Thực tế đắng lòng về “giáo dục tinh anh”: Hổ mẹ và gà con

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau hơn 20 năm theo đuổi giáo dục tinh anh, người Trung Quốc đang dẫn con em họ đi về đâu? Là Thiên đường hay địa ngục?

Cách đây không lâu, hình ảnh những bạn trẻ đến thắp hương trong cung Ung Hòa - một tu viện Phật giáo Tây Tạng nằm ở Đông Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc - đã trở thành chủ đề nóng hổi trên mạng, thu hút sự chú ý của các kênh truyền thông quốc tế. Rất nhiều phóng viên từ các hãng thông tấn lớn như CNN và Reuters cũng đến phỏng vấn các sinh viên đang thắp hương tại đây.

Trong một bài báo trên BBC, một sinh viên cho biết: Ở Trung Quốc hiện nay, tìm việc làm ngày càng trở nên khó khăn, bởi vì mọi cử nhân ra trường đều phải cạnh tranh gay gắt. Bạn cần phải là người ưu tú nhất, xuất sắc nhất, nổi trội nhất, mọi phương diện đều phải vượt xa những ứng viên khác mới mong có được cơ hội việc làm.

Bài báo cho biết, năm 2023 được coi là mùa tốt nghiệp khốc liệt nhất trong lịch sử với con số ước tính cao kỷ lục: 11,58 triệu sinh viên mới tốt nghiệp gia nhập thị trường lao động. Số liệu chính thức cũng cho thấy, cứ 5 thanh niên Trung Quốc ở độ tuổi 16-24 thì có một người thất nghiệp. Những bạn trẻ mê mang mất phương hướng không biết dựa vào đâu, ngoại trừ việc cầu Thần bái Phật họ gần như không tìm được lối thoát cho mình.

Một bạn đọc để lại lời bình luận bên dưới video phóng sự kể trên rằng: “Mười năm sau nhìn lại, bạn sẽ thấy năm nay là mùa tốt nghiệp dễ dàng nhất”. Tương lai đầy chông gai, cuộc khủng hoảng việc làm của năm 2023 vẫn chưa là gì so với những ngày đen tối đang chờ phía trước. Lời bình luận bi quan này nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, đồng thời cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm: Sau hơn 20 năm theo đuổi giáo dục tinh anh, người Trung Quốc đang dẫn con em họ đi về đâu? Là Thiên đường hay địa ngục?

Hôm nay chúng ta hãy cùng bàn luận một chút về chủ đề giáo dục tinh anh, hay còn gọi là câu chuyện “hổ mẹ” và “gà con”:

Hình mẫu Lưu Diệc Đình

Mọi chuyện bắt đầu từ một ngày cách đây 24 năm về trước. Tháng 4 năm 1999, một nữ sinh trung học vô danh bỗng chốc trở thành nhân vật được mọi người ngưỡng mộ. Đó chính là cô bé 18 tuổi Lưu Diệc Đình, nữ sinh trường trung học ngoại ngữ Thành Đô. Cô bé là học sinh Trung Quốc đầu tiên cùng lúc nhận được học bổng toàn phần của bốn trường đại học danh giá tại Mỹ mà những sinh viên ưu tú nhất của Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh không với tới được.

Tờ “Thương báo Thành Đô” đăng bài báo với nhan đề “Em phải đến Harvard học kinh tế”, trong đó viết: Bốn trường đại học nổi tiếng của Mỹ đồng thời sẵn sàng tiếp nhận cô bé Thành Đô 18 tuổi Lưu Diệc Đình và đài thọ hoàn toàn tiền học, tiền mua sách vở, tiền ăn ở và tiền sinh hoạt phí mỗi năm khoảng trên 30 nghìn USD. Bốn trường đại học đó là: Đại học Harvard danh tiếng, Đại học Columbia, Học viện Wellesley, và Học viện Mount Holyoke. Ngay cả học sinh Hoa Kỳ muốn chen chân vào được cũng là một kỳ công, đòi hỏi phải có thực lực, phải được chuẩn bị từ xa hết sức chu đáo. Còn như vào được Đại học Harvard đã được các chuyên gia soạn sách “Hướng dẫn du học” gọi là một việc “khó hơn lên trời”. (Trích “Em phải đến Harvard học kinh tế”, Lưu Vệ Hoa - Trương Hân Vũ).

