Thống chế Rommel - Lương tâm của nước Đức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thống chế Rommel là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất của quân đội Đức trong Thế chiến thứ hai, và là một trong số rất ít tướng lĩnh được phe Đồng minh kính trọng. Dù trung thành với Hitler nhưng ông chưa bao giờ gia nhập đảng Quốc xã, và nhiều lần kháng lệnh, không chịu thực hiện những mệnh lệnh tàn sát của Hitler.

Thủ tướng Anh Winston Churchill nhận xét về Rommel: “Một đối thủ rất táo bạo và khôn khéo chống lại chúng ta, nhưng bỏ qua sự hủy hoại của chiến tranh, tôi có thể nói rằng đó là một vị tướng vĩ đại”.

Thể hiện tài năng quân sự trong Thế chiến thứ nhất

Erwin Rommel sinh ra ở miền nam nước Đức vào ngày 15 tháng 11 năm 1891. Cha ông là giáo viên trung học. Ông lớn lên trong hoàn cảnh giáo dục giản dị và thực tế. Thời trẻ Rommel muốn trở thành một kỹ sư, nhưng với sự khuyến khích của cha mình, ông đã chọn gia nhập quân đội. Tháng 7 năm 1910, Rommel gia nhập Trung đoàn Bộ binh 124 của Württemberg với vai trò thiếu sinh quân.

Tháng 9 năm 1915, bộ binh Đức cúi thấp người di chuyển khi chuẩn bị tấn công chiến hào của quân Pháp tại rừng Argonne (Cục Lưu trữ Liên bang Đức/Phạm vi công cộng)

Năm 1914, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Rommel giữ chức đại đội trưởng, cùng quân đội đến Pháp và Mặt trận phía Đông chiến đấu, ông đã được trao tặng huân chương Chữ thập sắt nhờ biểu hiện anh dũng. Sau đó, ông được chuyển đến Tiểu đoàn Sơn cước Württemberg, trong chiến dịch núi Matajur, ông bắt được gần 10.000 lính Ý làm tù binh chỉ với thương vong rất nhỏ, nhờ chiến công này ông được trao tặng huân chương Chữ thập Xanh, vinh dự cao nhất trong Quân đội Đế quốc Đức.

Ngày 30 tháng 9 năm 1934, trong chuyến thăm Goslar nhân mùa thu hoạch, Hitler đã duyệt binh cùng tiểu đoàn của Rommel, người đội mũ sắt bên trái bức ảnh là Rommel, đây là lần đầu tiên họ gặp nhau. (Cục Lưu trữ Liên bang Đức/Phạm vi công cộng)

Sau chiến tranh, ông lần lượt giữ chức vụ đại đội trưởng đại đội 25 Trung đoàn bộ binh Số 1 Württemberg, giảng viên tại Trường Sĩ quan Lục quân, và chỉ huy tiểu đoàn bộ binh. Năm 1937, Rommel hoàn thành cuốn sách "Tấn công bằng bộ binh" dựa trên kinh nghiệm chiến thuật lục quân của ông trong Thế chiến thứ nhất, điều này khiến ông trở nên nổi tiếng và thăng chức lên chỉ huy Tiểu đoàn cận vệ của Quốc trưởng.

Càn quét nước Pháp, dương oai sa mạc Bắc Phi

Năm 1940, Rommel được thăng chức Tư lệnh Sư đoàn Thiết giáp số 7. Ngày 10 tháng 5 cùng năm, Đức mở cuộc tấn công quân sự vào các nước Tây Âu. Trong chiến dịch ở Pháp, ông chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp số 7 càn quét nước Pháp và chiếm được cảng nước sâu quan trọng nhất của Pháp – Cherbourg. Những yếu tố trong đó như tốc độ tấn công thần tốc, cự ly di chuyển xa, là không ai có thể bì kịp.

Trong trận chiến chớp nhoáng này, Sư đoàn thiết giáp số 7 tổn thất tổng cộng 42 xe tăng và 682 người tử trận, trong khi số quân Đồng minh bị bắt gấp hơn 100 lần số quân Đức tử trận, lên tới hơn 97.000 người, đồng thời thu được 485 xe tăng, thiết giáp và hàng trăm khẩu pháo. Thành tích chói lọi khiến Rommel được chính quyền Đức Quốc xã ca ngợi là "chiến Thần" sau trận chiến .

