Thủy Hử: Kỳ nữ Quỳnh Anh  được Thần nhân truyền võ công trong mộng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong tiểu thuyết Thủy Hử, khi Quỳnh Anh vừa bước ra đã làm quần hùng dậy sóng, một thiếu nữ như hoa xuân tròn mười sáu tuổi, chỉ dùng công phu ném đá mà đả thương bảy vị anh hùng Lương Sơn. Quỳnh Anh vốn là kiều nữ phú gia, sau khi song thân gặp nạn, may sao cô được Trời thương: Thần nhân nhập mộng truyền võ công. ‘Thiên Tiệp Tinh’ là vị Thần dạy cô kỳ thuật ném đá. Kỳ duyên, kỳ mộng, kỳ thuật trong giấc mộng của hai người khi xưa đã được Trời Đất xe duyên thành một cặp giai nhân hoàn mỹ.

Sau khi Tống Giang tiếp nhận chiêu an của triều đình Đại Tống, phụng mệnh dẫn quân tiễu trừ đạo tặc Điền Hổ - một trong bốn băng đảng giặc cướp lớn chiếm cứ Hà Bắc xưng vương.

Tống Giang vây đánh Kiều Đạo Thanh, Điền Hổ triệu tập các quan văn võ để thương thảo đối sách. Quốc cữu Ổ Lê tấu báo xin cho con gái là Quỳnh Anh được làm quân tiên phong, nhất định sẽ đánh bại Tống Giang.

Quỳnh Anh khi ấy mới mười sáu tuổi, thiếu nữ như hoa xuân, vừa ra trận đã thể hiện đầy đủ chí khí anh hùng, lấy cờ hiệu với dòng chữ: ‘Bình Nam Tiên phong tướng Quận chúa Quỳnh Anh’. Một thiếu nữ đảm nhiệm chức chủ tướng tiên phong, các anh hùng Lương Sơn lần đầu được thấy, nên một phen nói cười ầm ĩ, chiêng trống khua rầm trời.

Vương Anh háo sắc khinh địch, thúc ngựa xông lên trước, nhưng bị Quỳnh Anh đâm một giáo lộn nhào, Hỗ Tam Nương thấy trượng phu Vương Anh trúng thương, lập tức phi ra tiếp viện. Quỳnh Anh vung tay ném đá, bách phát bách trúng, Lâm Xung, Lý Đạt, Vương Anh, Hỗ Tam Nương… tổng cộng bảy vị danh tướng đều bị đả thương.

Một thiếu nữ kiều diễm tuổi nhỏ, sao lại có võ công ghê gớm như vậy?

Gia đình gặp biến, cả nhà bị bắt vào sào huyệt giặc cướp

Quỳnh Anh thân tại doanh trại giặc, không người thân thích, với tư chất thông mẫn Trời cho, cô hiểu rằng không thể thoát khỏi hang hùm. Do Nghê Thị yêu quý cô nên nhận cô làm con nuôi. Tranh "Sĩ nữ đồ". (Miền công cộng).

Quỳnh Anh, nguyên là họ Cừu, không phải là con gái ruột của Ổ Lê. Cô là kiều nữ của một gia tộc giàu có ở Miên Thượng huyện Giới Hưu. Cha cô là Cừu Thân, mẹ là Tống Thị, trên đường chạy loạn gặp giặc cướp, cha bị cướp giết, mẹ bị bắt. Nhà họ Cừu có một quản gia tên Diệp Thanh, vợ chồng họ Diệp thấy chủ nhân gặp nạn, vẫn giữ lòng trung, một mực chăm sóc Quỳnh Anh như xưa, bảo vệ đứa con của Cừu gia.

Sau đó một năm, Điền Hổ nổi loạn, phái Ổ Lê mang quân đi cướp bóc, bắt người. Vợ chồng Diệp Thanh cùng Quỳnh Anh bị chúng bắt đi. Ổ Lê không có con, thấy Quỳnh Anh dáng vẻ thanh tú, nên mang tới cho vợ là Nghê Thị xem mặt. Vừa thấy Quỳnh Anh Nghê Thị đã ưng lòng, xem cô như con đẻ. Quỳnh Anh trong trại giặc không ai thân thích, sự thông huệ Trời cho mách bảo cô rằng không thể trốn thoát khỏi hang hùm này được. Do Nghê Thị nhận cô làm con nuôi nên ba người chủ tớ nhà họ Cừu đành cam phận sống nhờ trong trại giặc. Diệp Thanh cũng theo đó làm tổng quản.

