Thuyền cỏ mượn tên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện được lưu truyền rộng rãi nhất về trận Xích Bích là "Thuyền cỏ mượn tên" của Gia Cát Lượng. Trong chính sử không có ghi chép Thuyền cỏ mượn tên, nhưng trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung thì miêu tả hết sức sinh động.

Chu Du hội cả các tướng dưới trướng, mời Khổng Minh đến bàn việc. Khổng Minh đến. Du hỏi: “Nay sắp đánh nhau với Tào Tháo ở trên mặt sông, nên dùng vũ khí gì đánh cho tiện?”

Khổng Minh thưa: “Trên mặt sông lớn, cốt lấy cung tên là đầu”.

Du nói: “Lời tiên sinh hợp ý tôi lắm! Hiện trong quân đang thiếu tên bắn, phiền tiên sinh trông nom giúp cho việc làm mười vạn chiếc tên. Đây là việc công, xin tiên sinh chớ nên từ chối”.

Khổng Minh nói: “Đô đốc đã sai, tôi xin hết sức. Xin hỏi mười vạn tên khi nào dùng đến?”

Du hỏi: “Trong mười hôm, có làm xong không?”

Khổng Minh nói: “Quân Tào nay mai sắp đến, nếu đợi mười ngày, việc lớn hỏng mất”.

Du hỏi: “Tiên sinh liệu độ mấy hôm thì xong?”

Khổng Minh thưa: “Trong nội ba ngày sẽ nộp đủ mười vạn tên”.

Du nói: “Việc quân không phải trò đùa đâu!”

Khổng Minh nói: “Đâu có dám đùa với đô đốc, tôi xin làm giấy cam đoan, nếu ba ngày không xong, cam chịu trọng tội”.

Chu Du vừa nghe xong giật mình sửng sốt, cho rằng Gia Cát Lượng nói khoác. Nhưng Gia Cát Lượng vẫn tỏ ra bình tĩnh không chút vội vã, lại còn ký quân lệnh, nếu đến thời hạn mà không giao nộp đủ 10 vạn tên sẽ chấp nhận xử theo quân pháp.

Gia Cát Lượng bèn đến tìm mưu sĩ Lỗ Túc của Đông Ngô chuẩn bị 20 chiếc thuyền, mỗi chiếc có chừng ba mươi quân sĩ, trên thuyền dùng vải đen làm màn che xung quanh, lại bó cỏ với rơm cho nhiều. Đồng thời Gia Cát Lượng cũng yêu cầu Lỗ Túc bảo mật kế sách này. Lỗ Túc chuẩn bị chu đáo thuyền và những thứ mà Gia Cát Lượng cần, tuy nhiên ông lại không hiểu được huyền cơ bên trong là gì.

Gia Cát Lượng nói rằng nội trong ba ngày có thể hoàn tất 10 vạn mũi tên, nhưng ngày thứ nhất thấy ông chẳng có chút động tĩnh, ngày thứ hai cũng tương tự, đến ngày thứ ba phải giao nộp mà ngay cả một mũi tên cũng không thấy đâu hết, ai ai cũng toát mồ hôi lo lắng cho Gia Cát Khổng Minh.

Lỗ Túc vâng lệnh Chu Du, đến gặp Khổng Minh. Khổng Minh nói: “Ta đã bảo Tử Kính đừng nói chuyện gì với Công Cẩn, e Công Cẩn lại tìm kế hại ta. Không ngờ Tử Kính không chịu giấu giếm họ, hôm nay, quả nhiên lại có chuyện. Trong ba ngày, làm sao vót nổi mười vạn tên, Tử Kính phải cứu ta mới được”.

Túc nói: “Ông tự rước lấy tội, tôi biết cứu làm sao bây giờ?”

Khổng Minh mới nói: “Tử Kính cho ta mượn hai chục chiếc thuyền, mỗi chiếc dùng ba chục tay thủy thủ tốt. Trên thuyền căng vải xanh che chung quanh, và xếp hơn nghìn bó cỏ ở hai bên mạn thuyền. Ta sẽ có kế. Đến ngày thứ ba bảo đảm có đủ hai mươi vạn tên cho mà xem. Nhưng chớ để cho Công Cẩn biết nữa, nếu hắn biết thì kế ta hỏng mất đó”.

Vào lúc nửa đêm của ngày thứ ba, Gia Cát Lượng âm thầm mời Lỗ Túc lên một chiếc thuyền nhỏ, Lỗ Túc hỏi: “Ông gọi tôi đến có việc gì?”

Khổng Minh nói: “Mời ông cùng đi lấy tên một thể”.

Túc hỏi: “Lấy tên ở đâu?”

Khổng Minh nói: “Tử Kính không phải hỏi, cứ đi sẽ biết”.

