Thơ: TÂY DU NGOẠI TRUYỆN (*)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Muốn thong dong không mệt; Nên chỉ quản riêng mình. 'Đường Tây Trúc' thênh thênh; Khi tâm phàm rũ bỏ.

Đường Tăng vốn cẩn thận
Lại thương yêu học trò
Ngài rất mực chăm lo
Cho cả ba đồ đệ...

Một ngày như thường lệ
Ngài thấy quần Ngộ Không
Có một lỗ thủng tròn
Bèn lặng thầm vá lại

Dặm trường rong ruổi mãi
Thấm thoắt đặng vài hôm
Lại thấy lỗ thủng tròn
Trên chiếc quần da hổ

Người tu chẳng nề khó
Bèn vá tiếp cho trò
Không vướng bận đắn đo
Xem đấy là chuyện nhỏ...

Đường đi dễ rồi khó
Dẹp yêu quái rất nhiều...
Cho đến một buổi chiều
Quần Ngộ Không... lại thủng!

Vẫn không hề lúng túng
Đường Tăng vá cho trò
Chuyện cứ tiếp diễn ra
Dễ thường dăm bảy bận!...

Việc khiến Ngộ Không giận
Bèn than thở với thầy:
"Con xin thầy! Thầy ơi
Đừng... vá quần con nữa!

Cứ dăm lần bảy bữa
Đục thủng lại vá vào
Biết xoay xở(**) làm sao
Với cái đuôi con được?!!!"

Chuyện kể nghe hài hước
Nhưng ngẫm có nội hàm
Rằng: chớ quản, chớ ham
Chuyện riêng tư người khác

Vì 'hỉ nộ ai lạc' (***)
Không thấy hết nhân duyên
Tránh 'quý chẳng bõ phiền'
Hoàn cảnh ai, nấy biết...(****)

Muốn thong dong không mệt
Nên chỉ quản riêng mình
'Đường Tây Trúc' thênh thênh
Khi tâm phàm rũ bỏ.

FB: Vô danh cư sỹ
___________

(*) Tây Du ngoại truyện: Truyện ngoài Tây Du Ký [Câu chuyện không có trong 'Tây Du Ký'].
(**) "Xoay xở" - Động từ, cũng có rất nhiều người viết/nói thành: "Xoay sở". Tuy nhiên, theo cuốn: 'Từ điển tiếng Việt' do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, có giải thích: "Xoay xở" là động từ chỉ hành động tìm hết cách này đến cách khác để tháo gỡ khó khăn, hoặc để đạt được cái cần có. Trong đó:
- "Xoay" là động từ diễn đạt ý xoay chuyển, đổi hướng, tìm hết mọi cách để tháo gỡ khó khăn, mong đạt được kết quả.
- "Xở" là động từ thể hiện hành động gỡ ra, làm bung ra...
(***) Thành ngữ Hán Việt: 'Hỉ nộ ai lạc' - Hỉ: mừng; nộ: giận; ai: buồn; lạc: vui... diễn giải theo nghĩa bề mặt là chỉ các trạng thái tình cảm, cảm xúc thông thường vốn phong phú mà lại rất phức tạp của con người ta...
(****) 'Hoàn cảnh ai, nấy biết': Ý tứ là hoàn cảnh của người nào thì người nấy tự biết rõ hơn hết...



BÀI CHỌN LỌC

Thơ: TÂY DU NGOẠI TRUYỆN (*)