Tiên tri khiến quần thần kinh hãi, 4 lần trời giáng dị tượng đều chỉ về 2 chữ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tam Quốc Diễn Nghĩa dựa trên quan điểm “xu thế chung của thiên hạ, phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân”, đã tạo ra thế cục phân thành ba nước thế chân vạc trong những năm cuối thời Đông Hán. Tuy nhiên, diễn biến của hoàn cảnh lịch sử chung có thực sự là kết quả của việc “phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân” hay không?

Tiên tri cổ xưa vô cùng đáng sợ

Có một thành ngữ được gọi là “một câu thành sấm”, trong lịch sử Trung Quốc có một lời tiên tri nổi tiếng như thế, tương truyền, nó xuất phát từ một cuốn sách có tên là “Xuân Thu sấm” vào thời Xuân Thu. Nguyên văn còn lưu truyền chép rằng: “Hán gia cửu bách nhị thập tuế hậu, dĩ mông tôn vong, thụ dĩ thừa tướng. Đại hán giả, đương đồ cao dã”. (Sau khi nhà Hán được 920 tuổi, con cháu chết, được trao lại cho thừa tướng. Người thay thế nhà Hán là Đồ Cao).

Vào thời điểm đó, câu nói này không thu hút bất kỳ ai chú ý. Rốt cuộc lúc đó là vào thời Xuân Thu, ai có thể nghĩ về sự tồn tại của “nhà Hán". Tuy nhiên, đến năm 202 TCN, khi Đại Hán thực sự bước lên vũ đài của lịch sử, câu “Đại hán giả, đương đồ cao dã” (Người thay thế nhà Hán là Đồ Cao) đã trở thành một lời tiên tri huyền bí khiến người đời phải suy nghĩ, khiếp sợ, và nó vô tình trở nên phổ biến.

Tuy rằng đã được truyền bá rộng rãi trong nhân dân, nhưng trong triều đình, các quan đại thần không dám nói lời nào, vì nói ra là tương đương với tội mưu phản. Tuy nhiên, một vị hoàng đế đã chủ động đề cập đến điều này, và đó không ai khác chính là vị Hán Vũ Đại Đế trong "Tần Hoàng Hán Vũ", và được người đời sau lưu truyền.

Khi Hán Vũ Đế Lưu Triệt ở tuổi hơn 40, ông đã có lần đi du ngoạn sông Phần, và mở tiệc vui vẻ với văn võ bá quan ở trên thuyền.

Thu phong từ

Thu phong khởi hề bạch vân phi,
Thảo mộc hoàng lạc hề nhạn nam quy.
Lan hữu tú hề cúc hữu phương,
Hoài giai nhân hề bất năng vương.
Phiếm lâu thuyền hề tế Phần hà,
Hoành trung lưu hề dương tố ba.
Tiêu cổ minh hề phát trạo ca,
Hoan lạc cực hề ai tình đa,
Thiếu tráng kỷ thì hề nại lão hà.

Dịch nghĩa (Thivien)

Gió thu nổi, mây trắng bay,
Cây cỏ vàng rụng, nhạn bay về nam.
Lan nở hoa, cúc nhả hương,
Nhớ người giai nhân, chẳng thể quên.
Ngồi thuyền lầu vượt sông Phần,
Ngang qua dòng sông, sóng trắng nổi.
Tiêu trống ngân, tiếng ca chèo vang,
Khi vui vẻ kết thúc, buồn lại nhiều,
Thời trai trẻ được bao lâu, đến già lại biết sao.

Đúng lúc các quan đại thần đang vỗ tay tán thưởng, thì Hán Vũ đế đột nhiên thốt ra câu này: “Hán hữu lục thất chi ách, pháp ứng tái thụ mệnh, tông thất tử tôn thuỳ đương ứng thử giả. Lục thất tứ thập nhị đại hán giả, đương đồ cao dã”.

