Thơ ca mở đầu và kết thúc Tam Quốc, Hồng Lâu, Thủy Hử tiết lộ điều gì

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa nói “Văn dĩ tải Đạo”, nghĩa là “Văn là để truyền tải Đạo”. Do đó các tác phẩm văn học kinh điển đều gắn liền với chữ Đạo, những chi tiết cụ thể đều tập trung biểu hiện sự dĩnh ngộ sùng đức tu thân trong quá trình cảm ngộ nhân sinh, bao gồm Thiên mệnh quan và Đạo đức quan của văn hóa truyền thống Á Đông, chỉ rõ phương hướng cho tâm linh mỗi người.

Một tác phẩm văn học xuất sắc luôn có bố cục kết cấu chặt chẽ, có mở đầu hấp dẫn và kết thúc mang ý nghĩa sâu xa.

Thơ từ mở đầu tác phẩm tiết lộ chủ đề, trực tiếp chỉ rõ sự việc cần trần thuật, ý nghĩa cần biểu đạt, nó có vai trò cực kỳ quan trọng trong tác phẩm, và có sức mạnh rung động lòng người.

Thơ từ kết thúc tác phẩm khiến người ta hồi tưởng, thể hội, khiến người ta cảm thấy tác phẩm đã hết mà ý nghĩ vô tận, khiến tác phẩm có vận vị hàm súc và có đặc điểm văn lại sinh ra văn. Ba tác phẩm trong Tứ đại danh tác là những ví dụ như thế.

Tam Quốc Diễn Nghĩa

Khái niệm “Diễn nghĩa” này thì từ cổ xưa đã có rồi. Người xưa chép sử, kể sử, không phải là chỉ nói về câu chuyện lịch sử, mà là là thuật lại lịch sử để lưu giữ cái nghĩa, nhấn mạnh nghĩa lý tư tưởng chính thống, coi trọng “Diễn nghĩa”. Sau này, mọi người cũng thường gọi lịch sử là “Diễn nghĩa”.

Tam Quốc Diễn Nghĩa về mặt nghệ thuật là mẫu mực thành công của tiểu thuyết diễn nghĩa lịch sử. Xuyên suốt tác phẩm là luận thuật một chữ Nghĩa, tuyên dương trung hiếu tiết nghĩa, Thiên mệnh Thiên lý, trị quốc bình thiên hạ. Ngoài ra nó còn có mưu lược, trí tuệ. Tác phẩm đã biểu hiện vô cùng xuất sắc về Thiên mệnh quan trong văn hóa truyền thống Á Đông.

Trong tác phẩm nhiều lần nói đến Thiên ý kiểm soát sự việc con người, “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”, cho rằng điềm báo cát hung, chòm sao sáng tối, càn tượng thiên văn biến hóa, đều là biểu hiện của Thiên ý. Thiên ý là cái mà con người không thể làm trái được, con người chỉ có thể thuận theo Trời mà hành xử.

Đào Viên Kết Nghĩa
Đào Viên Kết Nghĩa

Tam Quốc Diễn Nghĩa mở đầu như sau:

Lâm giang Tiên (Ông Tiên bên sông)

Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thịnh suy, thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Núi xanh nguyên vẹn cũ
Bao độ ánh chiều hồng

Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui bạn cũ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng
(Bản dịch khuyết danh)

Nguyên văn:

Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại,
Kỷ độ tịch dương hồng.

Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.

Bài thơ kết thúc tác phẩm có viết:

Ngẫm thế sự bời bời ngán nỗi
Cuộc tang thương biến đổi khôn lường
Tam phân một giấc mơ màng
Viếng đời gọi có mấy hàng hôm nay
(Bản dịch của Phan Kế Bính)

Nguyên văn:

Phân phân thế sự vô cùng tận
Thiên số mang mang bất khả đào
Đỉnh túc tam phân dĩ thành mộng
Hậu nhân bằng điếu không lao tao

Hồng Lâu Mộng

Mộng nghĩa là tất cả đều là hư huyễn; Hồng Lâu Mộng là ảo mộng chốn hồng trần.

Xuyên suốt Hồng Lâu Mộng là trải nghiệm của một hòn đá linh thiêng, được Đại sĩ Mênh Mang và Chân nhân Mịt Mù đem xuống chốn hồng trần, hóa thành thân người, sau lại được tiếp dẫn đến bờ kia Niết bàn.

Chim rừng trong tác phẩm cho mọi người biết rằng: Vạn sự thế gian đều có nhân, thiếu nợ thì phải hoàn trả, khúc kịch hết thì người ra về. Đạo sĩ Thọt Chân trong tác phẩm trong bài ca “Hảo liễu ca” đã bày ra những hiện tượng biến hóa nóng lạnh của nhân tình thế thái. Còn chú giải của Chân Sĩ Ẩn càng thấu rõ hết thảy sự vật đều là khói mây bay qua trước mắt, đồng thời nhìn thấu sự hoang đường của thế nhân ở chỗ “coi tha hương là cố hương”.

