Thời đại trục của nhân loại: Vì sao Lão Tử, Khổng Tử, Phật Thích Ca, Socrates... cùng tới thế gian? (P1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Trong lịch sử nhân loại, có một hiện tượng thần bí mà con người không giải thích được, và cho tới nay chưa ai có thể đưa ra lời giải có tính thuyết phục. Đó là vào khoảng 2.500 năm trước, dường như vào cùng một thời đại, đã đản sinh ra những vị Giác Giả và đạo sư tinh thần, có ảnh hưởng tới tư tưởng của nhân loại, đồng thời giúp đặt định tiến trình văn minh nhân loại. 

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Trong tác phẩm “Nguồn gốc và mục đích của lịch sử” được xuất bản năm 1949 của triết gia nổi tiếng người Đức - ông Karl Jaspers, đã gọi giai đoạn từ năm 800 TCN đến năm 200 TCN là thời đại trục của văn minh nhân loại. Chính vào giai đoạn này ở phương Đông xuất hiện Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi, Tôn Tử là các nhà tư tưởng đại biểu của Đạo gia, Nho Gia, Pháp gia, Mặc gia, binh gia; và được gọi là bách gia chư tử. Ấn Độ cổ cũng đã xuất hiện Phật Thích Ca Mâu Ni, sáng lập nên Phật giáo. Còn văn minh phương Tây xuất hiện các nhà tư tưởng và triết gia lớn như Socrates, Plato, Aristotle.

Đương nhiên, Phật Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử là các Giác Giả độ nhân, các Thánh hiền khác không thể sánh ngang hàng, nhưng họ quả thực cũng hạ thế vào đúng thời đại đó để độ hoá thế nhân. Tại sao trong thời đại khoa học lạc hậu và văn minh chưa phát triển như thế lại có nhiều các Giác Giả và Thánh hiền xuất hiện như thế? Tại sao hậu thế vẫn học giải những tư tưởng và lời dạy của của họ hơn 2.000 năm qua mà chưa thể tìm được ý nghĩa chân thực? Trong suốt hàng nghìn năm văn minh của nhân loại, vì sao không có lại một thời đại với nhiều Giác Giả và Thánh hiền đồng thời xuất hiện như thế? Đó là sự trùng hợp lịch sử hay là có sự sắp đặt của Thiên ý?

Lão Tử

Lão Tử là người đầu tiên tới nhân thế, ngày sinh và ngày mất của ông đều không rõ, chỉ biết ông ra đời khoảng năm 570 TCN. Trong “Sử Ký” có ghi chép lại, ông mang họ Lý, danh là Nhĩ. Theo “Bảng gia phả hoàng tộc” của họ Lý thời Đường, Lão Tử là hậu duệ của Chuyên Húc Đại đế, cháu nội của Hoàng Đế. Vào cuối thời nhà Thương, tổ tiên của ông là Ngô Bá đã đắc tội với Trụ Vương, buộc phải chạy trốn lưu vong, trên đường đi hết lương thực, phải ăn hoa quả, cây cỏ để sinh tồn và đổi họ thành Lý.

Lão Tử cưỡi trâu vượt Hàm Cốc quan (Nguồn wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Về nguyên do nguồn gốc danh hiệu ‘Lão Tử’ cũng có nhiều cách giải thích khác nhau. Trong đó, có giải thích cho rằng ‘Lão’ có ý nghĩa là có đức cao vọng trọng, còn ‘Tử’ là tên hay để chỉ nam tử thời cổ đại. Còn trong “Liệt Tiên toàn truyện” nói rằng, Lão Tử từ Tiên cảnh Thái Thanh hoá khí phân Thần, cưỡi nhật tinh, giá cửu long, hoá thành những hạt ngọc ngũ sắc, từ trên trời hạ xuống, đúng vào ban ngày con gái Huyền Diệu Vương là Doãn Thị đang ngủ, nuốt lấy hạt ngọc, tỉnh dậy phát hiện đã có mang. Sau khi Doãn Thị mang Thánh thai, thần khí an nhàn, dung nhan trở nên trẻ lại. Trong căn phòng bà ở, lục khí bình hoà, ánh sáng tường hoà coi sóc chiếu rọi, sau này hạ sinh một bé trai.

