Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (21): Hoàng đế băng hà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lại nói, chiêm bốc quan kiến nghị Hoàng đế nên ra ngoài tuần du để xu cát tị hung, tránh dữ đón lành. Tần Thủy Hoàng chuẩn ý, bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho cuộc hành trình sắp tới. Đúng lúc ấy tiểu hoàng tử Hồ Hợi xin được cầu kiến…

Hồ Hợi quỳ xuống hành lễ rồi chạy đến níu lấy tay Tần Thủy Hoàng, nũng nịu nói: “Phụ vương lại sắp tuần du, nhi thần cũng muốn được ra ngoài một chuyến để mở mang mở mang tầm mắt, biết thêm phong cảnh của những vùng đất khác nhau. Nhi thần cầu xin phụ vương ân chuẩn”. Nói rồi, Hồ Hợi lại lay lay cánh tay của Thủy Hoàng.

Hồ Hợi là một trong những hoàng tử nhỏ tuổi nhất trong cung. Tương truyền, không lâu sau khi Hồ Hợi ra đời thì mẫu thân của cậu là Hồ Cơ cũng bất hạnh tạ thế. Tần Thủy Hoàng vô cùng thương yêu cậu con trai bé bỏng này, ông vẫn thường dẫn cậu bé theo bên mình, hơn nữa còn cho phép sủng thần bên cạnh mình là Triệu Cao làm thầy dạy cho Hồ Hợi. Hồ Hợi vốn là đứa trẻ ngây thơ trong sáng, không chút mưu toan suy tính, mỗi ngày chỉ muốn được rong chơi vui vẻ, trong tâm cũng chưa từng có ý nghĩ sẽ kế vị vua cha. Hơn nữa, chứng kiến phụ hoàng lao tâm khổ lực vì quốc gia như thế, cậu lại càng không muốn làm hoàng đế.

Nói về sự tinh nghịch của Hồ Hợi, còn có một câu chuyện như thế này: Một lần Tần Thủy Hoàng mở đại yến chiêu đãi quần thần, các đại thần khi đến dự đều phải tháo giày và đặt ở bên ngoài cửa điện. Hồ Hợi chọn những đôi giày bắt mắt nhất rồi giẫm chân lên. Chỉ có cậu bé mới to gan lớn mật như thế, còn những hoàng tử khác thì cho dù có bị đánh đòn cũng không dám làm như vậy. Từ đó có thể thấy thiên tính lém lỉnh và tinh nghịch của tiểu hoàng tử Hồ Hợi.

Vào thời điểm Tần Thủy Hoàng tuần du, Hồ Hợi đã hơn 20 tuổi rồi, theo lý mà nói thì không còn nhỏ nữa. Nhưng cậu vẫn tinh nghịch, vẫn cứ ham chơi như xưa. Tần Thủy Hoàng thấy tiểu hoàng tử thỉnh cầu, trong tâm ông nghĩ: Cho Hồ Hợi đi theo cũng tốt, trong lúc du ngoạn ta có thể quan sát xem xem, nếu như có tố chất lại được bồi dưỡng thêm vào thì không chừng có thể lập làm thái tử, tương lai kế thừa hoàng vị cũng không chừng.

Hồ Hợi được chấp thuận thì vô cùng cao hứng, liền rối rít cảm tạ phụ hoàng, sau đó lại tung tăng chạy ra ngoài, chuẩn bị lên đường.

Tháng 10 năm 210 TCN, Tần Thủy Hoàng bắt đầu chuyến tuần du thứ năm, cũng là chuyến tuần du cuối cùng trong đời ông. Khi đi về phía tây đến bến Bình Nguyên thì ngã bệnh, bệnh tình mỗi ngày lại một thêm trầm trọng. Đến ngày Bính Dần tháng 7 năm sau, Tần Thủy Hoàng băng hà tại Bình Đài, Sa Khâu (nay là phía đông bắc huyện Bình Hương, tỉnh Hà Bắc). Theo sử sách ghi chép, khi biết bản thân sắp quy tiên, Tần Thủy Hoàng đã viết di chiếu yêu cầu Triệu Cao phái người đem đến cho công tử Phù Tô ở nơi trấn thủ biên cương phía bắc, chính thức lập Phù Tô làm người kế thừa vương vị. Có thể Tần Thủy Hoàng cũng nhận ra rằng Hồ Hợi không có tư chất làm hoàng đế, chỉ có Phù Tô mới có đủ khả năng đảm nhận trọng trách lớn lao này. Trong di chiếu, ông viết:

