Tiểu nữ báo ân đánh bại băng cướp cứu cả nhà chủ nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Một a hoàn thọ ân không quên báo đáp, trong nguy nan đã hóa giải đại nạn cho ân nhân của phụ thân, thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người được nuôi dưỡng trong văn hóa truyền thống.

Ngạn ngữ có câu: “Thi ân không mong báo, thọ ân chớ quên người”; “Thi ân đừng nhớ, thọ ân chớ quên”.

Người ta còn nói: “Thọ ân một giọt nước, báo ân cả suối nguồn”; “Thọ ân mà không báo đáp, đó là hành vi của kẻ tiểu nhân. Tiểu nhân chỉ muốn nhận ân huệ từ người khác, nhận rồi liền quên”; “Quân tử không tùy tiện nhận ân huệ từ người khác, nhận ân ắt sẽ báo đáp”.

Việc thiện

Vào thời nhà Thanh, có một vị quan người Quảng Đông làm quan Án sát sứ ở Hà Nam, ông là một viên quan thanh liêm, chính trực, thận trọng xem xét các vụ án. Một lần, khi thẩm lý vụ án, ông phát hiện ra rằng nghi phạm họ Nhiếp có liên quan đến một vụ án giết người, bị người ta vu cáo hãm hại, kết quả là anh ta bị đánh đập, bị tội oan và bị tống vào tù. Án sát sứ đã điều tra lại và thu thập chứng cứ, thẩm tra hồ sơ vụ án, minh oan cho nạn nhân họ Nhiếp.

Sau khi ra tù, người họ Nhiếp rất cảm kích, biết chính Án sát sứ đã dốc hết sức để minh oan cho mình, họ Nhiếp rất biết ơn ông, nhưng gia đình không có tài sản gì để báo đáp. Thế là họ Nhiếp đã đem đứa con gái duy nhất của mình là Thư Nhi dâng cho Án sát sứ làm người hầu gái, để thể hiện nguyện vọng chân thành của mình. Án sát sứ thấy tấm lòng chân tình của người họ Nhiếp, ông đã đồng ý giữ con gái của họ Nhiếp làm tỳ nữ.

Thư Nhi rất đoan trang, rắn chắc, khỏe mạnh và xinh đẹp, nhưng cô lại không thể làm được những việc tỉ mỉ. Phu nhân của Án sát sứ rất nghiêm khắc với người hầu ở nhà, ngoài việc quét sân quét nhà, nấu nướng ra, bà còn yêu cầu người hầu học nghề may vá, thêu thùa. Hằng ngày, phu nhân như cô giáo dạy bảo học trò. Nhưng Thư Nhi chân tay thô, kim thêu không nghe theo cô sai bảo, mũi khâu lúc nào cũng xiên xiên vẹo vẹo. Phu nhân rất không hài lòng, nên đã trừng phạt về thể xác, đánh Thư Nhi bằng roi. Thư Nhi luôn im lặng, cúi đầu chịu đựng, không bao giờ phản kháng, cũng không có lời oán thán.

Đường về quê

Quan Án sát sứ bị sa thải do một sai lầm lớn trong công việc, cả nhà trở về quê hương. Ông cưỡi ngựa, phu nhân ngồi kiệu, dẫn theo những người hầu lên đường về quê nhà.

Trên đường về quê, họ phải đi qua một rừng táo, nơi này bọn trộm thường lui tới chặn đường cướp đoạt. Tên đại đầu lĩnh và nhị đầu lĩnh của nhóm tội phạm này dựa vào ngạnh công phu ghê gớm của mình mà hoành hành bá đạo, vô pháp vô thiên, trắng trợn cướp đoạt tài sản của người qua đường, trở thành đại họa của địa phương.

Con đường về quê không thuận lợi
Con đường về quê không thuận lợi. (Pixabay)

Tên đại đầu lĩnh có biệt danh là Trại Trương Thanh, tên thật là Lưu Tiêu, rất giỏi sử dụng đạn lưu tinh, một phát bắn năm viên bi, viên nào cũng trúng mục tiêu chính xác. Tên nhị đầu lĩnh là Thiết Quải Tử Chu Kiện, giỏi sử dụng một chiếc nạng sắt với sức mạnh rất lớn, hắn đã từng dùng nạng đập vỡ nát chiếc trống đá đặt trước Chân Vũ điện. Những viên chức bổ dịch của quan phủ sợ hãi trước thế lực của hai tên đầu lĩnh, bất lực không biết làm gì.

Án sát sứ đã nghe nói về sự xuất hiện của nhóm cướp này, vì vậy ông rất thận trọng đề phòng suốt chặng đường. Rừng táo là một vùng rừng núi hoang vu, khi bọn họ đến gần rừng táo thì trời đã gần chạng vạng. Tuy nhiên, trước tình hình phía trước không có làng, phía sau không có quán, đoàn người của Án sát sứ đành phải lấy can đảm tiến lên, trong tâm cầu nguyện bình an vô sự đi qua đoạn đường này.

