Thư pháp: Thư phẩm và nhân phẩm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thư pháp là nghệ thuật của chữ viết, là chữ viết của nghệ thuật, chữ Hán nhờ thư pháp mà hiển dương, thư pháp nhờ chữ Hán mà trở lên cao quý. Văn hóa truyền thống vô cùng tôn trọng đạo đức, nhân phẩm, đặc biệt coi trọng sự hợp nhất của đạo đức và hành vi, đề xướng ‘Đức tài kiêm bị’ (vừa có đức vừa có tài), do vậy lịch sử mới có câu: ‘Văn như kỳ nhân’ (văn sao người vậy), ‘Tự như kỳ nhân’ (Chữ sao người vậy).

Trong đánh giá về lịch sử thư pháp, quan hệ giữa thư phẩm và nhân phẩm là không thể tách rời: Thư pháp là thể hiện ra ngoài của nhân phẩm, nhân phẩm là phần nối dài của nội hàm thư pháp, cho nên người ta thường dùng cách nói chữ sao người vậy để miêu tả cảnh giới thâm sâu của nghệ thuật thư pháp.

Thư pháp chú trọng phần ‘Khí chất’ và ‘Thần vận’ của chữ viết. Dương Hùng thời Tây Hán viết: ‘Thư, tâm họa dã.’ (chữ viết chính là bức tranh của nội tâm), Hạng Mặc thời Minh cũng nói trong “Thư pháp nhã ngôn” rằng, thư pháp còn có thể biểu hiện ra đặc trưng của tính cách cùng khí chất người viết: ‘Nhân phẩm ký thù, tính tình các dị, bút thế sở vận, tà chính tự hình’. (Nhân phẩm khác biệt, tính cách khác nhau, nhưng nhìn nét bút, tự hiện rõ chính tà), thời Thanh, Lưu Hi Tải trong “Nghệ khái - Thư khái” (khái quát về nghệ thuật thư pháp) viết: ‘Thư, như dã. Như kỳ học, như kỳ tài, như kỳ chí, tổng chi viết: như kỳ nhân nhi dĩ.’ (Chữ viết là thế đó, nó thể hiện sự học, tài năng cùng chí khí, tóm lại: Chữ viết chính là người mà thôi!).

Trong lịch sử, các đại thư pháp gia danh lưu thiên cổ dường như đều là những bậc chính nhân quân tử ngôn hành nhất trí, có tấm lòng khoáng đạt, tiết tháo cao thượng, đạo đức, nhân cách, khí tiết cùng các tác phẩm thư pháp của họ đều lưu truyền hậu thế, làm thế nhân ngàn năm ca tụng, đúng như cách nói của cổ nhân: ‘Bút tích giả, giới dã, lưu mỹ giả, nhân dã’. (Bút tích ấy cũng thể hiện cảnh giới nội tâm, cái đẹp của chính người viết).

Cổ nhân xưng tụng chữ Thảo của Vương Hi Chi như ‘Thanh phong xuất tụ, minh nguyệt nhập hoài’ (Gió mát lùa tay áo, trăng sáng rơi vào lòng), thật là câu ví von tuyệt diệu. Tôn Quá Đình thời Đường phân tích các tác phẩm của Vương Hi Chi nói: ‘Bức “Họa tán” thì ý tự đạt tới độ long lanh kỳ vĩ, bức “Hoàng đình kinh” thì khoáng đạt hư vô, bức “Thái sư giản” thì tung hoành khúc triết. Đến tập “Lan đình” thì quả là xuất thần nhập hóa’.

Thư pháp “Lan Đình tập tự” của Vương Hi Chi. (Miền công cộng)

Tập thư pháp “Lan Đình tập tự” của Vương Hi Chi, biểu hiện ông cùng các bạn hữu tụ hội ở Cối Kê Sơn Âm, ngâm vịnh thơ ca, nơi ấy rừng biếc trúc xanh, nước trong suối mát, trời xanh mát lành, ngẩng lên thấy vũ trụ bao la, cúi xuống vạn vật đầy mặt đất, ông cảm động thốt lời: ‘Ôi Tạo Hóa vĩ đại, tạo lên muôn sự, muôn vật đều có đặc thù riêng!’ rồi vung bút viết lên kiệt tác kinh điển này.

