Thơ: Phạm Ngũ Lão (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phạm Ngũ Lão (chữ Hán: 范五老; 1255 – 1320) là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288. Đương thời, danh tiếng của ông chỉ xếp sau Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – người được xem như vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Phù Ủng anh tài theo Quốc Công (2)
“Thôn Ngưu hùng khí” (3) ngút non sông
Đường Lạng: Thoát Hoan đầu rúc ống (4)

Sông Đằng: Ô Mã cổ đeo gông (5)
Chiêm bang, Lào quốc yên cương vực (6)
Điện súy, Kim ngô vững Đế cung (7)

Thương xót Đại Vương mưa huyết lệ
Khóc tấm gương trong chốn Cửu trùng (8)

07.2015

Đông Quan
____________
(1) Phạm Ngũ Lão (chữ Hán: 范五老; 1255 – 1320) là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288. Đương thời, danh tiếng của ông chỉ xếp sau Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – người được xem như vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam.
(2) Năm 1283 Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công Tiết Chế (Tổng Tư lệnh quân đội). Trên đường đi qua Đường Hào, Hưng Đạo Vương gặp Phạm Ngũ Lão. Nhận biết Phạm Ngũ Lão là người tài, Hưng Đạo Vương đã đón ông về kinh sư. Từ đó Phạm Ngũ Lão trở thành môn khách của Hưng Đạo Vương.
(3) Câu thơ của Phạm Ngũ Lão trong bài "Thuật hoài": "Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu“ nghĩa là: "Ba quân hùng khí nuốt sao Ngưu", thể hiện khí phách của ông.
(4) Trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông lần II. Phạm Ngũ Lão đảm nhiệm các cuộc công kích, chia cắt và truy kích quân Nguyên từ Thăng Long qua Vạn Kiếp đến biên giới. Chủ tướng của quân Nguyên Mông là Thoát Hoan đã phải chui vào ống đồng để trốn.
(5) Trong trận chiến Bạch Đằng của cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông lần III. Phạm Ngũ Lão đã tham mưu và đảm nhiệm tấn công chia cắt quân địch, góp phần tiêu diệt toàn bộ thủy quân Nguyên Mông. Đại tướng Nguyên là Ô Mã Nhi cùng một loạt các tướng như Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ… đã bị bắt sống trong trận này.
(6) Phạm Ngũ Lão đã ba lần cầm quân chinh phạt Ai Lao xâm phạm biên cương và hai lần chinh phạt Chiêm Thành.
(7) Phạm Ngũ Lão được vua Trần Nhân Tông phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Điện súy Thượng tướng quân, tước Quan nội hầu.
(8) Ý hai câu thơ này lấy từ bài „Vãn (Viếng) Hưng Đạo Đại vương“ của Phạm Ngũ Lão thể hiện tình cảm sâu nặng và lòng kính yêu vô bờ bến của ông đối với Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – bậc Đại anh hùng như bức trường thành của quốc gia và tấm gương sáng của cho các hoàng đế và triều đình (Cửu trùng).



BÀI CHỌN LỌC

Thơ: Phạm Ngũ Lão (1)