Đứa trẻ này vừa sinh ra, đã bước đi 9 bước và có 9 đoá sen nở dưới vết chân. Vì khi sinh ra tóc đã bạc nên ông được đặt tên là ‘Lão Tử’, hay còn gọi là ‘Lão Đam’ (Đam có nghĩa là tai to). Tương truyền, Lão Tử được ban cho khí chất khác thường. Ông thông thạo kinh điển, nắm vững lễ chế, từng làm quan cai quản Thủ tàng thất thời nhà Chu, tương đương với người quản lý thư viện quốc gia ngày nay. Ông còn từng làm Trụ hạ sử, tương đương với ngự sử thời Tần Hán.

Năm 520 TCN, vương thất nhà Chu xảy ra nội chiến tranh giành ngôi vua, Lão Tử bị liên lụy và bị cách chức, tới đất Bái ẩn cư, ngày nay là Giang Tô. Lão Tử đã chứng kiến sự suy bại của nhà Chu, chư hầu chinh phạt lẫn nhau, sinh linh lầm than, cảm nhận sâu sắc sự hiểm ác của thế nhân, sau đó đã cưỡi trâu xanh, đi về phía tây Hàm Cốc Quan quy ẩn. Doãn Hỉ, quan canh giữ quan ải, không phải là một người tầm thường, ông đã làm theo lời dạy của Lão Tử, thành tâm tu hành, và hồng dương học thuyết Đạo gia, sau này tu thành ‘Vô thượng Chân nhân’, còn gọi là ‘Doãn Chân nhân’. Học trò kế nhiệm sau này của ông có nhân vật nổi tiếng là Quỷ Cốc Tử Vương Hủ. Các bậc kỳ tài Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Tô Tần và Trương Nghi đều là đồ đệ của Quỷ Cốc Tử.

Một ngày, Doãn Hỉ ở trên thành lầu, nhìn thấy phía đông có vầng mây tía bay về hướng tây, biết rằng sẽ có Thánh nhân đi qua quan ải phía tây, liền tắm gội và thay y phục, mở cửa quan ải, cung kính nghênh đón Lão Tử. Trong “Sử ký” có ghi chép, Doãn Hỉ nói với Lão Tử rằng: “Thầy sắp ở ẩn, xin hãy viết sách cho con”. Vì vậy Lão Tử đã viết hai cuốn sách “Đức Kinh” và “Đạo Kinh”, hợp lại gọi là “Đạo đức kinh”, đều nói về ý nghĩa người có đức đắc Đạo, với hơn 5.000 từ tuyệt diệu. Sau đó dứt duyên trần ra đi, không ai biết tung tích của ông.

Thế nhân phần lớn coi “Đạo đức kinh” là một tác phẩm triết học vĩ đại. Tuy nhiên, điều Lão Tử thực sự đã lưu lại là văn hoá tu luyện Đạo gia, chính là: “Đạo khả đạo, phi thường Đạo” (Đạo mà có thể giảng nói rõ ra thì không phải đạo thường hằng), “Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi. Trung sĩ văn Đạo, nhược tồn, nhược vong. Hạ sĩ văn Đạo, đại tiếu chi. Bất tiếu, bất túc dĩ vi Đạo” (Kẻ sĩ bậc cao nghe Đạo, chuyên cần thực hành theo. Kẻ sĩ bậc trung nghe Đạo, lúc thực hành lúc không. Kẻ sĩ bậc thấp nghe Đạo, thì cười lớn, nếu không cười, thì đó không đủ gọi đó là Đạo).

Phật Thích Ca Mâu Ni

Khoảng 5 năm sau khi Lão Tử xuất thế, tức là vào năm 565 TCN, Phật Thích Ca Mâu Ni đã giáng sinh tại Ấn Độ. Thời đó Ấn Độ có bốn giai tầng xã hội: Bà La Môn chủ trì tôn giáo, vương tộc Sát Đế Lợi nắm giữ chính trị, Phệ Xá là giới thương nhân, Thủ Đà La là nô lệ nông dân. Cha của Phật Thích Ca là Tịnh Phạn Vương của nước Ca Tỳ La Vệ, mẹ là bà Ma Da - thuộc vương tộc Sát Đế Lợi. Khi bà 45 tuổi, nằm mơ thấy một người cưỡi con voi khổng lồ có 6 ngà lao vào lòng bà, từ bên trái tiến vào trong bụng bà, sau đó bà mang thai.

Sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca khiến các tu sĩ Bà La Môn lo sợ. (Phạm vi công cộng)

Vào cuối thai kỳ, theo phong tục của Ấn Độ, bà cần phải quay về nhà mẹ đẻ để sinh con đầu lòng. Trên đường đi ngang qua một khu vườn tên là vườn Lam Tỳ Ni (Lumpinī). Lúc đó tiết trời vừa ôn hòa, trong khu vườn này cây cối xanh tươi, muôn hoa đua nở, hoa sen ngát hương, khu vườn lộng lẫy thơm ngát, tràn ngập không khí tốt lành và vui vẻ. Ma Da Phu nhân lang thang trong vườn cả tuần trời, nghỉ ngơi dưới bóng cây không người chăm sóc, thấy cành lá sum suê, mềm rủ xuống, quả tươi, thơm rất dễ thương. Phu nhân đưa tay phải lên hái hoa trái, lúc này Thái tử dần dần hạ sinh từ dưới xương sườn phải. Khi Thái tử được sinh ra, thân thể tỏa ra ánh sáng, hoa sen từ mặt đất phun ra, từ trên trời phát ra âm nhạc thanh nhã, và rơi xuống những bông hoa ngũ sắc rực rỡ. Bởi vì phúc báo của Thái tử rất lớn nên khi sinh ra đã có thể nói được. Thái tử bước đi bảy bước, hai mắt chăm chú nhìn bốn phương, một tay chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất, và cất tiếng hát lớn: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Tịnh Phạn Vương hay tin liền lập tức tới vườn Lam Tỳ Ni, nhìn thấy thân thể thái tử có màu sắc như ánh vàng kim, và có 32 tướng tốt khắp người, nên vua cha rất vui mừng. Khi về cung, ông đã mời một vị Bà La Môn nổi tiếng để đặt tên cho Thái tử. Dựa vào vô số các điềm lành khi thái tử sinh ra, nên Thái tử được đặt tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha), nghĩa là sinh ra đã mang nhiều điềm lành kỳ lạ. Chỉ bảy ngày sau khi Thái tử chào đời thì Ma Da Phu nhân qua đời. Thái tử được dì (em ruột của mẹ) là Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Mahaprajapati) nuôi nấng, chăm sóc như con.

Thái tử có tố chất thông minh, văn võ song toàn. Mặc dù Thái tử dũng cảm và thông minh, nhưng thường thích suy tư trầm mặc. Một lần Thái tử cùng phụ vương ra ngoại ô, nhìn thấy trên cánh đồng người nông dân vất vả làm việc trên cánh đồng nắng gắt, con trâu già kéo cày không nghỉ ngơi còn bị đánh tới trầy da chảy máu. Trên luống ruộng đang cày, một đống sâu bọ bị cày lên, một đàn chim sà xuống ăn. Thái tử cảm thấy tội nghiệp của chúng sinh, và thương mọi người đang dành giật lẫn nhau.

Một lần khác Thái tử ngồi xe ra ngoài thành dạo, ở cửa đông, nhìn thấy một cụ già tóc bạc phơ, da nhăn nheo, gầy chỉ còn da bọc xương. Khi xe tới cửa phía nam, thì lại thấy người bệnh nằm bên đường, người gầy bụng trướng to, thở hổn hển và rên rỉ, vô cùng khổ sở. Đi tới cửa tây, lại nhìn thấy một thi thể chảy đầy máu mủ, mùi bốc lên hôi thối khủng khiếp. Người nhà tháp tùng khóc lóc đau khổ, khiến mọi người chua xót.

