Tiên tri về mạt thế của Đại sư Mật tông Liên Hoa Sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta đã được nghe nói đến dự ngôn về ngày tận thế trong ‘Kinh Thánh - Khải Huyền’, tiên tri của Nostradamus, hay của người thổ dân Hopi vùng Bắc Mỹ. Thực ra, một nhân vật quan trọng trong Tạng truyền Phật giáo - Đại sư Liên Hoa Sinh, cũng đã từng đưa ra dự ngôn ngày tận thế.

Tiên tri ngày tận thế của cao tăng Tây Tạng

Vào một ngày của thế kỷ VIII, một nhóm tăng nhân có một hành trình vất vả tới Chanang của Tây Tạng, cách Lhasa khoảng 100 km. Cung điện Ombo cũng chính là vương cung của quốc vương Trisong Detsen - Tán phổ vương quốc Thổ Phồn, nằm ở đây. Các tăng nhân khi tới cung Ombo liền đề nghị được gặp Tán phổ. Nhưng khi nói về Tán phổ, thần thái họ vẫn như bình thường, không cúi đầu và cũng không hành lễ, chỉ giống như đề cập tới người dân bình thường. Các đại thần cho rằng, việc gặp Tán phổ không phải muốn là được, ít nhất cần thể hiện thái độ cung kính, vì vậy đã yêu cầu các tăng nhân khi diện kiến Tán phổ phải hành lễ.

Tuy nhiên tăng nhân đứng đầu nhóm nói: ‘Lễ của ta ông ấy sẽ không chịu nổi’.

Đại thần nghe xong vô cùng tức giận. Vị tăng nhân này chỉ mỉm cười, chỉ vào một hòn đá và nói: ‘Các ông hãy nhìn nó’.

Nói rồi tăng nhân hành lễ trước hòn đá, và ‘bang’ một tiếng, hòn đá trước mặt lập tức nứt ra làm đôi, khiến các đại thần chứng kiến rất sợ hãi. Nhưng họ vẫn kiên quyết nói: ‘Xem ra hành lễ thế này hại tới thân thể, ông hành lễ trực tiếp với người sống có lẽ không được, dù sao thì hành lễ đối với bộ y phục Tán phổ từng mặc, ông thấy sao?’.

Tăng nhân thấy các đại thần vẫn kiên quyết nên không cự tuyệt.

Các đại thần đưa tới một bộ y phục Tán phổ đã mặc, trải ra để tăng nhân hành lễ, và rồi ‘soạt’ một tiếng bộ y phục lập tức bốc cháy, biến thành tro. Lần này các đại thần kinh ngạc nhìn nhau và không khỏi kính sợ, liền vội vã bẩm báo Tán phổ. Nghe tên vị tăng nhân, Tán phổ vội chạy tới nghênh đón, còn hành lễ trước tăng nhân. Vị tăng nhân đó chính là cao tăng Ấn Độ Liên Hoa Sinh (Padmasambhava).

Sự ra đời của đại sư Liên Hoa Sinh

Đầu thế kỷ VIII, có một tiểu quốc tên là Ô Kim Vực. Trong các kinh điển Phật giáo phiên dịch nó là Ô Kim tịnh thổ, vì thế nhiều người cho rằng đây là một nơi giống với thế giới Tây phương Cực lạc, không phải ở nơi thế tục chúng ta. Thực ra, nó là một quốc gia thực sự từng tồn tại ở trái đất. Trong ‘Đại Đường Tây vực ký’ của đại sư Huyền Trang thời Đường, nước này có một cái tên khác là Ô Trượng Na quốc (Udyàna), ngày nay nó ở khoảng khu vực tỉnh Swat của Pakistan.

