Thống binh Mạc Cảnh Huống: một trong những trường hợp Nam tiến thành công nhất trong lịch sử đất Việt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có thể nói ông là tấm gương phúc thọ song toàn hiếm có ở thời loạn thế vậy. Vậy mới nói khi người ta lựa chọn và dùng hết tâm sức với lựa chọn ấy thì ắt kết quả sẽ luôn luôn tốt đẹp vì Trời không phụ kẻ có lòng. Vì lẽ tình yêu thì mù quáng, nhưng tấm chân tình thật sự mới là sáng suốt thay.

Để có thể thành công gây dựng nên nghiệp lớn, Nguyễn Hoàng đã dựa vào sự giúp sức của rất nhiều văn thần võ tướng tài năng. Tất cả họ đều vì ngưỡng mộ tài đức của ông mà một lòng phò tá Nam triều. Tuy nhiên đa số họ đều đến từ triều đình Lê Trịnh vì bản thân Nguyễn Hoàng cũng làm quan nhà Lê Trịnh. Nhưng Mạc Cảnh Huống lại là một trường hợp vô cùng đặc biệt, vì ông là hoàng tử nhà Mạc, con út Thái Tông Mạc Đăng Doanh. Vậy mà ông đã từ bỏ thân phận tôn quý đó để một lòng trợ giúp Nguyễn Hoàng, trở thành một trong ba khai quốc công thần đầu tiên của vương quốc Đàng Trong. Những câu chuyện về cuộc đời ông đã trở nên những giai thoại vô cùng thú vị xứng đáng cho đời sau noi theo.

Từ vị hoàng tử vô danh và tình yêu ở phương Nam

Mạc Cảnh Huống (1542-1617) theo sử sách nhà Nguyễn ghi lại là hoàng tử của nhà Mạc, con Thái Tông Mạc Đăng Doanh, em của Khiêm Vương Mạc Kính Điển.

“Cảnh Huống người huyện Nghi Dương, thuộc Hải Dương, là em Khiêm vương Mạc Kính Điển. Bà Hiếu Văn Hoàng Hậu cháu gọi Mạc Cảnh Huống bằng chú.” (Đại Nam liệt truyện).

Tuy nhiên sử quan nhà Lê Trung Hưng sau này vốn ghi chép rất đầy đủ về lịch sử nhà Mạc và các con của Thái tông Mạc Đăng Doanh nhưng lại không ghi lại bất cứ thông tin nào về vị hoàng tử này.

“Năm Canh Tý, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 8 (1540), nhằm niên hiệu Gia Tĩnh thứ 19 triều Minh, [tờ 32a] mùa xuân, tháng giêng, ngày 25 thuộc ngày Mậu Ngọ, Đăng Doanh chết, tiếm vị 11 năm, dựng con là Phúc Hải lên ngôi, ngụy đặt tên thụy là "Thái tông Khâm triết Văn Hoàng đế ". Có 7 con trai, con trưởng là Phúc Hải, thứ 2 Phúc Tư, ngụy phong Ninh Vương, thứ 3 Kính Điển, ngụy phong Khiêm Vương, thứ 4 Lý Thiền, thứ 5 Lý Hòa, thứ 6 Hiệp Thái, thứ 7 Đôn Nhượng, ngụy phong Ứng Vương.” (trích Đại Việt thông sử-Lê Quý Đôn)

lịch sử việt nam, mạc cảnh huống
Thái Tông Mạc Đăng Doanh. (Ảnh: Wikipedia - CC0 1.0)

Điều này cho thấy một sự xóa sổ trong hoàng tộc từ phía nhà Mạc đối với ông hoàng này khi ông quyết định từ bỏ địa vị tôn quý vào Nam theo kẻ thù là Đoan quận công Nguyễn Hoàng. Vậy điều gì đã khiến một vị hoàng tử trẻ tuổi tài ba tương lai sáng lạn làm ra một quyết định mạo hiểm như vậy? Nếu không vì trung quân ái quốc, chắc chắn phải là vì tình yêu, một tình yêu đủ mạnh mẽ mới khiến ông làm như thế.

Và nguyên nhân mà khiến vị hoàng tử này từ bỏ mọi thứ vào Nam cũng đã được hé lộ qua những ghi chép của hậu nhân của ông trên đất Đà Nẵng.