Ý nghĩa là: Nhà Hán có sáu bảy tai họa. Trong thiên mệnh, thiên hạ của họ Lưu chúng ta sau khi mất đi sẽ lấy lại được. Không biết trong con cháu hoàng tộc sau này ai sẽ có thể gánh vác trọng trách nặng nề này, nhưng khi “sáu bảy bốn mươi hai” đến, nhà Hán sẽ bị “Đồ Cao” thay thế.

Các đại thần không khỏi kinh ngạc thất sắc, bối rối không hiểu tại sao vào dịp vui này, Vũ Đế lại nói những lời u ám về vong quốc như thế? Họ vội nói: “Triều Hán thuận ứng thiên mệnh, phúc báo vượt qua nhà Thương Chu, vạn đời con cháu còn mãi. Bệ hạ nghe những lời vong quốc đó ở đâu? Liệu có phải trong hậu cung có kẻ ăn nói bừa?”.

Nhưng Hán Vũ Đế chỉ vô tư nói: “Ta có lẽ say rồi! Tuy nhiên, từ xưa tới nay trong cung điện có gia tộc nào có thể nắm giữ được thiên hạ mãi mãi chứ? Nếu họ Lưu chúng ta không làm chủ thiên hạ nữa cũng không sao!”.

Những lời này còn chứa đựng nhiều thông tin hơn so với câu nói trong “Xuân Thu sấm”, nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là lời nói của Hán Vũ Đế.

Mãi cho đến thời điểm nhà Tây Hán cuối cùng bị làn sóng mới của Vương Mãng thay thế, lời sấm này đã đường hoàng trở thành hiện thực. Khi Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú kiến lập Đông Hán, bí ẩn về việc con cháu đời sau có thể gánh vác nhiệm vụ quan trọng là khôi phục lại nhà Hán cũng đã được giải đáp.

Vào thời Đông Hán, mặc dù lời tiên tri này vẫn luôn lưu truyền, nhưng không ai nói rõ được “Đồ Cao” được nhắc tới trong câu “Đại hán giả, đương Đồ Cao” rốt cuộc là chỉ ai.

Đầu thời Đông Hán, Lưu Tú đã viết một lá thư để thuyết phục Công Tôn Thuật, người được lập làm vua ở Thục, đầu hàng. Lưu Tú đã dùng lời tiên tri này để chế nhạo Công Tôn Thuật: “Mọi người đều nói rằng “Đại Hán giả, đương Đồ Cao”, lẽ nào ngài là ‘Đồ Cao’ đó sao?”.

Lưu Tú cho rằng “đương đồ cao” là một người họ “Đương Đồ” và danh là “Cao”.

Giải mã của đại sư sấm vĩ (tiên tri)

Sau hơn một trăm năm thời Đông Hán, câu trả lời cho câu hỏi này chắc chắn ngày càng cấp thiết hơn. Cuối cùng có người đã thỉnh giáo bậc đại Nho Chu Thư, một học giả vĩ đại rất thông thạo về tiên tri, và ông đã đưa ra giải thích ngắn gọn trong một câu: “đương Đồ Cao giả Nguỵ dã” (Đồ Cao chính là Ngụy). Từ đó câu nói này của Chu Thư lưu truyền khắp nơi, nhưng chữ “Ngụy” là có ý nghĩa gì, tại sao “đương đồ cao” lại là “ngụy”? Mọi người không ai hiểu được.

Những năm cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, quần hùng nổi lên, thời đại “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã tới gần, “Đại Hán giả, đương đồ cao” bắt đầu phát huy tác dụng to lớn. Những kẻ tham vọng tìm kiếm cơ hội bắt đầu đồn đại, phụ hoạ và bịa đặt lời tiên tri bí ẩn này. Viên Thuật xưng đế cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi lời tiên tri này.

Vốn từ “đồ” (塗) cũng chính là con đường; chữ ‘thuật’ (術) trong Viên Thuật cũng là con đường bên trong thành, mà Viên Thuật có tên chữ là Công Lộ cũng có nghĩa là con đường. Vì thế Viên Thuật cho rằng “đồ cao” chính là chỉ bản thân ông ta, hơn nữa khi đó thế lực của Viên Thuật mạnh nhất, nắm trong tay quân đội nhiều nhất. Vì vậy vào năm 197, bất chấp sự phản đối của thiên hạ, Viên Thuật đã tự xưng đế, nhưng chỉ 2 năm sau đã bị Tào Tháo tiêu diệt.

