Tiết lộ bí mật cuối cùng của luân hồi - Tiền kiếp của bạn là ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Chúng ta biết rằng lục đạo luân hồi còn được gọi là sự quay vòng của sinh tử, là một phần quan trọng trong thuyết nhân duyên của Phật giáo. Vậy, những yếu tố nào khiến chúng ta luân chuyển trong sinh tử, và làm thế nào chúng ta có thể đạt được giải thoát?

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Tượng khắc đá Đại Túc nổi tiếng

Vào một buổi sáng cách đây hơn một nghìn năm, tại một ngọn núi hẻo lánh ở phía tây nam của nhà Đường, những người thợ xây đang leo lên một vách đá dựng đứng, hiểm trở, khi vàng và đá va vào nhau, thì âm thanh đầu tiên của công trình Tượng khắc đá Đại Túc vang lên.

Thời gian trôi đi, thế sự xoay vần, những công việc đục, đẽo vẫn tiếp tục ở nơi đây, nhiều bức tượng khác nhau của các vị Thần, Phật, Bồ Tát, và các dòng chữ khắc hơn 100.000 ký tự xuất hiện từ đá. Đó là tác phẩm Tượng khắc đá Đại Túc nổi tiếng.

Tượng khắc đá Đại Túc là thuật ngữ chung để chỉ những “bức tượng trên vách đá” ở quận Đại Túc, thành phố Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên, là một trong tám hang động lớn trên thế giới, vốn được mệnh danh là “Hòn ngọc của nghệ thuật phương Đông”. Nó bắt đầu được chạm khắc vào đầu thời nhà Đường, trải qua cuối đời Đường, thời Ngũ Đại, thời Bắc Tống, phát triển mạnh vào thời Nam Tống, và tiếp tục đến các triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Đề tài khắc đá chủ yếu là về Phật giáo.

大足石刻.JPG
Những bức tượng trên vách đá ở quận Đại Túc (Gisling/CC BY-SA 3.0)

Ngoài bức chạm khắc trên đá khổng lồ nổi tiếng Phật ngủ và Quán Thế Âm nghìn tay, bức khắc trên đá Đại Túc còn có hình ảnh lục đạo luân hồi đặc biệt trên vách đá. Nó khác với bức vẽ lục đạo luân hồi mà chúng ta đã thấy trước đây. Nó cao 7,8 m và rộng 4,8 m, ở giữa còn có một bức tượng nhà tu hành tóc xoăn đang ngồi xếp bằng.

Phật giáo tin rằng, mọi sự vật đều nằm trong mối liên hệ nhân quả, và sẽ phát sinh biến hoá tùy theo những điều kiện nhất định. Phật giáo sử dụng quan điểm này để giải thích thế giới, xã hội, nhân sinh, và thuyết “nhân quả báo ứng, luân hồi chuyển thế” xuất hiện. Bức vẽ lục đạo luân hồi là thể hiện thân sinh động của học thuyết này.

Chữ “luân” trong luân hồi là chỉ bàn quay của bánh xe; “hồi” là sự chuyển động của xe. “Luân hồi” là một ẩn dụ cho vòng sinh tử bất tận của chúng sinh, giống như vòng quay không ngừng của bánh xe.

Người khổng lồ cầm bánh xe, chính là Diêm Ma (Yama) - Thần Chết, còn người Tứ Xuyên gọi ông ta là “Quỷ Vô thường”. “Vô thường” là một khái niệm danh từ thuộc phạm trù triết học Phật giáo.

Nếu chúng ta nén không gian và vạn vật đến mức cực giới hạn, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, vạn sự vạn vật trên thế gian đều thay đổi trong chốc lát, sinh diệt trong tích tắc. Phật giáo gọi loại ‘biến đổi trong chốc lát’ và ‘sinh diệt trong nháy mắt’ này là ‘vô thường’.

Ở đây, từ “vô thường” được nhân cách hóa thành “quỷ vô thường", và nó được dùng để điều khiển vòng quay của sự sống và cái chết, để cho thấy rằng vạn sự vạn vật trên đời không phải là vĩnh cửu.

