Bình thơ: BÀ CÔ BÊN CHỒNG - Đoàn Thị Lam Luyến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến sinh năm 1953, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1996). Sớm được biết đến từ thập niên 80, 90 với tập thơ đầu tay mang tên "Lỡ một thì con gái", bà được nhiều bạn đọc đón nhận và yêu quí*.

BÀ CÔ BÊN CHỒNG

Tặng: Tống Thị Kiều Vân

Tệ nào bằng giặc bên Ngô
Em tôi có sáu bà cô bên chồng
Họ hàng nội ngoại cũng đông
Em tôi “bắt giặc” tay không có gì!

Thủa đầu, ai chẳng hàn vi
Bao nhiêu tết, giỗ việc gì cũng em!
Ngày đầu em giống Lọ Lem
Ước mong con thảo dâu hiền đấy thôi?

Chồng em trai một hiếm hoi
Cờ bạc chẳng biêt, đua đòi cũng không
Chỉ hiềm tính chất nhà nông
Rượu vào một chén là không bến bờ

Thương em, sáu “giặc bên Ngô”
Cùng xin thoái vị "Bà Cô Bên Chồng”!

Đoàn Thị Lam Luyến

LỜI BÌNH CỦA PHÙNG TUỆ NGỌC

Hãi lắm, giặc bên Ngô.
Lịch sử đau đớn cho giống nòi một kinh nghiệm đau đớn! Và đau đớn trải qua sau nạn xâm lăng của “giặc bên Ngô” còn lởn vởn bởi sự kinh tởm, sự khốc liệt đầy mưu mô nham hiểm trong mối quan hệ mật thiết môi răng lắm gần gũi.
Độc ác, lắm trò – cái đám giặc bên Ngô!
Bên Ngô phiếm chỉ.
Khẩu ngữ dân gian, kiểu đòn bẩy đã tăng cấp độ khủng khiếp của “Bà Cô Bên Chồng”, sự so sánh gọn ghẽ, “không bằng”. Bà cô bên chồng ghê gớm. Đáng sợ hơn cả giặc bên Ngô:
Giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng.
Dân gian mẫn cảm, chỉ cần lửng lơ “giặc bên Ngô” là đã đủ hình dung thảm cảnh.

Nhà thơ kể:

Tệ nào bằng giặc bên Ngô
Em tôi có sáu bà cô bên chồng

Sợ. Thường thấy, chỉ cần một bà cô nanh nọc thì đã hãi hùng hơn cái đám giặc bên Ngô, nữa là đến những sáu bà cô bên (nhà) chồng. Sáu vị giặc bên Ngô trừng mắt, trợn răng, ắt…ốm. Nhan nhản đấy thôi, nhiều bà cô bên chồng ghét nàng dâu, lấy việc trừng trị được nàng dâu, hành hạ được nàng dâu là sướng lắm. Đã thế, còn thêm “Họ hàng nội ngoại cũng đông”. Than ôi!

Khác với thói đời, ngay từ đầu, nàng dâu tốt phúc này đã được hưởng một sự cảm thông thể tất nhân tình:Em tôi "bắt giặc” tay không có gì. Cuộc “bắt giặc” này không phải bằng mưu chước, không phải bằng mua chuộc, không phải bằng lèo lá, mà bằng tấm lòng, bằng hành động.

Họ hàng nội ngoại cũng đông. Càng đông càng khó chiều, càng khó làm vừa mắt mọi người

Không cần nhiều nịnh bợ, không cần nhiều biếu xén đồng quà tấm bánh hoặc tấm áo manh quần, thu phục nhân tâm. Thực tình dẫu muốn thế cũng không được. Lấy đâu ra. “Thủa đầu ai chẳng hàn vi”

Hàn vi đấy, khó khăn đấy nhưng em vẫn gánh vác trọn vẹn. Một ghi nhận. Đáng khen.

Ngày đầu, em giống Lọ Lem. Ngày đầu là ngày nào? Ngày ấy em dâu ra sao trong con mắt của nhà chồng dưới lốt Lọ Lem như trong truyện cổ tích? Cái ngày đầu ấy cũng trôi qua êm đềm, như đáng được êm đềm. Ước mong con thảo dâu hiền đấy thôi? Chỉ cần nghĩ như vậy là ổn. Sự thể tất căn bản. Lại thêm một ghi nhận.

Tác giả khéo giấu vị thế của người em. Ngỡ đây là em gái. Hóa ra, em dâu. Suốt cả bài thơ cũng vẫn vậy, để rồi ta mới biết người được tặng, Tống Thị Kiều Vân là em dâu tác giả.

Và nhà thơ không nói đến cái khó chịu của đám giặc bên Ngô của em dâu mà mình là một thành viên trong đó.

Để cảm thông nàng dâu đã khó, để ghi nhận công lênh nàng dâu càng hiếm hơn. Phải có sự công tâm, phải rộng lượng thì mới đạt đến điều này,

Một khó khăn khác, khó khăn mà những kẻ tầm thường quen miệng gọi là thử thách. Rất lắm khi không phải thử thách theo kiểu sát hạch mà là chuyện đối đầu thực sự. Hoàn cảnh này là gì? Chồng em trai một hiếm hoi. Con trai mộtdễ được cưng chiều. Tâm lí cưng chiều đưa đến việc bênh là chặng đường ngắn. “Bênh người nhà mình” dẫu sai, dẫu vô lối. Người nhà mình sai hay mình bênh sai, mặc kệ, cứ bênh cái đã. Chồng em trai một hiếm hoilà một thực thể. Trai một, tất nhiên cũng thuộc dạng hiếm hoi, ai chả biết. Nhà thơ thêm hiếm hoi với trai một để ngầm nói đến khía cạnh nâng niu chiểu chuộng. Bởi vậy từ chỗ nâng niu sẽ đến chỗ bênh. Bênh được khoác tấm áo giáp đầy trách nhiệm: bảo vệ người nhà mình. Ở người Việt, tuy nói dâu là con, nhưng vẫn rất dè chừng, thậm chí lắm khi cảnh giác nàng dâu, hơn thế, còn xem như thù địch, ăn tàn phá hại, xấu đủ mọi đường!