Thiếu tướng Rommel, chỉ huy của Sư đoàn Thiết giáp số 7, nghiên cứu bản đồ cùng với cấp dưới của mình. Tháng 5 năm 1940. (Cục Lưu trữ Liên bang Đức/Phạm vi công cộng)

Vào tháng 2 năm 1941, Hitler bổ nhiệm Rommel làm chỉ huy "Quân đoàn Phi Châu của Đức” để lãnh đạo lực lượng liên quân Đức và Ý. Sau khi Rommel đến Bắc Phi, ông đã thực hiện một hành động tấn công táo bạo để đánh bại quân đội Anh. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, ông đã đảo ngược tình thế ở Bắc Phi, thổi một "cơn lốc Rommel" vào sa mạc Bắc Phi. Ông đã lãnh đạo quân Đức chiếm Tobruk, Cyrenaica. Quân đội Anh kính sợ và gọi ông là "Cáo sa mạc".

Tính cách nhân đạo - Chống lệnh đồ tể Phát xít

Tháng 6 năm 1942, ở tuổi 51, Rommel được phong hàm Thống chế Lục quân Đức. Tuy nhiên, vào thời điểm "Chiến thần Quốc xã" này đạt đến đỉnh cao vinh quang trong cuộc đời, nội tâm ông phát sinh thay đổi.

Thời kỳ này, quân đội bắt được nhiều tội phạm chính trị trốn khỏi Đức, Hitler ra lệnh cho Rommel xử bắn ngay những người này nhưng Rommel từ chối chấp hành lệnh hành quyết đó của ông ta.

Tướng Rommel ở Bắc Phi mùa xuân năm 1942. (Cục Lưu trữ Liên bang Đức/Phạm vi công cộng)

Ngoài ra, với tư cách là một vị tướng lĩnh, ngay cả trong thời điểm khốn đốn, Rommel vẫn giữ vững tinh thần nhân đạo và phong thái hiệp sĩ, trên chiến trường Bắc Phi, ông cung cấp thức ăn, nước uống và điều trị y tế cho tù binh Đồng minh giống như lính Đức, thậm chí cả người Do Thái - đối tượng diệt chủng của Hitler – khi bị bắt cũng được đối xử bình đẳng.

Chiến cuộc dần dần phát sinh thay đổi, sau khi quân đội Mỹ tham gia chiến tranh, sức mạnh của lực lượng Đồng minh được tăng cường đáng kể, Rommel rất ý thức được tình thế bất lợi mà mình đang gặp phải. nên chủ trương rút Quân đoàn Phi Châu về Đức để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, Hitler ra lệnh kiên quyết kháng cự, yêu cầu quân đội Đức “hoặc thắng hoặc chết”. Rommel phải tiếp tục chiến đấu, và kết quả là thương vong nặng nề.

Mãi đến tháng 11 năm 1942, Hitler trong cơn giận dữ mới đáp ứng yêu cầu của ông, bắt đầu rút quân đội Đức, nhưng đã quá muộn. Tháng 3 năm sau, Rommel được triệu về nước và đồng thời bị Hitler cách chức. Không lâu sau, toàn bộ quân Đức ở Bắc Phi bị quân Đồng minh quét sạch.

Chủ trương đình chiến - Đối phó với Liên Xô

Đầu năm 1944, tình hình chiến sự của nước Đức căng thẳng, Hitler một lần nữa ra lệnh cho Rommel giữ chức chỉ huy Tập đoàn quân "B" để tổ chức phòng thủ ở Pháp. Lúc này, trước diễn biến hiện tại của tình hình, Rommel đã đoán trước được rằng quân đội Đức sẽ bại trận, vì vậy, ông đã nhiều lần viết thư cho Hitler, đề nghị thỏa hiệp với quân Đồng minh để đối phó với cuộc xâm lược sắp tới của Hồng quân Liên Xô. Nhưng những đề xuất này cuối cùng đã bị từ chối.

Rommel bí mật tham gia tổ chức phản kháng trong giai đoạn này, nhưng ông phản đối việc ám sát Hitler, và đề nghị nên bắt giữ và xét xử. Ngày 6 tháng 6 năm 1944, lực lượng Đồng minh đổ bộ thành công vào Normandy, sau vài ngày giao tranh, cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, Rommel đã ra lệnh cho các bác sĩ quân y chữa trị cho những người lính Đồng minh bị thương không có khả năng chiến đấu, thể hiện tinh thần nhân đạo của ông. Đồng thời chuẩn bị mở các cuộc đàm phán với Lực lượng Đồng minh ở Mặt trận phía Tây, và sử dụng sức mạnh của Lực lượng Đồng minh Anh và Mỹ để chống lại sự xâm lược của Liên Xô.

