Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (5): Nghĩa sĩ hay gian tà?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vừa bước lên vũ đài, Tần Vương đã phải bình loạn Trường An quân, trừ nghịch thần Lao Ái, dàn xếp với mẫu hậu, xử lý Lã Bất Vi… Từ đây, Doanh Chính đã chính thức nắm đại quyền trong tay. Mỗi triều Thiên tử, một triều Thiên nhân, bậc quân vương cũng cần thực hiện những kế hoạch lớn lao vĩ đại.

Xem lại phần 4: Nghe lời can gián

Một ngày, khi Tần Vương đang bận rộn trong thư phòng thì có người vào bẩm báo, nói rằng, Trịnh Quốc - người mà Tần Vương phái đi thực hiện công trình thủy lợi “dẫn nước sông Kinh nhập vào sông Lạc” - thực ra là gian tế do nước Hàn phái đến. Tần Vương vô cùng tức giận, liền sai người đi điều tra kỹ lưỡng. Đây chính là sự kiện kênh đào Trịnh Quốc Cừ, cũng là một đại sự phát sinh vào thời kỳ đầu khi Tần Vương chấp chính.

Kênh đào Trịnh Quốc Cừ

Sự kiện kênh đào Trịnh Quốc Cừ xảy ra như thế nào? Công trình sư Trịnh Quốc vốn là một chuyên gia thủy lợi rất nổi tiếng ở nước Hàn. Ông từng tham dự vào việc kiểm soát lũ lụt đầm Huỳnh Trạch và tu sửa công trình kênh dẫn nước Hồng Câu.

Trịnh Quốc vốn là một công trình sư dày dạn kinh nghiệm ở nước nước Hàn, vì sao lại trở thành gian tế tại Tần quốc? Chúng ta hãy ngược trở lại về khoảng thời gian trước đó. Khi ấy, nước Tần đã là một đại quốc lớn mạnh. Vào năm đầu phụ thân của Tần Thủy Hoàng là Tần Trang Tương Vương chấp chính, ông đã cho quân chiếm đánh thành Cao và vùng Huỳnh Dương của nước Hàn, sau lại hợp nhất các vùng đất đã chiếm đóng để thành lập quận Tam Xuyên. Hàn không phải là nước lớn, việc Tần tiến đánh Hàn khiến lãnh thổ của tiểu quốc này lại càng thu hẹp, cuối cùng chỉ còn lại một vùng đất nhỏ bé. Xem ra, nếu Tần tiếp tục tiến công thì chỉ cần một trận chiến nữa là Hàn sẽ đại bại, nguy cơ diệt vong chỉ trong sớm chiều.

Trước tình thế ấy, Hoàn Huệ Vương của nước Hàn đã triệu tập quần thần để cùng thảo luận kế sách cứu nước. Có người đề xuất: Ai cũng biết chiến trận là phải tiêu hao tiền của, tiêu hao lương thực, không có tiền của và lương thực thì không thể đánh trận được. Vậy chi bằng chúng ta hãy phái một người đi du thuyết với Tần Vương, lấy việc đại hưng thủy lợi để tiêu hao tài lực, nhân lực, và vật lực của nước Tần, khiến cho Tần sức cùng lực kiệt, không thể thôn tính các nước lân bang được nữa. Đây chính là “Bì Tần chi kế” – kế làm nước Tần suy yếu.

Hàn Vương thấy chủ ý này không tệ, bèn cho gọi Trịnh Quốc đến và phó thác cho ông làm việc đó. Trịnh Quốc nhận mệnh lệnh của quân vương, ôm trong tâm khát vọng cứu nước mà đến đất Tần.

Năm 246 trước Công nguyên, Trịnh Quốc vào triều bái kiến Tần Vương. Ông nói với Tần Vương rằng, vua nước Hàn sai ông làm sứ giả đến biểu đạt nguyện ý quy thuận và thần phục nước Tần. Trịnh Quốc nói: “Trên đường đến đây, thần thấy vùng đất rộng lớn Quan Trung là đất hoang nhiễm muối, cỏ cây không mọc được, dân chúng cũng không cách gì mưu sinh. Chẳng hay bệ hạ đã nghĩ đến việc hưng tu thủy lợi, dẫn nước sông Kinh Hà vào tưới tiêu cho đồng ruộng, như thế sẽ có thể nâng cao sản lượng nông nghiệp, khiến cho Tần phú quốc cường binh, bệ hạ nghĩ sao?”.

