Tiên tri chấn động từ 1.000 năm trước của Đại Sư Tây Tạng - Thời Mạt Pháp phải chăng là thời hiện tại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mạt Pháp mạt thế - là điều được nhắc đến trong dự ngôn của rất nhiều cao nhân từ Đông sang Tây, trong đó có lời tiên tri chấn động từ 1.000 năm trước của một vị Đại Sư Tây Tạng.

Tiên tri chấn động từ 1.000 năm trước của Đại Sư Tây Tạng

“Khi chim sắt bay trên không trung (tức máy bay), ngựa sắt chạy trên đất (tức tàu hỏa và xe hơi) thì đó là thời đại mạt Pháp đến.... Đàn ông trở nên thô tục, buông thả. Đàn bà không còn trong sạch nữa. Các tu sĩ không giữ giới và đức hạnh...

Thiên lý bị đảo lộn, gây ra dịch bệnh, nạn đói và chiến tranh làm khủng hoảng đời sống thế gian”.

Đó chính là lời tiên tri kỳ lạ - được cho là “chuẩn xác lạ thường” của đại sư Liên Hoa Sinh của Tây Tạng về tương lai nhân loại hiện đại.

Tương truyền, trước khi Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn, ngài đã nói với các đệ tử của mình rằng: sau khi Ngài lìa thế gian, sẽ có một Đấng Thông thái sinh ra trong một đóa hoa sen - được gọi là Liên Hoa Sinh.

Đấng thông thái mà Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc đến chính là Đại sư Liên Hoa Sinh, người truyền bá Phật giáo sang Tây Tạng và được các đệ tử tôn kính gọi là “Đức Phật thứ hai”.

Bức tranh tường Đức Liên Hoa Sinh ở Bhutan (Nguồn wikipedia/ CC BY-SA 3.0)

Hơn 1000 năm trước đây, đức Liên Hoa Sinh đã thấy trước những sự kiện sẽ diễn ra trong thời đại ngày nay, như: Thiên tai xảy ra khắp nơi, nạn đói và dịch bệnh tràn lan, cuộc xâm lăng Tây Tạng, đền chùa và tượng Phật bị phá hủy, các tu sĩ bị sát hại… Đối chiếu với ngày nay. Có thể thấy đó đều là những dự ngôn chuẩn xác lạ thường.

Đức Liên Hoa Sinh còn dự ngôn rằng: vào thời mạt Pháp đó, rất nhiều người xuất gia truy cầu danh lợi, họ tích lũy tài sản nhưng không làm Phật sự, không tụng kinh văn mà đắm chìm trong ca múa giải trí, phá giới mà trong tâm không hổ thẹn.

Điều này được cho là khá tương đồng với lời giảng của Đức Phật Thích Ca. Trong đoạn 17 “phân Diêm Phù đề phẩm” - quyển thứ 55 “Nguyệt Tạng Phân” của “Đại Tập Kinh”, Phật Thích Ca có giảng: “Này những bậc thông hiểu thanh tịnh! Cứ thế về sau, ở trong Pháp ta, tuy cạo đi tóc râu, mặc lên áo cà sa, nhưng huỷ phá Giới cấm, hành xử không như Pháp, là Tì Kheo giả”.

Tình trạng hỗn loạn hiện nay trong tôn giáo

Điều kinh ngạc nhất là tình trạng hỗn loạn hiện nay trong tôn giáo khá tương ứng với thời Mạt Pháp đã được nhắc đến trong dự ngôn của Đức Liên Hoa Sinh. Nói cách khác, vào thời kỳ Mạt Pháp, Ngũ Hành đảo ngược, thế đạo hỗn loạn.

Tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, ba nhà sư đã xây dựng một tu viện, họ hút thuốc, uống rượu, chơi mạt chược, còn bại hoại đến mức vẽ tranh khỏa thân, gọi là cải cách tôn giáo và bắt kịp với thời đại.

Hòa thượng Trung Quốc ăn thịt, uống rượu, bao gái đã là hiện tượng không hiếm gặp (Ảnh: SOH France)

Thậm chí chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, nơi Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma hơn 1.500 năm trước từng quay mặt vào vách tu hành, cũng không thoát khỏi vận rủi. Trụ trì chùa Thiếu Lâm Thích Vĩnh Tín, kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Phật giáo tỉnh Hà Nam, bị mọi người gọi là CEO Thiếu Lâm Tự - từng bị giới truyền thông lên án vì bao nuôi nữ sinh Đại học Bắc Kinh, chơi gái mại dâm, có tiền tiết kiệm kếch xù và biệt thự ở hải ngoại.

