Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (3): Đăng cơ dẹp loạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vài năm sau khi đăng cơ, Doanh Chính phải đối mặt với hai cuộc tạo phản. Điều đáng nói là, cả hai cuộc nổi loạn đều liên quan đến những người thân yêu nhất bên cạnh Tần Vương Chính.

Xem lại phần 2: Thủy Hoàng về Tần quốc

Lên ngôi Tần Vương

Trong phần trước chúng ta đã biết, sau khi Dị Nhân lên kế vị và trở thành Tần Trang Tương Vương, Doanh Chính cũng được phong làm tiểu Thái tử của hoàng thất nhà Tần. Cũng từ đó, cuộc sống của cậu bé Doanh Chính hoàn toàn thay đổi: Xung quanh không còn tiếng gươm đao, không còn đổ máu, không còn ai kỳ thị hay ức hiếp, không cần phải trốn tránh ẩn náu, cũng không phải chịu ánh mắt khinh bỉ của người nước Triệu nữa. Với cậu, mỗi ngày đều êm đềm trôi qua trong nhung lụa.

Nhưng cuộc sống vương giả trong cung Tần vẫn chưa phải là tất cả. Món quà lớn nhất mà phụ thân dành cho Doanh Chính là, cậu đã có thêm một em trai cùng cha khác mẹ kém cậu 3-4 tuổi, tên là Thành Kiểu. Kể từ ngày đầu tương ngộ, hai anh em quấn quýt không rời, cùng nhau đọc sách, cùng nhau chơi đùa. Nhớ lại 6 năm tha hương nơi nước Triệu, lại do chiến loạn liên miên, cả Doanh Chính và mẫu thân đều không được hoan nghênh chào đón, ngày ngày đều bị người ta ức hiếp, cũng không có đứa trẻ nào muốn kết thân cùng cậu. Sau khi về nước có được cậu em trai này, Doanh Chính vui mừng khôn xiết, yêu thương em hết mực. Còn Thành Kiểu thì luôn chạy theo sau giống như cái đuôi nhỏ, không rời anh trai nửa bước, hai đứa trẻ vô tư hồn nhiên chơi cùng nhau rất vui vẻ. Đây cũng là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong tuổi thơ của Doanh Chính.

Trang Tương Vương lên ngôi được 3 năm thì băng hà, Thái tử Doanh Chính kế vị làm Tần Vương. Tần Vương lúc ấy mới chỉ mới 13 tuổi, vẫn hồn nhiên vui chơi, cho đến một ngày, Mẫu hậu nói với cậu rằng: Phụ vương đã quy thiên, con cần thay cha làm Quốc vương của nước Tần. Dưới sự ủng hộ của các đại thần, Tần Vương tôn mẫu thân Triệu Cơ làm Thái hậu, tôn Lã Bất Vi làm Thừa tướng và gọi là “Trọng phụ”. Do Doanh Chính còn nhỏ chưa thể tự mình lo việc nước, nên Thái hậu và Thừa tướng Lã Bất Vi cùng với các đại thần thay vua quyết định việc quốc gia đại sự.

有一天夜裡,秦王孫異人似睡似夢中,就看到天上下來一條巨龍,只見那龍從自己身體中取出龍子,放到趙姬腹中。
Doanh Chính rằng, con chính là Thần Long xuất thế, gánh trên vai thiên mệnh với nước nhà (Tranh Winnie Wang - Visiontimes)