Này nhé, chồng em không những trai một mà còn là người nhiều phẩm chất, cờ bạc chẳng biết, đua đòi cũng không. Liệu đấy.

Vẫn biết chồng em rất khá. Tuy nhiên cũng có chỉ hiềm. Một chỉ hiềm dẫu không nặng lắm ở đàn ông, mang chút bản năng “hồn nhiên” chất nhà nông:

Chỉ hiềm tính chất nhà nông
Rượu vào một chén là không bến bờ

Không bến bờ có nghĩa bát ngát, bao la. Không thể tránh những hậu quả. Gặp lúc đó, nàng Lọ Lem kia đối phó ra sao? Em đã gánh vác giang sơn nhà chồng cả những trường hợp này.

Biết cho em dâu điều đó cũng thật đáng khen. Thêm một lần ghi nhận.

Chung qui, thương em. Vì thương em, sáu giặc bên Ngô không còn là giặc.

Thương em, sáu “giặc bên Ngô”
Cùng xin thoái vị "Bà Cô Bên Chồng”!

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cho ra mắt một bài thơ dung dị. Nói dung dị vì lời thơ nhẹ nhàng, không có chi tài hoa mà đọc vẫn thú vị. Trong bài này, nhà thơ không làm thơ. Tự nhiên thành thơ. Lời thơ chân chất, một lối kể chuyện thật thà mang chút hài hước rất có cảm tình. Vốn sở trường lối thơ mã hóa, luồn đằng sau câu chữ là những thông điệp sâu lắng, nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến đã có nhiều bài thơ mã hóa rất đạt. Dẫu vây, BÀ CÔ BÊN CHỒNG, không cần thủ pháp đó vẫn hay. Nói ngoài lề, khập khiễng một chút, Nguyễn Khuyên có bài Khóc Dương Khuê không hề tỏ ra mình lắm chữ, không tỏ ra từng đậu tam nguyên. Với Khóc Dương Khuê, ông cũng không làm thơ. Tình thật trong lòng có thế nào cứ “khóc” thế ấy.

“Bác Dương thôi đã thôi rồi\ Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta \ Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước\ Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau …”

Bình phẩm một tác phẩm văn chương, người ta thường tán tụng giá trị chân thiện mỹ của nó. Ở một mức độ tương đối, “BÀ CÔ BÊN CHỒNG” của tác giả Đoàn Thị Lam Luyến đã phần nào đạt đến cảnh giới đó. Chân thật, không hoa hòe hoa sói. Chân thật từ tình cảm đến phương thức biểu đạt. Không cần choáng ngợp, chỉ cần sự dung dị thôi là đã có sức thuyết phục. Nói như vậy, chắc không ai nỡ hiểu lầm mà đặt câu hỏi rằng sự thô thiển cũng được coi chân thật ư. Muốn đạt đến ‘Thiện’ thì phải ra khỏi thói thường ái, ố, hỉ, nộ. Mừng giận quá hồn nhiên thì tổn hại đến lòng nhân. Muốn nhân hậu thì bỏ bớt những chấp nê, bỏ bớt thói bẻ hành bẻ tỏi, tiến gần tâm thế của người ‘thiền’, của cõi thiền. Những điều này được toát lên bởi những câu chữ bình dị và đưa lại mĩ cảm.

Cái giỏi của “BÀ CÔ BÊN CHỒNG” là nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến sử dụng chi tiết vừa đủ, trình bày chi tiết đó vừa đủ, không lan man, không thừa thãi, không gây nhàm chán. Điều đó đồng nghĩa với việc tác giả để chỗ cho người đọc suy luận thêm, có dư âm.

Người viết bài này có điều phàn nàn tác giả. Tại sao xin thoái vị (chức) bà cô bên chồng. Chức này không thoái vị được. Hơn nữa có những bà cô bên chồng nhân hậu càng tốt chứ sao (1325).

Hà Nội nhuốm thu 2017
PHÙNG TUỆ NGỌC

*) Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến:

  • Giải thưởng:

- Giải thưởng thơ các em viết do Báo Thiếu nhiên tổ chức (1966 -1967);
- Giải thưởng cuộc thi thơ do báo văn nghệ tổ chức (1989 - 1990);
- Giải thưởng thơ viết cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức (1993) cho tập “Cánh cửa nhớ bà”;
- Tặng thưởng thơ của Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam cho tập thơ Châm khói năm 1995;
- Giải thưởng thơ của Ủy ban toàn quốc các hội Văn học Nghệ thuật năm 2000 cho tập “Dại yêu”;
- Giải thưởng Thơ Hội Nhà văn Hà Nội cho tập “Sao dẫn lối” năm 2003.

  • Tác phẩm thơ đã xuất bản:
    1. Mái nhà dưới bóng cây (Tập thơ in chung) năm 1985
    2. Lỡ một thì con gái - năm 1989
    3. Cánh của nhớ bà - năm 1990
    4. Chồng chị chồng em - năm 1991
    5. Châm khói - năm 1995
    6. Dại yêu - năm 2000
    7. Sao dẫn lối - năm 2003

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Bình thơ: BÀ CÔ BÊN CHỒNG - Đoàn Thị Lam Luyến