Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (6): Tần Vương kính Úy Liễu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từng bước từng bước, Tần Vương Chính đã đích thân nắm giữ triều cương, dẹp trừ chướng ngại, nắm giữ quyền uy tột đỉnh của đại Tần. Khi hình thế trong nước đã ổn định, Tần Vương lại dốc toàn lực thực hiện hùng tâm tráng chí, đại triển hoành đồ, nhất thống thiên hạ.

Xem lại: Phần 5: Nghĩa sĩ hay gian tà?; Lời giới thiệu (có link các phần)

Tục ngữ có câu: “Binh tinh lương túc”, nghĩa là cần có quân đội tinh nhuệ và lương thực dồi dào mới có thể xông pha trận mạc, thắng trận khải hoàn. Tần Vương đã có trong tay kho lương thực Tần Xuyên, quân đội hùng mạnh, nhưng ông cảm thấy vẫn còn thiếu một nhân tố.

Trong các đại thần của nước Tần khi ấy, về văn thần thì có Lý Tư, Vương Oản,… về võ tướng thì có Mông Ngao, Vương Nghĩ, Biều Công... Người thì văn thao có thừa, người thì võ công cái thế, nhưng muốn toàn diện cả văn thao võ lược thì lại chẳng có ai. Tần Vương cầu hiền tài như trưa hè khát nước, như ruộng hạn chờ mưa. Lúc ấy, ở nước Ngụy có một nhà quân sự trứ danh tên là Liễu. Cuốn binh thư “Úy Liễu tử” mà sau này ông biên soạn là một danh tác về quân sự học, là một trong “Võ kinh thất thư” thời cổ đại, nhận được sự coi trọng của các binh gia trong lịch sử. Tần Vương nghe danh, liền phái Lý Tư tìm cách mời Liễu đến nước Tần.

Vào năm thứ 10 Tần Vương Chính (năm 237 TCN), Liễu đến Tần quốc. Tần Vương vừa thấy Liễu, liền nói: “Từ lâu đã nghe đại danh của tiên sinh, hôm nay có vinh hạnh được gặp mặt, tiên sinh vì sao không chỉ giáo cho quả nhân?”.

Liễu hỏi: “Không biết đại vương muốn hỏi điều gì?”.

Tần Vương đáp: “Từ nhỏ trẫm đã lưu lạc ở nước Triệu, chịu cái khổ của chiến loạn, hy vọng chấm dứt chinh chiến nơi thế gian, giữ cho thiên hạ thái bình, dân chúng an lạc. Đây chính là điều mà trẫm mong cầu được chỉ giáo”.

Liễu đáp: “Suy nghĩ này của đại vương là thiện niệm tạo phúc cho vạn dân, cũng là ý chỉ của Thượng Thiên. Nhưng ngày nay, giống như Khổng Phu Tử từng nói: Lễ băng nhạc hoại, lòng người không còn được như xưa, đã không còn là thời đầu Thần tạo ra người nữa rồi. Do đó, giờ đây nếu muốn chấm dứt chiến tranh, vậy chỉ có thể lấy chiến tranh tiêu diệt chiến tranh mà thôi”.

Úy Liễu liền giảng giải cho Tần Vương toàn bộ quan điểm của mình. Ông nói, thế gian tồn tại hai loại cuộc chiến có tính chất khác nhau: Một loại là chiến tranh phi nghĩa, chuyên cướp bóc, giết người, cướp của; Một loại khác là chiến tranh chính nghĩa, trừ bạo loạn, phạt gian tà. Ông cũng chủ trương: Đánh trận thì cần có lý do chính đáng để xuất binh, cần đánh một cuộc chiến chính nghĩa, cần chinh phạt kẻ bất chính nghĩa, không được chém giết dân chúng, không được lạm sát người vô tội. Những hành vi tùy tiện giết cha, anh, chiếm đoạt tài vật của người khác, bắt con cái và thân thuộc của đối phương làm nô bộc… thảy đều là hành vi của kẻ cường đạo.

Liễu nói: “Nếu đại vương tiến hành chiến tranh chính nghĩa, Thượng Thiên sẽ bảo hộ ngài”.

Ông kiến nghị với Tần Vương rằng, muốn chấm dứt chiến tranh thì cần tiêu diệt căn nguyên dẫn khởi chiến tranh. Các cuộc chiến loạn thời Xuân Thu đều là vì có quá nhiều quốc gia, mỗi quốc gia đều muốn đoạt lấy tài nguyên của nước khác, thôn tính đất đai của nước khác, do đó mới dẫn đến chiến hỏa liên miên. Nếu như các tiểu quốc đều nằm trong một quốc gia thống nhất thì làm sao xảy ra chuyện chinh chiến sát phạt đây? Do đó, ông kiến nghị Tần Vương đừng để mất thời cơ mà hãy nhanh chóng tiến hành thôn tính sáu nước.

Liễu nói: “Vì Tần lớn mạnh, các nước chư hầu chỉ giống như quận huyện của Tần, do đó việc công phá từng nước rất dễ dàng. Điều khiến chúng ta lo lắng là chư hầu ‘hợp tung’, nếu như họ thật sự hợp lại thì sẽ rất khó đối phó. Đối với vấn đề này, chỉ có thể phân tách làm cho tan rã mà thôi”.

Ông kiến nghị Tần Vương hãy phái người đến các nước du thuyết, dùng kim tiền hối lộ quyền thần, làm nhiễu loạn mưu lược của họ, khiến họ tan rã từ bên trong, không thể liên hợp kháng Tần được nữa. Như thế, chỉ tiêu tốn 30 vạn cân hoàng kim mà lại có thể tiêu diệt tất cả các nước chư hầu.

