Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (4): Nghe lời can gián

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau sự biến Lao Ái, Thái hậu Triệu Cơ bị đưa đến Ung Thành chịu quản thúc, các đại thần cũng vì việc này mà can gián quân vương. Nhưng Tần Vương vẫn lửa giận bừng bừng, hạ lệnh rằng: Ai dám lên tiếng về việc Thái hậu, giết ngay không cần luận tội! Quan viên ai nấy đều sợ hãi không dám bước lên khuyên can, chỉ duy nhất một người... Đó là ai?

Xem lại phần 3: Đăng cơ dẹp loạn

Kẻ to gan lớn mật ấy là Mao Tiêu, vốn là người nước Tề nhưng lại sống ở Tần quốc. Nghe nói Tần Vương không chỉ giam lỏng Thái hậu ở đất Ung mà còn cự tuyệt không tiếp thu lời khuyên gián, Mao Tiêu đã can đảm bước đến, thỉnh cầu được diện kiến vua Tần. Các vệ sĩ canh giữ ngoài cửa điện hỏi ông: “Ngươi không thấy tấm biển đặt bên ngoài kia sao?”.

Mao Tiêu nói: “Hạ dân có thấy. Làm thần dân, thấy quân vương sai mà không lên tiếng là bất trung. Vì sợ chết mà không tận trung, đó không phải hành vi của hạ dân. Do đó, hạ dân vẫn xin được nói, nói xong rồi thì tùy ý đại vương xử trí”.

Tần Vương Doanh Chính nghe bẩm báo liền tỏ ra vô cùng giận dữ, lớn tiếng nói: “Được thôi, kẻ này có ý đến mạo phạm ta, cho hắn vào!”.

Sau đó, Tần Vương nắm chặt thanh kiếm sắc trong tay, bước lên trên ghế rồng ngồi uy nghi, chờ đợi Mao Tiêu vào đại điện.

Mao Tiêu điềm nhiên bước đến, nhìn thấy Tần Vương liền bái lạy hai vái. Đối diện với vẻ mặt đầy thù địch của Doanh Chính, ông vẫn trầm tĩnh tâu rằng: “Hạ dân nghe nói, người còn sống không kiêng kỵ nói về chuyện tử vong, quân vương của một nước không kiêng kỵ bàn về chuyện hưng vong của quốc gia. Người không dám nghị luận về sinh tử thì không thể trường thọ, mà kẻ không dám bàn về nguy vong của quốc gia thì không thể giúp nước nhà tránh khỏi họa diệt vong. Chuyện sinh tử của một người, sự tồn vong của một nước đều là điều mà bậc minh quân hy vọng được biết đến nhất, chẳng hay đại vương có nguyện ý nghe hay không?”.

Tần Vương nhìn Mao Tiêu, trong tâm có chút buồn bực, nói: “Lời này của ngươi là có ý gì?”.

Mao Tiêu đáp: “Bệ hạ là bậc quân chủ, trong tâm dung chứa cả thiên hạ. Khi vua hết lòng vì quốc gia đại sự thì việc nhà cũng chính là việc nước, nào đâu giống như gia đình bách tính tầm thường. Vậy mà ngài lại có những quyết định hoang đường, ngài có biết hay chăng? Tứ mã phanh thây Giả phụ, là bất nhân. Đánh chết hai em trai, là bất từ (không nhân từ). Giam lỏng mẫu thân ở bên ngoài, là bất hiếu. Xử tử kẻ sĩ khuyên can mình, là việc làm của vua Kiệt, Trụ, là bất nghĩa. Người thiên hạ hay tin đều sẽ quay lưng với nước Tần. Như thế, Tần quốc sao có thể xưng bá thiên hạ đây? Hạ dân thực sự lo lắng cho nước Tần, nên mới mạo hiểm cả sinh mạng để nói ra những lời này. Hạ dân đã nói xong, giờ thì xin đại vương cứ tùy ý xử lý”.

Sau khi nói xong, Mao Tiêu cởi chiếc áo đang mặc và chạy xuống đại điện, phủ phục dưới điện chờ chịu thụ hình.

Tần Vương Doanh Chính chấn động sâu sắc trước lời can gián của Mao Tiêu. Ông suy ngẫm một lát rồi tự mình bước xuống đại điện, đỡ Mao Tiêu lên và nói: “Mời tiên sinh đứng dậy, trẫm đã minh bạch rồi”.

Sau đó, Tần Vương phong cho Mao Tiêu làm Thượng khanh, rồi lại đích thân xa giá đến Ung Thành đón Triệu thái hậu trở về Hàm Dương, từ đó hai mẹ con lại được đoàn tụ bên nhau.

Mao Tiêu cởi chiếc áo đang mặc và chạy xuống đại điện, phủ phục dưới điện chờ chịu thụ hình. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Trong “Thuyết Uyển” thời Tây Hán, Lưu Hướng chép:

“Thủy Hoàng Đế lập Mao Tiêu làm quan Phó, lại ban tước Thượng khanh. Thái hậu cả mừng, nói: Thiên hạ ngay thẳng, làm cho hỏng lại lành, giữ vững xã tắc nước Tần, khiến cho mẹ con thiếp lại được gặp nhau, là công của Mao Tiêu vậy”.