River Swat Pakistan 3.jpg
Sông Swat, Pakistan. (Ảnh: Designer429/CC BY-SA 3.0)

Cha mẹ của đại sư Liên Hoa Sinh là quan lớn của nước Ô Kim Vực. Tương truyền khi đại sư ra đời, trên người ông có rất nhiều vết bớt hình dạng hoa sen, hơn nữa ông vừa ra đời thì hoa sen trong nhà liền nở hoa, vì thế ông được đặt tên là Liên Hoa Sinh. Trong kinh điển Phật giáo còn có một giải thích kỳ diệu khác về tên của ông rằng, Liên Hoa Sinh vốn được sinh ra từ bên trong hoa sen.

Sau khi trưởng thành, Liên Hoa Sinh đã xuất gia tu hành, sau này trở thành cao tăng nổi tiếng bởi thần thông của tu viện danh tiếng nhất Ấn Độ cổ - Nalanda. Đồng thời ông cũng là một vị Pandita. Pandita là tiếng Phạn, ý nghĩa là bậc đại học giả với học thức uyên bác. Liên Hoa Sinh là người đứng đầu trong 500 Pandita của giới Phật giáo đương thời. Có thể nói ông là bậc đại sư sở hữu công năng đặc dị, vừa là một học giả kiệt xuất, vì vậy mọi người tôn xưng ông là ‘Đại sĩ’.

Đại sĩ Liên Hoa Sinh tới Tây Tạng, triển hiện thần thông

Kể rằng Tây Tạng vào thế kỷ VIII là thời kỳ của Bôn giáo thịnh hành, mang đậm màu sắc của Shaman giáo nguyên thuỷ, tôn sùng tự nhiên, vạn vật có linh, tất cả yêu ma quỷ quái đều được xem là thần linh. Phần lớn giới quý tộc Thổ Phồn tín ngưỡng Bôn giáo. Bôn giáo có màu sắc bản địa rất lớn, vì vậy đã trở thành cơ sở để các quý tộc và tù trưởng chống lại lệnh vua Thổ Phồn, rằng thần linh của họ từ xưa tới nay đều yêu cầu họ như thế, nên khó có thể tuân theo lệnh vua.

Thổ Phồn là đế quốc ở cao nguyên tuyết, nổi lên nhanh chóng vào thế kỷ 7-8, và cần có sức mạnh tinh thần để thuần hóa người bản xứ tại các lãnh thổ mới chinh phục, hơn nữa họ còn cần khiến cho các thủ lĩnh từ trên xuống dưới thực sự phục tùng. Đây là vấn đề chung mà các đế quốc trong lịch sử phải đối mặt. Chỉ dựa vào đao kiếm không thể xây dựng một đế quốc.

Hai trung tâm văn minh cổ gần Thổ Phồn nhất chính là văn minh Trung Nguyên và văn minh Ấn Độ. Tán phổ Trisong Detsen tìm đến Phật giáo Ấn Độ để cầu xin giúp đỡ, ông nhanh chóng phái người thỉnh mời cao tăng Ấn Độ - Đại sư Tịch Hộ, chính là sư huynh đệ đồng môn của Đại sĩ Liên Hoa Sinh tại tu viện Nalanda. Khi Đại sư Tịch Hộ tới Tây Tạng, chỉ có Tán phổ là người duy nhất vui mừng, tất cả quý tộc Bôn giáo đều phản đối.

Hơn nữa, xem ra Đại sư Tịch Hộ thực sự không may mắn, khi vừa tới Tây Tạng, sét đánh trên núi Maburi, nơi có cung điện Potala. Cung điện còn bị lũ lụt phá hoại, dịch bệnh và các loại thiên tai xảy ra. Vậy là các quý tộc đều cùng tìm ra được cái cớ, rằng tất cả những tai họa đó là do vị hoà thượng mới đến mang theo tới, là khắc tinh của đất nước, không thể để ông ấy ở lại.