Đường Thái Tông bình phẩm về thư pháp Vương Hi Chi là ‘Tận thiện tận mỹ’, có tính cách ‘Dĩ cốt ngạnh xưng’, nghĩa là cương trực trong sáng, chính trực, đồng thời đích thân chọn viết cuốn “Vương Hi Chi truyền luận”, đề xướng thiên hạ học tập theo thể chữ của Vương Hi Chi. Vương Hi Chi sống vào thời Đông Tấn, gặp lúc loạn thế, gần như là cùng thời với Đào Uyên Minh, kiên thủ tín ngưỡng cùng tiết tháo, không theo đám đua đòi quyền quý. Ông được triều đình cho đảm nhiệm qua các chức vụ Thứ sử, Hữu quân tướng quân (nên người ta cũng gọi ông là Vương Hữu Quân), ông cần mẫn chu đáo, thương dân như con, do trực ngôn can gián mà làm giới quyền quý nổi giận, thế là ông kiên nghị từ quan.

Ông suốt đời bảo trì bản sắc chất phác, kiền thành tín đạo, tu đạo, lấy lòng dạ thuần chính sáng trong để cảm thụ cái đẹp của vạn vật trong tự nhiên tạo hóa, tìm tòi chỗ tinh vi thâm áo trong vũ trụ, mà tự mình ấn chứng trên nghệ thuật thư pháp. Đối với điều này, Trương Hoài Quán thời Đường viết trong tác phẩm “Thư đoạn” rằng: ‘Thiên biến vạn hóa, đạt tới Thần công, không phải Thiên Thượng gia trì, sao có thể đạt đỉnh cao như thế!’ nhận định Vương Hi Chi đã tĩnh tâm ngưng thần, tâm chính khí hòa, mới có thể viết ra kiệt tác. Nhân phẩm cùng thư pháp của ông đã đạt tới cảnh giới thanh cao thoát tục, tiên phong đạo cốt.

Thư pháp thể khải chữ Thư 書 của 4 đại thư pháp gia Âu Dương Tuần (trên trái) - Nhan Chân Khanh (trên phải) - Liễu Công Quyền (dưới trái) - Triệu Mạnh Phủ (dưới phải). (Miền công cộng)

Nhan Chân Khanh thời Đường là người kế tục ‘Nhị vương’ (Hai cha con Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi) có thành tựu lớn nhất, là thư pháp gia có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Thời Tống, Chu Trường Văn bình phẩm về Nhan Chân Khanh: ‘Nét chấm như đá tảng, nét ngang như mây hè, nét câu như móc vàng, nét mác như nỏ buông, tung hoành có dáng, lên xuống có chí, từ thời Hi, Hiến tới nay, chưa có ai được như ông.’ Thư pháp của ông tự hình thành lên một lối thư pháp ‘Nhan thể’ với dáng chữ vuông vắn nghiêm trang chính đại cùng khí thế rộng lớn mênh mông.

Nhan Chân Khanh làm người chính trực trong sáng, từng là nguyên lão bốn triều, được phong Khai quốc công quận Lỗ (thế nhân cũng gọi ông là Nhan Lỗ Công), sau bị gian thần Lư Kỷ hãm hại, phụng mệnh chiêu hàng kẻ mưu phản là Tiết độ sứ Hoài Tây-Lý Hi Liệt, xả thân vì nước. Các nhà bình luận thư pháp trong lịch sử bình về chữ của ông ‘Khí tiết trung nghĩa, đầy ắp trong nét bút’, ‘Nhìn thấy ngay đây là bậc quân tử thịnh đức

Âu Dương Tu trong “Lời bạt đề ngày 1 tháng 6” có viết: ‘Vị này có lòng trung nghĩa từ thiên tính, nên nét chữ cứng mạnh độc lập, sừng sững kỳ vĩ, cũng tựa như người vậy.’

Chu Trường Văn trong “Mặc trì thiên” viết: ‘Nét bút viết ra, cương nghị hùng tâm, ngay thẳng nghiêm trang, như trung thần nghĩa sĩ đứng trong triều, lâm đại lễ không mất đi khí tiết. Dương Tử Vân lấy chữ thể hiện tấm lòng, đúng như Lỗ Công đây!

Câu ‘Nhan cân Liễu cốt’ là thuật ngữ dùng bình phẩm thư pháp khải thư được nhiều người biết. ‘Nhan’ là chỉ Nhan Chân Khanh, chữ viết gân guốc chứa sức lực dồi dào, khí khái ung dung đường hoàng; ‘Liễu’ chỉ Liễu Công Quyền, chữ viết mang cốt lực vững chãi, tươi mới du nhàn. ‘Nhan cân Liễu cốt’ là nói phong cách thư pháp của hai vị như gân như cốt cứng cỏi hữu lực, cũng hàm ý chữ viết ngay thẳng cực đẹp.