Nói xong, Trịnh Quốc lại căn cứ theo địa đồ mà giảng giải chi tiết cho Tần Vương, rằng nên tiến hành như thế như thế, và rằng thần tài hèn sức mọn, nhưng nếu đại vương không chê, thần sẵn lòng giúp đại vương thực hiện công trình này. Tần Vương đưa đề án này ra cùng bàn luận với các triều thần, ai nấy đều nhiệt liệt ủng hộ, cuối cùng quyết định giao cho Trịnh Quốc chủ trì công trình. Lúc ấy, Tần Vương vừa mới kế vị một thời gian chưa lâu.

Là một cao thủ trị thủy, Trịnh Quốc đã dẫn đầu nhóm quan viên của nước Tần, cùng trèo non lội suối, quan trắc địa hình, thăm hỏi dân chúng, dần dần từng bước chế định ra kế hoạch dẫn dòng chảy từ phía đông sông Kinh Hà chảy vào sông Lạc.

Quá trình thi công kéo dài gần mười năm, quả thật đã hao phí một lượng lớn nhân lực, vật lực và tài lực của nước Tần. Tần Vương cũng sát sao cho người đi khảo sát, thấy mọi việc đều tiến triển tốt đẹp. Vậy mà đột nhiên, có người đến báo tin rằng Trịnh Quốc là gian tế của nước Hàn, và rằng Hàn quốc có âm mưu dùng công trình thủy lợi to lớn này khiến nước Tần kiệt quệ, không thể tấn công sáu nước lân bang được nữa. Tần Vương nghe xong liền nổi cơn thịnh nộ: "Trịnh Quốc! Ngươi to gan lắm! Quả nhân tín nhiệm ngươi như thế, hào phóng với ngươi như thế, ngươi cần tiền thì ta cấp tiền, ngươi cần người thì ta cấp người, nào ngờ ngươi lại là gian tế! Bay đâu, đi bắt Trịnh Quốc lại đây cho ta, ta sẽ đích thân thẩm vấn hắn!"

Sự việc rất nhanh trở nên ầm ĩ, khắp thành trên dưới đều nghị luận xôn xao. Điều đáng nói là, rất nhiều quan viên, hoàng thân quốc thích, tông thất đại thần và những lão thần từ thời Tiên đế đều tỏ ra bất mãn về điều này. Lý do là vì, đa số những nhân vật nắm giữ đại quyền trong triều của Tần Vương Doanh Chính đều là khách khanh từ ngoại quốc. Ngay cả rất nhiều đại thần, trọng thần… tìm đến tận cùng đều không phải là người nước Tần. Rất nhiều việc Tần Vương đều phải dựa vào họ, khiến những tông thất đại thần kia không còn nắm thực quyền trong tay được nữa. Lần này, sự việc của Trịnh Quốc như một ngòi lửa trước bom mìn. Lần lượt, lần lượt từng người đến trước mặt Tần Vương và nói rằng: "Nước Tần không nên trọng dụng những kẻ sĩ đến từ lân bang ngoại quốc, rằng họ không thật tâm hướng đến Tần. Họ làm gì cũng là vì tư lợi cá nhân, đến thời điểm then chốt sẽ có thể vì tổ quốc mà quay lưng với Tần, nói không chừng họ đều là gian tế, không đáng tin, không thể trọng dụng. Hãy đuổi họ đi!"

Tần Vương trong cơn thịnh nộ đã hạ lệnh trục xuất, gọi là “Trục khách lệnh”. Hết thảy những ai không phải là người nước Tần, đều phải lập tức rời khỏi Tần, không được bổ nhiệm nữa!

Lý Tư can gián, thu hồi “Trục khách lệnh”

Rất nhiều người liên quan đến sự việc này, trong đó có khách khanh Lý Tư.

Lý Tư là người nước Sở, sinh ra vào thời Chiến quốc Thất hùng. “Sử Ký - Lý Tư liệt truyện” chép rằng, thời trẻ có một lần Lý Tư thấy con chuột trong nhà xí ăn những thứ bẩn thỉu, trong khi con chuột ở nhà kho thì tha hồ ăn thóc ăn lúa, cũng không sợ bị người nhìn thấy. Ông bèn than rằng: "Người ta hiền tài hay kém cỏi, chẳng qua cũng như con chuột kia, đều là vì ở hoàn cảnh đấy thôi".

