Thủy Bạc Lương Sơn ký: Lâm Xung võ nghệ trùm đời trong sự an bài của thiên thượng (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vậy nên, chẳng ai xem Thủy Hử mà quên được cái cảnh Lâm Xung đến Thảo Đường lúc lưng trời mây kín, gió bấc đìu hiu, tuyết giăng ngập lối rất chiều lạnh lẽo. Lâm Xung đầu đội nón mê, vai vác cây giáo hoa, thật là tình cảnh bốn bể không nhà, bơ vơ không chúa, thân mang tuyệt nghệ mà biết đi đâu về đâu như con thuyền không bến đợi. “Lâm Xung dày đạp đống tuyết mà đi, chẳng khác gì ngọc vỡ châu rơi ở trên đường vậy” (Thủy Hử).

Xem lại Phần 1

“Lâm Xung” - hai chữ diễn hóa cả cuộc đời

林沖 tên Lâm Xung có hai chữ: Lâm (林) và Xung (沖). Lâm có nghĩa là “rừng”, còn Xung có hai nghĩa: “xông lên” và “khiêm xung” - tức là “khiêm tốn”. Lâm Xung vẫn luôn là một người quân tử khiêm tốn, thế nên dù võ nghệ siêu quần nức tiếng kinh thành nhưng ông lại lặng thinh nín nhịn khi bị một Hồng Giáo Đầu - một tay võ sư quèn nơi thôn dã khiêu khích. Nhưng kẻ “khiêm xung” ấy khi buộc phải ra tay vẫn cho người ta thấy được bản lĩnh chân thực hơn hẳn những lời khua môi múa mép. Khi Vương Luân từ chối bọn Tiều Cái ở lại Lương Sơn, Lâm Xung giết hắn chỉ vì tấm lòng trượng nghĩa đối với các anh hùng hảo hán giang hồ, chứ nào phải ham hố chức vị đầu lĩnh Lương Sơn Bạc. Có vậy mới hết sức nài ép bọn Tiều Cái cầm đầu Lương Sơn, còn mình thì sẵn sàng ngồi dưới tất cả. Võ công cái thế, cốt cách nho nhã nhưng Lâm Xung vẫn luôn là người khiêm tốn đứng sau người khác như vậy đấy.

Lâm Xung còn có tên hiệu là Báo Tử Đầu - đầu báo. Con báo có thể xông lên ở rừng sâu núi thẳm chứ không thể xông xáo ở chốn quan trường, vậy nên Lâm Xung phải nương mình nơi rừng núi Lương Sơn mà thôi. Cũng như sau này, Lâm Xung tung hoành chốn sa trường trong những trận đánh ác liệt nhất với đoàn quân của Phương Lạp nhưng lại chết trên đường về với triều đình. Con báo có thể xông lên trong rừng chứ không thể xông vào chốn công đường, nhất là nơi đó lại có con hổ ngồi đợi. Vì vậy, Lâm Xung đã bị bắt khi đi vào Bạch Hổ Đường của Cao Cầu. Lại nữa, tuy rằng báo có thể tung hoành trong rừng, nhưng khi gặp lợn lòi thì báo cũng nguy khốn, đó là lý do Lâm Xung suýt mất mạng ở rừng Dã Trư (rừng Lợn lòi) bởi hai tên công sai Đổng Siêu, Tiết Bá.

tuy rằng báo có thể tung hoành trong rừng, nhưng khi gặp lợn lòi thì báo cũng nguy khốn, đó là lý do Lâm Xung suýt mất mạng ở rừng Dã Trư
Tuy rằng báo có thể tung hoành trong rừng, nhưng khi gặp lợn lòi thì báo cũng nguy khốn, đó là lý do Lâm Xung suýt mất mạng ở rừng Dã Trư. (Ảnh chụp màn hình Thuỷ Hử Liên Hoàn Hoạ)

Người xưa theo văn hóa truyền thống rất cẩn trọng khi đặt tên cho trẻ nhỏ, vì tên phải phù hợp với chủ nhân của nó. Tên của một người xứng hợp với khí chất của họ và có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời người ấy. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có nhân vật Bàng Thống, hiệu là Phượng Sồ, nghĩa là con phượng non. Phượng Sồ Bàng Thống khi theo Lưu Bị vào đánh Tây Xuyên đã chết ở gò Lạc Phượng, Lạc (落) ở đây mang nghĩa là: rụng, rơi. Bản thân Bàng Thống khi đi đến đây, nghe tên địa danh có ngay dự cảm chẳng lành nhưng đã muộn. Con chim Phượng đã trúng tên rụng xuống ở nơi này.