Tán phổ Trisong Detsen thấy tất cả đại thần đều phản đối, đành phải buồn bã tiễn Đại sư Tịch Hộ ra đi. Trước khi rời đi, Đại sư Tịch Hộ đã tiến cử sư huynh Liên Hoa Sinh của mình với Tán phổ. Ông nói rằng, sư huynh của mình không chỉ thần thông quảng đại, hơn nữa còn có duyên với Tán phổ, nếu có thể mời được Liên Hoa Sinh tới, thì chắc chắn sẽ khiến Phật Pháp nơi Tuyết Vực này hưng thịnh. Tán phổ không chậm trễ, lập tức gửi lời mời tới Đại sĩ Liên Hoa Sinh. Lần này Đại sư Tịch Hộ cùng Liên Hoa Sinh tới Tây Tạng và có buổi hành lễ kể trên.

Liên Hoa Sinh đi từ Nepal vào Tây Tạng, nhưng tuyến đường của ông đi hoàn toàn khác với Đại sư Tịch Hộ. Ông vào Tây Tạng từ cửa khẩu Tạng - Nepal của Cát Long, đi suốt dọc theo Định Nhật, Tát Nghênh và phía bắc Bạch Lãng, rồi lại qua sông Nhã Lỗ Tạng Bố, từ Dương Bát Tỉnh, Đối Long, Bành Vực, rồi sau đó leo qua núi tới cung điện Ombo và gặp Tán phổ Trisong Detsen. Nhìn trên bản đồ có thể thấy ông đã đi một đường vòng tròn lớn. Tại sao vậy?

Theo ‘Liên Sư truyện’ ghi chép lại rằng, trên đường đi, ông đã dùng thần thông hàng phục các Thần linh Bôn giáo, Thần núi Đường Cổ Lạt, Bạch Long, 12 nữ Thần Thổ Phồn… Ông vừa đi vừa hàng ma, cuối cùng mới có thể thuận lợi tới gặp Tán phổ.

Có thể nói chuyến đi trước của đại sư Tịch Hộ không suôn sẻ, theo cách nói của Tạng truyền Phật giáo là do Thần Bôn giáo bản địa gây rắc rối. Những việc này đều dùng thần thông để xử lý nhưng mắt người không nhìn thấy được. Nhưng vì để cho mọi người biết, đại sư Liên Hoa Sinh đã nghĩ ra cách. Ông đã một lần công khai dùng pháp sự Homa. Homa là tiếng Phạn, ý nghĩa là cúng vái lửa. Nó bắt nguồn từ một loại phương thức tế tự trong Bà La Môn giáo, thực ra là tụ tập hiến tế quy mô lớn.

Ông tìm một thầy mo và sử dụng thần thông trước mặt nhiều người, khiến những quỷ Thần lớn nhỏ đã bị ông thu phục đều bám lên thân thầy mo kia. Sau đó Liên Hoa Sinh giống như một vị quan thẩm phán, bắt những quỷ Thần đó mượn lời của thầy mo kia để khai thật ra những sự việc xảy ra trước đó.

Trước mặt mọi người, thầy mo liên tục tự nói bằng những giọng điệu khác nhau. Ví dụ, ông ta nói: ‘Tôi là Nhã Lạp Hương Bố, một vị Thần lớn Tây Tạng. Trận lũ lụt ở cung điện lần trước là do tôi làm’.

Có người hỏi núi Maburi, nơi có cung điện Potala, xảy ra sét đánh, là do ai làm ra?

Huyền bí hóa thân tái sinh của các vị Đạt Lai Lạt Ma - Tây Tạng
Cung điện Potala của thủ phủ Lhasa thuộc miền đất thiêng Tây Tạng, nơi còn có nhiều điều huyền bí đối với đời sống con người tại cõi nhân gian này. (Ảnh: Vietravel)

Giọng của người này lập tức thay đổi, là một quỷ Thần khác tiến nhập vào và nói: ‘Đó là tôi Đường Lạp Á Tu, Đường Cổ Lạp Thần làm’.

Còn có cả 12 nữ Thần Thổ Phồn cũng thông qua thầy mo, lần lượt thừa nhận các tai hoạ trước đây, như dịch bệnh xảy ra với con người và gia súc… là do họ gây ra.