Bài báo vừa đăng tải đã gây ra làn sóng chấn động khắp Trung Quốc. Đường dây nóng của “Thương báo Thành Đô” trở nên quá tải, thư độc giả từ khắp nơi đổ về như thác lũ, ai cũng muốn học hỏi ‘bà mẹ thiên tài’ về cách giáo dục con trẻ. Từng là biên tập viên báo chí, mẹ của Lưu Diệc Đình là bà Lưu Vệ Hoa nhận thấy đây chính là cơ hội chia sẻ những bí quyết của mình. Ngay sau đó vào năm 2000, bà Lưu đã nhanh chóng cho ra mắt cuốn “Cô bé Harvard Lưu Diệc Đình” kể lại quá trình bồi dưỡng tố chất cho con trẻ ngay từ lúc lọt lòng. Cuốn sách đưa ra bốn trọng điểm lớn:

  • Con tôi không phải thiên tài, mà là do bồi dưỡng mà nên.
  • Thành công của tôi bạn hoàn toàn có thể sao chép.
  • Tôi cung cấp phương pháp bồi dưỡng con trẻ từ 0-18 tuổi.
  • Phương thức giáo dục ấy đã được Harvard kiểm nghiệm.

Nếu bạn cũng là một người cha, người mẹ, liệu bạn có động lòng trước cuốn sách này hay không?

Và thực tế là, tác phẩm vừa xuất bản đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất, hùng bá trên bảng xếp hạng liên tục 16 tháng, rất nhanh đã tiêu thụ được 2 triệu bản. Có người nói ngay cả bộ tiểu thuyết “Harry Potter” cũng đành chịu lép vế trước cuốn sách này.

HarvardGirl.jpg
Bìa cuốn sách "Cô bé Harvard Lưu Diệc Đình". (Wikipedia)

Cũng kể từ đó, Trung Quốc tiến nhập vào mô hình giáo dục “gà con” toàn diện. Lưu Diệc Đình chính là thành công đầu tiên, trở thành thần tượng của mọi gia đình. Thậm chí, cách huấn luyện mô tả trong sách vốn bị coi là “quá điên cuồng” trong mắt người phương Tây cũng được các cha mẹ người Hoa bắt chước hoàn toàn, đó chính là tay không nắm nước đá.

Tay không nắm đá

Tay không nắm đá là phương pháp huấn luyện do ông Trương Hân Vũ nghĩ ra, mục đích là để rèn luyện ý chí của con trẻ. Lúc ấy là mùa hè năm lớp 4, Lưu Diệc Đình chỉ mới 10 tuổi. Tiểu cô nương rất hào hứng chấp nhận thử thách của cha dượng. Kết quả ra sao? Cô bé viết trong nhật ký của mình:

“Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Buổi tối, ba lấy từ trong tủ lạnh ra một cục nước đá. Cục nước đá này to hơn một viên pin đại đấy. Ba bảo tôi: ‘Đình Nhi! Con có thể cầm cục nước đá này trong vòng 15 phút được không? Nếu cầm được, ba sẽ mua cho con một quyển sách’. Tôi nói: ‘Sao lại không, con với ba đánh cược nhé! Nếu con cầm đủ mười lăm phút, ba phải mua sách cho con đấy’. Tất nhiên là ba đồng ý.

Ba cầm đồng hồ, rồi hô: ‘Chuẩn bị! Bắt đầu!’ Tôi cầm cục nước đá lên nắm chặt. Phút đầu tiên, cảm thấy tạm được, đến phút thứ hai, tôi thấy đau buốt thấu xương, vội vàng cầm ngay lấy lọ thuốc, tập trung đọc những dòng chỉ dẫn ở trên lọ, cốt để chuyển sự chú ý của mình. Phút thứ ba, tôi thấy đau đớn như ngàn vạn mũi kim đâm nhói vào tim, tôi đọc to lời chỉ dẫn trên lọ thuốc để át nỗi đau. Phút thứ tư, tôi có cảm giác như người tôi đóng băng, tê dại, lúc bấy giờ tôi cắn chặt hai hàm răng, để cho nỗi đau chuyển lên khoang miệng và luôn thầm tự động viên: Cố gắng, cố gắng! Phút thứ năm, cả bàn tay tái xám nhợt nhạt, không còn cảm giác đau đớn nữa. Phút thứ sáu, chỉ thấy tê tê. Phút thứ bảy, bàn tay dường như tê dại hẳn. Phút thứ tám, không còn cảm giác gì nữa... Cho đến khi ba tôi nói: ‘Mười lăm phút rồi đấy!’”