Sau đó, Lý Tư theo học Tuân Tử. Đến khi thành tài, ông nhận thấy nếu ở Sở sẽ không làm nên sự nghiệp, mà sáu nước còn lại đều yếu, không phải là nơi có thể lập công danh. Duy chỉ có Tần là cường thịnh nhất, ông bèn quyết định sang Tần. Nhờ có tài du thuyết, Lý Tư được Tần Vương trọng dụng, phong cho làm khách khanh.

Lúc ấy Lý Tư vừa mới được Tần Vương bổ nhiệm, chưa kịp trổ tài thao lược thì bất ngờ phải đối mặt với “Trục khách lệnh”, vậy là sắp phải thu dọn hành lý hồi hương. Trong tâm cảm thán vận mệnh kém may mắn, ông nghĩ: "Ta không thể rời đi như thế này, cần phải nói rõ với Tần Vương mới được".

Sau đó, ông liền viết một lá thư gọi là “Gián trục khách thư’ (thư can gián việc trục xuất khách khanh). Đây là bức thư can gián vô cùng nổi tiếng trong lịch sử.

Lý Tư viết một lá thư gọi là “Gián trục khách thư’ (thư can gián việc trục xuất khách khanh). (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Trong thư, Lý Tư nêu ra rất nhiều dẫn chứng, chứng minh mối liên hệ giữa sự hùng cường của nước Tần và việc trọng dụng rộng rãi các nhân tài từ bên ngoài. Việc trục xuất không phân biệt phải trái đối với hết thảy những ai đến từ ngoại quốc, cũng bằng như tự hủy diệt đất nước, vô tình trợ giúp cho địch quốc, thực sự là điều không nên làm.

Theo “Sử Ký - Lý Tư liệt truyện”, trong thư có đoạn:

“Thần nghe nói: Đất rộng thì lúa nhiều, nước lớn thì người đông, quân mạnh thì tướng sĩ dũng cảm. Núi Thái Sơn không từ một hòn đất, cho nên mới lớn như vậy. Sông Hoàng Hà và biển Đông không từ những dòng nước nhỏ, cho nên mới sâu như vậy. Bậc vương giả không đuổi dân chúng thấp hèn mới có thể làm sáng cái đức của mình. Cho nên, đất không có bốn phương, người không ai là người nước ngoài, bốn mùa đều đẹp, quỷ thần đưa phúc đến. Ngũ đế, Tam vương sở dĩ vô địch là vì vậy.

Nay nhà vua lại bỏ bọn đầu đen để giúp cho nước địch, đuổi tân khách để giúp chư hầu lập nên cơ nghiệp, khiến kẻ sĩ trong thiên hạ không dám quay mặt về hướng Tây, dừng chân không vào nước Tần. Như thế tức là, như người ta nói ‘giúp binh khí cho giặc và đem lương thực cho bọn ăn trộm’ vậy. Những vật không sản xuất ở nước Tần mà đáng quý trọng cũng nhiều, kẻ sĩ không sinh ở nước Tần nhưng muốn trung với nước Tần cũng lắm. Nay nhà vua đuổi khách đi để giúp cho địch quốc, bỏ dân đi để thêm cho kẻ thù, như thế là ở bên trong tự làm cho mình yếu và bên ngoài gây oán với chư hầu, muốn cho nước khỏi nguy cũng không thể nào được”.

Tần Vương xem thư, lập tức hiểu ra rằng bản thân nhất thời xử trí theo cảm tính, suýt chút nữa hủy mất kế hoạch lớn lao của quốc gia. Ông lập tức thu hồi lại “Trục khách lệnh”, thừa nhận bản thân sai lầm, lại trọng dụng Lý Tư và phong cho ông làm đình úy.

Nghĩa sĩ hay gian tà?

Lại nói về Trịnh Quốc - nguồn cơn của lệnh trục xuất khách khanh kể trên. Trịnh Quốc đối mặt với câu hỏi thẩm vấn, ông đã thẳng thắn thừa nhận có sự việc như trong cáo trạng. Tần Vương lệnh cho quân lính áp giải Trịnh Quốc vào đại điện, vô cùng tức giận chất vấn: “Trẫm đối đãi với ngươi không bạc, nào ngờ rằng ngươi lại là gian tế! Ngươi xem, ngươi đáng tội gì đây?”.