Sau khi các quỷ Thần khai thật, Đại sĩ Liên Hoa Sinh liền giáo huấn họ, còn các quỷ Thần đã thừa nhận sai và chịu quy phục.

Trong thời gian khoảng 6 tháng, Đại sĩ Liên Hoa Sinh cơ bản đã thu phục các Thần linh ở Thổ Phồn, mỗi nơi ông đi qua, danh tiếng ông đều được lan truyền, khiến mọi người sinh tín tâm với Phật giáo. Liên Hoa Sinh ở lại Tây Tạng 18 tháng, nhóm tín đồ Bôn giáo đầu tiên chuyển sang Phật giáo, chính là Tán phổ Trisong Detsen và các vương công đại thần. Liên Hoa Sinh đã giảng cho những đệ tử này về dự ngôn thời kỳ mạt pháp.

Dự ngôn mạt thế của Đại sư Liên Hoa Sinh

Những dự ngôn của Đại sĩ Liên Hoa Sinh đã được thu thập và tập hợp trong bản trường thi “Ô kim Liên Sư La sát Ma vực ký ngữ”.

Thời kỳ mạt Pháp bắt đầu xuất hiện từ khi nào? Liên Hoa Sinh nói rằng: “Khi chim sắt bay trên bầu trời, ngựa sắt phi nhanh trên mặt đất, chính là thời đại mạt pháp đến”.

Nói tới chim sắt, ngựa sắt, con người ngày nay dễ dàng liên tưởng tới máy bay, tàu hoả, xe hơi. Nhưng với con người hơn ngàn năm trước nơi cao nguyên Thanh Tạng thì họ không thể hiểu được. Liên Hoa Sinh giải thích cho các đệ tử về cuộc sống của con người thời mạt pháp.

Ông nói rằng, rất kỳ diệu, thanh niên thời đại đó giẫm lên sừng trâu ở dưới chân, và cũng đặt bánh xe để trượt xung quanh. Đó chẳng phải là trượt pa-tanh sao?

Ông còn nói rất kỳ diệu, con người thời đó không cần ra khỏi nhà, hàng ngày chỉ cần ngồi trước gương là có thể xem và biết được mọi chuyện xảy ra trên thế giới, còn có thể trao đổi thông tin với nhau. Quả là thần kỳ, chắc hẳn chúng ta nghĩ ngay ra chiếc gương đó là màn hình LCD.

Ngoài những điều đó, Đại sĩ Liên Hoa Sinh cảm thán nhất là nhân tâm thời mạt pháp. Ông nói rằng vào thời mạt pháp, toàn thế giới sẽ xuất hiện tình huống là nhân tâm không còn chất phác, giữa quân thần phụ tử không còn đạo nghĩa cần phải có. Hơn nữa, nam nhân không có kỷ luật, nữ nhi không trinh tiết, gia đình cũng chẳng còn ổn định, vì sẽ có người phụ nữ khác xen vào giữa vợ chồng, con không hiếu thuận đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, anh em bất hoà vì tranh giành gia sản, tạo ra bao tội nghiệp mà không hề hổ thẹn. Giáo hoá của Phật Đà cũng dần dần biến mất.

Không chỉ xã hội thế tục trở nên hỗn độn, Đại sư Liên Hoa Sinh còn chỉ ra rằng, điều buồn nhất là cửa Phật không còn là nơi thanh tịnh, mà biến thành thị trường kiếm tiền, các tăng lữ cũng không phải là tín đồ thực sự, mà thành nghề nghiệp mê hoặc người ta để kiếm tiền. Pháp khí, tượng Phật cũng biến thành hàng hoá phát tài.

Trong dự ngôn của Đại sư Liên Hoa Sinh, thời loạn thế mạt pháp, ngoài việc xuất hiện các hiện tượng xã hội hỗn loạn, còn có cả thiên tai và bệnh dịch. Ông nói rằng ôn dịch tràn lan khắp thế giới, lũ lụt ngập tràn, mưa đá và tuyết, đất màu bị trôi, dẫn tới thiếu hụt lương thực, tai hoạ liên miên, đạo tặc khắp nơi, người ăn xin trên khắp thế giới.