Lưu Công Quyền cả đời lấy đức hạnh làm gốc, ‘Bác quán kinh thuật’ (kiến thức uyên bác về học thuật), ông là người có cốt khí và cũng là người vô cùng cẩn trọng, cũng như thế, chữ viết của ông cũng mang những đặc tính ấy. Đường Mục Tông từng hỏi Liễu Công Quyền về bút pháp, ông trả lời: ‘Dụng bút nằm ở tâm mình, tâm chính trực thì nét thẳng ngay.’ Đường Mục Tông coi đây như một lời can gián, từ đó thay đổi tự sửa mình.

Lời ‘Bút gián’ (nói về bút pháp mà can gián vua) của Liễu Công Quyền đã trở thành một điển phạm cho các sĩ đại phu hậu thế. Thời nhà Nguyên, thơ của Triệu Nham viết:

Hữu quân tằng tả “Hoán nga kinh”,
Châu thử tiên thư cốt khí thanh.
Khán đáo Liễu Công tâm chính xứ,
Thiên niên bút gián thượng trì danh

Tạm dịch:

Hữu quân từng viết ‘Hoán nga kinh’
Tiên thư châu ngọc cốt khí thanh
Rõ chỗ Liễu Công tâm ngay chính
Ngàn năm ‘Bút gián’ vẫn lưu danh.

Thời Thanh, thư họa gia Trịnh Bản Kiều, từng làm chức tri huyện huyện Phạm, huyện Duy tỉnh Sơn Đông. Ông rất quan tâm đến nỗi khổ của chúng dân, có lần vùng ấy bị thiên tai, ông vì mở kho cứu đói mà phát sinh mâu thuẫn với tham quan trong vùng, phẫn chí từ quan. Khi ông rời nha môn, toàn bộ tài sản của ông là: Hai tay áo trống gió lùa, hai cuốn sách mỏng cùng cây đàn cầm, bách tính khóc lóc lưu luyến không rời, ông lấy bút vẽ ra lan, trúc, cúc để cáo biệt mọi người.

Ông rất giỏi vẽ lan trúc thạch, tác phẩm của ông ca ngợi sự kiên nhẫn không gì lay chuyển nổi, quang minh lỗi lạc. Ông từng viết:

Hoạn hải quy lai lưỡng tụ không,
Phùng nhân mại trúc họa thanh phong

Tạm dịch:

‘Từ quan trở về tay áo trống
Gặp người bán trúc vẽ gió lành’

Thư pháp của ông được người đời gọi là thể Bản Kiều, thời nhà Thanh, Tưởng Sĩ Thuyên có bình: ‘Bản Kiều viết chữ như vẽ lan, nét mác kỳ khôi hình uyển chuyển; Bản Kiều vẽ lan như viết chữ, lá biếc điểm hoa thấy tư phong’ lan, trúc nhập vào thư pháp như chuỗi ngọc long lanh, thư pháp ấy đã thể hiện ra tính cách một đời thanh chính liêm minh, không bị hòa tan trong thế tục của ông.

Thế nhân thưởng thức đối với nghệ thuật thư pháp, thể hiện ra lòng sùng kính với các bậc chính nhân quân tử, trung thần danh tướng. Các nhà bình luận thư pháp ở các triều đại đều đánh giá cả về bức thư pháp cùng người viết, nếu thư pháp gia có đạo đức cao thượng, thì lối viết cũng kỳ vĩ với phong cách riêng, tác phẩm cũng được ái mộ và trân trọng. Nếu thư pháp gia có đạo đức bại hoại, thì bút tích sẽ bị bài xích. Xem những tình huống của bút tích lưu lại từ cổ đến nay thì đều như vậy cả.

Hãy nhìn bút tích của Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, Lâm Tắc Từ, đều như chính họ, hào khí kiên định, đều là cao thượng sáng trong. Tương truyền tấm hoành trong miếu Nhạc Phi viết ‘Hoàn ngã hà sơn’ (Trả lại ta sông núi) là chữ của chính ông, chứa đựng khí vận sinh động, hiên ngang hùng hồn, đầy ắp chí khí trung nghĩa, biểu hiện ra sự hùng vĩ nguy nga của núi sông, không dễ xâm phạm. Chính khí hạo nhiên từ bức hoành ‘Trả ta sông núi’ đã cổ vũ cho nhiều thế hệ con dân Trung Hoa, đã trở thành trụ đá tinh thần vững chãi không thể phá của dân tộc Trung Hoa.