Trong lòng Thái tử chợt cảm khái, thế nhân bất kể phú quý bần tiện, ai cũng không thoát khỏi đại quan sinh lão bệnh tử. Cuối cùng, khi đi qua cửa thành phía bắc, Thái tử thấy một vị sư trông uy nghiêm, một tay cầm bình bát, một tay cầm gậy, nghiêm túc và điềm đạm bước đi. Thái Tử kinh ngạc, tán thán: “Thiện tai thiện tai. Đây mới chính là cuộc sống mà con người khao khát!”

Năm 19 tuổi, Thái tử hạ quyết tâm xuất gia, học Đạo. Ngài lẻn ra khỏi cung điện, cưỡi ngựa ra khỏi thành, phát thệ rằng nếu không cầu đắc được chính giác, độ chúng sinh trong bể khổ sinh tử, thì sẽ không quay trở về Ca Tỳ La Vệ quốc. Dọc đường đi Thái tử tìm hiểu các phương pháp tu hành, khổ tu vài năm nhưng vẫn không có thành tựu, nên càng quyết tâm tinh tấn, chân chính ngộ Đạo. Ngài tự mình tới dưới gốc cây bồ đề, ngồi trên một phiến đá to và phát thệ: “Không thành chính giác thì sẽ không đứng dậy”.

Như thế trải qua 49 ngày Ngài đột nhiên đại ngộ, thành tựu vô thượng chính giác. Thời khắc Phật Thích Ca Mâu Ni chứng ngộ tại thế gian đó, đại địa chấn động, mây tụ hợp khắp trời, hoa trên trời rơi xuống, âm nhạc trên trời vang khắp không trung. Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni ngộ Đạo, Ngài bắt đầu truyền Pháp độ nhân. Ngài thuyết Pháp trong 49 năm, độ vô số người. Mười đại đệ tử nổi tiếng nhất của Ngài là: Tôn Giả Xá Lợi Phất- Trí Huệ Đệ Nhất, Tôn Giả Mục Kiền Liên- Thần Thông Đệ Nhất, Tôn Giả A Na Luật- Thiên Nhãn Đệ Nhất, Tôn Giả A Nan Đà- Đa Văn Đệ Nhất, Tôn Giả La Hầu La- Mật Hạnh Đệ Nhất, Tôn Giả Đại Ca Diếp- Đầu Đà Đệ Nhất, Tôn Giả Ca Diên Chiên- Luận Nghị Đệ Nhất; Tôn Giả Phú Lâu Na- Thuyết Pháp Đệ Nhất, Tôn Giả Ưu Ba Ly- Trì Giới Đệ Nhất, Tôn Giả Tu Bồ Đề: Giải Không Đệ Nhất.

Năm 486 TCN, Phật Thích Ca Mâu Ni nằm nghiêng bên phải và lặng lẽ nhập niết bàn.

Khổng Tử

Khoảng 20 năm sau khi Lão Tử xuất thế, tức là vào năm 551 TCN, Khổng Tử được sinh ra ở Ấp Trâu, nước Lỗ, ngày nay chính là thành phố Khúc Phụ thuộc tỉnh Sơn Đông. Ông đã mở trường tư thục, hiệu đính Lục Kinh, là nhà sáng lập của phái Nho gia học.

Khổng Tử (Phạm vi công cộng)

Khi tổ chức UNESCO đánh giá các danh nhân văn hóa toàn cầu, đã vinh danh Khổng Tử là “một trong mười đại danh nhân thế giới”, bởi vì ông đã để lại tư tưởng trung dung của Nho gia, có ảnh hưởng sâu sắc tới Trung Quốc và cả các quốc gia khác trên thế giới trong hơn 2.000 năm.

Vì Khổng Tử cầu Đạo, tu Đạo mà 40 tuổi đã không còn nghi hoặc gì nữa, có thể hiểu rõ nhân quả vạn vật; 50 tuổi đã biết thiên mệnh, ngộ được ý nghĩa của sinh mệnh; 60 tuổi đã có thể ‘nhĩ thuận’, trước những lời khen ngợi và sự chê bai có thể lắng nghe mà không động tâm; 70 tuổi sống theo mọi ham muốn, sở thích của mình nhưng những ham muốn đó cũng không vượt ra ngoài lễ nghĩa, đại tự tại, niệm tùy tâm chuyển.