Có một truyền thuyết vẫn luôn được lưu truyền trong hoàng thất nhà Tần: Đó là một ngày không xa, nước Tần sẽ thống nhất thiên hạ. Câu chuyện ấy đã được Tần Trang Tương Vương kể đi kể lại rất nhiều lần. Ông còn nói với Doanh Chính rằng, con chính là Thần Long xuất thế, gánh trên vai thiên mệnh với nước nhà. Vậy nên, Tần Vương dù ở độ tuổi chơi đùa nghịch ngợm như những đứa trẻ đồng trang lứa, nhưng mỗi ngày cậu đều nghiêm túc lên triều, để tâm học hỏi tác phong của bậc quân vương, vừa lắng nghe các đại thần nghị luận việc triều chính, vừa quan sát xem họ ứng đối ra sao, xử lý như thế nào. Sau giờ thiết triều, cậu lại chăm chỉ đọc sách, đọc lại những ghi chép về đại sự của nước Tần, có lúc đưa ra câu hỏi cho các đại thần và cùng thảo luận về xu thế chung của thiên hạ. Từ khi làm Tần Vương, hai huynh đệ Doanh Chính và Thành Kiểu đã trở thành quân - thần, một người bận rộn việc triều chính, một người vẫn mải mê chơi đùa, hai anh em đã không thể ở bên nhau như trước đây được nữa.

Dẹp loạn ở Đồn Lưu

Thấm thoắt đã 8 năm kể từ khi Doanh Chính lên kế vị. Một ngày, các đại thần và Thái hậu cùng bàn bạc và quyết định phái Trường An quân Thành Kiểu dẫn quân công đả nước Triệu, lấy lý do là để Trường An quân có cơ hội giết địch lập công. Đó là năm 239 TCN, Thành Kiểu mới chỉ 16, 17 tuổi.

Khi đội quân mới đi đến Đồn Lưu, dưới sự xúi giục của tướng Phàn Ô Kỳ, Trường An quân Thành Kiểu bất ngờ phất cờ tạo phản. Phản quân tuyên bố hịch văn, nói rằng Tần Vương Doanh Chính không phải huyết nhục của Tiên đế, mà là con trai của Lã Bất Vi, nên không có tư cách làm vua nước Tần. Tin tức gây xôn xao và nhanh chóng truyền đến kinh thành Hàm Dương, khiến Tần Vương vừa bất ngờ, vừa tức giận. Việc khẩn cấp trước mắt là phải dẹp yên cuộc phản loạn này. Tần Vương liền phái đại tướng Vương Tiễn đến Đồn Lưu dẹp loạn. Rất nhanh chóng, cuộc tạo phản bị diệt trừ, dân chúng Đồn Lưu bị lưu đày đến nơi khác. Thành Kiểu đào thoát đến Triệu, được Triệu quốc giữ lại và ban cho ấp Nhiêu làm nơi cư trú. Phàn Ô Kỳ cũng nhanh chân chạy trốn, nhưng không rõ đang ẩn nấp ở đâu.

Vương Tiễn dẹp phản xong liền trở về bẩm báo với Tần Vương. Lã Bất Vi và các vị đại thần đều kiến nghị Tần Vương gây sức ép lên nước Triệu, lệnh cho họ phải giao lại Trường An quân Thành Kiểu. Tần Vương Doanh Chính ngẫm nghĩ một lát rồi nhìn các vị đại thần và nói: “Không cần đâu, tùy vương đệ đi thôi. Anh em như tay chân, việc gì phải tuyệt tình tuyệt nghĩa đến như vậy?”.

Lã Bất Vi nói: “Nếu bệ hạ không trừ Thành Kiểu, sợ rằng sau này sẽ hậu hoạn vô cùng, vương vị của bệ hạ cũng sẽ bị uy hiếp”.

Tần Vương xua tay: “Nếu vương vị của trẫm là ý chỉ của Thượng Thiên thì ai cũng không đoạt được. Nếu như Thiên ý không cho phép, thì cho dù có giết vương đệ thì cũng sẽ xuất hiện một kẻ khác. Nay ý trẫm đã quyết, cứ để vương đệ đi, không cần bàn lại nữa”.

Thường ngày Tần Vương gặp chuyện gì cũng đều tôn trọng ý kiến của các đại thần, đặc biệt là ý kiến của Thừa tướng Lã Bất Vi, bản thân không quá khăng khăng cố chấp. Nhưng riêng với chuyện này ông lại quyết đoán như vậy, thế nên các đại thần cũng không dám nói thêm lời nào nữa.