Kinh hồn bạt vía nhìn thấy Hắc Bạch Vô Thường đến bắt hồn người chết - Tân Sinh
Tranh vẽ Hắc Bạch vô thường. (Miền công cộng)

Quỷ vô thường có những chiếc răng nanh trong miệng và cắn một bánh xe khổng lồ có đường kính 2,7 m, ở lớp giữa bên trong có khắc một nhà tu hành đang ngồi trong tư thế bắt chéo chân. Bên trái người này có một con lợn, ở bên phải có một con chim bồ câu và dưới chỗ ngồi của ông có một con rắn.

Bánh xe được chia thành bốn lớp từ trong ra ngoài, và ở giữa được chia thành sáu khối bởi lục đạo Phật quang. Mỗi khối dường như kể một câu chuyện khác nhau, trong đó ẩn giấu bí mật cuối cùng của nhân sinh. Rốt cuộc đó là bí mật gì?

Hình khắc lục đạo luân hồi tiết lộ bí mật của nhân sinh

Hình ảnh lục đạo luân hồi của Tượng khắc đá Đại Túc ở Tứ Xuyên có phần hơi khác so với hình ảnh lục đạo luân hồi mà chúng ta thường thấy.

Bạn đầu thai chuyển sinh từ đạo nào trong lục đạo luân hồi? Từ tướng mạo có thể đoán ra được [Radio]
"Lục đạo luân hồi đồ" trên núi Đại Túc Bảo Đỉnh ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Hình ảnh lục đạo luân hồi mà chúng ta thường thấy nó cũng có Diêm Ma - Thần Chết cắn và nắm giữ toàn bộ luân hồi. Nó là biểu tượng của vô thường, đại diện cho tất cả ‘ngũ thú lục đạo’ từ thiên giới đến địa ngục đều phải tuân theo sự chế ước của vô thường.

Điểm khác biệt là ở vòng tròn giữa không có nhà tu hành, mà chỉ có ba con vật: chim bồ câu, rắn và lợn, lần lượt đại diện cho tham, sân, si.

Chim chết vì ăn, và nó là cách giải thích hay về việc chim bồ câu là thể hiện cho lòng tham. Chỉ cần có người tiến đến gần tiếp cận, rắn sẽ lập tức không chần chừ mà tấn công, nó tượng trưng cho lòng căm thù. Còn lợn thường được mô tả là ngu ngốc, vì loài vật này mà bụng đói thì ăn quàng, không chọn thức ăn, và không sợ bẩn, hơn nữa ăn no là ngủ.

Ba đặc tính này chính là Tam độc trong Phật giáo, dùng để chỉ ba thứ độc cơ bản mà chúng sinh trong thế gian bị nhiễm. Vậy, tại sao Tam độc lại được vẽ ở trung tâm của hình vẽ luân hồi?

Nếu chúng ta nhìn kỹ, ba con vật này đang cắn đuôi nhau, là tượng trưng cho Tam độc tham, sân, si kéo dài liên tục không dứt. Chúng được vẽ ở trung tâm bởi vì ba loại độc này được coi là lý do thúc đẩy luân hồi và là nguồn gốc của mọi rắc rối và đau khổ.

Tiếp theo, khi nhìn ra lớp thứ hai từ vòng tròn trung tâm, nó được tạo thành bởi hai nửa vòng đen và trắng, nằm về hướng của trung âm thân.

Trung âm thân là gì? Trong Phật giáo nói rằng, sau khi một người chết, ý thức của người đó đầu tiên sẽ đi vào giai đoạn ‘trung âm’, và sau đó luân hồi chuyển sinh, có được một cơ thể mới, và tiếp tục tồn tại trong hình thức sinh mệnh khác. Nói một cách đơn giản, khoảng thời gian từ khi một người chết đến khi tái sinh trong kiếp sau được gọi là “trung âm thân”.

Trong đạo Phật có giảng về nghiệp thiện và nghiệp ác, nghiệp thiện là khi con người làm việc tốt mà nhận được, và nghiệp ác là khi làm điều xấu mà nhận được.

Chúng ta có thể thấy rằng nửa vòng màu đen bên phải mô tả trung âm thân của một người sau khi chết, do đã tạo quá nhiều ác nghiệp, và rơi vào ba cõi ác, bao gồm cõi ngạ quỷ, cõi súc sinh và địa ngục.

