Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (8): Xảo kế diệt Triệu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau nhiều lần đánh Triệu bất thành, Tần Vương lại phái đại tướng Vương Tiễn lần nữa dẫn binh công đả nước Triệu. 

Xem lại phần 7: Đánh Triệu, diệt Hàn
Xem lại bài giới thiệu (có link các phần): Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng

Lúc ấy Triệu quốc đang gặp hạn hán nghiêm trọng, trong nước lương thực thiếu thốn, lòng dân bất ổn. Vương Tiễn và Dương Đoan Hòa chia nhau đánh gọng kìm từ hai phía bắc-nam cùng tiến vào Hàm Đan. Triệu Vương phái Lý Mục và Tư Mã Thượng cầm quân chống cự, bảo vệ kinh thành. Lý Mục áp dụng phương châm “trúc lũy cố thủ”, tránh trực diện quyết chiến, nên vẫn cầm chân được đối phương. Quân Tần thấy quân của Lý Mục cố thủ trong thành lũy nên không thể tiến công được, hai bên cứ giằng co mãi khiến cục diện gần như rơi vào bế tắc.

Một ngày, Tần Vương bàn bạc với các đại thần trong triều về đối sách diệt Triệu. Vương Tiễn cho rằng, đánh bằng quân sự nhất thời khó thắng, ông nói: “Không trừ được Lý Mục, khó có thể công hạ được Triệu quốc”.

Úy Liễu, Lý Tư và một số đại thần khác cùng chủ trương: “Vậy thì hãy chọn sách lược đã định ra từ trước của chúng ta: Dùng vàng hối lộ quyền thần, sử dụng kế ly gián để trừ bỏ Lý Mục. Như thế, quân Triệu không đánh mà tự tan”.

Tần Vương liền phái học trò của Úy Liễu là Vương Ngao mang theo vạn cân hoàng kim, đến Triệu quốc thuyết phục sủng thần của vua Triệu là Thừa tướng Quách Khai. Vương Ngao gặp Quách Khai liền nói:

“Chẳng hay Thừa tướng đã từng nghe câu nói này chưa: “Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt” (kẻ thức thời mới thực là bậc tài giỏi). Vua nước Tần nắm giữ Thiên mệnh, thuận lòng người, tất yếu sẽ diệt sáu nước, việc nhất thống thiên hạ chỉ là chuyện trong một sớm một chiều mà thôi. Năm ngoái có bài đồng dao rằng: “Người Tần cười, người Triệu khóc, cho là không đáng tin, nhìn xem thóc khô lúa héo”. Quả nhiên năm nay nước Triệu đại hạn, xem ra bài đồng dao kia xác thực là điềm báo. Rõ ràng Thượng Thiên đang trợ giúp nước Tần, thiên tai cũng cảnh báo, nhưng Triệu Vương thì u mê bất tài, trong nước lòng dân cũng rệu rã. Hiện nay Triệu Vương chỉ có thể dựa vào Lý Mục, Lý tướng quân công cao như núi, một tay chống đỡ sơn hà, nói không chừng sẽ có ngày ông ấy thay thế vị trí của ngài cũng nên. Do đó, ngài nên tính kế lâu dài, trên thuận theo Thiên ý, dưới hợp với lòng dân, ngài cũng nên vì bản thân mình mà suy nghĩ cho kỹ. Tôi kiến nghị ngài hãy mau mau chóng chóng nương tựa vào vua Tần đi”.

Quách Khai nghe xong, trầm tư suy nghĩ một lát rồi gật đầu nói phải.

Vương Ngao lại lấy ra bảy ngàn cân vàng kim, đưa cho Quách Khai và nói: “Tần Vương tặng thừa tướng vạn cân vàng kim, ủy thác cho tiên sinh, kết giao với tướng nước Triệu. Nay tôi đều gửi lại cho thừa tướng. Việc Lý Mục, vẫn mong thừa tướng dụng tâm. Sau khi việc thành công, Tần Vương nhất định sẽ báo đáp trọng hậu”.

Quách Khai thấy nhiều hoàng kim như vậy, lòng mừng vui phơi phới và nói: “Quách Khai tôi được vua Tần ban tặng hậu hĩnh như vậy, nếu không dụng tâm nghĩ cách báo đáp thì không phải là người. Xin ngài hãy chuyển lời với Tần Vương rằng, Quách Khai nhất định không phụ mệnh”.

Sau đó, Quách Khai bí mật phái người tung tin đồn khắp thành Hàm Đan rằng, Lý Mục tư thông với Vương Tiễn, ý muốn đầu hàng quân Tần, bán rẻ Triệu quốc. Tin đồn lan truyền xôn xao một thời gian, cuối cùng cũng đến tai vua. Triệu Vương không khỏi kinh hãi vội gọi Quách Khai đến hỏi, Quách Khai thừa cơ nói: “Thần cũng nghe nói đến chuyện này. Không lạ sao khi lần giao chiến này Lý Mục lại có thể khiến quân Tần không đánh mà lui, thì ra là Lý Mục có mật ước với tướng Vương Tiễn của Tần, cố ý thả hổ về rừng. Thần còn nghe nói Vương Tiễn lén phái người thuyết phục Lý Mục bỏ Triệu quy Tần, hứa hẹn sẽ phong ấp vạn hộ! Đại vương, chuyện này thà tin là có, còn hơn cho là không”.