Trịnh Quốc không hề hoang mang sợ sệt, ông bước lên phía trước bái lạy Tần Vương và nói:

“Xin bệ hạ bớt giận, trước hết hãy nghe hạ thần kể lại đầu đuôi…

Đúng là như vậy, trước kia Hàn Vương từng lệnh cho thần đến, lấy cớ là thực hiện công trình, nhưng mục đích là làm cho Tần mỏi mệt, không thể công đả tiêu diệt nước Hàn. Là con dân của nước Hàn, nhận một nhiệm vụ như vậy cũng không có gì đáng chê trách. Đại vương thử nghĩ xem, là quân vương của một nước, chẳng phải ngài cũng mong mọi thần dân đều tận trung với ngài sao?

Nhưng mà, trong quá trình thi công thực tế, thần đã tận mắt thấy bách tính ở vùng bình nguyên Quan Trung rất khổ. Nhiều năm chinh chiến khiến họ khó mà an cư lạc nghiệp, đã như vậy đất đai lại nhiễm mặn, không thể trồng trọt canh tác, nói chi đến việc giao nộp công lương cho quốc gia? Còn công trình dẫn nước sông Kinh chảy vào sông Lạc này, một khi hoàn thành sẽ có thể biến bốn vạn khoảnh đất bạc màu thành ruộng nương, biến Quan Trung thành vựa thóc, trở thành “Thiên phủ chi quốc”, dù hạn hán hay lũ lụt vẫn cho thu hoạch hoa màu. Đúng là những hao phí và tổn thất của công trình này sẽ khiến Tần quốc nhất thời không thể tấn công sáu nước, và nước Hàn của thần có cơ may thoát được mấy năm ngoi ngóp hơi tàn. Nhưng một khi công trình hoàn tất, Tần quốc sẽ ngày càng lớn mạnh, thụ ích đến muôn vạn đời sau. Điều này chẳng lẽ đại vương không thấy sao? Nếu quả thực thần có dã tâm làm tiêu hao quốc lực của nước Tần, thực thi kế hoạch của Hàn Vương, vậy thì không lâu sau khi khai công, thần đã trốn biệt tăm biệt tích rồi, dẫu bệ hạ có treo thưởng mười vạn cũng không tìm được thần. Nhưng hạ thần đâu có làm như vậy?”.

Dứt lời, Trịnh Quốc lại nói tiếp:

“Thần, Trịnh Quốc, trong quá trình xây dựng kênh dẫn nước đã tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của bách tính dọc đường. Rất nhiều thôn dân cũng nhận thấy lợi ích của công trình này, có gia đình cả nhà già trẻ dìu dắt nhau, chủ động đến kênh đào giúp đỡ một tay, khiến hạ thần vô cùng cảm động. Vì thế, tự đáy lòng mình thần đã làm hết sức để hoàn thiện công trình này. Không phải vì điều gì cho bản thân, mà là vì ngàn vạn bách tính ở Quan Trung. Đối với thần đây là một sự nghiệp vĩ đại, là việc nghĩa mà người ta sẵn sàng xả thân quên mình. Vậy nên, trong tâm thần đã không còn phân biệt Hàn hay Tần nữa rồi. Giờ đây thần đã đặt sinh tử của bản thân sang một bên, chỉ cầu đại vương minh xét, cho thêm thời hạn để Trịnh Quốc hoàn thành công trình này, chỉ vậy là đủ rồi!”.

Nói xong, Trịnh Quốc lại bái lạy cung kính: “Vẫn xin đại vương minh xét!”.