Bút tích Nhạc Phi. (Zhengjian)

Trong lịch sử, những kẻ gian thần, tham quan phẩm hạnh bất chính, hành vi không ngay đều do người mà chữ bị phế bỏ, do nhân phẩm mà mất đi chữ viết. Như gian thần Tần Cối, Thái Kinh, Nghiêm Tung, là những dẫn chứng nhiều người biết rõ. Họ cũng thích học tập thư pháp, cũng qua một phen khổ luyện kỹ xảo thư pháp, nhưng do hại nước hại dân mà bị thế nhân thóa mạ, bị lịch sử đào thải, người ta nhận định trong những bút tích ấy thấm đẫm khí gian tà thấp kém, làm ô uế sự thanh khiết của nghệ thuật, đáng bị phỉ nhổ, nên bút tích của họ cũng theo người mà bị chôn vùi trong cát bụi.

Thư pháp Trung Hoa giảng tu luyện ‘Tự ngoại công’ công phu ngoài chữ viết là gì? Mạnh Tử viết: ‘Ngô thiện dưỡng ngô hạo nhiên chi khí!’ (Ta giỏi việc nuôi dưỡng khí hạo nhiên của ta!).

Thời Tống, Hoàng Đình Kiên viết trong “Luận thư” rằng: ‘Học thư pháp phải có đạo nghĩa trong tâm, học rộng theo các bậc thánh hiền minh triết, thì viết thư pháp mới cao quý, nếu trong tâm không có nhân cách cao thường, thì dẫu thư pháp siêu thường, phiêu dật, thì cũng chỉ là người dung tục mà thôi.’

Các nhà thư pháp trong lịch sử nhận định, muốn tu thư đạo, cần lấy lập đức làm đầu, đạo đức là căn bản của tài hoa, chú trọng sự hợp nhất của tố chất nhân phẩm bên trong và biểu hiện bên ngoài, khi công phu thư pháp hồn hậu đạt đến một mức độ nhất định, gọi là có thần thái, thì khí vận cũng tự nhiên không hẹn mà tới.

Tất nhiên việc chuyên cần khổ luyện, kỹ pháp điêu luyện cũng hết sức cần thiết, như Vương Hi Chi tập viết vô cùng khắc khổ, ông thường luyện chữ bên ao rộng, rồi rửa nghiên bút, lâu dần nước ao biến màu đen, người ta gọi đó là ‘Mặc trì’ (ao mực). Tương truyền khi ông viết chữ lên tấm gỗ, do có bút lực thư pháp cực kỳ thâm hậu, nên lúc thợ mộc khắc chữ, phát hiện mực thấm sâu trong gỗ ba phân, thành ngữ ‘Nhập mộc tam phân’ cũng từ đây mà ra.

Vương Dục thời nhà Thanh viết: ‘Người có phẩm đức, trên nét bút có chứa sự khí khái chính đại quang minh.’ Nghệ thuật thư pháp muốn đạt tới tầng thứ cao hơn, không phải so sánh công lực thâm hậu, rồi kỹ xảo chương pháp, điểm họa, mà phải nhìn vào sự tu dưỡng tinh thần, hoài bão cùng khí chất của tác giả, nhìn vào tinh thần nhân văn, nội hàm tư tưởng thể hiện trong tác phẩm thư pháp.

Nói về lĩnh vực nghệ thuật, nhân phẩm cao thấp là yếu tố then chốt quyết định cách cục của sáng tác. Văn hóa truyền thống dùng tiêu chuẩn đạo đức để đánh giá cái đẹp, chỉ có những sự vật mang tải ý nghĩa đạo đức tinh thần cao thượng thì mới được sùng kính đặc biệt, hoặc mới được gọi là cái đẹp cao quý thực sự.

Các tác phẩm nghệ thuật kinh điển, từ hình thức bên ngoài cho đến nội dung, tư tưởng, tinh thần, đều có giá trị thưởng thức, đều biểu hiện ra thái độ mang tính nguyên tắc của họ đối với Thiện và Ác, Chính và Tà, làm người xem cảm thụ được nội dung tác phẩm cùng đạo đức cao thượng của tác giả, có tác dụng cổ vũ, cảm hóa, tịnh hóa tâm linh, đạt được sự thăng hoa của cảnh giới.

Trí Chân - Epoch Times (Chuyển tải từ mạng Minh Huệ)

Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thư pháp: Thư phẩm và nhân phẩm