Chúng ta có thể thấy rằng trong nửa vòng đại diện cho bóng tối, đầu của mọi người đều hướng xuống. Bên dưới còn có một sứ giả địa ngục giống như quỷ, chuyên tiếp nhận những người này.

Nhìn sang nửa vòng trắng bên trái tượng trưng cho ánh sáng, nó tương phản hoàn toàn với vòng đen, đầu người hướng lên trên tức là người có nhiều nghiệp thiện sẽ vào ba cõi thiện sau khi chết, đó là cõi người, A tu la, và cõi Thiên. Phía trên còn có hình tượng Đức Phật đang dẫn dắt người tu hành.

Sau đó là vòng thứ ba của bức tranh luân hồi, đây có lẽ là hình ảnh nhiều người cũng đã quen thuộc, đó chính là lục đạo mà chúng ta thường nói đến. Lục đạo được đề cập trong Phật giáo bao gồm cõi trời, cõi A Tu La và cõi người là ba cõi thiện; cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và cõi địa ngục, là ba cõi ác.

Hầu hết mọi người sau khi chết sẽ đi vào sáu cõi luân hồi, và không chỉ có con người, những chúng sinh khác trong sáu cõi cũng sẽ đi vào sáu cõi luân hồi sau khi hết tuổi thọ.

Chúng ta biết rằng mục tiêu tu hành của Đạo gia là “nhảy ra khỏi Tam giới”, bởi vì chỉ khi thoát khỏi sự ước thúc của Tam giới, người ta mới có thể đạt được tự tại tiêu diêu và thoát khỏi khổ đau của luân hồi.

Tam giới ở đây thực chất chỉ thể hệ nhận thức của hai gia Phật và Đạo về vũ trụ. Đạo gia nói chung đề cập đến ba giới là Thiên, địa, nhân. Còn Phật gia, dựa theo mức độ tồn tại của dục vọng và sắc dục của chúng sinh mà chia thành ba loại: dục giới, sắc giới, vô sắc giới, gọi chung là tam giới, cũng có thể gọi là khổ giới hoặc bể khổ.

Chúng sinh sống trong cõi dục giới được chia thành địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, con người, A Tu La và cõi trời từ dưới lên trên, gọi chung là “lục đạo”. Chúng sinh đều sinh tử luân hồi trong lục đạo.

Tam giới và lục đạo chỉ cùng một phạm vi, tam giới được phân biệt theo những cảnh giới khác nhau, và lục đạo được phân chia tùy theo loại chúng sinh hoặc quả báo khác nhau.

Ba cõi thiện

Trước hết, hãy nói về cõi Trời và A Tu la trong ba cõi thiện. Hai cái này có thể nói là có quan hệ mật thiết với nhau nên thường được vẽ chung với nhau.

Nỗi nhớ về Thiên Quốc
Cõi Trời. (Ảnh minh họa)

Tuổi thọ của Thiên nhân được tính bằng kiếp, và thời gian mà một kiếp quy đổi sang thời gian trong thế giới con người là 1070 ức năm. Thiên nhân của tầng thấp có thể sống trong nửa kiếp, và ở tầng cao cấp cao hơn có thể sống trong vài kiếp.

Chúng sinh của sắc giới và vô sắc giới có phúc lạc lớn hơn Thiên nhân của dục giới, và một số có thể sống lên đến hàng chục vạn kiếp. So sánh với con người chúng ta nơi đây chỉ sống trăm năm là chết thì không đáng là bao, vì vậy trái đất thực sự là một quán trọ.

Còn A Tu la, phước lành của họ rất lớn và tuổi thọ của họ khá dài, nhưng bản chất của họ là kiêu ngạo, và có lòng thù hận và đố kỵ mạnh mẽ.

Chúng không quá khác biệt so với các sinh linh trong Thiên giới, vì vậy Đạo A Tu la còn được gọi là “phi Thiên”. Lý do tại sao họ lại được vẽ cùng với nhau, là vì thế giới A Tu la có kết nối với một phần trong Thiên giới. Chúng ta hãy tìm hiểu mối quan hệ trong đó.