Từ những chi tiết nhỏ nhất là một cái tên nhân vật, các tác gia đời xưa đã hết sức dụng công như vậy, đủ thấy rằng thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong tứ đại danh tác và các tác phẩm văn hóa truyền thống là hết sức phong phú với lớp lớp nội hàm.

Lạnh căm mới biết bách tùng, gian nan mới biết anh hùng...

Trong văn hóa truyền thống, người ta hay ca ngợi những loài cây như tùng, bách hay mai trắng. Có câu: “tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách, tri hậu điêu dã” tạm dịch là “lạnh căm mới biết bách tùng, một mình xanh tốt tới khi đông tàn”. Những loài cây như tùng, bách, mai sở dĩ cao quý vì có thể ngạo nghễ với tuyết sương, gặp giá lạnh càng vững chãi, lá càng xanh, hoa càng đẹp. Thế nên, đó cũng là những là những loài cây tượng trưng cho người quân tử, bậc hảo hán.

Vì bậc quân tử, vị hảo hán, đấng trượng phu... cũng phải được đặt vào trong nghịch cảnh mới làm nổi bật khí chất cứng cỏi bất khuất phi thường của họ. Chẳng thế mà trong Thủy Hử, Thi Nại Am đã viết: “Ví thử đường đời bằng phẳng mãi, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Những anh hùng hảo hán có nhiều khi được đặt vào cảnh cơ hàn, không gia đình, chẳng chốn dung thân… lại dầm mình dưới mưa sa tuyết lạnh để thử khí chất của họ, so với tùng, bách, mai chẳng kém gì.

Vì bậc quân tử, vị hảo hán, đấng trượng phu... cũng phải được đặt vào trong nghịch cảnh mới làm nổi bật khí chất cứng cỏi bất khuất phi thường của họ
Vì bậc quân tử, vị hảo hán, đấng trượng phu... cũng phải được đặt vào trong nghịch cảnh mới làm nổi bật khí chất cứng cỏi bất khuất phi thường của họ. (Ảnh chụp Thuỷ Hử Liên Hoàn Hoạ)

Trong tác phẩm Liêu Trai chí dị có truyện “Đại Lực tướng quân” viết về tướng quân Ngô Lục Kỳ của Thanh triều. Thuở thiếu thời chưa có ai biết đến ông, lang thang cơ hàn phải làm ăn mày, thiên hạ gọi là thiết cái, may gặp được danh sĩ Tra Y Hoàng của tỉnh Chiết Giang cũng trong một đêm tuyết rơi ngập lối. Ngô Lục Kỳ mình bận manh áo mỏng rách, đầu đội nón mê, chẳng có chỗ trú thân, dưới mưa tuyết trắng xóa vẫn hiên ngang sừng sững như cây cột chống trời, vô tình lại đứng trước cổng nhà Tra Y Hoàng. Y Hoàng mới mời vào uống rượu, hỏi thăm, tặng áo tặng tiền. Sau Ngô Lục Kỳ nhờ mang một thân võ công cái thế, làm đến chức đề đốc tỉnh Quảng Đông và đã đền ơn tri ngộ rất hậu cho Tra Y Hoàng, kết thành mối tương tri kỳ lạ giữa một danh sĩ và một anh hùng hảo hán giang hồ.

Vậy nên, chẳng ai xem Thủy Hử mà quên được cái cảnh Lâm Xung đến Thảo Đường lúc lưng trời mây kín, gió bấc đìu hiu, tuyết giăng ngập lối, rất chiều lạnh lẽo. Lâm Xung đầu đội nón mê, vai vác cây giáo hoa, thật là tình cảnh bốn bể không nhà, bơ vơ không chúa, thân mang tuyệt nghệ mà biết đi đâu về đâu như con thuyền không bến đợi. “Lâm Xung dày đạp đống tuyết mà đi, chẳng khác gì ngọc vỡ châu rơi ở trên đường vậy” (trích Thủy Hử).