Có thể thấy mặc dù điều Khổng Tử dạy là đạo lý làm người, không truyền Pháp độ nhân giống như Lão Tử và Phật Thích Ca Mâu Ni; tuy nhiên bản thân ông đã hoàn thành con đường tu luyện viên mãn. Thế hệ người phương Đông sau này cũng tự nhiên kết hợp tư tưởng Nho gia và Đạo gia vào làm một.

Socrates

Chập tối một ngày tháng 6 năm 399 TCN, trong nhà tù Athens, một ông lão vào khoảng 70 tuổi chuẩn bị bị hành quyết. Ông rất bình tĩnh, sau khi khuyên người thân rời đi, đã nói với vài người bạn một cách hùng hồn, cho tới khi lính cai ngục mang tới bát nước độc. Ông cầm lấy cái bát và uống cạn sạch. Sau đó, ông nằm xuống, mỉm cười và nói với những người bạn rằng, ông đã từng ăn một con gà của người hàng xóm mà chưa trả tiền và nhờ người bạn trả tiền thay ông. Nói xong, ông nhẹ nhàng nhắm mắt và ra đi.

Ông lão đó chính là đại triết gia Socrates. Vì tìm kiếm chân lý và kiên trì với chân lý, khi thức tỉnh nhân tâm, ông cũng vạch trần sự hèn hạ của bản chất con người, khiến một số người ghen ghét, tức giận. Ông bị vu cáo là truyền bá dị thuyết, gây độc hại cho thanh niên. Căn cứ theo pháp luật của Athens, trước khi phán quyết bị cáo tại tòa án, bị cáo có quyền đề nghị mức án khác với mức án mà nguyên đơn yêu cầu, sau đó toà án sẽ chọn một trong hai. Nhưng Socrates đã nhân cơ hội này đã có bài diễn thuyết biện hộ đầy hùng hồn. Theo ‘Đối thoại tuyệt vời của Plato’ (Great dialogues of Plato), khi biện hộ Socrates đã nói rằng: “Mọi người nhất định biết rằng người lương thiện, dù là trước và sau khi chết đều không có ác quả, người đó sẽ không bị các Thần bỏ rơi. Thời khắc biệt ly đã tới, chúng ta mỗi người đi con đường riêng. Tôi sẽ chết, các người sẽ sống. Chỉ có Thần mới biết con đường nào tốt hơn”.

Kết quả, Socrates bị phán quyết tử hình, khi bị giam giữ, các bạn ông đã mua chuộc cai ngục và lên kế hoạch vượt ngục. Nhưng ông thà chết chứ không quay lưng lại với tín ngưỡng của mình. Sau Khổng Tử, Socrates sinh ra tại Athens vào năm 470 TCN, là một Thánh nhân phương Tây nổi tiếng như Khổng Tử. Socrates cho rằng: “Mọi sự sinh tồn, phát triển và huỷ diệt của các sự vật ở trên trời, trên đất, đều là do sự sắp đặt của Thần. Thần nắm giữ thế giới, đề xướng nhận thức của con người về đạo lý làm người, sống một cuộc sống đạo đức”.

Rốt cuộc là nguyên nhân gì mà những nhà tiên tri, Thánh hiền thời cổ đại đó lại cùng đến nhân gian vào cùng một thời đại. Mặc dù các nhà nghiên cứu phần lớn đều cho rằng sự xuất hiện của họ ứng nghiệm với câu nói ‘luận thế xuất anh hùng’ nhưng không giải thích được nguyên nhân vì sao trong lịch sự đã có nhiều thời loạn lạc nhưng không xuất hiện các bậc Thánh hiền hết đợt này tới đợt khác có ảnh hưởng tới hậu thế đến như vậy?

Xem Phần 2

Minh An
Theo Weiyushiguang



BÀI CHỌN LỌC

Thời đại trục của nhân loại: Vì sao Lão Tử, Khổng Tử, Phật Thích Ca, Socrates... cùng tới thế gian? (P1)