Liễu nói: “Nếu đại vương tiến hành chiến tranh chính nghĩa, Thượng Thiên sẽ bảo hộ ngài”. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

“Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ” chép:

Người nước Đại Lương là Úy Liễu đến khuyên vua Tần rằng: “Dựa vào sức mạnh của nước Tần thì vua chư hầu chỉ như vua của quận huyện. Thần chỉ sợ chư hầu hợp tung, tụ tập mà ra chỗ không ngờ, đấy là cái cớ mà Trí Bá, Phù Sai, Mẫn Vương bị diệt. Xin nhà vua chớ thích tiền của, hãy đem tặng cho bầy tôi quyền quý để làm làm loạn mưu của họ, chỉ mất không quá ba chục vạn cân vàng mà chư hầu bị dẹp hết”.

(Trích “Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, Tư Mã Thiên, bản dịch của Nhữ Thành)

Một lời ấy đã nói đến vấn đề mà Tần Vương quan tâm. Sau này trong quá trình chinh phạt, Tần Vương chưa bao giờ tàn sát dân thường, giết người bừa bãi. Đối với vương thất của sáu nước, ông cũng không trảm tận giết sạch như cách làm của các nước khác.

Sau đó, Liễu lại giảng giải một cách hệ thống cho Tần Vương về chiến lược cũng như mưu sách trị quân, và về chỗ trọng yếu của tướng lĩnh. Tần Vương xuất thân từ vương thất, tuy rằng đã đọc nhiều binh thư, coi trọng mưu lược chính trị, nhưng chưa từng đích thân đánh trận, thiếu kinh nghiệm thực tiễn dẫn binh. Lý Tư và các văn thần chủ ý thì nhiều, làm thực thì ít, nếu để họ dấn thân vào nơi chiến trường đao thương máu lửa ấy, hiển nhiên là không có đất dụng võ. Tần Vương nhận thấy Liễu chính là người mà ông cần, liền phong cho Liễu làm Úy, tương đương với chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hiện nay. Từ đó, ông được gọi là Úy Liễu.

Tần Vương có vấn đề gì cũng đến gặp Úy Liễu xin thỉnh giáo, lời nào cũng nghe, kế nào cũng theo. Không chỉ vậy, vì để biểu thị ân sủng và tín nhiệm, Tần Vương còn cho phép Úy Liễu được hưởng chế độ y phục và ẩm thực giống như mình. Mỗi lần gặp mặt, Tần Vương đều tỏ ra khiêm nhường cung kính, kính trọng Úy Liễu như bậc thầy. Nhưng Úy Liễu lại không lấy đó làm cảm kích. Úy Liễu biết về thuật xem tướng, ban đầu ông nhận định Tần Vương tướng mạo kiên cường, có khí thái, khi có việc cầu đến người thì có thể thành khẩn khiêm tốn, cũng như hiện nay Tần Vương đối xử trọng hậu với một thường dân áo vải như ông. Nhưng một khi bị mạo phạm, Tần Vương sẽ vô cùng tàn bạo, hoàn toàn không nương tay. Do đó, Úy Liễu không muốn làm việc cho Tần Vương, trong tâm ngầm có ý đào thoát.

“Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ” chép:

Vua Tần nghe kế ấy, gặp Úy Liễu thì làm lễ ngang hàng, cách ăn uống mặc quần áo giống cùng với Liễu. Liễu nói: “Vua Tần là người mũi cao, mắt dài, ngực chim ác, tiếng sói, ít thương người mà có lòng hùm sói, lúc khó khăn thì nhún nhường dưới người, lúc thỏa chí cũng dễ khinh nhờn người. Ta là kẻ áo vải, nhưng vua Tần gặp ta thường tự nhún nhường dưới ta. Nếu vua Tần thỏa chí với thiên hạ thì thiên hạ đều là kẻ bị bắt. Không chơi với vua Tần lâu được”. Bèn bỏ đi. Vua Tần biết, cố giữ lại, cho làm Quốc úy của nước Tần, (Chính nghĩa: Như quan Thái úy của nhà Hán, tước ngang với Đại tướng quân). Cuối cùng dùng mưu kế của Liễu, lại cho Lý Tư nắm việc nước.

(Trích “Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, Tư Mã Thiên, bản dịch của Nhữ Thành)

Có người bẩm báo lên Tần Vương những lời Úy Liễu nói. Tần Vương nghe xong chỉ cười một tiếng và nói: “Trẫm có phải là kiểu người như thế không, ngày sau tự khắc sẽ phân minh. Trẫm yêu mến tài năng của ông ấy, quốc gia cần người như ông ấy, nếu như nước Tần không giữ được ông ấy, vậy là ta vô đức vô năng rồi”.

Vì điều này mà Tần Vương vẫn luôn đối xử trọng hậu và hoàn toàn tín nhiệm Úy Liễu. Sau này, Úy Liễu từng nhiều lần trốn thoát, nhưng lần nào Tần Vương Chính cũng phái người đi tìm ông về, hơn nữa cũng không một lời khiển trách, vẫn đối đãi với Úy Liễu như thượng khách. Úy Liễu vô cùng cảm động, từ đó nguyện ý giúp nước Tần, phò trợ Tần Vương thành tựu đại nghiệp, thống nhất thiên hạ. Nhờ có Úy Liễu, Tần quốc đã có được một đội quân thiện chiến, dũng mãnh vô song.

Cho đến nay, Tần Vương đã chuẩn bị xong mọi thứ. Vậy bước tiếp theo cần bắt đầu từ đâu? Mời quý vị đón xem phần tiếp theo của “Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng”.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (6): Tần Vương kính Úy Liễu