy nhanh đến đại bản doanh của quân Tần. Binh sĩ nhà Tần bắt được, đưa Lã Bất Vi cùng với Dị Nhân vào màn trướng của tướng quân Vương Hột. Lã Bất Vi bước đến trước kể rõ đầu đuôi, Vương Hột nghe xong lại đưa họ đến màn trướng của Tần Chiêu Vương. Chiêu Vương vừa thấy liền mừng rỡ, nói rằng Thái tử ngày đêm tưởng nhớ con, con hãy về kinh đô Hàm Dương đi. Ngay trong đêm ấy, Dị Nhân và Lã Bất Vi vội vã về kinh đô nước Tần. Dưới sự an bài của Lã Bất Vi, Dị Nhân được gặp lại phụ thân là An Quốc Quân và được nhận làm con nuôi của Hoa Dương phu nhân, đổi tên thành Tử Sở.

Dị Nhân theo sắp đặt của Lã Bất Vi trở về Tần, tạm để lại vợ con ở lại nước Triệu. 6 năm sau, Tần Chiêu Vương băng hà, An Quốc Quân lên kế vị, lập Dị Nhân làm Thái tử. Triệu quốc vì muốn giữ giao hảo với Tần nên cũng phái người hộ tống Triệu Cơ và tiểu công tử Triệu Chính trở về Hàm Dương.

Ông nội của Tần Thủy Hoàng là Thái tử An Quốc Quân, sau 1 năm để tang mới chính thức đăng quang làm Tần Vương, nhưng vừa đăng cơ được 3 ngày liền đột nhiên phát bệnh qua đời. Dị Nhân lên kế vị, trở thành Tần Trang Tương Vương, lập Triệu Cơ làm Vương hậu, Triệu Chính làm Thái tử, đồng thời khôi phục họ tổ cho Triệu Chính, đổi tên thành Doanh Chính. Lã Bất Vi theo đó cũng được phong quan làm thừa tướng, trở thành Văn Tín hầu, được ban cho 10 vạn hộ ở Hà Nam, Lạc Dương làm thực ấp.

Đến đây, Thủy Hoàng đế Doanh Chính mới thoát khỏi cuộc sống tha hương, trở về tổ quốc – nước Tần. Từ đó cuộc đời ông mở sang trang mới, cũng là vì Hoa Hạ mà bắt đầu chương mới của lịch sử.

Vậy, Tần Thủy Hoàng kế vị làm Tần Vương như thế nào? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Đăng cơ dẹp loạn.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (2): Thủy Hoàng về Tần quốc