Một lần, Tần Vương hỏi mẫu thân về sự việc liên quan đến Lã Bất Vi, Thái hậu đáp:

“Vương nhi, giờ con đã là chủ của nước Tần, bản thân đáng lẽ có thể hiểu được chuyện này. Sự việc liên quan đến tông thất xã tắc, đến quy củ của vương thất, đương nhiên không được phép sơ suất. Năm xưa phụ thân của con ở nước Triệu, tuy nói là làm con tin, nhưng trên danh dự vẫn là Tiết sứ ngoại giao của nước Tần, danh phận ấy là không gì lay chuyển được. Sống trong dinh phủ với thân phận là cháu trai của đương kim Tần Vương, tất cũng có đầy đủ các cấp quan viên: nào là quan thái y, nào là y nữ... Khi mới vào phủ, ta cũng phải chịu kiểm tra nghiêm ngặt, xem xem tân nương có còn trinh tiết hay không, có đoan chính hay không. Mọi ghi chép hàng ngày trong phủ đều viết rất minh bạch, đâu dám có chút sai sót nào? Mãi đến khi sinh con ra, ta mới được phụ thân của con chính thức lập làm phu nhân, đây đều là những điều ghi chép trong sổ sách. Làm sao con lại có thể tin vào những lời đồn đại nơi đầu đường xó chợ ấy được? Chẳng phải đó là hữu ý bịa đặt sao? Huống hồ con sinh đủ ngày đủ tháng. Lại nói, Lã Bất Vi không phải là kiểu người tùy tiện dễ dãi, ông ấy có hùng tâm tráng chí, sao có thể giống như hạng ruồi nhặng tham tài hám vật, đi làm những thủ đoạn của kẻ tiểu nhân đê hèn bỉ ổi, để cho người ta nắm được chỗ sơ hở, ô nhục ngàn năm, người đời phỉ nhổ?”.

Tần Vương nghe xong, gật đầu lặng thinh không nói.

Tần Vương nghe xong, gật đầu lặng thinh không nói. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Tần Vương biết Lã Bất Vi chính là người đã tiến cử Lao Ái cho Triệu Thái hậu. Lã Bất Vi cũng vì việc này mà lo lắng bất an, trong lòng thấp thỏm lo sợ. Một năm sau khi phát sinh sự việc Lao Ái, Tần Vương tuyên bố bãi chức Thừa tướng của Lã Bất Vi, cho phép ông lui về thực ấp ở Hà Nam để dưỡng lão. Trong nhà Lã Bất Vi có ba ngàn thực khách, số người hầu kẻ hạ lên tới hàng vạn. Mặc dù đã bị bãi quan, nhưng danh tiếng của ông vẫn vang xa khắp chốn. Mỗi ngày, sứ giả từ các nước chư hầu đều lũ lượt đến thăm hỏi ông, rất nhiều trong số đó đều có nhã ý mời Lã Bất Vi về nước họ làm quan. Lại qua hơn một năm. Tần Vương Doanh Chính phái người đưa thư đến cho Lã Bất Vi, trong thư viết: “Ông có công lao gì với Tần quốc, mà nước Tần phong đất cho ông ở Hà Nam, thực ấp lên tới mười vạn hộ. Ông và Tần Vương có quan hệ huyết thống gì, mà được hiệu xưng là Trọng phụ? Ông và cả gia đình hãy chuyển đến đất Thục cư trú đi”.

Lã Bất Vi nhận được thư, bèn uống rượu độc tự sát.

“Sử ký - Truyện Lã Bất Vi” chép:

“Tháng mười năm thứ mười, cách chức tướng quốc của Lã Bất Vi. Đến khi người Tề là Mao Tiếu nói với vua Tần, vua Tần mới sang Ung đón thái hậu về Hàm Dương như cũ và phong ấp cho Văn Tín Hầu ở Hà Nam. Được hơn một năm, các tân khách cùng sứ giả của chư hầu đến thăm Văn Tín Hầu lũ lượt ở trên đường. Vua Tần sợ Văn Tín Hầu làm loạn, bèn viết thư nói: “Ông có công gì với Tần, mà Tần phong ông ở Hà Nam, ăn thuế của mười vạn hộ. Ông thân thích gì với Tần mà hiệu là Trọng phụ?”. Rồi bắt đem cả nhà dời sang Thục. Lã Bất Vi tự liệu sẽ bị giết, bèn uống thuốc độc tự tử”.

Sau khi bình phản hai cuộc nổi loạn và giải quyết ổn thỏa việc triều chính, Tần Vương Doanh Chính đã chính thức bước lên vũ đài, từ một thiếu niên trở thành bậc quân vương hô phong hoán vũ của nước Tần.

Đến nay, tình hình chính trị của Tần quốc đã bước đầu đặt định, Tần Vương trẻ tuổi nắm trong tay quyền uy, ôm ấp hoài bão thực hiện một kế hoạch lớn lao vĩ đại. Nhưng lúc ấy, một sự việc bất ngờ đã xảy ra. Vậy đó là sự việc gì? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (4): Nghe lời can gián