Nhưng nếu chẳng vì gió tuyết lạnh lẽo, vách đổ tường xiêu thì Lâm Xung đã chẳng ra ngoài tìm rượu uống, mới có dịp ngang qua miếu Sơn thần đưa lời thỉnh cầu ơn trên cứu giúp, rồi lúc quay lại thấy gió thổi sập nhà mới đành đến trú tạm ở miếu Sơn thần, có vậy mới bắt được việc kẻ gian phóng hỏa, bày mưu giết mình. Mọi việc có vẻ hết sức tự nhiên mà hình như lại có sự an bài sắp đặt. Hai lần Lâm Xung vác dao đi tìm Lục Khiêm mà tìm không thấy, thế mà chính tại nơi cùng đồ mạt lộ này, lũ gian tà Lục Khiêm, Phú An đã tự dẫn xác đến trả nợ. Có phải là “trong cõi mênh mang quả có lòng Trời hay không?” Nếu chưa đến lúc thì có cưỡng cầu cũng vô ích.

Được Sài Tiến trợ giúp, Lâm Xung thoát khỏi sự truy nã của quan quân, lại dấn mình vào cảnh vạn lý độc hành trong gió tuyết căm căm, sớm nghỉ tối đi trong mười mấy ngày trời rất là buồn bã. Đến một quán nhỏ ven đường, Lâm Xung dừng chân nghỉ lại, chén rượu rót tràn một mình ngửa cổ dốc cạn, trông ra ngoài trời tuyết bay trắng xóa, trông lại quanh mình bằng hữu cũng không, có nhà mà không được về, vợ yêu sống chết chẳng biết. Tình cảnh thật là thê lương vô hạn, Lâm Xung càng ngẫm càng cay đắng, bèn gọi tửu bảo lấy bút nghiên đề mấy câu thơ lên vách:

Lâm Xung dừng chân nghỉ lại, chén rượu rót tràn một mình ngửa cổ dốc cạn, trông ra ngoài trời tuyết bay trắng xóa, trông lại quanh mình bằng hữu cũng không
Lâm Xung dừng chân nghỉ lại, chén rượu rót tràn một mình ngửa cổ dốc cạn, trông ra ngoài trời tuyết bay trắng xóa, trông lại quanh mình bằng hữu cũng không. (Ảnh chụp màn hình Thuỷ Hử Liên Hoàn Hoạ)

“Khẳng khái thay Lâm Xung
Trung nghĩa dốc một lòng
Giang hồ từng nổi tiếng
Thiên hạ khét anh hùng
Thân thế thường chìm nổi
Công danh ngán bấp bông!
Ngàn sau như thỏa chí,
Vùng vẫy Thái Sơn Đông.”

Viết xong vứt bút xuống, lại ngồi uống rượu, không ngờ ngôi tửu quán ấy lại là của Lương Sơn Bạc, do hảo hán Chu Quý trông giữ. Lại là một chuyện tưởng tình cờ nhưng hoá ra là hữu ý. Cuộc đời Lâm Xung cứ đi qua cơ man nào là những “tình cờ” như vậy: tình cờ vào Bạch Hổ Đường, tình cờ tương ngộ Lỗ Trí Thâm, tình cờ gặp Sài Tiến, và cuối cùng là tình cờ lên Lương Sơn…

Ở đây, hãy thử dừng lại phân tích một chút về cái gọi là “tâm lý Lâm Xung”. Bước ngoặt cuộc đời của ông không phải là khi bước chân nhầm vào Bạch Hổ Đường, mà chính là lần chết hụt trong trận hỏa hoạn ở Thảo Đường. Trước đêm ấy, một “Lâm Xung cũ” dù buồn chán, bất bình nhưng vẫn mang danh phận “giáo đầu 80 vạn cấm quân”, dù bị thích chữ lên mặt, đày đi nơi xa mà vẫn mong có ngày được chiêu tuyết minh oan. Thế nên cái cô đơn, bải hoải hay niềm căm hận của Lâm Xung lúc ở Thảo Đường chịu rét nặng về tình riêng, thù nhà hơn. Lâm Xung ấy chỉ mong một đao đoạt mạng những kẻ thủ ác đã đẩy mình vào cảnh tù đày. Nói cách khác, ấy là một Lâm Xung cam chịu, ẩn nhẫn, chờ thời.

