Thiên hạ báu vật muôn ngàn, không sánh bảo đỉnh thế gian truyền kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên thế gian thứ gì quý giá nhất? Vàng kim, mỹ ngọc, hay những viên kim cương sáng chói? Hẳn mỗi chúng ta đều có câu trả lời của riêng mình. Với bậc quý nhân có tấm lòng dung chứa cả thiên hạ, mang cốt cách của một vị đế vương, thì tất cả những báu vật trên đều không thể sánh được với một thứ: Bảo đỉnh!

Đỉnh được cổ nhân nhìn nhận là thứ bảo khí linh thiêng, tương truyền ai có được Cửu Đỉnh thì người ấy có thể nắm trong tay cả thiên hạ.

Ban đầu, đỉnh là vật dụng bằng đồng dùng để nấu nướng. “Thuyết Văn Giải Tự” viết: “Đỉnh, tam túc lưỡng nhĩ, hoà ngũ vị chi bảo khí dã”, nghĩa là đỉnh là loại bảo khí có ba chân, hai quai, dùng để điều hoà ngũ vị. Do đó, đỉnh không phải là loại xoong nồi thông thường, mà là dụng cụ chuyên dành cho tầng lớp thượng lưu. Dân gian có câu: “Liệt đỉnh nhi thực” (bày đỉnh ra ăn) để miêu tả cảnh yến tiệc của giới quý tộc, trong bữa tiệc bày chiếc đỉnh lớn để nấu nướng, qua đó thể hiện cuộc sống hào hoa xa xỉ.


Đỉnh tượng trưng cho vương quyền (Ảnh: Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan)

Thời thượng cổ, sau khi Đại Vũ trị thủy và cứu được muôn dân khỏi họa diệt vong, ông đã phân vùng đất rộng lớn Hoa Hạ thành chín châu. Sách “Kinh Thư” ghi chép rằng, chín khu vực ấy là Ký Châu, Duyện Châu, Thanh Châu, Từ Châu, Dương Châu, Kinh Châu, Lương Châu, Ung Châu và Dự châu. Dân chúng trong vùng cảm kích ân điển như trời biển của Đại Vũ, mỗi người đều gom góp đồng - thứ kim loại quý giá nhất lúc bấy giờ - và dâng tặng cho ông. Đại Vũ mang đồng đến núi Kinh Sơn đúc thành chín chiếc bảo đỉnh, gọi là Cửu Đỉnh, trên mỗi đỉnh đều khắc hình ảnh núi sông, con người, cảnh vật, các loài cá, chim, muông thú… tương ứng của từng châu, chỉ cần nhìn vào đỉnh là có thể biết được diện mạo của nơi ấy.

Cửu Đỉnh tượng trưng cho chín châu, cũng có nghĩa là cả thiên hạ. Sau khi đúc Cửu Đỉnh, Đại Vũ vào nơi núi rừng, sông ngòi, đầm hồ, hễ đi đến đâu thì yêu ma quỷ quái đều sợ hãi tránh xa, vậy nên người ta cho rằng ông nhờ có Cửu Đỉnh mà được Thượng Thiên ban phúc lành.


Đại Vũ (Ảnh: Tranh vẽ của Mã Lân đời Tống, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan)

Sau này, vì để cảm tạ Đại Vũ, bách tính đã tôn vinh ông làm quân vương kế vị vua Thuấn, đời đời cha truyền con nối, thành lập nên vương triều chính thức đầu tiên của Trung Hoa - nhà Hạ. Cũng từ đó Cửu Đỉnh trở thành biểu tượng cho vương quyền, đồng thời cũng được coi là bảo khí truyền quốc.

Khi nhà Hạ suy vong, Cửu Đỉnh trở về với nhà Thương. Đến khi Thương triều mất, nhà Chu hưng khởi, Cửu Đỉnh lại được đưa về kinh đô của nhà Chu là Hạo Kinh. Sau này Chu Thành Vương dời về phía đông, Cửu Đỉnh được đặt ở đô thành của nhà Chu là Lạc Ấp, từ đó ở yên không đổi, nên gọi là “Định Đỉnh”. Trải qua nhiều đời lưu giữ và bảo tồn, Cửu Đỉnh nghiễm nhiên trở thành biểu tượng cho Thiên mệnh.

Năm 600 TCN, Sở Trang Vương nắm trong tay vạn hùng binh, khí thế hừng hực, mạnh như vũ bão. Trang Vương nhân lúc dẫn binh đi công đả người man ở phía nam đã bày binh bố trận bên ngoài thành Lạc Ấp của nhà Chu để giễu võ dương oai, thị uy thiên tử. Chu Định Vương bất đắc dĩ phải phái quan đại phu Vương Tôn Mãn ra thăm hỏi binh sĩ. Sở Trang Vương nhân cơ hội đã hỏi Vương Tôn Mãn:

“Nghe nói Cửu Đỉnh từ Đại Vũ truyền lại đang nằm trong thành Lạc Ấp, chẳng hay nó lớn nhỏ và nặng nhẹ thế nào?”.

Vương Tôn Mãn ngầm hiểu Sở Trang Vương đang thăm dò, ông ta hỏi về Cửu Đỉnh là có ý nói rằng mình cũng có thể đúc ra một bảo khí giống hệt như vậy để thay thế vương quyền của nhà Chu. Vì vậy, Vương Tôn Mãn liền đáp:

“Đỉnh lớn nhỏ hay nặng nhẹ là nằm ở đức chứ không ở bản thân đỉnh. Trước đây khi triều Hạ có đức, đã đem kỳ trân dị vật phương xa họa thành hình tượng, dùng đồng mà trưởng quan chín châu tiến cống để đúc nên Cửu Đỉnh, đồng thời khắc hình tượng muôn vật lên đó. Những vật tượng đều có trên Cửu Đỉnh, bách tính thông qua Cửu Đỉnh mà biết được đâu là thiện là ác, đâu là Thần là ma. Cho nên, trăm họ vào chốn ao hồ rừng núi đều không sợ hãi, không gặp phải những thứ bất lợi, cũng không đụng độ những loài quỷ quái yêu mị, nhờ đó mà trên dưới hài hoà, hưởng được phúc lộc của trời.

