Thiển đàm văn hóa ẩn sĩ: Lợi danh không màng, ẩn cư đạm bạc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ẩn sĩ là kẻ sĩ ẩn cư không ra làm quan, văn hóa ẩn sĩ là một bộ phận trọng yếu trong văn hóa truyền thống phương Đông, nó đại biểu cho sự truy cầu về tinh thần và tâm thái của một số người theo nghiệp bút nghiên đèn sách thời cổ đại, sự hình thành và duy trì kế tục có ý nghĩa rất sâu xa, cũng thường trở thành đối tượng để thế nhân ca tụng.

Ẩn sĩ thản nhiên trước phú bần quý tiện, trước vinh nhục sang hèn, trước những sóng gió cuộc đời. Họ giữ vững đạo đức, tu thân, tề gia, dùng đức độ giáo hóa hương thôn, truyền bá văn hóa v.v. Họ tuân theo tín niệm cùng lý niệm lập ngôn, lập đức của Nho gia truyền thống, truyền rộng tinh thần đạo đức tự sửa mình. Do đó mà được người đời xem như những tấm gương mẫu mực về đạo đức.

Thời cổ đại có rất nhiều những ẩn sĩ trứ danh, ngay từ thời Tam đại đã có các vị Hứa Do, Sào Phủ, Biện Tùy, Vụ Quang, họ đa số đều coi nhẹ lợi danh ‘Thị phú quý như phù vân’ (xem phú quý như mây nổi). Đồng thời, những thành tựu của họ về đạo đức, nhân phẩm, học thức đều siêu xuất người thường.

Công thành không ở lại, giữ cốt cách thanh cao

Mưu thần Trương Lương phò tá Lưu Bang thời nhà Hán, sau khi kiến lập Hán triều, trương Lương không ở lại, buông bỏ tất cả công danh lợi lộc nơi thế tục, bỏ chức vị thừa tướng, rồi theo Tiên nhân Xích Tùng Tử quy ẩn tu Đạo. Hậu thế ca ngợi ông là Thần Tiên tướng quốc, công thành thân thoái, thiên nhân hợp ứng.

Trương Lương nhẫn nại 3 lần nhặt giày cho ông lão, được ông truyền cho bí kíp. (Miền công cộng)

Thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng trước khi Lưu Bị ‘tam cố mao lư’, ông ở trong một căn lều cỏ nơi Nam Dương xa vắng, tĩnh quan thế cục, dự đoán thiên hạ chia ba, đã viết ra những dòng cảm khái: “Phượng hoàng bay cao ngàn trượng nhưng đâu có cây ngô đồng để đậu; kẻ sĩ ẩn mình một phương nhưng không thấy chủ mà theo. Đành vui với việc cấy trồng, an lạc trong lều cỏ, gửi chí hương cao vời vào ngọn bút cung đàn, để đợi thiên thời.”

Sau khi phò tá Lưu Bị sáng lập Thục quốc, Gia Cát Lượng không bao giờ cao ngạo cậy công, sống một đời cần kiệm đạm bạc.

Ông viết “Mã tiền khóa” để lại dự ngôn về thế sự và sự đổi thay của các triều đại lịch sử, thế nhân coi ông là bậc Thần cơ diệu toán, trí tuệ siêu nhân.

Không nhận vương hầu - nhân cách cao thượng

Khi Hán Nghiêm Quang theo học ở Trường An có gặp Lưu Tú, hai người kết thành bằng hữu. Lưu Tú khởi binh phản Vương Mãng, Nghiêm Quang hết sức giúp đỡ.

Sau khi Lưu Tú lên ngôi Quang Vũ Đế, Nghiêm Quang liền thay tên đổi họ, ẩn cư không gặp. Quang Vũ Đế cho người tìm được Nghiêm Quang, mời ông về Lạc Dương. Các bạn cũ của Nghiêm Quang là các đại tư đồ, hầu, bá… đều nườm nượp phái sứ giả mang thư thăm hỏi, Nghiêm Quang trả lời thư khuyên họ cần dùng đường nhân nghĩa để phò tá quân vương trị lý quốc gia, thì mới an định được thiên hạ, chớ dùng lối a dua nịnh nọt. Quang Vũ Đế ban Nghiêm Quang làm Gián nghị đại phu, Nghiêm Quang từ tạ không nhận, về vùng Đồng Lư núi Phú Xuân, sống một đời an nhàn cày ruộng buông câu.