Tôi buông nước đá, lúc này đã tan gần hết chỉ còn bằng một ngón chân cái. Tôi nhảy cẫng lên vui sướng: “Hoan hô! Hoan hô! Con thắng rồi!”. Thế nhưng nhìn xuống bàn tay, tôi thấy một màu tím ngắt, sờ vào cái gì cũng cảm thấy bỏng rát. Ba vội mở vòi nước lạnh cho tôi rửa tay. Vừa ngâm tay trong nước tôi vừa nói với ba: ‘Ba ơi! Ba hôm nay không gặp may rồi!’ Ba nói: ‘Ba chẳng có gì là không gặp may, trái lại, con có một nghị lực như vậy, chính là ba đang gặp may đấy’”. (Trích “Em phải đến Harvard học kinh tế”, Lưu Vệ Hoa - Trương Hân Vũ).

Thấy con gái đã vượt qua thử thách, ông Trương mừng rỡ trong lòng vì cô bé “có dũng khí đương đầu với thử thách”. Rất nhiều cha mẹ cũng đồng tình với quan điểm này và bắt chước theo sách, ép con cái phải nắm chặt nước đá nhiều phút đồng hồ. Một số bạn đọc bình luận rằng, ngay cả người lớn cũng không kiên trì được, vì sao một đứa trẻ 10 tuổi lại có thể chịu đựng được? Là cha mẹ, liệu bạn có thể lạnh lùng sắt đá đến vậy không?!

Tuy nhiên, vị cô nương từng được huấn luyện để có dũng khí đối mặt với thử thách ấy lại không thể tiếp tục tỏa sáng trên đất Mỹ, khoảnh khắc huy hoàng của cô chỉ dừng lại ở năm 1999. Năm 2003 sau khi tốt nghiệp Harvard, Lưu Diệc Đình không tiếp tục con đường học vấn mà quyết định ra ngoài làm việc. Cô đã trải qua nhiều công ty khác nhau như Boston Consulting Group và PepsiCo nhưng đều không duy trì được lâu. Cô nộp đơn vào Đại học Kinh doanh Harvard nhưng lại bị từ chối, sau đó công ty riêng do cô sáng lập là Vision Capital cũng thất bại. Sau này, Lưu Diệc Đình kết hôn với một luật sư từng là bạn học ở Harvard, tận hưởng cuộc sống của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ.

Lưu Diệc Đình từng được coi là hình mẫu mà mọi người tôn thờ, nhưng huyền thoại liệu có thể sao chép được không? Ông Triệu Trung Tâm, giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh từng khuyên các bậc cha mẹ rằng: Kinh nghiệm không phải là quy luật nên không thể áp dụng chung cho tất cả mọi đứa trẻ, nếu cứ “trông bầu vẽ gáo”, nhắm mắt học theo một cách mù quáng thì sẽ chỉ mang lại thất vọng mà thôi.

Năm 2004, tác giả Tiêu Ngu xuất bản cuốn sách “Sự thật về cô bé Harvard Lưu Diệc Đình”. Ông Tiêu nói: Không nên dạy trẻ theo khuôn mẫu, những điều đề thi không kiểm tra được thì xã hội sẽ kiểm tra; người học chỉ mong thành đạt nhanh chóng có thể sẽ đạt được thành công nhất thời, nhưng lâu dài sẽ bị xã hội vùi dập. Theo ông Tiêu, sở dĩ Lưu Diệc Đình có thể vào Harvard với học bổng toàn phần là vì có được người giới thiệu nặng ký, nhờ đó đã tận dụng kẽ hở trong hệ thống tuyển sinh học viên Trung Quốc của Harvard, chứ hoàn toàn không phải là kết quả của phương pháp giáo dục tố chất toàn diện.