“Dĩ binh thuộc Mông Điềm, dữ tang, hội Hàm Dương nhi táng” (Quân đội giao cho Mông Điềm, tham gia tang lễ, tập hợp ở Hàm Dương rồi an táng)

Trong chiếu thư, Tần Thủy Hoàng yêu cầu con trưởng Phù Tô giao lại binh quyền cho đại tướng Mông Điềm và mau chóng thu xếp về Hàm Dương để chủ trì tang lễ. Nhưng chưa kịp giao chiếu thư cho sứ giả, Tần Thủy Hoàng đã nhắm mắt xuôi tay. Lúc ấy, bức chiếu thư và ngọc tỉ đều nằm trong tay thái giám Triệu Cao. Triệu Cao lúc bấy giờ là Trung xa Phủ lệnh, đồng thời là Hành phù Tỉ sự. Hai chức vụ này có ý nghĩa như thế nào?

“Trung xa Phủ lệnh” là đội trưởng đội hầu cận quân vương, chuyên quản lý xe và ngựa của Tần Thủy Hoàng, đồng thời bảo vệ sự an toàn cho hoàng đế. Trong tên chức quan có chữ “Trung”, ý tứ là người ấy có thể ra vào hoàng cung. Chỉ có viên quan được cực kỳ tín nhiệm mới có thể đảm nhiệm chức vụ này. Vậy còn “Hành phù Tỉ sự”? “Phù” là ấn tín điều binh, “Tỉ” là ngọc tỉ đóng dấu lên chiếu thư mà hoàng đế ban hành, do đó “Hành phù Tỉ sự” chức quan chuyên quản lý ngọc tỉ và ấn tín của hoàng đế. Chức vị này cũng được giao cho người mà hoàng đế tín nhiệm nhất trong số các cận thần. Có thể thấy hai chức vụ này quan trọng đến nhường nào, vậy mà một mình Triệu Cao kiêm nhiệm cả hai vị trí trọng yếu này! Điều ấy nói rõ rằng Tần Thủy Hoàng vô cùng tín nhiệm sủng thần Triệu Cao.

Nhưng điều ông không thể ngờ là, ngay sau khi ông qua đời, chính Triệu Cao lại dùng lợi hại thiệt hơn để cưỡng ép Lý Tư phong tỏa tin tức Hoàng đế băng hà, sau đó lại thuyết phục Hồ Hợi tạo chiếu thư giả, mệnh lệnh công tử Phù Tô phải tự vẫn, đồng thời hãm hại đại tướng Mông Điềm. Hồ Hợi nhờ có Triệu Cao mà được lên kế vị, trở thành Tần Nhị Thế. Ông nghe lời xúi giục của Triệu Cao mà ban hành các chính sách hà khắc, hãm hại trung lương, giết chết nhiều hoàng tử và công chúa, cuối cùng khiến Tần quốc diệt vong. Điều này ấn chứng cho câu sấm ngữ “Diệt Tần giả Hồ dã” (kẻ diệt Tần là Hồ Hợi).

Hồ Hợi nhờ có Triệu Cao mà được lên kế vị, trở thành Tần Nhị Thế. (Tranh Winnie Wang)

***

Tần Thủy Hoàng được hậu nhân tôn vinh là “Thiên cổ nhất đế”. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, ông đã thuận theo Thiên thời, đắc địa lợi, lấy cái thế gió cuốn mây tàn để thống nhất Trung Hoa, kết thúc những năm tháng khói lửa của thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc, lập nên kỳ tích vĩ đại khắp thiên thu. Không có ông thống nhất văn tự, việc truyền thừa 5000 năm văn hóa sẽ chỉ là một lời nói suông. Không có ông thống nhất tiền tệ và các tiêu chuẩn đo lường, vậy thống nhất không thể là thống nhất thực sự. So với đồng Euro ở châu Âu, thì đồng tiền dưới thời Tần Thủy Hoàng đã đi trước một bước sớm hơn những 2000 năm. Tần Thủy Hoàng bãi bỏ chế độ phân đất phong hầu, thiết lập quận huyện, được các triều đại sau này duy trì và thực hiện cho đến tận ngày nay.

