Tìm người ẩn cư mà không gặp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giả Đảo từ nhỏ xuất gia làm tăng, có lẽ cũng là người có căn cơ khá, sao ẩn sĩ không gặp?

Nguyên văn chữ Hán

尋隱者不遇 - 賈島

松下童子,
言師採藥去。
只在此山中,
雲深不知處。

Hán Việt

Tầm ẩn giả bất ngộ - Giả Đảo
Tùng hạ vấn đồng tử,
Ngôn sư thái dược khứ.
Chỉ tại thử sơn trung,
Vân thâm bất tri xứ.

Dịch nghĩa

Tìm người ẩn cư mà không gặp - Giả Đảo
Dưới cây tùng hỏi thăm tiểu đồng,
Nói rằng thầy đã đi hái thuốc.
Chỉ ở trong núi này thôi,
Nhưng mây dày nên chẳng biết chỗ nào.

Dịch thơ (Tản Đà)

Gốc thông hỏi chú học trò
Rằng: thầy hái thuốc lò mò đi xa
Ở trong núi ấy thôi mà
Mây che mù mịt biết là đi đâu.

Về tác giả

Giả Đảo (779 - 843), tên chữ Lãng Tiên, ông là một nhà thơ thời nhà Đường, Trung Quốc. Ông đã từng xuất gia làm hòa thượng, Pháp hiệu Vô Bản. Tương truyền khi Giả Đảo ở Lạc Dương, vì thời đó có lệnh cấm hòa thượng đi ra ngoài sau giờ Ngọ, ông đã làm thơ than phiền, nhờ đó được Hàn Dũ phát hiện ra tài hoa, được Hàn Dũ truyền thụ. Sau đó ông hoàn tục tham gia khoa cử nhưng nhiều lần dự thi đều trượt.

Một ngày kia, Đường Tuyên Tông vi hành đến Pháp Kiền Tự, bỗng nhiên nghe trên lầu có người ngâm thơ bèn lên lầu tìm. Gặp Giả Đảo, nhà vua cầm quyển thơ lên xem, ông giành lại nói: Làm thế nào ông xem nổi thơ này. Nhà vua không nói gì, bỏ về. Về sau, rõ chuyện, Giả Đảo lật đật đến tạ tội. Tuyên Tông chẳng những không bắt tội mà còn giao cho ông chức Chủ bạ Trường Giang.

Về bài thơ

Bài thơ toát lên vẻ mông lung, mù mịt đầy ý thiền. Nếu chỉ đọc qua và xem ý nghĩa mặt chữ thì khó biết được hàm nghĩa sâu xa đằng sau một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt ngắn gọn súc tích này, cả bài thơ chỉ vẻn vẹn 20 chữ, có vẻ như câu hỏi thăm và trả lời bình thường giản đơn mà chúng ta vẫn thường gặp trong cuộc sống. Những nếu ngẫm nghĩ kỹ, và xem xét dưới góc độ của tác giả, và của ẩn sĩ, người mà tác giả muốn bái kiến mà không gặp, thì sẽ phát hiện ra những ý tứ sâu xa.

Giả Đảo vốn nổi tiếng là người cẩn thận sử dụng từ ngữ, nối tiếng với tích "thôi xao". Có lần Giả Ðảo cưỡi lừa ngâm thơ, chợt nghĩ ra được hai câu:

Ðiểu túc trì biên thụ,
Tăng xao nguyệt hạ môn.

Nghĩa là:

Chim ngủ cây bên ao,
Sư gõ cửa dưới trăng.

Nhưng ông lưỡng lự, không biết nên dùng chữ “thôi” (đẩy) hay chữ “xao” (gõ), nên vừa đi vừa đưa một tay ra gõ rồi lại đẩy, mà không để ý tới xe của Hàn Dũ đang chạy qua. Hàn Dũ dừng xe, hỏi chuyện rồi khuyên dùng chữ “xao”. Từ đó, hai người quen nhau và cũng từ đó hai từ “thôi xao” được dùng để chỉ sự tỉ mỉ cân nhắc câu chữ khi làm thơ.