Mặc dù bà Lưu Vệ Hoa kịch liệt phản đối ý kiến này, nhưng không ít người dùng Internet lại ủng hộ quan điểm của ông Tiêu. Trong hồ sơ tuyển sinh vào các trường đại học danh tiếng của Mỹ có hai yếu tố đặc biệt quan trọng là bài luận về bản thân và người giới thiệu. Khi Lưu Diệc Đình nộp đơn vào Harvard, trong bản tự luận cá nhân cô bày tỏ mối quan tâm đến người nghèo Trung Quốc, và cho biết sau khi về nước sẽ nỗ lực hết sức mình để cải thiện cuộc sống của họ. Hội đồng tuyển sinh Harvard vô cùng cảm động trước nguyện vọng của một nữ sinh “muốn Trung Quốc giàu có hơn”. Thêm vào đó, Lưu Diệc Đình may mắn có được người giới thiệu nặng ký là ông Larry Simms, chủ tịch WBSE (Hội Giao lưu giữa các Trường trung học Washington - Bắc Kinh). Ông Larry là luật sư và là thành viên trong chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời cũng là nhân vật tích cực trong các chương trình trao đổi văn hóa Trung - Mỹ. Không phủ nhận rằng Lưu Diệc Đình rất xuất sắc, nhưng đó không phải là lý do duy nhất giúp cô thành công. Nhờ có ông Larry đích thân viết thư giới thiệu, Lưu Diệc Đình dù không có điểm SAT nhưng vẫn tạo nên huyền thoại về “cô bé Harvard” lừng lẫy cả Trung Quốc.

Điều mà rất nhiều phụ huynh quan tâm hơn hết thảy là: Một lớp 30 em học sinh, 29 em đều noi gương Lưu Diệc Đình, vậy con tôi phải làm sao? Không được rồi, bảo bối nhà ta không thể thua ngay từ vạch xuất phát! Gà con là cần phải bồi dưỡng từ trong bụng mẹ, cần được thai giáo! Các em nhỏ Trung Quốc hiện nay chỉ mới 3 tuổi đã bắt đầu học chữ, 4 tuổi đã thuộc lòng các bài thơ Đường. Nếu thấy con mình chưa bằng bạn bằng bè, các bậc trưởng bối liền cuống cuồng lo lắng, chỉ sợ con trẻ lơ là một chút là bị người ta qua mặt rồi!

Chiến ca của hổ mẹ

Năm 2011, cuốn sách “Khúc chiến ca của hổ mẹ” (Battle Hymn of the Tiger Mother) của một bà mẹ người Mỹ gốc Hoa đã đẩy trào lưu “nuôi gà con” lên đến cực điểm. Tác giả Amy Chua cùng chồng là Jed Rubenfeld đều là giáo sư luật học thuộc Đại học Yale, hai con gái của họ là Sophia và Louisa (Lulu) từ nhỏ đã được giáo dục vô cùng khắt khe và nghiêm khắc.

Bà Amy Chua (phải) cùng hai con gái là Sophia (trái) và Lulu (giữa) trong bức ảnh chụp năm 2011 (Ảnh: David Shankbone / Wikipedia)

Amy Chua đưa ra mười giới luật cho các con gái mình, ví dụ như:

- Không được qua đêm ở nhà người khác.

- Không được xem phim.

- Không được chơi game, chơi máy tính.

- Không được oán trách hay tức giận những điều bị cấm.

- Không được tự chọn những hoạt động ngoại khóa ở trường (mà phải do mẹ chọn).

- Tất cả các điểm thi đều phải đạt mức A (mức cao nhất).

- Trừ môn thể dục và kịch, thành tích các môn khác phải đứng nhất lớp.

- Trừ piano và violin, không được chơi nhạc cụ khác.

- v.v.

Theo đó, các con của Amy Chua phải tuân theo kỷ luật thép nếu không muốn gánh chịu những hình phạt nặng nề. Khi con gái út Lulu không chịu chơi đàn, cô bé bị uy hiếp không được ăn trưa và ăn tối. Và khi con gái lớn Sophia tỏ ra bất kính, Amy Chua không khách khí gọi con mình là “đồ rác rưởi”.

Dưới cách giáo dục hổ dữ như vậy, hai ái nữ nhà Amy Chua đều trở thành những tài năng ưu tú. Sophia mới 18 tháng tuổi đã nhận biết chữ cái, 3 tuổi có thể đọc sách, đồng thời bắt đầu học piano, 14 tuổi đạt giải nhất trong cuộc thi piano quốc tế và có cơ hội diễn xuất tại nhà hát Carnegie Hall danh giá ở New York. Còn Lulu thì theo học violin từ sớm, khi tuổi còn rất nhỏ cô bé đã trở thành đội trưởng violin của dàn nhạc trong trường.