Bí ẩn tiết lộ nhân quả thiên mệnh

Tới năm Kiến An thứ 18, Hán Hiến Đế phong Tào Tháo làm Ngụy Công, hàm nghĩa thực sự của lời tiên tri cuối cùng mới lộ ra manh mối. Tào Tháo cai quản Ký Châu, đã có những đóng góp to lớn trong việc chinh phục Tôn Quyền ở phía nam. Hán Hiến Đế đã hạ chiếu phong cho Tào Tháo hơn chục quận ở Ký Châu, hơn nữa ban thưởng cho cửu tích - thể hiện vinh dự cao nhất (chín phần thưởng cao nhất mà các hoàng đế ban tặng cho các triều thần). Một quận trong lãnh thổ được gọi là “quận Ngụy” vì thế Tào Tháo được gọi là “Ngụy Công”.

Sau khi Tào Tháo qua đời, thái sử của Tào Phi là Thừa Hứa Chi chỉ ra “đương đồ cao” là chỉ “những tòa tháp cung điện cao sừng sững hai bên đường”, mà chữ Nguy “巍” (nghĩa là sừng sững) giống chữ Ngụy 魏, là chỉ những cung điện to lớn ở hai bên đường. Lúc này mọi người mới bất ngờ hiểu ra.

Tuy nhiên, có người cho rằng câu trả lời này là Hứa Chi giả tạo để hợp lý hoá việc Tào Phi xưng đế. Nhưng Đỗ Quỳnh, một học giả vĩ đại cách xa hàng nghìn dặm, và đang giữ chức quan ở Tây Thục, thực sự cũng có quan điểm tương tự. Không lẽ Đỗ Quỳnh cũng vì Tào Phi mà nói dối?

Cao Pi Tang.jpg
Ngụy Văn Đế Tào Phi. (Miền công cộng)

Đỗ Quỳnh ở Tây Thục ngộ Thiên cơ

Đỗ Quỳnh là đệ tử của nhà tiên tri Dương Hậu thời Đông Hán. Khi đó, đệ tử Tiều Chu của ông hỏi: “‘Đương đồ cao giả ngụy dã’ là có ý nghĩa gì?”.

Giải thích của Đỗ Quỳnh hoàn toàn giống với giải thích của Hứa Chi. Ông còn nói rằng: “Thời xưa, nói về quan chức đều không dùng tào, nhưng từ thời nhà Hán trở đi, mọi người đều nói ‘lại tào’, ‘quan tào’, ‘thị tào’. Đây có lẽ là ý Trời!”.

Năm 220 Hán Hiến Đế nhường ngôi cho Tào Phi.

Nhà Hán từ năm 202 đến năm 220 kéo dài trong 422 năm, ứng với cái gọi là sáu bảy bốn mươi hai. ‘Sáu bảy điều tai ách’ trong bốn trăm hai mươi năm, kể từ đó nhà Hán chính thức kết thúc. Từ Xuân Thu đến Ngụy, lời tiên tri cổ xưa lưu truyền hơn vài trăm năm này đã báo trước việc lập quốc của Tào Ngụy là điều không thể tránh.

Hán Hiến Đế thoái vị, Tào Phi cũng hiểu rất rõ nhân quả trong chiếu lệnh và tự nói: “Người đức mỏng sao có thể được như thế này, (ta) không dám đảm đương. Đây thực sự là tiên vương chí đức, thông với Thần linh, cố nhiên không phải sức người có thể làm được”.

Ông cảm động và biết ơn nhờ có công đức to lớn của cha mình đối với nhà Hán, ông mới có được phúc phận này, kế thừa thiên hạ của nhà Hán.