Phạm Trọng Yêm đời nhà Tống trong “Nghiêm tiên sinh từ đường ký” ca tụng Nghiêm Quang: “vân sơn thương thương, giang thủy ương ương, tiên sinh chi phong, sơn cao thủy trường.” - Mây núi trong xanh, sông nước mênh mông, phong cách của tiên sinh, cao như núi, dài rộng như sông vậy.

Thời nhà Minh, Từ Vị có viết trong “Nghiêm tiên sinh từ” rằng: “bích thủy ánh hà thâm, cao tung nả hà tầm. Bất tri thiên tử quý, tự thức cố nhân tâm. Sơn ái tiêu xuân tuyết, giang phong sái mộ lâm. Như vắn lưu thủy dẫn, thùy thính Bá Nha cầm.” - Nhìn nước xanh biết sâu đến nhường nào, lối lên cao biết tìm nơi đâu. Chẳng màng phú quý nơi cung điện, tự biết quay về với nhân tâm. Khí núi tan tuyết mùa xuân, gió sông thổi khắp rừng chiều. Như nghe nước chảy xuôi dòng, vẳng xa đâu đó tiếng đàn Bá Nha.

Quyền quý chẳng màng, lợi danh coi nhẹ

Đào Uyên Minh đời Tấn không vì năm đấu gạo mà khom lưng, thản nhiên từ chối chức huyện lệnh Bành Trạch, quy ẩn điền viên. Ông “Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn.” - hái cúc dưới hàng rào phía đông, nhàn nhã ngắm núi phía nam.

Trong bài thơ “Quy khứ lai từ” của ông, từng câu, từng câu điềm tĩnh tự nhiên, từ căn lều tranh nơi ruộng vườn mộc mạc mà nhẹ nhàng đến với người đọc, làm ta cảm thấy dường như được nhập vào trong cảnh.

Đào Uyên Minh được hậu thế xưng tụng là ‘Ẩn dật thi tông’ - ông tổ thơ ẩn dật. Ông không trôi theo dòng thế tục, không nương dựa thế quyền, không làm bừa để cầu phú quý, không sợ bần hàn không để lợi lộc dụ dỗ, tâm sáng trong đạm bạc, ung dung vui với Đạo… Ông là khuôn mẫu cho văn nhân sĩ tử hậu thế noi theo.

Đào Uyên Minh là khuôn mẫu cho văn nhân sĩ tử hậu thế noi theo. (Miền công cộng)

An bần thủ chí, lấy đức dạy dân

Ngày xưa, nhiều ẩn sĩ đều lấy kinh sử bách gia, giáo lý làm người để truyền dạy cho dân chúng trong vùng hoặc những học trò bốn phương, họ không nhận bổng lộc, cam nguyện thanh bần, ngôn truyền thân giáo để lập đức. Nơi ở của các vị ấy cũng hết sức đơn giản, nhưng họ có phẩm đức cực kỳ cao quý.

Lâm Bô thời nhà Tống là một trong số đó, thời trẻ thành danh nhờ dạy học, sử viết về ông “Tính điềm đạm hiếu cổ, phất xu vinh lợi” - tính điềm đạm thích lối cổ, chẳng màng vinh lợi.

Thế nhân có thể cảm thụ được phẩm cách của ông qua những vần thơ, như trong bài ‘Sơn viên tiểu mai’ (cây mai nhỏ trong vườn núi), ông viết: “Chúng phương dao lạc độc huyên nghiên”, “sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển, ám hương phù động nguyệt hoàng hôn” - thảo mộc tiêu điều đông trút lá, duy có hoa mai giữ sắc màu; thân gầy soi bóng làn nước mỏng, hương thầm lay động ánh hoàng hôn.