Xuân đi hạ đến, chớp mắt Tần Vương Doanh Chính đã tròn 22 tuổi. Theo phép tắc của của nước Tần, khi quân vương 22 tuổi sẽ cử hành lễ Thành niên gia quán (lễ đội mũ đăng quang). Sau lễ đội mũ, Tần Vương sẽ thu hồi lại những quyền lực đã ủy thác cho các lão thần và Thái hậu để tự mình chấp chính. Cũng chính là nói, sau lễ đăng quang Doanh Chính mới thực sự làm quốc vương, nắm giữ đại quyền trong triều đình.

Đúng lúc này đã phát sinh một sự việc: Lao Ái chiếm ngọc tỉ và dấy binh mưu phản, gọi là loạn Lao Ái.

Dẹp loạn Lao Ái

Nhắc đến Lao Ái, có lẽ quý độc giả cũng từng nghe nói đến nhân vật này. Lao Ái là “diện thủ” của Triệu Thái hậu - mẫu thân của Tần Vương. ‘Diện thủ’ là gì? Thời cổ đại, ‘diện thủ’ là chỉ tình nhân của một số phu nhân và hoàng thân quý thích trong hoàng thất sau khi chồng chết. Nhưng Lao Ái không giống như những diện thủ bình thường khác, ông ta rất được Thái hậu sủng ái. Lao Ái là sủng thần phục vụ riêng cho Triệu Thái hậu, được phong đất, có dinh phủ riêng, thậm chí còn được phong làm Thường Tín hầu. Trong nhà Lao Ái, số người hầu kẻ hạ nhiều không đếm xuể. Lao Ái không chỉ có quan vị mà còn tham dự vào triều chính. Triệu Thái hậu giấu Tần Vương, bí mật sinh cho Lao Ái hai người con trai, hứa hẹn rằng sau khi Tần Vương Doanh Chính băng hà, sẽ tôn con riêng của Lao Ái lên làm vua. Đương thời quyền thế của Lao Ái rất mạnh, thậm chí đối kháng với Lã Bất Vi, hình thành nên hai thế lực chính trị lớn trong thành Hàm Dương: Một bên là Lã phái, một bên là Lao phái.

Một lần Lao Ái say rượu đánh bạc trong hậu cung. Lao Ái thua cược nhưng nhất định không nhận thua, đối phương cũng không chịu, hai người cứ thế lời qua tiếng lại mãi không dứt. Lao Ái nổi giận, chỉ tay vào người kia mắng rằng: “Nhà ngươi mở to mắt nhìn xem ta là ai? Sao dám tranh giành với ta? Ta là giả phụ của đương kim Tần Vương đó!”. Giả phụ là có ý nói làm cha dượng. Người kia sợ đến mức không dám hé miệng thốt lên lời nào, chỉ biết co chân vắt cẳng chạy vội đi. Khi chạy đến chỗ Tần Vương, anh ta luống cuống không biết nên đi đứng thế nào, ăn nói ra sao, bèn dè dặt từng lời thận trọng. Tần Vương nghe tin nổi cơn thịnh nộ. Ông sớm đã biết mối quan hệ thân thiết giữa Lao Ái và mẫu hậu. Nhưng nghĩ đến mẫu hậu tuổi còn trẻ mà đã phải ở góa, trong lòng vô cùng thông cảm cho mẫu thân, vậy nên ông cũng chỉ nhắm mắt cho qua, nào đâu biết sự tình lại nghiêm trọng đến mức này? Sau đó Tần Vương bèn phái người bí mật đi điều tra hành tung của Lao Ái.