Theo chân ông Nguyễn Trường Mười, Trưởng tộc họ Nguyễn Trường ở Quảng Nam, Đà Nẵng, cũng là hậu duệ đời thứ 12 của cụ Mạc Cảnh Huống, lên ngôi từ đường nhỏ của dòng họ được xây trên đỉnh một quả đồi có địa thế cao hơn xung quanh. Sau khi thắp nén nhang thơm mời tổ tiên về chứng kiến, ông Mười chậm rãi lật giở từng trang gia phả giấy đã ngả "màu thời gian". Ông Mười cho biết, dòng họ Nguyễn Trường vốn xuất thân là người họ Mạc, cụ Mạc Cảnh Huống, trong gia phả của dòng họ vẫn còn ghi rõ thủy tổ của dòng họ cụ Mạc Cảnh Huống (SN 1542-1677) tên húy là Lịch, là con út của Thái tông Mạc Đăng Doanh và thứ phi Đậu Thị Giang… Còn theo ông Mười thì "Cái tên Mạc Cảnh Huống có lẽ không phải là tên thật của cụ, mà do hoàn cảnh tình huống của bản thân cụ lúc đó nên cụ mới lấy cái tên đó đặt cho mình". Cách giải thích của ông Mười nhắc đến cuộc hôn nhân giữa cụ Mạc Cảnh Huống và bà Nguyễn Thị Ngọc Dương, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn chăm lo nhà cửa, chăm sóc con cái để ông có thể một lòng dựng nghiệp. Năm 1564, Mạc Cảnh Huống lập gia đình với bà Nguyễn Thị Ngọc Dương là em gái của phu nhân Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Vì tình yêu với vợ, tình anh em "cột chèo", năm 1568 dưới thời vua Mạc Hậu Hợp (1562-1592) ông đưa cả gia đình vào Đàng Trong với ý đồ giúp cho Nguyễn Hoàng sau này, dù lúc đó Nguyễn Hoàng còn đang phục vụ ở Đàng Ngoài theo yêu cầu của chúa Trịnh Tùng.”
(trích bài viết ‘Những bí ẩn về cuộc đời của hoàng tử Mạc Cảnh Huống - Khai quốc công thần nhà Nguyễn’, tác giả Nguyễn Cường-báo Người đưa tin)

Mạc cảnh huống đưa gia đình vào đàng trong
Tượng Nguyễn Hoàng. (Ảnh: Wikipedia - CC BY-SA 4.0)

Đến danh thần trải ba triều, thông gia nhà chúa Nguyễn

Năm 1564, lúc 22 tuổi, Mạc Cảnh Huống lập gia đình với bà Nguyễn Thị Ngọc Dương, là em gái của phu nhân Đoan quốc công Nguyễn Hoàng.

Năm 1568, ông đã đưa gia quyến vào Thuận Hóa, một lòng theo Đoan quận công gầy dựng cơ đồ. Vương triều nhà Mạc lấy võ lập quốc, các thân vương hoàng tử thời khai quốc như anh em Mạc Cảnh Huống, Khiêm vương Mạc Kính Điển (?-1580) đều là những người có tài năng trong lĩnh vực quân sự. Ông đã dùng tài năng của mình giúp cho việc hoạch định chiến lược quân sự của họ Nguyễn ngay từ buổi đầu dựng nghiệp trên vùng đất mới.

Thời gian từ 1568 cho đến 1600, về danh nghĩa thì Đoan quận công Nguyễn Hoàng vẫn là quan nhà Lê trung hưng và phải phục tùng chúa Trịnh. Năm 1593 vị lão tướng quân đã 68 tuổi Nguyễn Hoàng vẫn phải thân hành ra Bắc chầu mừng chúa Trịnh Tùng đánh thắng nhà Mạc khôi phục Thăng Long. Nguyễn Hoàng phải ở lại miền Bắc suốt gần 8 năm để giúp chúa Trịnh đánh dẹp tàn dư nhà Mạc và các đạo quân phản loạn khác.
Suốt 32 năm từ 1568 đến 1600, Mạc Cảnh Huống đã đóng vai trò của tướng lĩnh chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong, xây dựng đất nước và phát triển quân đội. Tương truyền ông đã soạn ra quyển sách Binh thư trận đồ dùng để huấn luyện cho tướng sĩ Đàng Trong.