Từ bức tranh, chúng ta có thể thấy phía dưới là con đường A Tu la, trong cung điện có vị vua của A Tu la, quân đội của A Tu la đang hướng về Thiên giới với cung tên và chuẩn bị chiến đấu. Trên bầu trời cũng có các đội quân của Thiên nhân đang nghênh chiến. Tại sao như thế?

Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn, trong bức tranh có một cái cây, tên là cây như ý, gốc cây mọc ở xứ A Tu La, trong khi những cành đầy quả ở Thiên giới, các Thiên nhân được hưởng thụ hết những trái cây tuyệt đẹp, điều này khiến A Tu la thật ghen tị.

Họ cho rằng cây là của họ, nhưng tại sao trái cây lại thuộc về Thiên nhân. Vì vậy, chúng ta có thể thấy rằng ở đây có một A Tu la đang chặt cây, và họ thà chặt cây còn hơn để cho trên trời độc quyền hưởng thụ. Nhưng Thiên nhân không quan tâm, cây bị chặt đi, từ trên trời vẩy xuống cam lộ, và cây ngay lập tức sống lại tươi tốt.

Có một điểm là cõi Thiên này cũng không ra khỏi Tam giới nên vẫn còn cái tình. Vì phụ nữ A Tu la rất đẹp nên một số Thiên nhân thèm muốn sắc đẹp của phụ nữ A Tu la, và đôi khi xảy ra việc cướp đoạt phụ nữ A Tu la. Đó là lý do tại sao thường xảy ra chiến tranh giữa A Tu la và các Thiên nhân.

Khi Thiên nhân xảy ra chiến tranh, họ có thể bị thương và chết, và đây là nỗi khổ của họ. Theo ghi chép, để được đầu thai vào cõi A Tu là và Thiên nhân là điều không dễ dàng và cần phải tích lũy rất nhiều phúc phận.

Ngoài hai cõi này, cõi người cũng thuộc về ba cõi thiện, điều này cũng cho thấy để có được thân người không phải là điều dễ dàng. Bởi vì chỉ cần nghiệp ác lớn hơn một chút, có thể mất kết nối với ba cõi thiện trong phút chốc, và sau đó sẽ phải đi xuống ba cõi ác.

Nhưng chúng ta đều biết rằng trong nhân gian có nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử, còn có nỗi khổ khi yêu mà biệt ly, nỗi khổ khi oán ghét mà gặp nhau, nỗi khổ cầu mà không có được, và nỗi khổ của ngũ uẩn (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) cường thịnh. Thế nên con người có thể thông qua việc chịu khổ nơi nhân gian để hoàn nghiệp, thủ đức và không tạo nghiệp, tránh đời sau không bị chuyển sinh vào ba cõi ác. Tất cả đều có cơ hội!

Ba cõi ác

Nói về ba cõi ác, trước hết, là về cõi súc sinh. Các phương thức ra đời của cõi súc sinh được chia thành thai sinh, thấp sinh, noãn sinh và hoá sinh. Các loài động vật được sinh ra tồn tại trên mặt đất, trong lòng đất, trên trời, dưới nước và còn có những nơi chúng ta không thể nhìn thấy.

Tuổi thọ của các loài động vật dài ngắn không cố định, một số chỉ sống ngắn một ngày, như côn trùng, và một số thọ mệnh dài đến vài kiếp, chẳng hạn như những con vật mà chúng ta không thể nhìn thấy như rồng, garuda (kim sí điểu), v.v.,. Chúng có tuổi thọ rất dài. Điều này khá đặc biệt, bởi vì kiếp trước đã tích nhiều đức nên được hưởng lạc trong cõi súc sinh.

Cõi súc sinh cũng rất khổ, chúng phải đối mặt với cái khổ của làm việc như trâu bò, ngựa xe. Cái khổ khi bị giết thịt, chẳng hạn như gà, lợn, v.v. Các loài động vật hoang dã thì phải đối mặt với nguy cơ ‘cá lớn nuốt cá bé’ và cạnh tranh sinh tồn tự nhiên.

Xe Ngựa, Vận Tải, Cặp Đôi, Huấn Luyện Viên, Mọi Người
Cõi súc sinh cũng rất khổ, chúng phải đối mặt với cái khổ của làm việc như trâu bò, ngựa xe. (Ảnh: Pixabay)

Và sinh mệnh như côn trùng lại càng tệ hơn, chỉ có thể dựa vào bản năng để sinh tồn và tồn tại vì mục tiêu sinh tồn.