Nhưng ngọn lửa dữ dội ở Thảo Đường không chỉ liếm cháy cỏ khô, mà còn thiêu rụi tấm lòng của “Lâm Xung cũ”. Lúc này, Lâm Xung chợt hiểu: “Ồ, hoá ra sự tình là thế! Lũ tiểu nhân đâu có chừa cho ta một cửa sống nào! Chỉ cần ta còn sống thì chúng không từ thủ đoạn hãm hại ta!”. Ngọn lửa ở Thảo Đường bùng lên đã kích phát một ngọn lửa khác trong lòng Lâm giáo đầu: ngọn lửa của một anh hùng thực thụ. Một “Lâm Xung mới” lộ diện… Lâm Xung mới đã tỉnh ngộ, đã hiểu rằng từ bây giờ ông không thể nào quay lại những ngày tháng tươi đẹp năm xưa, không thể là một giáo đầu uy nghiêm, được trọng vọng, không thể đưa hiền thê đi lễ chùa vãn cảnh mỗi ngày tuần hay lang thang giải phiền ở những tửu lầu của kinh thành nữa. Lâm Xung bây giờ đã tuyệt đường về! Vậy thì chỉ có bước tiếp mà thôi. Ngọn lửa thiêu cháy đường về của Lâm Xung nhưng cũng thúc ép ông phải tiến lên, dù tương lai đang mịt mờ và ảm đạm như trận gió tuyết trong đêm hôm ấy ở miếu Sơn Thần.

Ngọn lửa thiêu cháy đường về của Lâm Xung nhưng cũng thúc ép ông phải tiến lên, dù tương lai đang mịt mờ và ảm đạm như trận gió tuyết trong đêm hôm ấy ở miếu Sơn Thần. 
Ngọn lửa thiêu cháy đường về của Lâm Xung nhưng cũng thúc ép ông phải tiến lên, dù tương lai đang mịt mờ và ảm đạm như trận gió tuyết trong đêm hôm ấy ở miếu Sơn Thần. (Ảnh chụp màn hình Thuỷ Hử Liên Hoàn Hoạ)

Khi đã hiểu ra tất cả câu chuyện đều là mưu gian kế độc của bè lũ Cao Cầu, điều đầu tiên Lâm Xung nghĩ đến là: “Trời đã thương Lâm Xung tôi!”. Một kẻ cô độc không chốn dung thân, không cửa không nhà, không người thân thích, thân mang trọng tội, đi đày nơi xa vậy mà vẫn có kẻ còn muốn ông phải tuyệt đường sống, hãm hại ông. Không còn đường lùi! Phải bước đi! Lâm Xung ra đi trong đêm gió tuyết, con đường trước mặt mịt mù nhưng trong tâm thì đã sáng tỏ. Ông Trời đã chọn Lâm Xung phải là một anh hùng đội trời đạp đất, nghiêng sông lật bể, chí tại bốn phương. Lâm Xung không thể cứ mãi ở Thảo Đường trông coi cỏ khô, cũng không thể cứ mãi sống những tháng ngày vô nghĩa, ngay ngáy lo kẻ khác hãm hại mình. Đường tới Lương Sơn, đến với nơi thay Trời hành đạo đã ngày càng hiển lộ rõ…

Tuyết giăng đầy trời, gió Bắc thổi rát mặt, Lâm Xung ngược đường, cầm thư tay của Sài Tiến mà hăm hở hướng đến đầm nước. Có lẽ ông đã biết được rằng mình đang ở trên con đường trở về với nơi đã sinh ra sinh mệnh…

(Còn tiếp…)

Thanh Phong - Minh Nguyệt



BÀI CHỌN LỌC

Thủy Bạc Lương Sơn ký: Lâm Xung võ nghệ trùm đời trong sự an bài của thiên thượng (Phần 2)