Vương An Thạch ca ngợi Tào Tháo: “công danh cái thế biết là ai, khí lực hồi thiên đến đây thôi”, hết mực khâm phục Tào Tháo đã lật ngược tình thế trong lúc loạn lạc, là bậc anh hùng đạt thành tựu công danh cái thế. Có thể đủ để chúng ta hiểu công danh sự nghiệp của Tào Tháo vĩ đại thế nào. Người đời sau luôn luôn chỉ trích cha con họ Tào soán ngôi nhà Hán, thực ra là: “Du du thiên mệnh nhân quả tại, hà tất phân phân đạo đoản trường” (Từ xa xưa đã có nhân quả, Thiên mệnh, việc chi phải xôn xao đàm luận dài ngắn).

Rồng vàng xuất hiện

Đối với sự biến đổi triều đại, quyền lực, thường không chỉ có những câu sấm, lời tiên tri, còn có các điềm báo trước xác minh.

Vào một ngày năm Hy Bình thứ 5 đời Hán Linh Đế, trên bầu trời quận Tiêu, nước Bái, có một con rồng vàng tỏa ra ánh sáng vàng kim rực rỡ chiếu vào tầm mắt mọi người. Nó nhẹ nhàng bay lướt nhanh trên bầu trời. Mọi người nhìn thấy kinh ngạc hét lên. Thông tin này nhanh chóng truyền đi khắp nơi và tới kinh thành. QuangLộc Đại phu Kiều Huyền hỏi Thái sử lệnh Đan Dương: “Đây là điềm lành gì vậy?”.

Đan Dương đặc biệt giỏi quan sát chiêm tinh, tính toán lịch số, bình thường sống biệt lập, lời nói và việc làm của ông khác với phong tục phổ biến. Ông đã suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Thần thú rồng vàng xuất hiện cho thấy vùng này sẽ nổi lên bậc vương giả. Hơn nữa căn cứ theo tính toán chiêm tinh, tính từ nay chưa tới 50 năm sau, rồng vàng sẽ lại lần nữa xuất hiện ở nơi này”.

Thần thú rồng vàng xuất hiện cho thấy vùng này sẽ nổi lên bậc vương giả. (Tranh: Winnie Wang)

Lúc đó, những lời này của Đan Dương không được để ý, chỉ có một người tên là Ân Đăng lặng lẽ ghi chép lại lời dự đoán này. Quận Tiêu, nước Bái chính là quê hương của Tào Tháo. Tào Tháo đã trải qua năm tháng tuổi thơ nghịch ngợm ở vùng đất này.

Năm rồng vàng xuất hiện ở quận Tiêu, lúc đó Tào Tháo 22 tuổi, làm quan Bắc Đô Úy Lạc Dương. Ông là một vị quan chấp pháp nghiêm minh, khiến cho một nhóm hoàng thân quốc thích vừa tức giận vừa sợ hãi. Mười năm sau, Tào Tháo chìm nổi nơi chốn quan trường, ông là người chính trực, không tuỳ tiện, đã gặp phải rất nhiều cản trở, vì vậy đã lấy cớ bị bệnh từ chức, rời xa thị phi triều đình. Ông quay về quê, xoa dịu tâm trạng.

Năm 187, con trai cả của Tào Tháo là Tào Phi ra đời tại quận Tiêu. Một đám mây màu lục lam như bạt che xe, bao trùm trên phòng sinh. Những người thấy cảnh tượng này cho rằng đây là điềm báo xuất hiện bậc quyền quý chứ không phải người thường.

Rồng vàng lại xuất hiện

Năm sau đó, Tào Tháo quay trở lại triều đình nhận chức, và đã chinh chiến hơn 30 năm, cuối cùng trở thành tể tướng trợ giúp nhà Hán không lung lay, cho đến khi sụp đổ ở Lạc Dương vào tháng giêng năm Kiến An thứ 25. Vào tháng 3 cùng năm đó, ở quận Tiêu thực sự lại xuất hiện rồng vàng. Tiên tri của Đan Dương đã thành sự thực. Vào tháng 10, Hán Hiến Đế nhường ngôi cho Tào Phi, vương triều Tào Ngụy chính thức bước lên vũ đài lịch sử.