Vào ngày 17 tháng 6, Rommel đề xuất với Hitler đàm phán với Đồng minh tại hội nghị chiến đấu, nhưng bị đuổi ra ngay lập tức. Sau cuộc họp, Rommel yêu cầu tổ chức kháng chiến hành động càng sớm càng tốt. Đại tá Stauffenberg phát động âm mưu 20 tháng 7 nhằm ám sát Hitler nhưng không thành công. Ba ngày trước khi vụ việc xảy ra, chiếc xe chở Rommel bị máy bay Đồng minh tấn công khiến ông bị thương nặng, cộng thêm việc xảy ra âm mưu ám sát, nên cơ hội tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình bị bỏ lỡ.

Lương tâm của nước Đức - Hình tượng tỏa sáng

Không lâu sau khi “Âm mưu 20 tháng 7” kết thúc, việc Rommel tham gia tổ chức phản kháng đã bị Hitler biết được. Nhận thấy nếu sự phản kháng của Rommel bị công khai, chắc chắn sẽ giáng một đòn mạnh vào tinh thần của quân đội Đức, vì vậy Hitler đã ra lệnh cho Rommel tự sát bằng thuốc độc và tổ chức quốc tang cho ông sau đó.

Nghi thức quốc tang dành cho Rommel vào ngày 18 tháng 10 năm 1944. (Cục Lưu trữ Liên bang Đức/Phạm vi công cộng)

Nửa năm sau cái chết của Rommel, lực lượng Đồng minh tiến vào Berlin, Đức Quốc xã thất bại, Nhật Bản cũng đầu hàng ngay sau đó và Thế chiến thứ hai kết thúc. Tiếp theo đó là Phiên tòa Nuremberg, những “công thần” đi theo Hitler và Đảng Quốc xã lần lượt bị bắt giữ, những chiến công của họ trở thành bằng chứng trực tiếp cho tội ác, gánh chịu mọi nợ máu mà Đảng Quốc xã gây ra trong chiến tranh. Hàng triệu đảng viên bị lãnh các mức án từ tử hình, chung thân đến nhiều năm tù.

Mặc dù Rommel phục vụ trong quân đội và giữ chức vụ cao cấp là thống chế, nhưng ông không gia nhập Đảng Quốc xã, cũng không tham gia vào kế hoạch diệt chủng của Hitler, và không tàn sát dân thường, đồng thời ông tránh dính líu đến SS càng nhiều càng tốt. Ông là người trung thành, yêu nước và tuân theo sự lãnh đạo, nhưng về những vấn đề cốt lõi của bản chất con người và lương tâm, ông đã vạch ra một ranh giới rõ ràng với Đức quốc xã, và đưa ra lựa chọn đúng đắn, vì vậy ông được gọi là "lương tâm của nước Đức". Như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói: “Một đối thủ rất táo bạo và khôn khéo chống lại chúng ta, nhưng bỏ qua sự hủy hoại của chiến tranh, tôi có thể nói rằng đó là một vị tướng vĩ đại”.

Bia kỷ niệm nói sự thật về vụ tự sát của Rommel (Wikipedia/Phạm vi công cộng)

Không lâu sau khi Rommel qua đời, Đức quốc xã sụp đổ, vợ con ông mất tiền trợ cấp, cuộc sống khá khó khăn nhưng vẫn nhận được sự kính trọng vì danh tiếng lừng lẫy của Rommel lúc sinh thời. Nhiều năm sau, con trai ông là Manfred Rommel hoàn thành bằng tiến sĩ khoa học chính trị và giữ chức thị trưởng Stuttgart trong 22 năm, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội các thành phố Đức trong nhiều năm. Ông là một chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà văn xuất sắc.

Hữu Đức
Theo Ngưỡng Nhạc - Epochtimes

Tài liệu tham khảo:

  1. “Mit Schwertern und Brillanten: Die Träger der höchsten deutschen Tapferkeitsauszeichnung” - Günter Fraschka, 1989
  2. “Rommel: The Trail of the Fox” - David Irving, 1977
  3. "Toàn bộ lịch sử phương Tây (6) Thế chiến thứ hai" - Nữu Tiên Chung biên soạn, Lê Đông Phương hiệu đính. Nhà xuất bản Văn hóa Yên Kinh, 1977.



BÀI CHỌN LỌC

Thống chế Rommel - Lương tâm của nước Đức