Vốn dĩ Triệu Vương đã ký thác vận mệnh của nước Triệu lên thân Lý Mục, giờ nghe nói Lý tướng quân có ý phản Triệu quy Tần, ông run rẩy khiếp đảm, trong lòng rối loạn than rằng: “Phải làm sao bây giờ, phải làm sao bây giờ!”.

Quách Khai thừa cơ nói thêm vào: “Chuyện đã đến bước này, tốt hơn hết đại vương hãy triệu Lý Mục về rồi chọn ra một vị tướng tài giỏi khác để thay thế Lý Mục”.

Sau một hồi bàn bạc, vua quyết định chọn Triệu Thông và Nhan Tụ thay thế vị trí của Lý tướng quân. Quách Khai lại bày mưu: Muốn tránh có kẻ sinh lòng nghi ngờ, đại vương hãy lấy cớ là bổ nhiệm Lý Mục làm tướng quốc, sau đó yêu cầu ông ta giao lại tướng ấn cho Triệu Thông và Nhan Tụ, cấp tốc về kinh nhậm chức. Triệu Vương gật đầu ưng thuận rồi hạ lệnh triệu hồi Lý Mục về kinh.

Lý Mục nhận chiếu thư, trong tâm vạn phần nghi hoặc. Bộ hạ Tư Mã Thượng nói với ông rằng, đại vương muốn phong ngài làm tướng quốc, rõ ràng là có ý lừa dối. Tướng quân, xin ngài chớ nên về kinh, tránh gặp phải điều bất trắc. Lý Mục cũng đoán chắc chắn rằng có kẻ gian hãm hại từ bên trong, chuyến đi lần này sẽ lành ít dữ nhiều. Vậy nên, trước khi Triệu Thông và Nhan Tụ đến, ông liền treo tướng ấn rồi một mình trốn chạy. Triệu Thông và Nhan Tụ nghe nói Lý Mục đã trốn, liền phái kỵ binh đi truy sát, diệt trừ Lý Mục và phế bỏ Tư Mã Thượng.

Lý Mục treo tướng ấn rồi một mình trốn chạy. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Lý Mục trước nay được quân sĩ tôn kính như cha, nay lại bị vua ngược đãi, bị gian thần hãm hại, nên trong quân ai nấy đều xót xa, lòng người tan rã. Rất nhiều binh lính vì điều này mà đào ngũ, quân doanh thưa thớt không còn lực chiến đấu. Ba tháng sau, Vương Tiễn xuất binh đánh thẳng vào kinh đô Hàm Đan, quân Tần vũ bão xông lên như tiến vào chỗ không người. Sau khi đại phá quân Triệu, giết được Triệu Thông, quân Tần bắt giữ Triệu Vương và Đại tướng Nhan Tụ.

Nghe lời Quách Khai, Triệu Vương dâng địa đồ nước Triệu đầu hàng Tần. Tần Vương thu xếp cho Triệu Vương ở Phòng Lăng (nay là huyện Phòng Lăng, Hồ Bắc). Cho đến lúc ấy, nước Triệu hùng mạnh hơn 200 năm nay đã tuyên cáo diệt vong.

Nhưng vẫn còn một người kịp trốn thoát, đó chính là công tử Gia - thái tử từng bị phế truất của nước Triệu. Công tử Gia dẫn theo thân tín trốn đến quận Đại (nay là huyện Uất, Hà Bắc), trấn thủ vùng đất núi sông này. Mượn thanh danh của Lý Mục, ông hiệu triệu dân chúng trong vùng và nhận được sự ủng hộ, sau đó lại tự lập mình làm vua nước Đại.

Vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 25 (năm 222 TCN), con trai của Vương Tiễn là Vương Bí sau khi dẫn quân tiêu diệt thế lực tàn dư của Yên và Triệu, liền công phá quận Đại, bắt được Đại Vương. Đến đây, nước Triệu đã hoàn toàn diệt vong.

Lại nói về Thừa tướng Quách Khai của nước Triệu. Có tài liệu chép rằng, Quách Khai được Tần Vương phong làm khách khanh, nhưng trong lúc trở lại Hàm Đan đã bị cường đạo giết chết. “Đông Chu Liệt Quốc” chép: “Quách Khai chứa vàng nhiều quá, không thể mang đi theo được, bèn cho cả vào hầm nhà riêng ở Hàm Đan. Khi việc đã xong, xin vua Tần cho nghỉ ít lâu về Triệu để vận tải gia tài. Vua Tần cười mà cho về. Về đến Hàm Đan, mở hầm lấy vàng, chở lên mấy xe, giữa đường bị kẻ cướp giết chết, lấy hết vàng đem đi mất”.

Hai nước Hàn và Triệu nằm ở vị trí then chốt ở Trung Nguyên, tiến thì có thể công, thoái thì có thể thủ, là cửa ngõ quan trọng để thu phục thiên hạ. Công hạ Triệu và Hàn, lãnh thổ của Tần gần như đã bao phủ toàn bộ lưu vực sông Hoàng Hà, Tần Vương Doanh Chính cũng nắm được thời cơ có một không ai, sự nghiệp thống nhất Trung Hoa nay đã nắm chắc phần thắng trong tầm tay.

Tiếp sau Triệu và Hàn, Tần Vương sẽ chỉ cây bảo kiếm của mình vào đâu? Muốn biết sự thể ra sao, mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Tần Vương diệt Sở.

Minh Hạnh
Theo Điền Viên - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên cổ nhất đế Tần Thủy Hoàng (8): Xảo kế diệt Triệu