Từ diễn biến lịch sử càng khẳng định rằng, sự xuất hiện ban đầu của rồng vàng báo trước Tào Tháo là vương giả thực chất, sẽ một mình nắm giữ nhà Hán với tư cách là Tể tướng nhà Hán. Rồng vàng lại xuất hiện là điềm báo con của Tào Tháo - Tào Phi sẽ có sứ mệnh lịch sử là lên thay nhà Hán.

Quận Tiêu, nước Bái cũng là quê hương của nhiều bậc anh hùng Tam quốc, như Thần y Hoa Đà, hộ vệ thân cận của Tào Tháo - Hứa Chử, và các vị tướng của nhà họ Hạ Hầu. Quả là ‘một thời với bao hào kiệt’!

Khí Thiên Tử ở Tây Nam

Những năm cuối Đông Hán, năm Trung Bình thứ 5 thời Hán Linh Đế, một người trong hoàng tộc là Lưu Yên thấy thời thế hỗn loạn, có kế hoạch rời xa Trung Nguyên để tránh họa. Ông vốn muốn tới Giao Châu ở phía cực nam. Nhà tiên tri Đổng Phù đã chỉ cho ông rằng: “Đại loạn sẽ xảy ra ở kinh đô, còn ở vùng Ích Châu phía Nam đã xuất hiện khí Thiên tử”.

Nghe vậy, Lưu Yên đã thỉnh cầu Linh Đế cho ông tới Ích Châu, và ông đã được như mong ước, đến làm quan ở Ích Châu. Từ đó, lời tiên tri về việc sẽ xuất hiện Thiên tử ở khu vực Tây Nam Trung Quốc nổi lên.

Vậy ‘khí Thiên tử’ là gì? Theo giải thích trong “Tuỳ thư- Thiên Văn chí”: “Màu sắc của khí Thiên tử bên trong là cam, bên ngoài màu vàng, hình vuông. Nơi Thiên tử tới cũng sẽ phát ra khí này. Nơi Thiên tử sẽ tới cũng sẽ toả ra khí này”.

Đương nhiên, khí này tồn tại ở không gian khác, mắt thường không nhìn thấy được. Thiên tử mới trong tiên tri ở Ích Châu này là ai?

Sự nổi lên của Lưu Bị

Trong những năm loạn lạc cuối thời Đông Hán, ở nơi xa xôi huyện Trác, U Châu, Tây Bắc, Lưu Bị đã ra đời. Ông tổ tiên của ông là Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng - em của Hán Cảnh Đế. Tuy nhiên, gia tộc của ông đã bị lụn bại. Cha Lưu Bị qua đời sớm, cuộc sống trong nhà rất bần hàn, ông cùng mẹ bán giày cỏ mưu sinh.

Họ Lưu là một tộc lớn sống thành từng nhóm, phía đông nam sân nhà Lưu Bị có một cây dâu tằm lớn cao hơn năm thước. Nhìn từ xa, những tán lá rậm rạp giống như lọng lông chim to lớn che kiệu của hoàng đế. Người hiểu phong thuỷ đều nói rằng: “Nhà này ắt sinh ra quý nhân”.

Thời trẻ, Lưu Bị thường cùng lũ trẻ hàng xóm chơi đùa dưới tán cây dâu tằm. Một hôm, Lưu Bị chỉ vào cái cây và nói: “Đợi ta làm hoàng đế, nhất định sẽ ngồi trên xe có mái che như thế này”.

Từ gia tộc lụn bại tới bậc anh hùng được vạn người đi theo, cuối cùng trở thành quân chủ của Thục Hán. Lưu Bị đã trải qua những khó khăn. Năm Kiến An thứ 16, khi vào đất Thục theo lời mời của Lưu Chương, người cai trị Ích Châu, Lưu Bị đã hơn 50 tuổi. Lúc đó, nhà chiêm tinh Chu Quần của vùng Ích Châu cũng phát hiện: trên bầu trời Ích Châu, liên tục mấy năm đều xuất hiện khí vàng cao vài thước, những đám mây đầy màu sắc tốt lành thường trôi xuống thất tinh bắc đẩu để bổ sung cho nó.