Sau này vua Kiệt nhà Hạ hôn loạn thất đức, đỉnh dời đến triều Thương, trước sau được 600 năm. Vua Trụ nhà Thương hôn quân bạo ngược, đỉnh lại dời đến triều Chu. Quân vương nếu đức hạnh tốt đẹp, thì cho dù đỉnh nhỏ cũng sẽ nặng đến mức không thể di dời. Nếu quân vương gian tà bất chính, thì dù đỉnh có lớn hơn nữa cũng sẽ nhẹ đến mức có thể bị người ta lấy đi.

Nhưng Thiên Thượng không ban phúc cho ai mãi mãi, mà là có kỳ hạn. Chu Thành Vương đem Cửu Đỉnh đặt cố định tại Vương Thành, từng xem quẻ bói rằng nhà Chu sẽ truyền được 30 đời, hưởng quốc 700 năm. Đó là thời hạn mà mệnh trời giao cho. Nay triều Chu tuy suy yếu, nhưng mệnh trời chưa đổi, cho nên việc đỉnh nặng hay nhẹ không phải là điều có thể bàn luận được”.

Việc Sở Trang Vương hỏi đỉnh là có ý tranh đoạt ngôi vị thiên tử, nhưng dã tâm ấy đã bị dập tắt trước lời đối đáp của Vương Tôn Mãn: “Tại đức chứ không phải tại đỉnh”.

300 năm sau vào cuối thời Đông Chu Chiến quốc, quân chủ của nước Tần là Tần Vũ Vương vốn là người tôn sùng sức mạnh. Tần Vũ Vương có thể chất tráng kiệt, luôn thích nâng những chiếc đỉnh lớn và nặng để tỏ rõ sức lực của mình. Ông dùng quan cao lộc hậu để thu hút các dũng sĩ trong thiên hạ, ngay cả đại lực sĩ nổi tiếng nhất lúc ấy là Mạnh Bôn cũng được chiêu mộ đến phò tá bên cạnh vua.

Năm 307 TCN, quân Tần công chiếm thành Nghi Dương - thủ đô của nước Hàn. Tần Vũ Vương lấy làm đắc ý, bèn học theo Sở Trang Vương, đưa trăm cỗ chiến xa tiến vào Vương Thành của nhà Chu để khoa trương thanh thế. Chu Noãn Vương rất lo lắng, buộc phải dẫn binh sĩ xếp thành hàng ra nghênh tiếp. Lần này Tần Vũ Vương dương dương đắc chí tiến vào đô thành, tận mắt đến xem Cửu Đỉnh.

Tần Vũ Vương bước đến bên chiếc đỉnh gọi là “Long Văn Xích Đỉnh” - biểu tượng cho khu vực của Tần quốc. Và lần này, ông vô cùng hưng phấn đã cùng với các lực sĩ thi tài nâng đỉnh. Nhưng Long Văn Xích Đỉnh nặng đến mức các lực sĩ đều lắc đầu chịu thua, riêng Tần Vũ Vương là vẫn ương ngạnh cố dốc hết sức lực, cuối cùng đã nâng chiếc đỉnh lên khỏi mặt đất. Ngay sau đó, ông mất sức nên phải buông tay, đại đỉnh liền rơi xuống, đè vào chân và làm gãy xương bánh chè của nhà vua. Cuối cùng, Tần Vũ Vương vì mất máu quá nhiều mà chết. Sau cái chết của vua Tần, đại lực sĩ Mạnh Bôn can tội xúi giục quân vương nên bị tru di tam tộc. Câu chuyện trên được ghi chép trong lịch sử, đã biến cuộc khoe tài nâng đỉnh trở thành trò cười khắp thiên thu.

Sau khi nhà Chu diệt vong, Cửu Đỉnh không rõ tung tích đã lưu lạc về đâu, tương truyền bảo khí ấy từng rơi xuống Tứ Thủy. Sau này Tần Thủy Hoàng và Hán Văn Đế đều phái người đến Tứ Thủy tìm vớt Cửu Đỉnh, nhưng đều không thành công.

Tiếp nối nhà Chu, tất cả các vương triều kiến lập sau này đều không sánh được với một nửa quốc khí và vận hạnh của nhà Chu. Có lẽ là vì hậu thế đã quên mất ý nghĩa của “Trời ban Cửu Đỉnh”, các quân vương chỉ chú trọng lấy sức mạnh thu phục người mà không lo tu dưỡng đức hạnh, do đó Thượng Thiên đã thu hồi báu vật, không còn ban Cửu Đỉnh cho nhân loại nữa. Đỉnh từ đó chỉ còn là một công cụ nấu nướng của giới quý tộc, chứ không còn là bảo khí truyền quốc như xưa.

Trong lịch sử, rất nhiều quân vương muốn chinh phục thiên hạ, ngồi trên ngai nắm đại quyền, dời non chuyển núi, hô hoán phong vân… Nhưng họ lại quên rằng: “Tại đức chứ không tại đỉnh”, chỉ bậc đại đức mới được ban chân mệnh Thiên tử, mới có tư cách nắm quyền bính lâu dài, tạo dựng phúc đức cho bách tính muôn dân.

Minh Hạnh
Theo Văn Dật Phi - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Thiên hạ báu vật muôn ngàn, không sánh bảo đỉnh thế gian truyền kỳ