Tần Vương khi ấy vừa mới đăng quang, nhận kiếm. Ông vẫn điềm nhiên không một chút hoảng loạn, lập tức ban bố “Công Ái lệnh” (lệnh đánh Lao Ái). (Tranh Winnie Wang - Visiontimes)

Ngày đăng quang cuối cùng cũng đến, Tần Vương dẫn theo các đại thần, các nhân vật tiếng tăm, các vương thân quốc thích, ngồi xa giá uy nghiêm tiến vào Ung Thành. Ung Thành là cố đô nước Tần, bên trong xây dựng rất nhiều tông miếu và cung thất của tổ tông xã tắc, tất cả các nghi thức tế lễ long trọng đều được cử hành tại đây. Lễ đăng quang Tần Vương cũng được cử hành tại cung Kỳ Niên trong Ung Thành. Khi ấy Ung Thành đông vui náo nhiệt, còn thủ đô Hàm Dương thì gần như trở thành một tòa thành vắng vẻ. Lao Ái liền lợi dụng thời cơ này, phát động cuộc chính biến. Hắn giả mượn ngọc tỉ của Thái hậu, lệnh cho các thủ hạ và vệ sĩ cung đình dẫn theo quân đội tiến thẳng đến cung Kỳ Niên chém giết. Tần Vương khi ấy vừa mới đăng quang, nhận kiếm. Ông vẫn điềm nhiên không một chút hoảng loạn, lập tức ban bố “Công Ái lệnh” (lệnh đánh Lao Ái), lệnh cho thừa tướng Lã Bất Vi và Xương Bình Quân dẫn đại quân đi dẹp loạn. Rất nhanh chóng, quân phản loạn bị dẹp yên, Lao Ái bị “xa liệt” (tứ mã phanh thây), những quan viên theo hắn tạo phản đều bị xử tử, còn những môn khách và gia nhân của Lao Ái thì bị lưu đày sang đất Thục. Nhưng Tần Vương vẫn chưa hết giận, ông ra lệnh đưa Triệu Thái hậu dời đến cung điện cũ ở Ung Thành chịu quản thúc.

Sự việc bất ngờ xảy ra khiến triều đình chấn động. Rất nhiều đại thần đều hướng đến Tần Vương can ngăn, khuyên rằng bệ hạ không nên đối đãi với mẫu hậu như vậy, rằng làm như thế sẽ bị coi là đại bất hiếu. Nhưng Tần Vương vẫn oán khí đầy mình, ông thầm nghĩ: Trẫm và mẫu hậu khi còn ở nước Triệu đã từng hoạn nạn có nhau, trong chiến loạn mà nương tựa vào nhau, vậy mà nay lại vì một kẻ không ra gì để đến nỗi không còn đếm xỉa tới tình mẫu tử. Hắn đã mưu phản soán vị, lại còn định giết trẫm, vậy mà mẫu thân lại ngang nhiên tiếp tay cho giặc! Thật quá đáng rồi! Những người tới khuyên can đều cho rằng Tần Vương không đúng, khiến ông lại càng thêm giận dữ và hạ lệnh: Ai còn dám nói về việc của Thái hậu, trẫm sẽ trảm ngay không cần luận tội! Ngoài cung cũng dựng một tấm biển viết rằng: Ai dám can gián việc của Thái hậu, giết ngay không tha!

“Thuyết uyển” chép: “Thái hậu của Thủy Hoàng nhà Tần không cẩn thận mà tin yêu Lao Ái, Thủy Hoàng phanh thây cắt bốn tay chân Ái, bắt đánh chết hai người em, dời Thái hậu đến ở cung Hàm Dương. Hạ lệnh rằng: ‘Những kẻ can ngăn về việc của Thái hậu đều bắt giết mà phanh thây, lấy xương làm củi’. Có hai mươi bảy người vì can ngăn mà chết”.

Và như thế, trong triều các đại thần từ trên xuống dưới không còn ai dám “động vào tổ ong” nữa. Nhưng vẫn còn một kẻ không màng sinh tử, dám to gan lớn mật bước ra. Đó là ai vậy? Muốn biết sự thể ra sao, mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (3): Đăng cơ dẹp loạn