Lúc này, đột nhiên xuất hiện âm thanh "vèo… vèo…", mũi tên của bọn cướp bay tới!

Án sát sứ nghe liền biết có chuyện không ổn, chân ông bỗng run lên và suýt nữa thì ngã xuống đất. Phu nhân sắc mặt tái nhợt không còn chút máu nhìn ra ngoài, đám người hầu và a hoàn càng thêm hoảng sợ luống cuống, rối tung cả lên.

Báo ân

Đúng lúc nguy hiểm này, một a hoàn bình tĩnh bước đến trước mặt Án sát sứ và nói: "Mấy thằng giặc cỏ này, làm sao dám mạo phạm đại nhân và phu nhân. Nếu chúng nó chán sống rồi thì nô tỳ sẽ cho chúng nó đi gặp Diêm vương”.

Người bình tĩnh ung dung đó lại chính là Thư Nhi, là cô a hoàn thường ngày chân tay vụng về.

Án sát sứ thấy một cô là một tiểu nữ nhỏ nhoi, có thể không biết những “thằng giặc cỏ” này hung ác như thế nào, vội nói: “Tiểu nữ cỏn con, sao có thể là đối thủ của bọn cướp được?”, vừa nói ông vừa liên tiếp xua tay.

Nhưng Thư Nhi bước tới và thỉnh cầu: "Tình hình gấp gáp, nô tỳ không kịp giải thích với đại nhân, xin đại nhân hãy mau mau đưa ngựa của ngài cho tiểu nữ!"

Tình thế cấp bách, không có cách nào khác, Án sát sứ đành phải giao ngựa cho Thư Nhi. Chỉ thấy Thư Nhi bay người lên ngựa và phi nước đại, khiến Án sát sứ phải sững sờ nhìn.

Nhiếp Thư Nhi phi ngựa đến chỗ bọn cướp và thét lớn: "Bọn giặc cỏ ở đâu đến, các ngươi có biết Nhiếp Thư Nhi Hà Nam không?"

Bọn cướp thấy một cô a đầu tóc vàng tới trước mặt thì cười ha hả và nói: "A đầu tóc vàng ở đâu đến, dám ngang ngược trước mặt các lão gia sao!"

“Đừng nói nhảm nữa, mau tránh đường cho ta!” - Nhiếp Thư Nhi lại hét lên.

Một tên cướp cười hì hì lao tới và nói: "Anh em chúng tôi chỉ cần tiền thôi, Thư Nhi cô thì có tác dụng gì, đành đem cô làm áp trại phu nhân vậy!"

Nhiếp Thư Nhi vô cùng tức giận và mắng: "Các ngươi lũ giặc cỏ kia, chết đến nơi rồi còn giễu cợt bà ư, trò lưu manh!"

Tên đại đầu lĩnh Trại Trương Thanh ra tay trước, nhanh chóng bắn cho Thư Nhi một viên đạn lưu tinh, hắn đầy tự tin rằng đủ giết chết cô a đầu.

Nhiếp Thư Nhi không hề hoảng sợ, cô đưa tay phải ra, viên bi sắt đã bị cô kẹp vào giữa hai ngón tay.

Trại Trương Thanh kinh ngạc, "vèo… vèo…", hắn bắn liền thêm hai phát nữa. Nhiếp Thư Nhi bắt viên thứ hai bằng tay trái, và há miệng cắn viên thứ ba.

Bọn cướp thấy thế thì kinh ngạc trố mắt ngây người, bất giác trong tâm thấy run sợ. Trại Trương Thanh dốc hết tuyệt kỹ, đặt cược vào viên đạn lưu tinh khác. Nhiếp Thư Nhi ngả người nằm ngửa trên ngựa, dùng hai ngón chân bắt viên đạn một cách nghịch ngợm. Chiêu thức này đã khiến bọn cướp sợ vỡ mật.

Trại Trương Thanh vẫn chưa cam tâm, hắn lại bắn ra viên đạn thứ năm. Nhanh như chớp, viên bi sắt dưới chân Nhiếp Thư Nhi bay ra đánh chặn viên đạn kia đang bay tới, không hề sai lệch, cả hai viên đạn va vào nhau và bắn ra cách nhau vài trượng.

Sau khi Trại Trương Thanh đã bắn ra 5 viên đạn, hắn đang muốn thoát thân thì Nhiếp Thư Nhi vọt tới trước, nhổ ra viên bi sắt trong miệng ra, cười lớn và nói: "Tên cướp to gan làm càn kia, ngươi còn có bản lĩnh gì nữa không, hãy thi triển ra cho ta xem".