Sau đó, Ổ Lê phái Diệp Thanh đi khai thác đá, Diệp Thanh vô tình phát hiện ra thi hài của chủ mẫu Tống Thị. Khi đó ông mới hiểu, chính Điền Hổ là hung thủ sát hại chủ nhân của mình. Tống Thị sau khi bị Điền Hổ bắt đi, để thủ tiết bà đã gieo mình xuống vách núi tuẫn tiết. Kỳ lạ ở chỗ, qua thời gian ba năm mà thi hài của bà vẫn hoàn hảo như xưa. Diệp Thanh lệnh quân sĩ mai táng chu đáo, rồi đem sự việc âm thầm thuật lại cho Quỳnh Anh.

Trong mộng học võ - Thần nhân truyền võ công

Nghe xong, Quỳnh Anh lòng đau như vạn tiễn xuyên tâm, ngày đêm khóc không thành tiếng, âm thầm tìm cách báo thù cho cha mẹ. Có lẽ lòng hiếu làm cảm động Thần linh, từ đó trở đi, cô thường nằm mộng thấy Thần nhân dạy cô võ nghệ. Quỳnh Anh là người thông tuệ bẩm sinh, tỉnh giấc nhớ rõ ràng tất cả chiêu thức, tự luyện tập một mình trong phòng. Thần nhân truyền võ, đâu phải chuyện thường. Thời gian lâu dần, Quỳnh Anh cũng luyện tới chỗ thành thục, tinh thông.

Mùa đông năm Tuyên Hòa thứ tư, Quỳnh Anh lại nằm mộng thấy một vị tú sĩ (chỉ người có đức hạnh Đạo thuật xuất chúng) đầu đội khăn xếp, mời một vị hào kiệt đứng hàng thứ 16 trong 108 anh hùng Lương Sơn, tên là Trương Thanh ‘Thiên Tiệp Tinh’ đến, dạy cho Quỳnh Anh một kỳ thuật gọi là Đả Phi Thạch (thuật ném đá). Cũng trong giấc mộng này, vị tú sĩ tiết lộ: Quỳnh Anh và vị Thiên Tiệp Tinh - Trương Thanh này là có duyên vợ chồng từ tiền kiếp.

Cả ba sự kiện: Kỳ mộng - kỳ duyên - kỳ thuật cùng lúc ban xuống cho người con có hiếu. Quỳnh Anh nhanh chóng lĩnh hội võ công cùng dị thuật. Về sau, khắp nơi trong thành người ta đều biết tài ném đá trăm phát trăm trúng của cô, họ đặt cho cô biệt danh ‘Quỳnh thỉ thốc’ (Đầu mũi tên Quỳnh Anh).

Tú sĩ truyền Thần dụ: Phá giặc cần có ‘Quỳnh thỉ thốc

Nhìn từ các chương hồi khác nhau của mạch truyện, vị tú sĩ nhập mộng truyền võ thuật này có năng lực không hề tầm thường, có thể biết trước việc thế sự, có thể tự nhiên như nhiên xuyên việt thời không mà câu thông với nguyên thần của người ta.

Trong hồi 93 “Thủy Hử truyện”, vị tú sĩ này tiến nhập vào giấc mộng của Lý Đạt, dặn dò mười từ yếu quyết: ‘Yếu di Điền Hổ tộc, tu hài Quỳnh thỉ thốc’ (Tạm dịch: muốn san phẳng tộc Điền Hổ, phải mời được ‘Quỳnh thỉ thốc’ giúp). Lý Đạt tỉnh giấc xong kể cho mọi người. Tống Giang và Ngô Dụng đều biết ‘Quỳnh thỉ thốc’ có hàm nghĩa gì. Tú sĩ trong mộng ‘Đầu đội khăn xếp, thân khoác đạo bào vàng nhạt’ từ phục sức này có thể thấy đây là một cao nhân của Đạo gia.

Quân Nam, Bắc hai bên giao chiến, thống soái quân Bắc là Ổ Lê bị trúng tên độc, chủ quản Diệp Thanh nhân dịp này mượn cớ ra ngoài thành tìm danh y chữa trị, rồi tới doanh trại của Tống Giang nói muốn theo sang. Diệp Thanh kể rõ sự tình chủ nhân bị hại cho quân Nam, cùng giấc mộng kỳ lạ của Quỳnh Anh, muốn báo thù rửa hận cho chủ nhân.

Khi đó Tống Giang được biết, vào một ngày đông năm trước, Trương Thanh cũng gặp dị mộng, trong mộng vị tú sĩ đã mời ông đi dạy cho một thiếu nữ thuật ném đá, đồng thời vị tú sĩ còn nói rằng Trương Thanh và thiếu nữ ấy có nhân duyên tiền kiếp. Từ khi Diệp Thanh xuất hiện, thân phận chân thực của Quỳnh Anh cũng được lộ ra. Tống Giang biết ngay đây chính là nhân vật trọng yếu để tiêu diệt gia tộc Điền Hổ. Thế là Ngô Dụng sắp đặt kế sách, để Trương Thanh, An Đạo Toàn, Diệp Thanh bí mật thi hành.

