Tìm thấy sự tự do trong Luật của Chúa: ‘Daniel trong hang sư tử’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Daniel là một người Do Thái sùng đạo trong thời trị vì của Vua Darius. Darius là vua của Ba Tư vào khoảng thế kỷ thứ 6 và thứ 5 TCN, ông rất thân thiện với người Do Thái và thậm chí còn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại đền thờ ở Jerusalem sau khi người Babylon phá hủy nó.

Vua Darius ngưỡng mộ Daniel và tìm cách trao cho ông nhiều quyền lực hơn với tư cách là một người quản lý, điều này làm dấy lên sự đố kỵ của những người quản lý khác trong khu vực. Kết quả là, những người quản lý khác muốn làm mất danh dự của Daniel, nhưng họ không thể tìm ra lỗi của ông.

Để làm mất uy tín của Daniel, những người quản lý đã nghĩ ra một mánh khóe. Họ thuyết phục vua Darius tạo ra luật quy định rằng, bất kỳ ai cầu nguyện với bất kỳ vị Thần nào không được công nhận sẽ bị ném vào hang sư tử. Luật sẽ được ban hành trong 30 ngày, và không thể thay đổi sau khi được tạo ra. Vua Darius đồng ý. Những người quản lý biết rằng họ chỉ có thể làm hại Daniel từ mối liên hệ của ông với Đức Chúa.

Daniel đã nghe về luật mới, nhưng ông không để nó ảnh hưởng đến hành động của mình. Ông tiếp tục cầu nguyện với Chúa như anh đã làm trước đây. Những người quản lý đã cùng nhau đi bắt Daniel lúc ông đang cầu nguyện với Chúa, và họ bẩm báo với vua Darius rằng Daniel đã phạm luật mới. Vua Darius rất đau khổ trước tin này, nhưng ông không thể làm gì để bảo vệ Daniel.

Những người quản lý ra lệnh đưa Daniel vào hang sư tử, họ còn chế nhạo ông trước khi nhốt ông vào trong.

Vua Darius lo lắng cho Daniel suốt đêm, và ngay khi ánh sáng đầu tiên ló dạng, ông đã chạy đến xem Daniel có bị làm hại hay không. Vua Darius thấy ông không hề hấn gì. Ông giải thích với nhà vua rằng, Đức Chúa đã sai các Thiên Thần đến đóng miệng những con sư tử vì ông vô tội theo luật của Chúa.

Vua Darius vui mừng và giải thoát cho Daniel. Sau đó, ông ném những người quản lý đã gây rắc rối vào hang. Kết quả là những con sư tử đã nuốt chửng họ.

‘Daniel trong hang sư tử’ của Peter Paul Rubens

Họa sĩ Peter Paul Rubens là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, đã vẽ trong thời kỳ Phản Cải cách của Nhà thờ Công giáo La Mã. Đây là thời kỳ chấn hưng Giáo hội Công giáo Rôma bắt đầu từ Công đồng Trentô vào năm 1545 và kết thúc ở thời điểm Hòa ước Westfalen năm 1648, được khởi xướng để phản ứng lại với cuộc Cải cách Tin Lành.

Họa sĩ Peter Paul Rubens, tranh tự họa năm 1623. (Ảnh: wikimedia)

Họa sĩ Rubens là một người Công giáo sùng đạo, đã đóng góp vai trò của mình trong cuộc Phản Cải cách. Bức tranh “Daniel trong hang sư tử” là một cơ hội mà ông tận dụng để truyền cảm hứng cho những người Công giáo khác, bằng tinh thần của các vị tử Đạo trong Kinh Thánh.

Họa sĩ Rubens đã vẽ Daniel như một nhân vật duy nhất trong bố cục. Daniel ngồi bên phải, khoanh chân và chắp tay cầu nguyện. Một ánh sáng huyền ảo chiếu từ phía bên trái của đầu ông, và ánh mắt ông kính nể ngước nhìn lên cửa hang.

Chi tiết bức “Daniel trong hang sư tử” vào khoảng năm 1614–1616, bởi Peter Paul Rubens. Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, Washington D.C. (Ảnh miền công cộng)

Chín con sư tử vây quanh Daniel, nhưng chúng dường như không quan tâm đến ông. Một số con sư tử ngủ, những con khác nghỉ ngơi, hai con dường như đang chơi đùa và một con ngáp. Điều mà chúng ít quan tâm nhất - có lẽ là Daniel, ông vẫn an toàn mặc dù xương người nằm rải rác xung quanh.

Sự công bình trong Luật của Chúa

Nhìn bề ngoài, câu chuyện về Daniel và hang sư tử chỉ đơn giản là đại diện cho sức mạnh của niềm tin vào Chúa. Daniel vẫn giữ đức tin của mình với Chúa mặc dù bị những người quyền lực công kích. Niềm tin của ông đã mang lại điều kỳ diệu, cứu ông thoát khỏi cái chết oan nghiệt. Nhưng có thể có những ý nghĩa khác trong câu chuyện này.

Trước tiên, hãy bắt đầu bằng cách phân tích hai loại luật. Nhà vua là người quyền lực nhất và giàu có nhất trong vùng. Ông ấy có quyền tạo ra luật khi thấy chúng hợp ý, và phá bỏ khi thấy chúng không hợp ý.