Từ năm 1600, sau khi Nguyễn Hoàng về lại Thuận Hóa, ông lại tiếp tục là người vạch ra chiến lược quân sự để chống quân Trịnh ở phía Bắc và bình định Chiêm Thành ở phương Nam, đã đóng góp nhiều công lao trong công cuộc Nam tiến.
Vào năm 1611, đạo quân chúa Nguyễn tinh nhuệ do ông góp phần xây dựng suốt mấy chục năm đã lập chiến công khi đánh bại quân Chămpa, mở rộng bờ cõi Đại Việt về phía Nam.

Xứ Đàng Trong với quần đảo Hoàng Sa trong bản đồ của Joachim Ottens.
Xứ Đàng Trong với quần đảo Hoàng Sa trong bản đồ của Joachim Ottens. (Ảnh miền công cộng)

Năm 1617, ông qua đời, chúa Sãi đã tấn phong ông chức Thống binh Thái phó và ban cho quốc tính là Nguyễn Phúc (đến thời Tây Sơn đổi thành Nguyễn Trường).

Năm 1593, sau khi nhà Mạc bị diệt, quận chúa Mạc Thị Giai lánh nạn vào Đàng Trong tìm đến Mạc Cảnh Huống và sau được ông gả cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Mạc Thị Giai sau này được truy phong là Hiếu Văn hoàng hậu (chữ Hán: 孝文皇后; 1578 - 1630), hay Huy Cung Từ Thận Thuận phi (徽恭慈慎順妃). Từ một quận chúa mất nước không biết tương lai thế nào, chỉ thoắt cái trở thành vương hậu của một triều đại, thế mới hay lựa chọn của Mạc Cảnh Huống mấy chục năm trước quả là sáng suốt thay. Ai dám bảo là tình yêu thì thường là mù quáng đây?

Đại Nam liệt truyện tiền biên còn chép về quận chúa Mạc Thị Giai như sau:

“Bà họ Nguyễn (cẩn án, xét trước là họ Mạc sau đổi họ Nguyễn). Tiên tổ là người huyện Nghi Dương tỉnh Hải Dương. Bà là trưởng nữ Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Khi Kính Điển bị bại vong, bà theo chú là Cảnh Huống đem gia quyến vào Nam, ẩn ở chùa Lam Sơn, nhân đó nhập tịch ở Quảng Trị. Nguyễn Ngọc Dương vợ Cảnh Huống, là dì ruột Hy Tông hoàng đế, nhân tiến bà vào hầu chúa ở nơi tiềm để. Tính bà minh mẫn thuần thục, nói và làm đều đúng mực thước, bà được chúa yêu và quý trọng. Sinh được 5 trai: con trưởng là Kỳ, làm Hữu phủ chương phủ sự, trấn thủ Quảng Nam - tặng Thiếu bảo Khánh quận công; con thứ hai tức là Thần tông hoàng đế, con thứ ba là Trung, con thứ tư là An, con thứ năm là Nghĩa chết sớm. Ba con gái: trưởng là Ngọc Liên, thứ là Ngọc Vạn, út là Ngọc Khoa”

Mạc Cảnh Huống: Hậu nhân tài giỏi, gia tộc hiển vinh

Sau khi lập gia đình với em vợ của chúa Tiên Nguyễn Hoàng là bà Nguyễn Thị Ngọc Dương đã lâu và lớn tuổi chưa có con nên xin người con thứ sáu mới lên 2 tuổi của Nguyễn Hoàng làm con nuôi. Người con thứ sáu này sống với Mạc Cảnh Huống đến năm 33 tuổi, ông chính là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, người kế vị Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, một trong những vị Chúa tài ba nhất của Đàng Trong. (dựa theo thông tin của bài viết “về Gia phả của hậu duệ nhà Mạc ở Trà Kiệu-Duy Xuyên-Quảng Nam” tác giả Huỳnh Công Bá-Đại học Huế-Viện nghiên cứu Hán nôm).

Không những nuôi nấng Sãi vương trở thành 1 vị quân vương tài năng, Mạc Cảnh Huống còn đem cháu gái quận chúa Mạc Thị Giai gả cho ông ta. Sau này để đáp lại mối thâm tình về việc Mạc Cảnh Huống đã gả cháu gái Mạc Thị Giai cho mình, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái trưởng của mình là công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Liên cho con trai trưởng của Mạc Cảnh Huống là Mạc Cảnh Vinh và do được ban họ Chúa mà phò mã Mạc Cảnh Vinh còn có tên khác là Nguyễn Phúc Vinh.