Chúng sinh bị đọa vào cõi súc sinh không những phải chịu đủ thứ bi thương khổ nạn, mà còn phải chịu quả báo trong một thời gian rất dài. Theo "A Bà Đàn Na Kinh", một con chim bồ câu được Đức Phật cứu sống đã trải qua 80.000 đại kiếp và vẫn chưa thoát khỏi xác của con chim.

Qua đó có thể thấy, rơi vào cõi súc sinh thì phải chịu quả báo rất lâu. Vì loài vật không có trí tuệ như con người, nên sau khi chúng hoàn trả quả báo mới có thể có cơ hội quay trở về cõi con người.

Tiếp theo là tới cõi ngạ quỷ, chúng sinh trong cõi ngạ quỷ có trí thông minh cao hơn so với cõi súc sinh, nhưng phải chịu đau khổ hơn. Họ sống ở rải rác, và thỉnh thoảng xuất hiện trên thế giới và bị con người nhìn thấy.

Ngạ quỷ được chia làm ba loại, loại thứ nhất là ngạ quỷ ngoại chướng, những ngạ quỷ này chân tay khô gầy như củi, nhưng có bụng rất to, ánh mặt trời ban ngày khiến chúng cảm thấy lạnh, còn ánh trăng vào ban đêm thì cực kỳ nóng bức đối với chúng.

Chúng thường cảm thấy đói, nhưng hiếm khi tìm được thức ăn, kiếm ăn quanh năm các nơi, chịu khổ cả về thể xác và tinh thần.

Loại thứ hai là loài ngạ quỷ nội chướng, chúng có thân hình khổng lồ, tứ chi lại nhỏ gầy nên rất khó di chuyển. Vì cổ họng nhỏ như lỗ kim, miệng phun ra lửa nên loài ngạ quỷ này không ăn được.

Loại thứ ba là ngạ quỷ ẩm thực chướng, tất cả thức ăn chúng nhìn thấy sẽ hóa thành ngọn lửa, hễ nhìn nước là nước cạn ngay. Vì vậy, ngạ quỷ này ăn thịt hoặc phân của chính mình.

Chúng sinh trong cõi ngạ quỷ quả thực quá khổ, và chúng ta cũng có thể nhìn thấy trong bức tranh có vị Phật từ bi bố thí thức ăn cho ngạ quỷ.

Cuối cùng là phần dưới cùng của bánh xe quay, đó chính là cõi địa ngục. Trong sáu cõi luân hồi, cõi địa ngục là cõi đau khổ nhất, thuộc về nơi của những người có nghiệp rất nặng. Cõi địa ngục bao gồm tám địa ngục nóng (trái), tám địa ngục lạnh (phải), địa ngục cận biên (dưới cùng) và địa ngục cô đơn.

Chúng sinh hóa sinh vào cõi địa ngục cũng có thọ mệnh rất dài, và vì đã tạo ác nghiệp nên phải chuyển sinh vào cõi địa ngục để đền tội nghiệp.

Vậy tại sao chúng sinh bị đọa vào ba cõi ác? Tam độc tham, sân, si là nguyên nhân quan trọng nhất. Tâm tham lam dẫn đến rơi vào ngạ quỷ, hận thù rơi vào địa ngục, và ngu si đọa vào súc sinh.

“Ngu si” ở đây không nói đến sự thiếu thông minh, mà là sự vô minh, không hiểu lý lẽ, thị phi, thiện ác, không tin nhân quả, đầu óc đầy tà tri, tà kiến. Cụ thể, khi chúng sinh làm mười điều ác thì sẽ thọ quả báo trong ba cõi ác.

Nói đến đây, có lẽ mọi người có tò mò về nguồn gốc kiếp trước của mình? Theo kinh điển Phật giáo “Đại bảo tích kinh”, trong lục đạo luân hồi chuyển sinh thành người, đều sẽ mang theo một số thói quen từ kiếp trước, thông qua những thói quen này, chúng ta có thể phán đoán người này kiếp trước từ cõi nào chuyển sinh tới.