Tuy nhiên, những người quản lý đã dễ dàng thao túng vua Darius để tạo ra một luật mới, với mục đích duy nhất là làm tổn hại Daniel. Trên thực tế, luật pháp được thành lập dựa trên sự đố kỵ với những người công chính, và điều được xây dựng trong luật này là sắc lệnh bất di bất dịch. Kết quả là, nhà vua không thể ngăn một con người vô tội bị hại. Luật pháp đã cản trở nhà vua hành động như một người tốt.

Nhưng có một luật khác cao hơn: luật của Chúa.

Mặc dù luật của vua không xuất hiện rõ ràng trong bức tranh, nhưng luật của Chúa thì có. Luật của Chúa được thể hiện trong lòng trắc ẩn đối với người ngay thẳng và đạo đức.

Đức tin của Daniel rất mạnh mẽ; nó mạnh đến nỗi luật của vua - luật của loài người cố gắng cản trở luật của Chúa - nhưng vẫn không ảnh hưởng đến Daniel.

Thay vì tuân theo luật pháp của con người, Daniel đã chọn tuân theo luật của Chúa. Luật của Chúa ở cảnh giới mà quyền lực và sự giàu có của nhà vua không thể đạt đến. Và nó đã giữ cho Daniel - một người gương mẫu và chính trực - được an toàn.

Bậc thầy của ham muốn dục vọng

Hãy quay lại bức tranh để tìm hiểu sự tiềm tàng trong ý nghĩa thứ hai.

Những con sư tử có thể đại diện cho những ham muốn thú tính của chúng ta, tức là những ham muốn dục vọng của chúng ta. Những con sư tử này như những cám dỗ rình rập chực chờ ăn tươi nuốt sống chúng ta ngay khi chúng ta không giữ vững được sự ngay chính.

Theo định nghĩa, tù nhân không được tự do, và hang sư tử là nơi các tù nhân sẽ chết. Những mảnh xương nằm rải rác trên sàn trong hang cho thấy bức tranh về số phận của những tù nhân trước đây.

Chi tiết bức “Daniel trong hang sư tử” vào khoảng năm 1614–1616, bởi Peter Paul Rubens. Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, Washington D.C. (Ảnh miền công cộng)

Nếu những con sư tử đại diện cho những ham muốn thú tính, thì Daniel phải đưa ra lựa chọn. Nếu ông chọn những cám dỗ mà những con sư tử đại diện, ông sẽ có kết cục giống các nạn nhân trước đây. Tuy nhiên, nếu ông chọn luật của Chúa, ông sẽ vượt qua khỏi thế giới trần tục và được tự do cho dù ông ở đâu.

Daniel nhìn lên và nhìn ra khỏi hang sư tử với vẻ kính nể. Ông giữ tâm trí và tấm lòng hướng đến Đức Chúa, có lẽ điều này đã giúp ông vượt ra khỏi hang đang giam giữ ông!? Có nghĩa là ông thực sự được tự do mặc dù đang bị giam cầm!?

Những con sư tử cư xử như thể chúng không biết về sự tồn tại của Daniel. Liệu sự cám dỗ có tan biến khi trái tim và khối óc suy nghĩ về Chúa, và đây có phải là sự tự do đích thực?

Điều thú vị là nhà vua không được tự do ngăn cản việc thực thi luật của mình, nhưng Daniel thì được tự do mặc dù bị nhốt trong hang sư tử. Đôi khi, luật pháp con người cho phép những điều không phù hợp với hành vi chính đáng. Liệu ảo tưởng về sự tự do - nghĩa là, nghĩ rằng chúng ta được tự do khi đầu hàng trước cám dỗ, chỉ đơn giản là vì luật pháp cho phép điều đó - đã cản trở chúng ta thực sự tự do?

Chúng ta không thể hành xử đạo đức nếu không được tự do, vì hành động có đạo đức bao hàm khả năng bẩm sinh của chúng ta trong việc lựa chọn giữa những gì chúng ta tin là đúng và sai.

Có phải chúng ta, giống như vua Darius, đã tạo ra luật pháp ngăn cản con người đối xử tốt với nhau? Nếu giống như Daniel, phải chăng chúng ta nên làm chủ những ham muốn dục vọng của mình trước luật của Chúa - nếu chúng ta muốn trải nghiệm tự do thực sự?

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật đẹp nhưng không biết nó có ý nghĩa gì chưa? Trong loạt bài “Tiếp cận bên trong: Những gì mà nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim”, chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác cổ điển một cách sâu sắc hơn về mặt đạo đức đối với chúng ta ngày nay. Chúng tôi cố gắng tiếp cận từng tác phẩm nghệ thuật để xem những sáng tạo lịch sử có thể truyền cảm hứng như thế nào cho đức tính tốt đẹp sẵn có trong tâm hồn của mỗi chúng ta.

Cao Nguyên
Theo Eric Bess - The Epoch Times

Eric Bess là một nghệ sĩ theo trường phái tả thực người Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (Institute for Doctoral Studies in the Visual Arts - IDSVA)



BÀI CHỌN LỌC

Tìm thấy sự tự do trong Luật của Chúa: ‘Daniel trong hang sư tử’