Nói rồi, Khổng Minh sai lấy thừng chạc dàng cả hai chục thuyền làm một, cho bơi thẳng lên phía bắc. Đêm ấy, sương mù phủ kín trời, trên mặt sông lại càng mờ mịt, giáp mặt không trông thấy nhau. Khổng Minh giục quân chèo thuyền đi thật gấp. Quả thật là sương mù rất đẹp, rất nên thơ.

Lỗ Túc sợ hãi hỏi: “Quân Tào ùa ra thì làm thế nào?”.

Khổng Minh cười đáp: “Tôi chắc Tào Tháo thấy sương mù thế này, không dám cho quân ra. Chúng mình cứ yên chí uống rượu làm vui, đợi khi nào sương tan thì về”.

Canh năm đêm ấy, thuyền đến sát thủy trại của Tào Tháo. Khổng Minh sai đổ thuyền quay mũi về hướng tây, dàn thành hàng chữ nhất, rồi đánh trống và hò reo ầm ĩ. Trong trại Tào, nghe thấy tiếng trống đánh, tiếng reo hò, Mao Giới, Vu Cấm vội vàng phi báo với Tào Tháo. Tháo truyền lệnh rằng: “Sương mù dày đặc, quân giặc kéo đến bất thần, tất có mai phục, không nên khinh động”.

Tháo chỉ ra lệnh cho quân cung nỏ bắn tứ tung ra, lại sai người lên trại cạn gọi Trương Liêu, Từ Hoảng mỗi người dẫn ba nghìn quân cung nỏ cấp tốc đến bờ sông trợ chiến. Hiệu lệnh đến nơi thì Vu Cấm, Mao Giới sợ quân nam tràn vào thủy trại, đã sai quân bắn rào rào ra rồi một lát quân trên cạn cũng đến, ước hơn vạn người, đều chĩa vào chỗ có tiếng trống bắn xuống như mưa.

Kế sách mượn tên của gia cát lượng
Quân Tào phái khoảng một vạn cung thủ nhanh chóng đến nơi có tiếng hò hét mà bắn cung tới tấp. (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Khổng Minh một mặt lại sai quay mũi thuyền về phía tây, áp vào trại thủy đỡ lấy tên; một mặt vẫn cứ thúc trống hò reo ầm ĩ. Khi mặt trời đã mọc, sương mù dần tan, Khổng Minh sai thu thuyền kéo về. Các bó cỏ trên hai chục chiếc thuyền, bó nào cũng chi chít những tên cắm.

Khổng Minh sai quân sĩ đồng thanh reo to lên rằng: “Tạ ơn thừa tướng giúp tên!”

Khi quân vào báo cho Tháo biết, thì thuyền nhẹ nước xuôi, đã đi xa hàng hai chục dặm rồi, đuổi không kịp nữa. Tào Tháo tức bực vô cùng.

Khổng Minh quay thuyền về nói với Lỗ Túc rằng: “Mỗi thuyền được ước chừng năm sáu nghìn tên mà không hề tốn chút công sức nào của Đông Ngô cả. Thế là đã được hơn mười vạn tên, nay mai lại đem tên bắn lại quân Tào, chẳng tiện lắm ư?”

Túc nói: “Tiên sinh thực là Thần Thánh. Làm sao lại biết đêm nay có sương mù lớn thế?”

Khổng Minh nói: “Làm tướng mà không biết thiên văn, không tường địa lý, không biết được thuật pháp, không hiểu được âm dương, không tính trận đồ, không giỏi binh thế, đó là tướng xoàng. Từ ba hôm trước, ta đã tính biết hôm nay có sương mù lớn, nên mới dám nhận thời hạn ba hôm. Công Cẩn hạn cho ta mười ngày, mà thuyền thợ, đồ dùng không có gì đủ, chực đem một tội lỗi nhỏ để hại ta; nhưng số mệnh ta đã có Trời, hại làm sao nổi!”

Lỗ Túc chịu là giỏi. Thuyền vừa cập bến, đã thấy năm trăm quân của Chu Du đứng chực lĩnh tên. Khổng Minh bảo lên thuyền mà lấy, được hơn chục vạn chiếc đem về nộp. Lỗ Túc vào ra mắt Chu Du, thuật lại cả việc đi lấy tên. Du giật mình, thở dài than rằng: “Khổng Minh mẹo Thần, tính giỏi, ta thật không bằng!”

Ngày sau có thơ rằng:

Sương mù mờ mịt khắp Trường Giang
Gần xa không rõ nước mênh mang
Tên bắn như mưa thuyền không núng
Khổng Minh tài trí vượt Chu Lang

Câu chuyện đặc sắc “Thuyền cỏ mượn tên” (Thảo thuyền tá tiễn) được Đoàn Nghệ thuật Shen Yun dàn dựng dưới hình thức vũ đạo, tái hiện lại tài năng và trí tuệ siêu phàm của Gia Cát Lượng, có thể xem trực tuyến ở Shen Yun Zuo Pin.

Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa

Hoàng Mai



BÀI CHỌN LỌC

Thuyền cỏ mượn tên