Những lãnh đạo tôn giáo này trà trộn vào vòng chính trị thương mại, dấn thân vào ngành giải trí thời đại mới, mang đến cho giới tôn giáo cái gọi là "bước tiến cùng thời đại", nhưng thực chất là đang làm bại hoại tôn giáo.

Lại có sư thầy Thích Trí Thông, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Phật giáo Ôn Châu, bị tố cáo là không những lấy vợ sinh con mà còn thường ăn thịt, đi xe chuyên dụng Land Rover, Audi, nghỉ đêm tại khách sạn 5 sao.

"Nhà sư" Shi Zhitong, trụ trì hai ngôi chùa ở Ôn Châu, Chiết Giang (ảnh trực tuyến)

Thích Trí Thông, Phó chủ tịch điều hành Hiệp hội Phật giáo Ôn Châu (Ảnh SOH)

Một trường hợp kinh hoàng hơn là sư Phra Wirapol Sukphol, trụ trì chùa Pa Khanti Tham ở tỉnh Sisaket, trước khi chạy trốn sang Mỹ, ông ta đã bị tịch thu gần 11 triệu USD từ tài khoản ngân hàng cá nhân. Ông này cũng đối mặt với cáo buộc lạm dụng trẻ vị thành niên, rửa tiền, trốn thuế và tàng trữ ma túy.

Sư thầy này trở thành tâm điểm của báo chí, sau khi mạng Internet lan truyền video ghi lại cảnh ông ta đang ngồi trên máy bay riêng, đeo kính mát và mang túi xách hàng hiệu. Ông ta cũng được cho là sở hữu hơn 100 xe hơi đắt tiền và nhiều khu đất lớn. Tháng 7/2016, sư thầy này bị bắt giữ tại Mỹ sau 3 năm chạy trốn sự truy nã của cảnh sát Thái Lan.

Tại Mỹ, một cuộc điều tra tư pháp được công bố vào tháng 8 năm 2018 đã buộc tội hơn 300 linh mục về tội có hành vi ấu dâm trên gần 1.000 trẻ em ở tiểu bang Pennsylvania.

Năm 2012, chính phủ Úc đã cho lập Ủy ban Hoàng gia có nhiệm vụ điều tra các cáo buộc đối với hành vi lạm dụng trẻ em; và kết luận rằng 7% linh mục Công giáo La Mã của Úc bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, trong thời gian từ năm 1950 đến 2010.

Giáo hoàng Francis nói trong bài giảng được Vatican công bố sau đó: ''Trước Chúa, ta bày tỏ nỗi buồn về tội lỗi và tội ác nghiêm trọng của các giáo sĩ đối với các con. Và ta mong muốn nhận được sự tha thứ vì những sai lầm của những người đứng đầu Giáo hội, khi không thể ngăn chặn và phản ứng kịp thời trước tố cáo đến từ gia đình và chính các nạn nhân".

Kỳ thực hiện nay, nhiều tổ chức tôn giáo không còn là nơi để tu hành, mà chỉ như là đơn vị làm việc. Như chúng ta đã biết, Pháp mà Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Giêsu giảng là các Chính Pháp, thực sự giúp con người thăng hoa cảnh giới, tư tưởng, đạo đức.

Những Giác giả, Thánh nhân này được coi là những nhà giáo dục vĩ đại, truyền Đạo lập Đức, đặt định văn hóa, giúp khai mở trí huệ cho con người. (Tranh Loc Minh Duong)

Nhưng nếu người tu bề ngoài chạy theo hình thức, còn bên trong không chân chính tuân thủ giới luật, không nâng cao đạo đức theo yêu cầu của Pháp môn, thì bản thân họ đã lệch khỏi con đường tu hành chân chính.

Kinh ngạc bao nhiêu từ dự ngôn chính xác của Đức Liên Hoa Sinh, thì chẳng phải chúng ta càng nên lo lắng bấy nhiêu cho vận mệnh của nhân loại?

Ngẫm về sự mê muội lớn nhất của con người thời mạt Pháp

Đức Liên Hoa Sinh cũng để lại dự ngôn về những hành vi, tư tưởng sai lệch của con người thời kỳ này. Ngài nói: “Người ta đi theo những con đường nguy hiểm chưa được biết trước đây. Nhiều lối tu hành gian tà lan rộng. Những hành vi vốn được coi là xấu xa thì lại được dung dưỡng; những tư tưởng mới trái ngược với phong tục cũ, những tục lệ tốt bị từ bỏ, những lối sống mới đáng khinh làm hư hỏng con người... Con người bị kẹt trong chính những hành động xấu của họ. Những người bảo hộ giáo lý thuần túy thì lại tham lam, giả dối, không làm tròn bổn phận của họ nữa”.