Ngày nay chúng ta thấy một phần của dự ngôn trên đã trở thành hiện thực, như trạng thái xã hội bị phá huỷ, sự thương nghiệp hoá tôn giáo, bệnh dịch Covid càn quét toàn cầu từ năm 2020, và khí hậu toàn cầu biến đổi ngày càng bất thường.

4 dự ngôn lớn của phương Đông năm 2022: Âm dương đảo lộn, quy luật vạn vật bị phá vỡ
Trạng thái xã hội bị phá huỷ, sự thương nghiệp hoá tôn giáo, bệnh dịch Covid càn quét toàn cầu từ năm 2020, và khí hậu toàn cầu biến đổi ngày càng bất thường. (Ảnh: Tổng hợp)

Bên cạnh đó, vẫn có một số điều trong dự ngôn tạm thời chưa trở thành hiện thực, như thu hoạch nông nghiệp thấp, trộm cắp khắp nơi, và người ăn xin tràn lan khắp thế giới. Hiện tại xem ra phương thức có khả năng nhất khiến những phần còn lại của dự ngôn ứng nghiệm là toàn thế giới phát sinh khủng hoảng lương thực, khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tài chính, từ đó khiến nghèo đói càng lan rộng hơn. Mặc dù hiện điều này chưa xảy ra, nhưng qua những sự kiện xảy ra đầu năm 2022, dường như chúng ta cũng thấy được manh mối của những sự việc này.

Dự ngôn vận mệnh người Tây Tạng thời mạt thế

Đại sĩ Liên Hoa Sinh còn nói về vận mệnh của người Tây Tạng vào thời mạt thế, nhưng nó không nằm trong bản trường thi nói về thời kỳ mạt pháp trên, mà nó được lưu lại ở một nơi là Lahaul và Spiti thuộc dãy Himalayas.

Năm đó, Đại sư Liên Hoa Sinh dừng lại ở nơi này trước khi tới Tây Tạng. Tại tàng kinh các của một tu viện cổ ở Lahaul, ông đã để lại một dự ngôn, nói về số phận trong tương lai của người Tây Tạng rằng: ‘Vào lúc hoàng hôn, thời đại hoại sẽ kết thúc, toàn thế giới sẽ thành thần dân của hắc quỷ dục vọng, thù hận và vọng tưởng. Người Tây Tạng sẽ phân tán tới các nước và khu vực, nhưng phần lớn sẽ rơi vào tay của kẻ địch, họ sẽ chết vì nạn đói và chiến tranh. Các tín đồ Phật giáo còn lại sẽ bị bỏ rơi, ma quỷ sẽ ảnh hưởng tới mỗi người, khiến họ căm hận người tu hành Phật Pháp’.

Vậy làm sao để vượt qua mạt thế? Đại sĩ Liên Hoa Sinh khuyên nhủ các đệ tử: nhất định phải tuân theo giới luật mới có thể an nhiên vượt qua khó khăn.

Sau khi nói về câu chuyện con chim sắt và ngựa sắt, Đại sĩ Liên Hoa Sinh còn nói rằng, thời đại mạt pháp, Phật Pháp sẽ hưng thịnh và còn truyền rộng khắp thế giới.

Nhưng ở đây có sự giải thích nhầm lẫn rằng, thời đại mạt Pháp chỉ đến trong thuật ngữ Phật giáo, là chỉ về Phật Pháp do Thích Ca Mâu Ni truyền đã biến chất, suy bại, từ đó dẫn tới thời đại diệt tận. Vậy làm sao Phật Pháp lại có thể hưng thịnh và truyền khắp thế giới? Hưng thịnh không phải là mạt pháp, mà mạt pháp thì không hưng thịnh được, hai cái này có ý nghĩa tương phản nhau.