Vậy hai ái nữ nhà Amy Chua có thích ứng với phương pháp giáo dục hà khắc của mẹ hay không? Trên thực tế, cô con gái nhỏ 13 tuổi đã vô cùng bướng bỉnh, cứ nhất quyết đòi chơi tennis thay vì violin. Cô bé ương ngạnh quyết “chiến đấu” tới cùng, kết quả là Amy Chua không còn cách nào khác đành phải thỏa hiệp. Cô con gái lớn Sophia mặc dù không tỏ ra chống đối, nhưng cha cô lại phát hiện có vết răng trên cây đàn piano.

Trong hồi ký “Khúc chiến ca của hổ mẹ”, Amy Chua kể lại: “Theo lời kể của thầy Shugart thì Lulu luôn tỏa sáng, và các bậc phụ huynh khác luôn hỏi có phải gen âm nhạc di truyền ở gia đình chúng tôi, và Lulu được chờ đợi trở thành một nghệ sỹ chơi vĩ cầm chuyên nghiệp. Họ không hình dung được về những buổi tập luyện “đẫm máu” ở nhà, nơi tôi và Lulu đấu với nhau như loài thú hoang - Hổ đấu với lợn rừng - và nó chống lại được bao nhiêu tôi tấn công lại chừng đó.”

Cho dù quá trình nuôi dạy ấy có khốc liệt thế nào, thì đến nay cô con gái lớn đã trở thành luật sư, còn cô con gái nhỏ vào học ở trường luật, vậy cũng tính là trở thành tầng lớp tinh anh trong xã hội.

Kim Wong Keltner, một bà mẹ người Mỹ gốc Hoa từng được giáo dục theo ‘phương pháp hổ dữ’, cũng viết sách đáp lại quan điểm của Amy Chua. Trong cuốn sách mang tên “Tiger Babies Strike Back” (tạm dịch: Hổ con nổi dậy), tác giả kể rằng bản thân bà được nuôi dưỡng để trở thành tầng lớp tinh anh, nhưng bà sẽ không giáo dục các con theo phương pháp này, và rằng bà sẽ tha thứ cho người mẹ thân sinh vì đã làm tổn thương mình. Cuốn sách của Kim Wong Keltner nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của đông đảo “những chú hổ con”.

Một đồng nghiệp của Amy Chua là giáo sư luật học Daniel Markovits nói rằng, cho dù “gà con” có liều mình học tập thêm nữa thì cũng chỉ là một vị “tinh anh” kiếm nhiều tiền hơn tầng lớp trung lưu. Những nhân vật tinh anh trong xã hội ngày ngày đều bận rộn làm việc, làm việc, đến mức họ không có thời gian ăn uống ngủ nghỉ. Bạn nghĩ xem, cuộc sống như vậy có vui vẻ không? Có đáng để chúng ta hy sinh cả bầu trời thơ ấu hay không?

Giáo dục truyền thống

Các dân tộc Á Đông luôn coi trọng giáo dục, nhưng cách giáo dục theo phương pháp hổ dữ lại không phải là truyền thống của người Đông phương.

100 câu nói dạy làm người tốt của người xưa
Mạnh Tử. (Ảnh qua Epoch times)

Có thể bạn đã từng nghe nói đến câu chuyện Mạnh Mẫu ba lần chuyển nhà. Mạnh Mẫu là mẹ của Mạnh Tử, bà là một người mẹ nổi tiếng hết lòng nuôi dạy con thành tài. Khi Mạnh Tử giao du với đám bạn xấu, Mạnh Mẫu không cấm con kết giao với bạn bè mà chỉ lặng lẽ chuyển nhà. Thấy con ham chơi bỏ học về nhà, Mạnh Mẫu không trách tội mà chỉ bình thản cầm dao cắt tấm vải đang dệt dang dở. Mạnh Tử hốt hoảng quỳ xuống đất hỏi nguyên do, Mạnh Mẫu nói: Người bỏ cuộc giữa chừng cũng giống như mảnh vải bị cắt đôi này, không học hành nên người thì sau này sẽ trở thành đồ vô dụng. Mạnh Tử hiểu ra, từ đó nghiêm túc chăm chỉ học tập.