Nhiều người cổ súy tín đồ mê lạc vào những điều như dâng sao, giải hạn, giải oan. Nghĩa là dù gây ra bao nhiêu tội ác đi nữa, chỉ cần cúng lễ, thuê thầy khấn vái là thoát tội, không còn lo sợ báo ứng nữa, cho rằng đã “đền đáp” xứng đáng cho “vong” rồi.

Ai tu hành theo Phật Pháp đều biết tới luật Nhân quả báo ứng. Luật nhân quả không chỉ giải thích nguồn gốc những đau khổ của con người, mà quan trọng là sau đó khiến người ta có thể nâng cao đạo đức, và không làm việc gây tổn hại tới người khác.

Đức Phật Thích Ca dạy con người con đường thoát khổ, ấy là phải trừ bỏ điều ác, những dục vọng về danh, lợi, tình... Ngài có nói đại ý rằng: “Ta không ban phúc cho ai, cũng không gieo tai giáng họa cho ai. Hết thảy những gì các vị nhận được đều là do các vị tự tạo lấy”. Mọi việc đã có nhân quả rồi, muốn có “quả lành" thì phải gieo "nhân thiện" bằng cách nghĩ tốt, sống tốt, làm nhiều việc thiện.

Đức Phật và các đệ tử của Ngài đối diện với những kẻ nịnh bợ như thế nào? 
Đức Phật Thích Ca dạy con người con đường thoát khổ, ấy là phải trừ bỏ điều ác, những dục vọng về danh, lợi, tình...

Tại những dịp lễ hội lớn, nhiều tín đồ cố nhét tiền lẻ đầy khắp tượng Phật, với mong muốn đổi lại chút danh lợi từ mớ tiền lẻ chăng? Họ ra sức thờ cúng, cầu xin, nhưng trong tâm không có đạo đức và niềm tin chân chính.

Truyền thống xưa dạy rằng con người được gì thì chính từ Đức mà ra. Làm việc tốt hành thiện, gieo duyên lành thì gặp quả ngọt. Nhân quả báo ứng nhãn tiền. Con người ngày nay không còn tin vào điều ấy nữa.

Người ta khi mà tâm linh đã lầm lạc, trống rỗng, sẽ chối bỏ chốn tâm linh thuần thiện, không tin vào Chính Pháp, nhân quả; không còn biết sám hối; họ làm mọi việc chỉ để theo đuổi dục vọng, ham muốn vật chất. Đó cũng chính là lúc chúng ta chối bỏ sự bảo vệ, phù hộ độ trì của Thần Phật, đó cũng là nỗi bi ai lớn nhất của nhân sinh.

Dự ngôn về Mạt Pháp và tai họa thời Mạt kiếp

Nói về thiên tai, nhân họa sẽ xảy đến vào thời Mạt Pháp, đức Liên Hoa Sinh để lại dự ngôn: “Thiên lý bị đảo lộn, gây ra dịch bệnh, nạn đói và chiến tranh làm khủng hoảng đời sống thế gian.

Bọn nữ quỷ dữ tợn và mười hai nữ hộ pháp không được cúng tế nữa nên nổi giận thả lỏng các bệnh tật cùng các bệnh dịch khủng khiếp lan tràn như lửa cháy rừng, làm hại cả người lẫn gia súc. Những trận động đất gây nạn lụt bất ngờ, trong khi lửa, bão và gió lốc tàn phá đền chùa, tháp và các thành phố trong khoảnh khắc”.

Trong Kinh Phật có nói rằng, thấy Phật Pháp ở nhân gian rơi vào tình cảnh bị ô uế và phá hoại như thế, và con người cuối cùng sẽ phải chịu nhận báo ứng trừng phạt của Trời, Thần Phật đã rơi nước mắt.

"Khi Pháp tận diệt, lúc ấy chư Thiên rơi nước mắt, lũ lụt hạn hán thất thường, ngũ cốc không chín, dịch khí hoành hành, dân chúng tử vong… Kẻ ác nhiều như cát trong biển. Người thiện rất ít, chỉ có một vài người".

Quay đầu nhìn lại thời gian vừa qua tai họa rất nhiều, tai họa lớn như dịch bệnh, các tai họa khác như lũ lụt, hạn hán, mưa đá, nạn châu chấu, dịch hạch, bão lụt… có thể nói là dịch bệnh hoành hành, các loại tai họa cùng xảy ra.

Thời Mạt Pháp mà Đức Liên Hoa Sinh dự ngôn, phải chăng là muốn nói rằng vào thời này nhân loại đã không còn tín ngưỡng vào Thần, không còn niềm tin để gìn giữ đạo đức nữa?

Nói về những tai ương gần đây ở Mỹ quốc, nhiều người hỏi các tín đồ Cơ Đốc: “Cớ sao Thiên Chúa của các ông lại để cho bi kịch và thảm họa xảy ra với loài người?.

