Thơ: XƯNG KHIÊM HÔ TÔN...

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trọng người, người sẽ trọng ta; Chớ nên bỗ bã, đưa đà, trống không...

Cổ nhân vẫn giảng câu này:
'Nhìn xem tuổi tác để rồi xưng hô'...
Ông bà, chú bác, dì cô
Dưới trên rành mạch, dạ thưa rõ ràng
Nhược bằng em ún (*), ngang hàng
Xã giao vẫn phải đàng hoàng khiêm cung...

Cổ nhân lại giảng: "Khiêm xưng"
"Hô tôn"... phép ấy nên từng học qua (**)
Trọng người, người sẽ trọng ta
Chớ nên bỗ bã, đưa đà, trống không...

Kiên cường tựa bách tựa thông
Vẫn thu khép lá lúc giông gió về
Cao dài như núi như đê
Vẫn e lỗ hổng tứ bề sụt toang
"Vàng thì thử lửa thử than
Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời" (***)

Kính trên, nhường dưới, trọng người
Sống Chân-Thiện-Nhẫn ấy thời Hiền nhân (****)
Đôi dòng mộc mạc bình dân
Dám đâu khuyên bảo xa gần với ai...

FB: Vô danh cư sỹ
__________________

(*) Từ láy: "Em ún" - Phương ngữ Việt-Mường, đồng nghĩa với từ "em" trong Tiếng Việt nhưng mang sắc thái giảm nhẹ (xét theo vai vế đôi khi còn nhỏ tuổi hơn là em).

(**) Cổ huấn "Xưng khiêm hô tôn": Phép đối nhân xử thế trong Văn hóa truyền thống phương Đông có giảng câu: "Xưng khiêm, hô tôn", ý tứ bề mặt là: Khi tự xưng hoặc nói về bản thân mình thì nên là khiêm tốn, nhã nhặn; Còn khi gọi tên người khác hoặc nói với người khác thì cần phải tôn trọng, hòa ái... [Trong thi phẩm, tác giả đảo ngữ từ "xưng khiêm" thành "khiêm xưng", hàm nghĩa vẫn là như vậy].

(***) "Vàng thì thử lửa thử than// Chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời": Câu này nguyên trích dẫn từ Ca dao tục ngữ dân gian Việt.

(****) Pháp Luân Đại Pháp: Pháp môn tu luyện thượng thừa thuộc Phật gia giảng về nguyên lý: Chân-Thiện-Nhẫn, giúp cho bản thể, tâm tính, uy đức và tầng thứ sinh mệnh đồng thăng hoa... Quý độc giả hữu duyên có thể vui lòng tìm hiểu thêm tại đường link dưới đây:

https://vi.falundafa.org



BÀI CHỌN LỌC

Thơ: XƯNG KHIÊM HÔ TÔN...