Giai nhân trong mộng kết duyên lành

許允與妻子結婚當天,二人敬拜天地,禮拜父母後,結婚儀式在熱鬧的氣氛中,漸漸進入尾聲。圖為清朝乾隆年間徐揚所畫《姑蘇繁華圖》局部,描繪中式婚禮中新郎、新娘拜堂的過程。(公有領域)
Người trong mộng ngày ấy, sau bái đường kết duyên chồng vợ. Tranh “Cô Tô phồn hoa đồ” của Từ Dương thời Càn Long nhà Thanh, miêu tả cảnh cô dâu chú rể thời cổ trong lễ bái đường thành thân. (Miền công cộng).

Lấy lý do trị bệnh cho Ổ Lê, Diệp Thanh mang Trương Thanh, An Đạo Toàn quay về doanh quân Bắc. Thần y ra tay, quả nhiên thuốc vào bệnh hết, mạng sống Ổ Lê đang mong manh như chỉ mành treo chuông, rất nhanh chuyển nguy thành an.

Tại võ đường, Diệp Thanh so tài cùng Trương Thanh. Quỳnh Anh đứng ngoài nhìn thấy Trương Thanh, chấn động tỉnh ngộ - đó chính là vị sư phụ ‘Thiên Tiệp Tinh’ đã dạy cô dị thuật ném đá trong mộng. Quỳnh Anh tự mình thăm dò võ công, cô xuất thủ ném ra một viên đá nhanh như chớp, chỉ thấy Trương Thanh duỗi nhẹ tay bắt viên đá, ra chiêu qua lại một hồi, đều không làm khó được Trương Thanh.

Thuật ném đá của Trương Thanh, khi vung tay nhanh như sao rơi điện chớp, đá bay tới làm quỷ khốc thần sầu. Khi xưa ông giao chiến với quần hùng Lương Sơn, chỉ một lúc đã đả thương 15 vị hào kiệt. Với võ công cao siêu như vậy mà truyền cho Quỳnh Anh thuật ném đá thì quá đủ để nổi danh. Khi trước là người trong mộng, sau này bái đường kết phu thê.

Cặp giai nhân Trời sinh, thề non hẹn biển gắn bó keo sơn. Đêm tân hôn, Trương Thanh nói ra thân phận chân thực của mình, Quỳnh Anh cũng thổ lộ niềm oan khổ trong tâm. Hai người thì thầm nói chuyện thâu đêm. Cuối cùng hai người nội công ngoại kích tiêu diệt Điền Hổ, lập được công lớn.

Kỳ nữ trung trinh, nuôi dạy cô nhi thành chiến tướng

Kỳ duyên, kỳ mộng, kỳ thuật, thành tựu lên mối nhân duyên. (Shutterstock)

Phương Lạp nổi loạn phương Nam, cải niên kiến hiệu, cát cứ xưng vương. Tống Giang phụng chỉ đi đánh dẹp. Khi đó, Quỳnh Anh đang mang thai, ốm yếu, ở lại Đông Kinh, còn Trương Thanh dẫn quân xuất chinh. Trong thời gian chinh thảo Phương Lạp, Quỳnh Anh sinh hạ quý tử, đặt tên là Trương Tiết.

Trong trận chiến Độc Tùng Quan, Trương Thanh bị tướng giặc sát hại. Quỳnh Anh nghe tin kinh động hôn mê, sau đó thủ tiết thờ chồng, cùng bà cụ An Thị nuôi con trưởng thành.

Sau này Trương Tiết lớn lên, trở thành một vị tướng lĩnh kháng Kim. Tại trận Hòa Thượng Nguyên, Trương Tiết cùng danh tướng Nam Tống Ngô Giới đánh bại Kim Ngột Thuật, làm đại quân Kim hoảng loạn tháo lui. Do lập nhiều chiến công, ông được phong tước quan, về nhà hiếu dưỡng mẫu thân cho đến tận cuối đời. Quỳnh Anh cả đời thủ tiết, giữ hiếu nghĩa, những năm cuối đời bà được triều đình ban thưởng vinh danh.

Quỳnh Anh nguyên chỉ là một nữ nhân bình thường, do gặp kỳ mộng, kỳ thuật, kỳ duyên, cũng là do cô làm người biết gánh vác, kiên định thủ tín mà được Thần nhân che chở, làm cho cô có bản lĩnh nổi bật, vận mệnh hiển vinh.

Đỗ Nhược - Epoch Times
Thái Bình biên dịch

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Thủy Hử: Kỳ nữ Quỳnh Anh  được Thần nhân truyền võ công trong mộng