Tiên tri của Đổng Phù đã qua hơn 20 năm, thiên tử đích thực ở Tây Nam cuối cùng đã từ xa tới. Năm sau khi thành lập Tào Ngụy, năm 221, Lưu Bị xưng đế lập quốc, chính thức đứng vào vũ đài các vị vương giả.

Liu Bei Tang.jpg
Thục Vương Lưu Bị. (Miền công cộng)

Đông Nam Thiên tử

Từ hơn 400 năm trước đó, ở Đông Nam Trung Quốc đã có tin đồn về “khí Giang Đông Thiên tử”.

Năm 210, khi Tần Thuỷ Hoàng đi tuần phía đông ở Cối Kê, thuật sĩ chuyên nhìn khí đã dự báo: “Khoảng 500 năm sau, ở vùng đất Ngô của Giang Đông sẽ có khí Thiên tử”.

Năm Hưng Bình thứ 2 của Hán Hiến Đế, con trai của Tôn Kiên là Tôn Sách đã bình định 6 quận Giang Đông trong vài năm. Lúc đó người em thứ 2 Tôn Quyền mới 15 tuổi, có khuôn mặt vuông, miệng to và đôi mắt sáng, vốn sinh ra có quý tướng. Tôn Quyền trưởng thành là người khoáng đạt, thẳng thắn, tâm địa lương thiện, nhanh nhẹn quyết đoán. Chẳng bao lâu Tôn Sách qua đời, Tôn Quyền theo di nguyện của anh trai, Nhận nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ Giang Đông.

Trong “Thuỷ Kinh Chú - Giang Thuỷ Tam” của Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy đã trích dẫn ghi chép trong “Vũ Xương Ký” rằng, khi đi săn gần đền Đại Mẫu ở phía nam Phàn Khẩu, Tôn Quyền đã gặp một bà lão. Bà lão hỏi: “Anh đã hạ gục con mồi nào rồi?”

Tôn Quyền đáp: “Tôi vừa săn được con báo mẹ”.

Bà lão nói: “Tại sao anh không ‘thụ báo vĩ’ (dựng đứng đuôi báo)?”

Nói rồi, đột nhiên không thấy bà lão đâu nữa.

“Thụ báo vĩ” đại biểu cho kiến lập sự nghiệp đế vương. Cỗ xe cuối cùng của đội bảo vệ đế vương sẽ có một chiếc đuôi báo được buộc chặt vào để kéo đi. Bà lão bí ẩn mà Tôn Quyền gặp mặt chính là Thần Sào Hồ của miếu Đại Mẫu.

Năm Thái Hoà thứ 3 nhà Tào Ngụy, vùng lân cận Vũ Xương, Hạ Khẩu có các thần thú rồng vàng, phượng hoàng bay tới, các quan đều ra sức khuyên Tôn Quyền lập vương. Tôn Quyền thấy thời cơ đã đến, đã chính thức xưng đế tại Vũ Xương.

Xét qua các tiên tri trong lịch sử, việc phân lập và kiến quốc của nhà Ngụy, Thục, Ngô đều đã có tiên tri từ sớm, đều không phải là ngẫu nhiên. Đó là Thiên ý, không có vấn đề quốc gia nào là chính thống hay không, mà mỗi nước trong Tam Quốc đều xuất sắc, phản ánh lẫn nhau, trong đó còn có an bài lịch sử sâu xa. Vở kịch lịch sử tuyệt vời này đã vì nhân loại mà diễn nghĩa ra khái niệm ‘nghĩa’.

Minh An
Theo Vườn văn sử



BÀI CHỌN LỌC

Tiên tri khiến quần thần kinh hãi, 4 lần trời giáng dị tượng đều chỉ về 2 chữ