Ông dùng khí chất thần vận của hoa mai - cái đẹp của cao khiết đoan trang, cùng phẩm cách băng thanh ngọc khiết, nhân cách hóa để gửi gắm sự cao nhã u nhàn cùng tâm cảnh siêu thoát ngoại vật của tác giả.

Nhìn thấu thế thời, thuận ứng Thiên lý

Thiệu Ung thời bắc Tống được mệnh danh là một ẩn sĩ Đạo gia, nổi tiếng về lý học, cả đời tiềm tâm học vấn (âm thầm học hỏi), cũng từng dạy học thu nhận học trò, dạy về Dịch, tiên thiên tượng số. Thơ văn của ông có lúc ngôn từ mộc mạc giản lược, có lúc mang nội hàm ngụ ý thâm sâu thể hiện rõ cảm ngộ sâu sắc của ông về Vũ Trụ, nhân sinh, miêu tả cuộc sống đời thường của ông vui với đất trời, hiểu mệnh đời (lạc thiên tri mệnh).

Ông viết: “Bồng hao ẩn kỳ cư, lê hoắc phẩm kỳ xan. Nhân tuy bất kham ưu, kỷ diệc bất cải an. Duyệt sử ngộ hưng vong. Thám kinh đắc căn nguyên…” - Ẩn cư nơi lều cỏ, cơm rau dưa sơ sài. Người thấy vậy âu sầu, nhưng ta vẫn an nhiên. Đọc sử biết hưng vong. Ngẫm kinh hiểu nguồn gốc…

“Hung trung nhất điểm phân minh xứ, bất phụ cao thiên bất phụ nhân” - Ôm trọn tấm lòng son sáng tỏ, không phụ Trời cao chẳng phụ người.

Trong “Thanh dạ ngâm”, ông viết: “Nguyệt đáo thiên tâm xứ, phong lai thủy diện thời, nhất ban thanh ý vị, liệu đắc thiểu nhân tri”. Ý tứ muốn nói, lúc này vầng trăng treo giữa bầu không, gió nhẹ thổi lay mặt nước, cảm thụ được cảnh sáng trong thanh tịnh như vậy, thì thường nhân khó mà thể hội được.

Trong “Mai hoa thi” của ông có dự ngôn về những đại sự thế gian cùng sự đổi thay của triều đại, chỉ cho thế nhân cần có trí huệ cao xa, thì mới có thể thuận ứng được thế sự biến hóa khôn lường mà đưa ra sự lựa chọn đúng đắn cho sinh mệnh.

Thiệu Ung và tác phẩm Mai Hoa Dịch Số của ông. (Tổng hợp)

Quay về cội nguồn sinh mệnh - Phản bổn quy chân

Có rất nhiều ẩn sĩ thời cổ đại tầm sư học Đạo, họ kiên định giữ vững tự ngã chân chính, vui với Đạo của Đất Trời, thuận theo sự an bài của tạo hóa, hòa với nhất thể mà biết huyền cơ cùng tri biến ứng biến, an lạc du nhiên trong tâm cảnh của mình.

Văn hóa ẩn sĩ thể hiện sự kiên thủ tiết tháo của giới trí thức thời cổ đại Á Đông, tránh xa dòng đời ô trọc, trân quý giữ gìn nhân cách của mình, đây cũng là sự chính trực của giới tri thức trong văn hóa truyền thống. Thực ra, người có phẩm đức cao khiết thường coi nhẹ vật dục, sống đời đạm bạc nhưng có tấm lòng rộng lớn, vô luận là ẩn sĩ nơi rừng sâu núi thẳm, hay nơi huyên náo thế gian, tâm loạn là do thân ở trong trần thế, tâm tĩnh là do đặt thân trong Đạo. Cho dù hoàn cảnh ra sao, cũng không thay đổi khí tiết, không thay đổi chí hướng, không thay đổi tín tâm, thì mới có thể trong thế gian biến động khôn lường mà hiểu được chân cơ, nắm vững thời cuộc, thuận ứng thiên lý, tuân theo Thiên Đạo.

Tác giả: Trí Chân - Epochtimes

Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thiển đàm văn hóa ẩn sĩ: Lợi danh không màng, ẩn cư đạm bạc