Chúng ta từ cõi nào chuyển sinh thành người

Theo ghi chép trong tập 72 của “Đại bảo tích kinh”, một số người tính cách bạo lực, giọng nói vừa to vừa vỡ, và họ không thích nói những điều tốt đẹp.

Bạo Lực, Tội Phạm, Ăn Trộm, Nắm Tay, Bat, Nạn Nhân
Một số người tính cách bạo lực, giọng nói vừa to vừa vỡ, và họ không thích nói những điều tốt đẹp. (Ảnh: Pixabay)

Họ bất hiếu bất nghĩa, thích giết người và làm những điều xấu, không có bất kỳ người bạn nào xung quanh. Nếu người có tính cách này và tướng mạo trông xấu xí, thì họ có khả năng được đầu thai từ địa ngục.

Bạn đã bao giờ gặp một số người keo kiệt và ham những lợi nhỏ chưa? Nếu họ đen, gầy, mắt nhìn thẳng chằm chằm, luôn kêu đói khát, thì có khả năng họ là ngạ quỷ đầu thai. Nói đến đây, e rằng không ai còn dám kêu đói nữa.

Một kiểu người khác cũng rất phổ biến. Họ cao to nhưng không thích mặc quần áo, bản chất cũng lười biếng, nằm bất cứ chỗ nào có thể, thích co chân lên. Họ thiếu trí tuệ trong xử lý mọi việc, không thông minh nhưng lại thích bịa đặt thị phi. Và loại người này có khả năng chuyển sinh từ cõi súc sinh.

Ngoài ra, những người chuyển sinh từ A Tu La rất kiêu ngạo, hiếu chiến, và thích cạnh tranh. Họ dễ nổi nóng, ghi nhớ mối hận và tâm tật đố nặng. Sở trường của họ là gây ly gián, tạo bất hoà giữa người với người, nói xấu người tốt. Từ quan điểm này, nên có thể nói ở nơi làm việc có nhiều người chuyển sinh từ cõi A Tu La.

Nói như vậy, lẽ nào trên đời không có người tốt sao? Ở đâu có cái ác, ở đó cũng có cái thiện, và xung quanh mọi người nhất định phải có một số người tính cách chính trực, thiện lương. Họ giỏi nghệ thuật, biết tôn trọng mọi người, có ân nhớ báo đáp.

Trong công việc và cư xử, họ rất có nguyên tắc và biết hiếu kính cha mẹ. Bởi vì họ không muốn thấy người khác đau khổ, họ cũng không thích mắc nợ người khác. Có thể nhiều người nghe tới đây và nghĩ rằng nó đang nói về mình, vì vậy bạn có khả năng kiếp trước đến từ cõi người.

Loại cuối cùng là người chuyển sinh tới từ cõi trời, họ có diện mạo rất xinh đẹp và thường ăn mặc chỉnh tề, trang nghiêm. Họ là người ưa sạch sẽ, coi trọng việc kết bạn, nói năng nhẹ nhàng, không làm tổn thương người khác, và hiếm khi tức giận. Có thể vì kiếp trước họ sống trên trời nên họ thích ở nhà cao tầng.

Chúng ta biết rằng lục đạo luân hồi còn được gọi là sự quay vòng của sinh tử, là một phần quan trọng trong thuyết nhân duyên của Phật giáo. Vậy, những yếu tố nào khiến chúng ta luân chuyển trong sinh tử, và làm thế nào chúng ta có thể đạt được giải thoát? Ở đây chúng ta cần lý giải về vòng cuối cùng của hình ảnh lục đạo luân hồi, tức là vòng ngoài cùng — 12 nhân duyên.

12 nhân duyên

“Mười hai nhân duyên” chỉ mười hai thứ tự mà sinh mệnh luân chuyển từ quá khứ đến hiện tại và sau đó đến tương lai. Vòng ngoài cùng của hình ảnh luân hồi mô tả mười hai nhân duyên này. Theo chiều kim đồng hồ từ trên cùng của bánh xe sinh mệnh lần lượt là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, hữu, ái, thủ, sinh, lão tử.

Nói một cách đơn giản, do một ý nghĩ 'vô minh', mà sinh mệnh đã tạo ra nhiều 'hành' (hành vi) khác nhau và do đó sảnh sinh ra nghiệp 'thức’ (nhận thức), theo đó nghiệp ‘thức’ đầu thai mà có ‘danh sắc’, tiếp tục thành hình ‘lục nhập’, sau đó mượn lục nhập mà tiếp ‘xúc’ với ngoại cảnh sinh ra cảm ‘thụ’.