Bạn nói xem, Mạnh Mẫu có phải hổ mẹ không? Không phải! Mạnh Mẫu không cần phải biến thành “hổ” mới có thể dạy con nên người, ấy vậy nhưng con trai bà vẫn trở thành một danh nhân có tiếng trong lịch sử.

Kỳ thực, từ thời Nghiêu Thuấn cách nay 5000 năm cho đến thời cận đại, cổ nhân không đặt trọng tâm ở việc học tri thức mà ở việc “học thành người”.

Từ thời Tây Chu, nền giáo dục bao gồm hai cấp tiểu học và đại học. Giáo dục tiểu học gồm năm phương diện lớn: Trước tiên học ứng xử lễ nghi như quét dọn, ứng đối, tiến thoái… sau đó mới học chữ, học làm toán, nhưng trọng điểm vẫn nằm ở việc học ứng xử lễ nghi. Chính là nói, thông qua cuộc sống thường ngày mà học cách “làm người” như thế nào, đãi nhân và tiếp vật ra làm sao. Học được cách “làm người” rồi mới bắt đầu học chữ, học tính toán, học tri thức…

Học làm người thì cần làm được “kính”. Chữ “kính” này quán xuyến toàn bộ giáo dục cấp tiểu học. Biết kính trọng cha mẹ, biết tôn trọng anh em, biết tôn kính vua tôi, biết kính vợ kính chồng, biết trân trọng bạn bè… thì mọi việc đều có quy củ, đều có lễ tiết. Làm được như vậy thì toàn bộ xã hội tự nhiên sẽ thuần hậu, tường hòa.

Nền tảng “làm người” đã thiết lập xong thì có thể làm việc, tiến nhập vào xã hội. Người có tư chất nổi trội xuất sắc thì có thể tiến lên đại học, học làm nhà lãnh đạo, làm người quản lý quốc gia.

Điều đầu tiên khi vào đại học là phải bồi dưỡng hoài bão. Đại học là gì? Chính là học làm “đại nhân”. Muốn làm đại nhân thì phải có tấm lòng, có hoài bão, trong tâm dung chứa cả thiên hạ. Cuốn “Đại Học” của Tứ thư - Ngũ kinh luôn nhấn mạnh bốn chữ: “cách vật”, “trí tri”. Trong đó có câu: “Trí tri tại cách vật, vật cách nhi hậu tri chí”, nghĩa là: Biết rõ là do xét tới cùng lẽ vật, vật đã được nghiên cứu thì hiểu biết mới đến nơi.

Nếu như “cách vật” là cần có nhận thức khách quan đối với sự vật thì “trí tri” là trước hết cần dùng cái tâm đúng sai làm xuất phát điểm, sau đó là ‘thành ý’, ‘chính tâm’, làm được đến mức không thiên vị, không nghiêng lệch, giữ được sự trung dung, như vậy mới có thể tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Có thể nói, học tập ở đại học trên cơ bản chính là tu tâm.

Trong văn hóa truyền thống, giáo dục chính là dạy đạo lý làm người, trọng điểm nằm ở tu tâm chứ không phải ở tri thức, lại càng không phải là khái niệm tranh giành vị trí đứng đầu. Điều ấy trái ngược với cách giáo dục theo phương pháp hổ dữ – vốn chỉ coi trọng kỹ năng và tri thức mà xem nhẹ việc truyền thụ đạo lý làm người. Cách giáo dục “hổ mẹ và gà con” đã sinh ra một thế hệ luôn cạnh tranh trên mọi lĩnh vực, khiến cuộc sống trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Đối mặt với tình cảnh ấy, phải chăng đã đến lúc chúng ta nên suy nghĩ lại?

Hơn 20 năm đã trôi qua, những chú gà con tay không nắm nước đá ngày ấy có lẽ nay đã trở thành cha, thành mẹ. Nếu bạn vẫn chưa quên cái lạnh thấu xương năm xưa, liệu bạn có nguyện ý để con cái mình bước lại con đường bạn đã đi? Bạn sẽ áp dụng cách giáo dục tinh anh đến tận cùng, hay là để con có được một tuổi thơ vui vẻ?

Theo Phù Dao - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Thực tế đắng lòng về “giáo dục tinh anh”: Hổ mẹ và gà con