Bà Anne Graham Lotz là con gái của vị mục sư nổi tiếng nước Mỹ, cho biết: “Tôi tin chắc rằng Đức Chúa cũng giống như chúng ta vậy, đều rất đau lòng vì chuyện này. Tuy nhiên, người Mỹ trong mấy năm trở lại đây đã đuổi Ngài ra khỏi trường học, đánh bật Ngài ra khỏi chính phủ, loại trừ Ngài ra khỏi cuộc sống của chính mình”.

Mỹ cũng là nơi hợp thức hóa việc phá thai; cho phép trào lưu tình dục hóa mạnh mẽ làm biến dị đạo đức; đặc biệt niềm tin vào Chúa bị phủ nhận - với đề xuất rằng không được cầu nguyện trong trường học, bởi vì trường học nên trung lập với tôn giáo.

Còn về Ấn Độ, có người lý giải rằng tai ương, dịch bệnh bùng phát mạnh tại đây trong thời gian qua là vì họ đã quay lưng với tín ngưỡng chân chính. Ấn Độ vốn là cái nôi của tôn giáo - Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền xuất Chính Pháp của Ngài bắt đầu từ nơi đây. Nhưng ngày nay, cùng với sự biến mất của Phật giáo chính truyền chân chính, Ấn Độ đã phát triển rất nhiều tôn giáo khác, kèm theo vô số hủ tục đáng sợ và những nghi lễ cúng tế kỳ dị - vốn mang màu sắc tôn giáo nhưng hoàn toàn trái ngược với những giáo lý chân chính của Phật gia. Phải chăng đây cũng là dấu hiệu của thời Mạt Pháp như Đức Liên Hoa Sinh đã dự ngôn?

Còn nói về Trung Quốc ngày nay, tai họa liên tiếp giáng xuống. Cuối tháng 5, các tỉnh Thiểm Tây, Vân Nam, Thanh Hải ở Trung Quốc xảy ra động đất, tỉnh Chiết Giang xuất hiện sạt lở núi, tỉnh Hắc Long Giang xuất hiện gió lốc. Tháng 6, một số tỉnh của Trung Quốc xuất hiện mưa đá, động đất, cát đá trôi, lũ lụt…

Vào ngày 20/7, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã hứng chịu thảm họa lũ lụt do mưa lớn, kèm theo lượng nước lớn do chính quyền xả lũ đột ngột không báo trước. Sự tang thương, chết chóc tràn ngập Trịnh Châu.

Phải chăng là vì ĐCSTQ không ngừng đàn áp tín ngưỡng? Chính quyền này xóa bỏ lối sống, tập quán của người Tây Tạng, lăng mạ đức tin của người Kitô giáo, nhục hình tàn bạo, cướp mổ nội tạng các học viên Pháp Luân Công, áp bức vô số các tôn giáo thiểu số, và diệt chủng văn hóa người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ…

Tai hoa lũ lụt do đcstq gây ra
Hơn 2,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại 11 tỉnh miền nam Trung Quốc gần đây. (Ảnh: Epoch Times)

Một vị cao nhân nói rằng ĐCSTQ đã mua sẵn tấm vé địa ngục cho những người tin nghe theo nó, là vé một chiều. Thần không cho phép ma trắng trợn hành ác, và thiên tai, nhân họa sẽ giáng xuống đây. Đây có phải chính là dấu hiệu rõ ràng nhất của thời Mạt Pháp?

Lời kết

Người xưa từng giảng rằng, "trời không sinh tai bay vạ gió". Dịch bệnh, thiên tai phải chăng là lời cảnh tỉnh dành cho những người đã bại hoại, mất đi tín tâm chân chính vào Thần?

Luôn có một niềm tín Thần mãnh liệt từ xa xưa, rằng các vị Thần, Phật từ bi sẽ luôn bảo hộ con người, với điều kiện họ tuân thủ lời dạy của Thần.

Trong các kinh thư từ Đông sang Tây đều lưu lại dự ngôn, đại ý rằng vào thời Pháp mạt, Sáng Thế Chủ sẽ hạ thế truyền Pháp. Sau khi trải qua tất cả những tai họa này, sẽ có một tương lai tốt đẹp chờ đợi những người tín Thần đã vượt qua khảo nghiệm. Khi đó, ôn dịch biến mất, mưa thuận gió hòa, ngũ cốc phong phú, bách tính trường thọ, giàu có yên vui.

Phương Lam
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

Tiên tri chấn động từ 1.000 năm trước của Đại Sư Tây Tạng - Thời Mạt Pháp phải chăng là thời hiện tại?