Thời cổ đại hành quân lạc đường thì xác định phương hướng như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời cổ đại hành quân lạc đường vào ban đêm không trăng sao, hoặc vào ngày thời tiết âm u không có mặt trời, thì xác định phương hướng như thế nào?

Tăng Công Lượng đời Tống đã biên soạn bộ sách quân sự là "Võ kinh tổng yếu", trong đó có ghi chép các phương pháp xác định phương hướng trong khi hành quân của người xưa.

Khi quân đội gặp thời tiết u ám, hoặc hành quân ban đêm không thể phân biệt được phương hướng, thì có 2 phương pháp có thể tránh khỏi lạc đường. Một phương pháp là dùng một con ngựa già đi trước dẫn đường, chính là cái gọi là "ngựa già biết đường" (lão mã thức đồ).

Khi quân đội gặp thời tiết u ám, hoặc hành quân ban đêm không thể phân biệt được phương hướng, thì có thể dùng một con ngựa già đi trước dẫn đường.
Khi quân đội gặp thời tiết u ám, hoặc hành quân ban đêm không thể phân biệt được phương hướng, thì có thể dùng một con ngựa già đi trước dẫn đường. (ntdtv.com)

Một phương pháp nữa là sử dụng "xe chỉ nam" (chỉ nam xa) hoặc "cá chỉ nam" (chỉ nam ngư) để nhận biết phương hướng.

Xe chỉ nam

Tương truyền Hoàng Đế là người đầu tiên nghĩ ra xe chỉ nam để đưa bộ lạc của mình thoát ra khỏi vùng sương mù trong chiến tranh với bộ lạc Cửu Lê của Xi Vưu.

Sách "Tây kinh tạp ký" có ghi lại truyện một vị quan thời Tào NgụyMã Quân đã chế tác ra chiếc xe chỉ nam vào năm Thanh Long thứ 3 (năm 235).

Chỉ Nam xa tại Bảo tàng Khoa học Luân Đôn.
Chỉ Nam xa tại Bảo tàng Khoa học Luân Đôn. (Wikipedia)

Trong cuốn “Việt Nam Sử Lược” của sử gia Trần Trọng Kim có chép:

“Về đời bấy giờ, sử Tàu có chép rằng năm Tân Mão (1109 trước Tây lịch), đời vua Thành Vương nhà Chu, có nước Việt Thường, ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm thông ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu Công Đán lại chế ra xe chỉ nam để đem sứ Việt Thường về nước. Vậy đất Việt Thường và đất Giao Chỉ có phải là đất của Hùng Vương lúc bấy giờ không?”.

“Việt Sử Tiêu Án” của Ngô Thì Sĩ cũng chép: “Nước Việt ta khi mới vào cống nhà Chu, tự xưng là họ Việt Thường, dâng con bạch trĩ, chín lần đổi trạm mới đến được, ông Chu Công uý lạo cho về, cho 5 cỗ xe đặt kim chỉ nam để chỉ lối về…”.

Sách Nihon Shoki (Nhật Bản thư kỷ) vào khoảng năm 720 đã ghi chép lại việc hai nhà sư Trung Quốc thiết kế vài chiếc Chỉ Nam xa cho hoàng đế Tenji vào năm 658.

Chỉ Nam xa tại Expo 2005, Nhật Bản.
Chỉ Nam xa tại Expo 2005, Nhật Bản. (Wikipedia)

Cá chỉ nam

Phương pháp chế tạo xe chỉ nam đã bị thất truyền vào thời Tống, do đó Tăng Công Lượng chỉ còn ghi chép lại phương pháp chế tạo "cá chỉ nam".

Trước tiên cắt lá thép mỏng thành hình con cá, dài 2 tấc, rộng 5 phân, hai đầu cắt thành hình nhọn. Sau đó đặt lá thép lên lửa than gia nhiệt. Khi lá thép đạt đến nhiệt độ nóng rực, chuyển sang toàn bộ màu đỏ thì dùng kìm sắt gắp một đầu "con cá" lấy lá thép ra. Sau đó đặt "đuôi cá" hướng về phía chính Bắc.

Chiểu theo vị trí này đặt lá thép vào một chậu nước tôi (tức là làm lạnh nhanh, khiến lá thép cứng). Trong khi tôi thì thì nhúng "đuôi cá" ngập vào trong nước chứ không để toàn bộ lá kim loại ngập vào trong nước. Sau đó đặt lá thép vào một cái hộp kín bảo quản. Khi sử dụng thì cần ở nơi không có gió, đặt một bát nhỏ đầy nước, cố gắng đặt con cá trên mặt nước, để nó nổi lên. Lúc này "đầu cá" sẽ chỉ về phương Nam.

Tuy nhiên sau này có nghiên cứu cho rằng, ghi chép này có thể đã lược bỏ đi một bước, chính là trước tiên dùng đá từ tính ma sát lá thép thì nó mới có từ tính chỉ về hướng Nam.

Cá chỉ nam.
Cá chỉ nam. (Ảnh qua tc.wangchao.net.cn)

Có một quan điểm khác cho rằng, ghi chép của Tăng Công Lượng về phương pháp chế tạo cá chỉ nam là lợi dụng từ trường trái đất để từ hóa lá thép, đem lá thép đốt đỏ lên rồi đặt theo phương kinh tuyến, đồng thời khi đặt vào trong nước ở một góc độ nhất định thì sẽ khiến hiệu quả cá thép từ hóa càng tốt.

Về cá chỉ nam, ngoài cách dùng lá thép chế tạo như đã ghi chép trong "Võ kinh tổng yếu" ra, còn có cách dùng gỗ chế tạo. Cá chỉ nam khắc gỗ có kích thước bằng ngón tay cái, dùng gỗ khắc thành hình con cá, bụng cá đục rỗng. Sau đó cắm một cây kim vào miệng cá, đặt cá trên mặt nước, kim ở miệng cá sẽ chỉ về hướng Nam.

Hiển nhiên loại cá chỉ nam khắc gỗ này so với cá chỉ nam mà Tăng Công Lượng ghi chép thì chỉ giống nhau về cái tên, còn chế tạo hoàn toàn khác nhau. Người xưa rất sáng tạo, những tư duy suy nghĩ kỳ lạ của họ không chỉ rất thực dụng mà còn rất thú vị.

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Thời cổ đại hành quân lạc đường thì xác định phương hướng như thế nào?