Đây là chỗ khó hiểu thường thấy, đó là ngoại trừ tiên tri do bản thân các bậc tiên tri viết ra, các dự ngôn truyền lại có vấn đề là, người truyền đạt dựa vào cách hiểu có hạn của bản thân mà vô tình làm thay đổi ý nghĩa nguyên gốc của dự ngôn. Nếu nó được truyền nhiều, thì càng bị bóp méo và biến dạng. Vào thời gần với Đại sư Liên Hoa Sinh, trong Phật giáo thời Hán có một vị thiền sư Hoàng Bá cũng để lại dự ngôn liên quan tới mạt thế.

Chúng ta hãy cùng đối chiếu dự ngôn của vị thiền sư này, với dự ngôn của Đại sĩ Liên Hoa Sinh, để tìm câu trả lời cho câu hỏi mạt thế là vào lúc nào, sẽ ra sao?

Thiền sư Hoàng Bá: Thầy của bậc đế vương và tể tướng, có khả năng tiên đoán phi phàm
(Ảnh minh hoạ qua comuseum.com)

Dự ngôn của thiền sư Hoàng Bá

Thiền sư Hoàng Bá là cao tăng thời nhà Đường, ông từng là thầy của vua Đường Tuyên Tông Lý Thầm và tể tướng Bùi Hưu. Người thời đó gọi Bùi Hưu là ‘tể tướng Sa Môn’, ông là một cư sĩ thuần thành. Bài thơ dự ngôn của Hoàng Bách là bản thân ông đọc ra và Bùi Hưu viết lại.

Vì Bùi Hưu là người có uy tín, nên bài thơ cũng được coi là dự ngôn đáng tin cậy, nhưng không phải nhiều người biết tới, bởi vì nó nói tới vận mệnh các thời đại, đặc biệt là cận đại, và việc giải mã nó ở góc độ chính trị khá nhạy cảm, nên những người ưa thích tiên tri thường không dám động chạm tới. Dự ngôn này gồm tất cả 14 bài thơ nói về những thay đổi triều đại từ sau thời nhà Đường. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về 2 bài cuối, cũng là 2 bài gần nhất với mạt thế.

Bài thơ thứ 13 viết

Xích tử thời đồng vận bất đồng
Trung Nguyên hảo cảnh bất vi công
Tây phương tái kiến Nam quân chí
Cương đáo kim xà vận dĩ chung

Tạm dịch:

Chuột đỏ thời giống vận không giống
Cảnh đẹp Trung Nguyên chẳng phải công
Phương Tây lại thấy quân Nam đến
Vừa đến rắn vàng vận đã hết

Xích thử thời đồng vận bất đồng’ (Chuột đỏ thời giống vận không giống)

Ở đây ‘xích’ (đỏ) là chỉ màu sắc của chính quyền, chính quyền màu đỏ, ‘thử’ là con chuột trong mười hai con giáp cầm tinh. ‘Thời đồng vận bất đồng’ là nói về hai năm Chuột, vận khí của vương triều màu đỏ sẽ có rất nhiều điều khác biệt. Năm 1948 là năm Mậu Tý, vương triều đỏ đã chiếm nửa đất nước. Trận chiến Liêu Thẩm kết thúc tháng 11 năm 1948.

Cuộc chiến Bình Tân kết thúc vào năm sau, ngày 3 tháng 1 năm Kỷ Sửu. Nhưng năm Chuột đầu tiên, năm Mậu Tý về cơ bản đã kết thúc. Triều đại đỏ trong năm Tý đó về cơ bản đã xác định làm chủ Bắc Kinh, vì thế năm 1948 là năm bắt đầu vận mệnh của triều đại đó.

Năm 2020 cũng là năm Tý, vào năm này dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan ra khắp nơi, tới toàn thế giới. Trong năm này, quan hệ Trung Mỹ, và quan hệ của Trung Quốc với nhiều quốc gia khác đã xảy ra biến đổi căn bản, là một bước ngoặt lớn. Đây chính là ‘Xích thử thời đồng vận bất đồng’.