Hồng Lâu Mộng
Hồng Lâu Mộng là ảo mộng chốn hồng trần. (Tranh của Tôn Ôn Hội đời Thanh)

Hồng Lâu Mộng mở đầu viết rằng:

Đầy trang những chuyện hoang đường
Tràn tít nước mắt bao nhường chua cay
Đừng cho chỉ giả là ngây
Ai hay ý vị chỉ đầy ở trong
(Bản dịch nhóm Vũ Bội Hoàng)

Nguyên văn:

Mãn chỉ hoang đường ngôn
Nhất bả tân toan lệ
Đô vân tác giả si
Thùy giải kỳ trung vị

Kết thúc có thơ rằng:

Kể đến phần chua xót
Hoang đường càng sầu bi
Xưa nay chung giấc mộng
Chớ cười người đời si

Nguyên văn:

Thuyết đáo tân toan xứ
Hoang đường dũ khả bi
Do lai đồng nhất mộng
Hưu tiếu thế nhân si

Phật gia cho rằng, hết thảy mọi thứ trong thế giới vật chất này của chúng ta đều là huyễn tượng, là không thật. Ngụ ý thế nhân có lai lịch không tầm thường, là từ trên Thiên thượng xuống. Từ viễn cổ bước đến ngày nay, vậy nên nhất định chớ mê mất bản lai diện mục của mình, hãy vứt bỏ si mê chốn hồng trần, khi mộng tỉnh thì sẽ minh tâm kiến tính, phản bổn quy chân.

Thủy Hử

Thủy Hử kể về sự thịnh suy và biến loạn trong thời thay triều đổi đại, Hồng Thái úy đi lạc vào nơi yêu tà, thả các Tinh quân Thiên Cang và Địa Sát đang bị trấn ở Phục Ma điện chờ chịu tội. Thế là họ tới tấp chuyển sinh thành người. Đây cũng chính là lại lịch của 108 anh hùng hảo hán Lương Sơn. Ân ân oán oán trong đó, ý chí cá nhân không tự chủ được. Thị phi ai đã định? Thịnh suy lẽ nào vô cớ?

Tranh cuộn "108 anh hùng Thủy Hử" của họa sĩ Triệu Tiểu Bảo. (Ảnh: Epoch Times)
Tranh cuộn "108 anh hùng Thủy Hử" của họa sĩ Triệu Tiểu Bảo. (Ảnh: Epoch Times)

Thủy Hử mở đầu viết rằng:

Hãy xem nơi ẩn trong rừng sách, bao kẻ Nho sinh tuấn kiệt ẩn dật. Hư danh bạc lợi chẳng ưu sầu, vun băng và cắt tuyết, cười nói ngắm đao Ngô Câu. Thất hùng quấy đảo loạn xuân thu. Thấy kẻ thành danh vô số, kẻ cầu danh vô số, và kẻ trốn tránh danh cũng vô số. Thoắt bóng trăng non lặn sông dài, giang hồ nương dâu thành đường cổ. Khác nào tìm cá trên cây, như vượn khốn cùng chọn bừa cây trốn, như chim trúng tên sợ cành cong, chi bằng đổ chén rượu trong tay đi, hãy lắng nghe khúc ca mới.

Kết thúc tác phẩm có thơ rằng:

Thiên Cang đã về Thiên giới cũ
Địa Sát lại vào lòng đất xưa
Ngàn năm làm Thần hương hỏa cúng
Vạn thuở sử xanh rạng anh hùng

Nguyên văn:

Thiên Cang tận dĩ quy Thiên giới
Địa Sát hoàn ưng nhập địa trung
Thiên cổ vi Thần giai miếu thực
Vạn niên thanh sử bá anh hùng

Cường đạo trong Thủy Hử cũng thừa nhận Thiên Đạo, hành sự coi trọng chữ Nghĩa làm đầu, nhưng trong con mắt mọi người, họ lại là những tên giặc cỏ. Nơi nhân gian, nếu những hành vi việc làm đều phù hợp với quy phạm đạo đức làm người, làm ra những việc xuất sắc, thì sẽ được người đời ngợi ca là anh hùng. Đó chính là văn hóa “Cường đạo cũng có Đạo”. Nó phản ánh rằng, con người bất kể là rơi vào hoàn cảnh nào, đều phải tuân theo quy phạm đạo đức làm người.

Thiện quả của những người thay Trời hành Đạo là sau khi chết thành Thiên nhân, thành Thần, được thế nhân lập miếu ngàn năm hương hỏa. Vạn sự vạn vật đều do Thiên Đạo chi phối, thiện ác hữu báo, ai làm gì, gây nhân nào thì sẽ nhận quả ấy.

Hoàng Mai
Theo SOH

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Thơ ca mở đầu và kết thúc Tam Quốc, Hồng Lâu, Thủy Hử tiết lộ điều gì