Người con này thừa kế tài năng và đức độ của Mạc Cảnh Huống, đã dốc lòng phò tá Nam triều, lập nên nhiều công trạng hiển hách về sau, sống một đời vinh quang phúc thọ song toàn giống như cha của mình (Mạc Cảnh Huống thọ 75 tuổi).

Hội An trong bức họa Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ
Hội An trong bức họa Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ. (Ảnh: Wikipedia)

Phò mã dẹp loạn, được ban dấu đỏ

“Con là Vinh (vốn là họ Mạc, lúc đầu được ban quốc tính gọi là Nguyễn Phước, về sau, lại đổi làm họ Nguyễn Hữu). Đời Hy Tông Hoàng Đế, Vinh lấy công chúa Ngọc Liên làm đến Phó tướng. Năm thứ 16 (1629) Lưu phủ Phú Yên là Văn Phong làm phản, Vinh dẹp yên được, mở đất đến Bình Khang lập ra doanh Trấn Biên. (đầu cõi gọi là Trấn Biên). Vì có công Vinh được ban châu ấn (con dấu đỏ)”
(Đại Nam liệt truyện)

(Ghi chú người viết: con dấu đỏ là một vinh dự đặc biệt cao thời đó. Người được ban dấu này được chúa cho phép tùy ý bổ nhiệm một số quan chức nhất định)

Trấn áp Chiêm Thành Cao Miên, khải hoàn quay về triều

Năm Khánh Đức 2 (Canh Dần), Xí Nhật giết chết Nặc Vu Thượng để chiếm ngôi vua Cao Miên. Thái Tử Miên quốc là Nặc Giao Ba phải chạy trốn lên thượng đạo. Trấn Biên dinh Thanh Lộc hầu Nguyễn Phước Vinh liền sai Đốc Thiết dụ Giao Ba về quy hàng và đem một người giáo phường quê ở xã Thạch Kiều (Quảng Nam) gả cho hoàng hậu, lấy hiệu là Chúa Đồi. Đến năm Khánh Đức 4 (Nhâm Thìn), Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần sai Trấn Biên dinh Thanh Lộc hầu Nguyễn Phước Vinh đem binh tướng vào Đồng Nai với danh nghĩa “đón Giao Ba, diệt Xí Nhật”. Vợ Xí Nhật bèn giết chết Xí Nhật (Xí Nhật là anh rể Giao Ba), đón em Giao Ba lên ngôi. Chiêm Thành thấy binh mã của Chúa Nguyễn hùng mạnh nên phải bó tay xưng thần, không dám động binh. Thế là Chúa Nguyễn đã thành công đối với cả hai nước Chiêm Thành và Cao Miên. Năm Quý Tỵ (1653), Trấn Biên dinh Thanh Lộc hầu Nguyễn Phước Vinh trở về lại triều. Năm sau, Giáp Ngọ (1654), ngày 3 tháng Giêng ông qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. (trích bài viết “Về Gia phả của hậu duệ nhà Mạc ở Trà Kiệu-Duy Xuyên-Quảng Nam”, tác giả Huỳnh Công Bá-Đại học Huế-Viện nghiên cứu Hán nôm).

Lời bàn về Mạc Cảnh Huống:

Thân là một hoàng tử tôn quý, vậy mà ở tuổi thanh niên, Mạc Cảnh Huống đã dám vứt bỏ tất cả mà chọn một con đường vô cùng mạo hiểm, phản lại cả gia tộc mình, dấn thân vào Nam cho một tương lai vô định, trong tình huống đó có thể nói ông bị coi là bất trung và bất hiếu vậy. Người đời có thể nhân đó mà bảo rằng ông bị tình yêu làm cho mù quáng. Thế nhưng sau đó vài chục năm thì nhà Mạc bị diệt, gia tộc ly tán, trong khi ông lại thành công phò tá chúa Nam triều dựng nghiệp, con nuôi sau này thành Thế tử nối ngôi Vương, con trai là phò mã đương triều, bản thân cầm quyền bính sống đến 75 tuổi mới mất. Có thể nói ông là tấm gương phúc thọ song toàn hiếm có ở thời loạn thế vậy. Vậy mới nói khi người ta lựa chọn và dùng hết tâm sức với lựa chọn ấy thì ắt kết quả sẽ luôn luôn tốt đẹp vì Trời không phụ kẻ có lòng. Vì lẽ tình yêu thì mù quáng, nhưng tấm chân tình thật sự mới là sáng suốt thay.

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Thống binh Mạc Cảnh Huống: một trong những trường hợp Nam tiến thành công nhất trong lịch sử đất Việt