Sau đó, sinh ra ‘ái’ (yêu) nhuốm dục vọng, và sau đó có hành động chấp trước ‘thủ’ (nắm lấy), và kết quả là nghiệp 'hữu' được tạo ra, và cá thể của 'sinh’ mệnh được hình thành; có ‘sinh’ rồi thì khó tránh được ‘lão tử’, mà ‘tử’ vừa là sự bắt đầu của kỳ sinh mệnh khác.

Trong mười hai nhân duyên, 'vô minh' và 'hành' là nguyên nhân của tiền kiếp, và từ hai nguyên nhân này sinh ra 'thức', 'danh sắc', 'lục nhập', 'xúc', 'thụ', v.v ... trong kiếp hiện tại 'ái', 'thủ', và 'hữu' sẽ lại gieo quả 'sinh', 'lão và tử' trong thế giới tương lai. Từ đây sinh ra quan hệ luân hồi nhân quả.

Từ đây chúng ta có thể biết 12 nhân duyên giống như như một sợi dây xích, kết nối các sinh mệnh của quá khứ, hiện tại và tương lai một cách chặt chẽ với nhau.

Rốt cuộc, chừng nào còn ở trong luân hồi lục đạo thì vẫn là khổ, nếu như vậy, chúng ta có cách nào siêu thoát khỏi tất cả hay không? Câu trả lời là có.

Con đường siêu thoát lục đạo luân hồi

Hình khắc trên Tượng khắc đá Đại Túc về lục đạo luân hồi khác với những hình ảnh luân hồi nói chung. Ở giữa hình điêu khắc, ngoài ba động vật đại biểu cho tham, sân si, ở giữa còn có một nhà tu hành tóc xoăn đang ngồi xếp bằng. Nói đúng hơn đó là người giác ngộ, Phật quang mà Ngài phát ra vượt ra khỏi phạm vi vòng tròn lục đạo luân hồi. Đó là một ẩn dụ để thoát khỏi đau khổ của luân hồi, chỉ bằng cách tu luyện viên mãn và siêu xuất Tam giới.

Trong số những luồng ánh sáng Phật quang khác nhau trên bánh xe quay, còn có rất nhiều tượng Phật và Bồ Tát, có nghĩa là “tất cả chúng sinh đều có Phật tính”, nhưng chúng ta bị ảnh hưởng bởi Tam độc - tham, sân, si, bị hồng trần che lấp và không để lộ ra. Chỉ có thành tâm tu luyện, con người thật và Phật tính của chúng ta mới có thể được hiển lộ.

Tuy nhiên, những người thực sự có thể tu hành chủ yếu là chúng sinh của cõi người. Còn chúng sinh ở cõi Trời, cõi súc sinh, địa ngục và ngạ quỷ đều khó tu hành vì mỗi chúng sinh đều có những chướng ngại khác nhau.

Cõi Trời khó tu vì mọi thứ trên Trời đều hạnh phúc, ít phải chịu khổ, trong hưởng thụ chúng sinh cũng khó nghĩ tới tu luyện. Cõi địa ngục thì lại thống khổ quá, không tu được.

Cõi súc sinh thì quá ngu si không thể tu hành, cũng không có thân thể người để tu luyện. Chỉ khi có đau khổ và hạnh phúc trong cõi người chúng ta mới có thể tu trong mê, và con người mới có lý trí và có khả năng không ngừng tìm kiếm chân lý.

Chúng ta quả thật rất may mắn khi được sinh ra trong cõi người, bởi vì chúng ta có cơ hội ngàn năm có một để tu luyện, có thể thoát khỏi mọi khổ đau và đến được bờ bên kia của hạnh phúc. Những người không muốn tu luyện cũng có cơ hội làm người tốt ở nơi nhân gian, và có thể có một tương lai tươi sáng đang chờ đợi họ.

Minh An
Theo Earthinn



BÀI CHỌN LỌC

Tiết lộ bí mật cuối cùng của luân hồi - Tiền kiếp của bạn là ai?