Tần Vương cảm thấy lời Trịnh Quốc nói rất có đạo lý, trong tâm không khỏi cảm phục trước đại nghĩa của ông. Đúng lúc ấy, bên ngoài cung Hàm Dương có tiếng người kêu oan. Thì ra, họ là thôn dân ở hai bên bờ kênh dẫn nước. Hôm nay nhận được tin Trịnh đại nhân bị bắt, họ bèn cử ra những vị trưởng giả cao niên đức độ đến thỉnh nguyện bên ngoài cung, hy vọng được diện kiến Tần Vương để nói rõ đôi lời. Công trình này tuy vẫn chưa thực sự hoàn tất, nhưng trong quá trình xây dựng, bất cứ nơi nào kênh đào đi qua đều được thụ ích, đất đai được cải thiện, cuộc sống nông dân được nâng cao, dân chúng hai bên bờ cũng đều cảm ân bất tận. Vì điều đó, họ đã lần lượt bước đến biểu đạt dân ý, xin Tần Vương cho phép công trình được tiếp diễn cho đến lúc hoàn thành.

Sau này, Trịnh Quốc quả nhiên không phụ lòng mong mỏi của nước Tần, kênh đào cuối cùng cũng được xây dựng thành công. Tần Vương hết lời biểu dương ông, đặc biệt lấy tên ông đặt cho con kênh này, gọi là “Trịnh Quốc Cừ”.

Tần Vương hết lời biểu dương ông, đặc biệt lấy tên ông đặt cho con kênh này, gọi là “Trịnh Quốc Cừ”. (Tranh: Winnie Wang)

Toàn bộ công trình được khởi công vào năm đầu tiên Tần Vương Chính (năm 246 TCN), trải qua hơn 10 năm mới hoàn thành. Kênh đào Trịnh Quốc bắt đầu từ Hồ Khẩu, ngày nay là vùng phụ cận trấn Vương Kiều, thôn Thượng Nhiên, dẫn nước chảy vào sông Lạc, chặng đường dài 300km, tưới tiêu cho hơn 4 vạn khoảnh ruộng (tương đương với 1.8 tỷ mét vuông ngày nay). (*)

Cũng vì có công trình thủy lợi Trịnh Quốc Cừ mà vùng đất Quan Trung cằn cỗi đã trở thành nơi trù phú suốt bốn mùa. Nhờ đất đai màu mỡ, mỗi mẫu ruộng thu hoạch được một chung (hơn 100kg), sản lượng từ Quan Trung đã tăng cường thực lực cho nhà Tần, đặt định cơ sở vật chất cho nhà Tần thống nhất sáu nước sau này. Kênh đào Trịnh Quốc Cừ không chỉ khiến nông nghiệp nước Tần được phồn vinh, mà sau đời Tần, các đại vương triều trong lịch sử đều thụ ích từ công trình thủy lợi đã hoàn thiện này. Thậm chí đến ngày nay, nó vẫn tạo phúc cho con cháu Hoa Hạ, thực sự là việc làm thiện đức khắp thiên thu. Điều ấy đã được ghi chép trong “Sử ký – Lưu Hầu thế gia” của Tư Mã Thiên:

“Phàm quan trung, bên tả (đông) có Hào sơn, Hàm Cốc quan, bên hữu (tây) Lũng sơn Thục sơn, đất đai phì nhiêu cả ngàn dặm, phía nam có hai quận Ba và Thục giàu có, phía bắc có đồng cỏ đất Hồ thuận lợi cho việc chăn nuôi, dựa vào sự hiểm trở của ba mặt mà phòng thủ, chỉ dùng một mặt phía đông mà không chế chư hầu. Nếu chư hầu an định, có thể từ Hoàng Hà, Vị Hà vận chuyển lương thực trong thiên hạ đem về cung cấp cho kinh sư ở phía tây. Nếu chư hầu có biến, thì có thể thuận dòng đi xuống, cũng đủ để vận chuyển của cải. Đó chính là thành trì ngàn dặm kiên cố, là ‘thiên phủ chi quốc’ vậy”.

Đến đây, Tần Vương có lương thảo sung túc, lại có cơ sở vật chất để thực hiện hoài bão, đại triển hoành đồ, nhất thống thiên hạ. Bước tiếp theo, Tần Vương còn cần thêm gì nữa? Mời quý độc giả tiếp tục đón xem tập tiếp theo: Tần Vương kính Úy Liễu.

(*) Chú thích: Một Mẫu thời Tần khoảng 461 m2, một Mẫu Trung Quốc ngày nay khoảng 667 m2, một Mẫu miền Bắc Việt Nam là 3.600 m2, miền Trung là 4.970 m2, miền Nam là 10.000 m2.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (5): Nghĩa sĩ hay gian tà?