Đúng lúc này, Thiết Quải Tử Chu Kiện thấy Lưu Tiêu gặp nguy hiểm, liền vung nạng lao tới chặn cô gái, ai ngờ Nhiếp Thư Nhi nghênh đón, giật lấy cây nạng sắt của hắn mà không mảy may tốn chút sức lực nào. Cô bẻ thành nhiều khúc, sau đó lấy tay vò mấy cái bằng lòng bàn tay, chiếc nạng sắt mềm như bún.

Nhiếp Thư Nhi ném đống sắt vụn xuống đất, phủi phủi bụi trên lòng bàn tay, cười nhạo nói: "Ngươi dùng cái kẹp bếp của mẹ già để dọa người, cũng không sợ bị cười rụng răng à!"

Đối mặt với một cao thủ võ công tuyệt kỹ đầy mình, hai tên đầu lĩnh hoảng sợ đến mức hồn bay phách lạc, chúng liền lùi lại, tìm cách quay đầu bỏ chạy tháo mạng.

Khi chúng chạy được hơn chục bước thì bất ngờ ngã xuống đất. Thì ra Nhiếp Thư Nhi hay tay xuất thủ ném ra 2 viên bi sắt, hạ gục hai tên cầm đầu băng cướp. Những tên cướp khác bỗng trở nên nhốn nháo, từng tên một quỳ xuống trước ngựa của cô gái nhỏ, van xin tha mạng.

"Những kẻ khốn nạn các ngươi, không đáng làm bẩn tay chân của ta, mau cút ngay khỏi đây! Đừng làm chuyện xấu nữa, đi đêm lắm thì tính mạng khó mà giữ được!" - Nhiếp Thư Nhi nghiêm giọng quát mắng, thực tế là đã cho họ một con đường sống.

số mệnh cải biến
Cô xuống ngựa đến bái kiến Án sát sứ và nói: “Nhờ hồng phúc của đại nhân, bọn cướp đã bị nô tỳ diệt trừ!” (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Gia đình Án sát sứ tạm lánh nạn trong hang đá, ai nấy đều tâm trạng lo lắng, thấp thỏm lo âu.

Chỉ trong một thời gian uống chén trà, Thư Nhi ung dung xuất hiện trước mặt họ.

Cô xuống ngựa đến bái kiến Án sát sứ và nói: “Nhờ hồng phúc của đại nhân, bọn cướp đã bị nô tỳ diệt trừ!”

Án sát sứ và phu nhân vui mừng khôn xiết, không thể tin đó là sự thật. Thư Nhi đưa họ ra khỏi hang để xem xét, quả nhiên hai tên đầu lĩnh nhóm cướp đang nằm trên khu đất hoang.

Phu nhân vội hỏi: "Thư Nhi à, tại sao cái kim thêu cô cầm không nổi mà lại có võ công siêu phàm như vậy?"

Thư Nhi bẩm rằng: "Thưa phu nhân, nô tỳ từ nhỏ đã bái một cao nhân làm thầy để luyện tập võ thuật. Đao, thương, kiếm, kích, côn, quyền, nô tỳ đều đã luyện rồi, đã thành quen rồi, nhưng thêu hoa thì nô tỳ chưa bao giờ học, do đó không biết thêu, luôn luôn khiến phu nhân tức giận, nô tỳ thực sự xấu hổ".

"Vậy là cô không thể học được, khi tôi trách mắng và đánh cô, tại sao cô không nói rõ đầu đuôi ngọn ngành?" - Phu nhân hỏi, vỗ về bàn tay Thư Nhi một cách trìu mến.

Chỉ thấy Thư Nhi trả lời rằng: "Cha nô tỳ đã lệnh cho tiểu nữa phải báo đáp đại ân đại đức của đại nhân. Người căn dặn tiểu nữa không được làm trái ý và xúc phạm phu nhân. Nếu tiểu nữ làm trái ý thì chẳng phải lấy oán báo đức đó sao, tiểu nữ sao có thể như thế được!"

Nghe những lời này, phu nhân cảm động rơi nước mắt, vội vàng ôm Thư Nhi vào lòng, miệng lẩm bẩm: “Ta đã trách tội sai cô!”

Án sát sứ cũng hết sức khen ngợi sự anh dũng của Thư Nhi, cả đoàn người thuận lợi trở về quê nhà.

Sau này Thư Nhi kết hôn và sinh môt bé trai. Sau khi lớn lên, chàng trai học hành và thi đỗ, trở thành Huyện lệnh huyện Điền Nam, Vân Nam. Huyện lệnh thường tự mình dẫn những người bổ dịch vào núi để bắt cướp, có phong độ giống như mẫu thân của Huyện lệnh.

Trung Hòa
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Tiểu nữ báo ân đánh bại băng cướp cứu cả nhà chủ nhân