"Tùng hạ vấn đồng tử, ngôn sư thái dược khứ". Người ẩn cư này chính là một ẩn sỹ tu Đạo. Nhiều người giải nghĩa ẩn sĩ hái thuốc để chữa bệnh tế thế cứu người. Nếu như thế thì là thầy thuốc, mà thầy thuốc khi đã hành nghề đều không ẩn cư. Thế nên đây chỉ có thể là vị ẩn sĩ tu Đạo, hái thuốc để luyện đan. Đạo gia lưu hành câu "An đỉnh thiết lư, thái dược luyện đan", nghĩa bề mặt là làm lò đặt vạc, hái thuốc luyện đan.

"Chỉ tại thử sơn trung, vân thâm bất tri xứ". Người tu luyện đến một mức nhất định, nhất là những người tu Đạo trong núi sâu rừng già, thường xuất hiện khá nhiều công năng đặc biệt như có khả năng biết trước sự việc, đọc được ý nghĩ của người khác... Thế nên việc Giả Đạo đến bái kiến mà không gặp được ẩn sĩ là do ẩn sĩ cố ý không gặp. Giả Đảo vốn là người tu Phật, sau khi hoàn tục vào chốn quan trường. Thời Đường Văn Tông, ông bị bài xích và bị giáng chức xuống làm Chủ bạ Trường Giang. Con người khi ở tuổi thanh xuân thường nhiều hoài bão, dễ bị công danh mê hoặc. Đến tuổi trung niên, là tuổi đã đủ trải nghiệm và trí tuệ để nhìn thấu sự đời, nhân sinh vô thường, nên thường có xu hướng tìm về với bản nguyên sinh mệnh, tìm con đường giải thoát. Thế nên, có lẽ ông đã tìm đến vị ẩn sĩ này để tầm sư phỏng Đạo.

Thế nhưng Đạo gia là sư phụ lựa chọn đồ đệ, chủ động tìm đồ đệ, chứ không phải đồ đệ tìm sư phụ. Những người tu Đạo đắc Đạo, họ có thể từ bỏ ẩn cư, đi vân du trong chốn nhân gian, tìm người có căn cơ tốt để truyền thụ, kế thừa Đạo tông. Giả Đảo từ nhỏ xuất gia làm tăng, có lẽ cũng là người có căn cơ khá, sao ẩn sĩ không gặp? Bởi vì trong tu luyện đều coi trọng chuyên nhất, "bất nhị Pháp môn". Tuy Giả Đảo đã hoàn tục nhưng những tín tức trên thân ông vẫn còn rất nhiều thuộc về Phật giáo, cho dù Giả Đảo có căn cơ tốt, thì so với tiêu chuẩn chọn đồ đệ của Đạo gia thì vẫn còn một khoảng cách, do đó ẩn sĩ tránh không gặp mặt.

Nếu đọc qua thì thấy, Giả Đảo không gặp được ẩn sĩ nên khá thất vọng "Mây che mù mịt biết là đi đâu". Nhưng đọc bài thơ này, chúng ta thấy lời thơ câu chữ khá thông tục, trôi chảy, tự nhiên, như những lời hỏi thăm trả lời thông thường, hoàn toàn trái với phong cách "thôi xao" đặc trưng của Giả Đảo, có thể thấy, bài thơ này ông viết liền một mạch, mà không cân nhắc câu từ chữ nghĩa, suy đi tính lại. Điều này có thể là do ông không hoàn toàn thất vọng, mà hiểu được duyên phận mình chỉ đến đó mà thôi, nên bình tâm an lòng chấp nhận trở về, mà không để lại lời nhắn, cũng như hẹn lần sau lại đến.

Lần bái kiến này không được như ý nguyện, nhưng đã thành tựu một bài thơ thiên cổ, đến nay vẫn được đông đảo người yêu thơ yêu thích.

Hoàng Mai
(Tham khảo: Vision Times; Thi Viện; Wikipedia)



BÀI CHỌN LỌC

Tìm người ẩn cư mà không gặp