Tần Thủy Hoàng được các đế vương và danh nhân đời sau vô cùng tôn sùng và kính ngưỡng. Bậc quân vương khai quốc nhà Hán là Lưu Bang vẫn luôn coi mình là người kế thừa Tần Thủy Hoàng. Trước lúc lâm chung, Lưu Bang từng biểu thị thái độ của bản thân đối với các bậc vĩ nhân tiên liệt, chúng ta có thể đọc lại di ngôn của Lưu Bang trong “Sử Ký - Cao Tổ bản kỷ”. Ông nói: “Tần Thủy Hoàng, Sở Ẩn Vương nước Sở là Trần Thiệp, An Ly Vương nước Ngụy, Mân Vương nước Tề, Điệu Tương Vương nước Triệu đều chết mà không có con cháu [nối nghiệp], ta cho họ mỗi người được mười nhà để giữ phần mộ. Ta cho Tần Hoàng đế hai mươi nhà, Ngụy công tử Vô Kỵ năm nhà”.

Sở Ẩn Vương Trần Thiệp chính là Trần Thắng - người phát động cuộc tạo phản ở làng Đại Trạch. Cũng giống như Trần Thắng, An Ly Vương nước Ngụy, Mân Vương nước Tề, và Điệu Tương Vương nước Triệu đều được ban cho mười hộ để đời đời thế thế duy trì tế tự mộ phần tổ tiên. Ngụy công tử Vô Kỵ không phải là đế vương, mà chỉ là nhân vật mà Lưu Bang kính ngưỡng nên ông mới đặc biệt ban cho năm hộ để giữ phần mộ. Duy chỉ có Tần Thủy Hoàng là được đãi ngộ cao hơn quân vương của các nước, được ban cho hai mươi hộ để giữ mộ phần. Rõ ràng Lưu Bang đã biểu đạt sự kính trọng đặc biệt đối với Tần Thủy Hoàng và vương triều nhà Tần.

Đối với công lao vĩ đại của Tần Thủy Hoàng, Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng nói: “Người thống nhất thiên hạ và mở rộng biên cương duy chỉ có Tần Hoàng, Hán Võ”.

Đại thi nhân nhà Đường là Lý Bạch cũng viết trong bài thơ “Cổ Phong - kỳ 3”:

Tần hoàng tảo lục hợp,
Hổ thị hà hùng tai.
Huy kiếm quyết phù vân,
Chư hầu tận tây lai.
Minh đoạn tự thiên khởi,
Đại lược giá quần tài.
Thu binh chú kim nhân,
Hàm Cốc chính đông khai.
Minh công hội Kê Lĩnh,
Sính vọng Lang Nha đài.

Bản dịch thơ của Nguyễn Minh:

Tần Thuỷ hoàng quét yên sáu nước
Cọp tỏ uy hùng biết là bao!
Tuốt gươm chỉ đám mây cao
Chư hầu mọi phía quy vào phương tây
Loan truyền rằng trời thay đổi nước
Đầy quyền uy mưu lược trị người
Đúc người binh khí hết xài
Ải quan Hàm Cốc triển khai đông phòng
Võ tướng được ghi công núi Kế
Từ đài Lang có thể ngóng xem.

Một nhà sử học của Trung Hoa Dân quốc tên là Liễu Di Trưng từng bình luận: “Năm Doanh Chính xưng hoàng đế thực sự là kết thúc hai ngàn năm trước đó, cũng là mở đầu cho hai ngàn năm sau này, không thể phủ nhận đó chính là đại sự quan trọng trong lịch sử”.

Nhưng trong hai ngàn năm sau này, rất nhiều văn nhân, chính khách lại tin vào những lời giả dối, từ đó nói lời phỉ báng khiến hậu thế hiểu sai về Tần Thủy Hoàng. Trong thời điểm trọng đại ngày hôm nay, chúng ta hãy lần giở lại sách xưa để tìm ra diện mạo chân thật của lịch sử, có được cái nhìn thấu đáo về Tần Thủy Hoàng - vị thiên cổ nhất đế hai ngàn năm qua.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (21): Hoàng đế băng hà