‘Trung nguyên hảo cảnh bất vi công’ (Cảnh đẹp Trung Nguyên chẳng phải công)

‘Trung nguyên hảo cảnh’ là để chỉ Trung Quốc tốt đẹp phồn hoa. ‘Bất vi công’ ý nghĩa là không được coi có chút công lao gì. Vì sao? Có lẽ là vì do môi trường bị phá hoại, đạo đức bị phá huỷ; cũng có thể do có tội lớn khác. Tóm lại thiền sư Hoàng Bá nói rằng, nó không xứng đáng là công lớn gì mà tự hào.

‘Tây phương tái kiến nam quân chí’ (Phương Tây lại thấy quân Nam đến)

Câu này ngày nay vẫn chưa có giải thích hợp lý. Về bề mặt chữ như ám chỉ chiến tranh sẽ tập trung ở phía Tây và phía Nam của Trung Quốc.

‘Cương đáo kim xà vận dĩ chung’ (Vừa đến rắn vàng vận đã hết)

Năm kim xà là năm Tân Tỵ. Ba năm Kim Xà trong 100 năm gần đây là 1941, 2001 và 2061. Chữ ‘vận’ trong câu thơ cuối này có thể để chỉ vận mệnh của triều đại nào đó, cũng có thể là đề cập đến thời đại lớn được tiên tri trong tổng số mười bốn bài thơ sẽ đi đến kết thúc vào năm Kim Xà nào đó.

Câu này thực ra là câu cuối cùng của lời tiên tri. Bài thơ thứ 14 là lời kết, không đưa ra tiên tri nên ‘Cương đáo kim xà vận dĩ chung’ là tiên tri cuối cùng của tập thơ. Năm kim xà 2001 là năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Năm 2061 là năm Kim xà tiếp theo. Hiện nay năm này được cho là năm sẽ xảy ra thiên tượng, sao chổi Halley sẽ quay trở lại. Một số người theo thuyết ngày tận thế cho rằng ngày tận thế trong Kinh thánh Khải Huyền được đặt đồng hồ vào năm 2061. Cũng có người cho rằng lời tiên tri này ám chỉ rằng người nào đó có mệnh kim xà sẽ kết thúc thời đại này.

Bài thơ 14 - bài cuối cùng của toàn tập thơ viết

Nhật nguyệt thôi thiên tự chuyển luân
Ta dư xuất thế cánh vô nhân
Lão tăng tòng thư hưu nhiêu thiệt
Hậu thế hoàn tu vấn hậu nhân

Tạm dịch:

Tháng ngày đưa đẩy bánh xe quay
Than ta ra đời chẳng nhân duyên
Lão tăng từ nay thôi nhiều chuyện
Đời sau phải hỏi người đời sau

Bài thơ này chỉ tổng kết chứ không đưa ra dự ngôn cụ thể, chỉ nói rằng thời đại biến đổi, vạn sự đều có thiên ý, lão tăng cũng không cần nói nhiều nữa, sự việc thời đại sau hãy hỏi người sau. Điều này giống câu kết trong ‘Thôi Bối Đồ’: ‘bất như thôi bối khứ quy hưu’ (chi bằng đẩy lưng đi về nghỉ).

Câu cuối trong bài thơ 14 ‘hậu thế hoàn tu vấn hậu nhân’ dường như ám chỉ việc dự ngôn cũng có thể phát sinh biến đổi.

Hai cao tăng Phật giáo, một là người Tây Tạng, một là người Hán đã đưa ra dự ngôn về mạt thế. Liệu những tiên tri đó có ứng nghiệm không? Có thể chúng ta đang sống chính vào thời đại dự ngôn thành hiện thực!

Minh An
Theo Wenzhaostudio



BÀI CHỌN LỌC

Tiên tri về mạt thế của Đại sư Mật tông Liên Hoa Sinh