Tín vật đính ước (1): Lãng mạn mỹ lệ, thề chẳng đổi thay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời cổ đại, cả nam và nữ sử dụng khá nhiều loại trang sức, tuy nhiên chỉ một số vật được dùng làm tín vật "nguyện nước thề non", giữ mãi bên mình suốt đời "nghìn năm giao kết đôi, non non nước nước không nguôi lời thề".

Thời kỳ Tào Ngụy, quan Bí thư Phồn Khâm của Tào Tháo có viết một bài thơ thể loại Nhạc phủ là “Định tình thi”. Nhờ phong cách độc đáo, nó được truyền tụng mãi đến tận ngày nay.

Bài thơ này có điểm đặc sắc, đó là trong thơ miêu tả lại các loại các dạng tín vật đính ước đời Hán. Chủng loại của chúng rất phong phú, khiến người ta bị hấp dẫn. Thông qua miêu tả trong thơ, người của ngàn năm sau có thể hiểu sơ lược về tín vật đính ước của phụ nữ thời Hán. Chúng ta hãy cùng điểm qua.

Dùng vật gì để thể hiện sự nhớ nhung tha thiết? Vòng đeo tay

“Hà dĩ trí quyền quyền? Oản tí song kim hoàn”

Người ta dùng thứ gì để thể hiện sự quyến luyến với đối phương, chính là dùng trang sức kim hoàn đeo lên tay.

"Oản tí song kim hoàn" là chỉ vòng đeo trên tay, còn gọi là “triền tí kim”, dùng vàng, bạc làm thành vòng xoáy ốc, đeo lên cánh tay, đây là trang sức phụ nữ Trung Quốc cổ đại thường dùng.

File:金臂钏1398.jpg
Dùng vàng, bạc làm thành vòng xoáy ốc, đeo lên cánh tay, đây là trang sức phụ nữ Trung Quốc cổ đại thường dùng. Ảnh “Kim tí xuyến” thời Minh. (Cangminzho/Wikimedia Commons)

Lấy vòng tay làm tín vật đính ước, thể hiện tình ý đối với người trong tim, quấn quýt bất tận.

Dùng vật gì để nói lên sự quan tâm ân cần? Đôi nhẫn bạc

“Hà dĩ đạo ân cần? Ước chỉ nhất song ngân”

Dùng vật gì để thể hiện sự quan tâm ân cần với đối phương? Chính là dùng một đôi nhẫn bạc.

Nhẫn còn được gọi là “giới chỉ”. Trong quan niệm dân gian, “giới chỉ” là có hàm nghĩa giữ gìn, tiết chế; vợ chồng cần mãi mãi chung lòng, trung trinh bất biến.

Căn cứ theo “Tam tài đồ hội” thời Minh, nhẫn ban đầu được dùng làm lễ vật ban cho có đại thần có công. Ngày 27 tháng 10 năm Diên Quang 4 thời Hán, hội 18 người gồm hoạn quan Tôn Trình, Vương Khang… ủng hộ Tế Âm Vương xưng đế, tức Hán Thuận Đế. Vì bọn họ có công ủng hộ, Thuận Đế ban tặng cho họ nhẫn vàng, coi như tưởng thưởng.

Trong phong tục của người Hồ dân tộc thiểu số Trung Quốc, trước khi cưới vợ, cần tặng nhẫn đồng tâm bằng vàng cho nhà gái. Hình minh họa. (Fotolia)

Trong phong tục của người Hồ dân tộc thiểu số Trung Quốc, trước khi cưới vợ, cần tặng nhẫn đồng tâm bằng vàng cho nhà gái, lấy đó làm vật chứng hôn nhân. Sau khi tập tục này truyền tới Trung Nguyên, người Hán dùng nhẫn làm vật trang sức, hình thành tập tục đeo nhẫn, cũng dùng làm tín vật đính ước, biểu đạt ý yêu mến. (“Thái Bình ngự lãm”; “Đại Uyên quốc truyện” - quyển 97 - “Tấn thư”)

Dùng vật gì thể hiện chân thành? Hoa tai minh châu

“Hà dĩ trí khu khu? Nhĩ trung song minh châu”

Dùng vật gì để thể hiện tấm chân tình trong lòng? Chính là đeo một đôi hoa tai minh châu.

Trong “Tam quốc chí”, Gia Cát Khác nói: "Xuyên nhĩ quán châu, cái cổ thượng dã". Đeo hoa tai đã có từ thời thượng cổ. “Sơn hải kinh” ghi chép, nữ Thần trên Trời là có đeo vòng tai.

Trang sức đeo tai có nhiều loại, chia làm nhĩ đinh, nhĩ đang, nhĩ hoàn, nhĩ trụy v.v… rất nhiều hình thức. Ảnh nhĩ trụy chạm khắc đầu rồng vàng có khảm ngọc, đời Thanh. (Phạm vi công cộng)

Trang sức đeo tai có nhiều loại, chia làm nhĩ đinh, nhĩ đang, nhĩ hoàn, nhĩ trụy v.v… rất nhiều hình thức. Lý Lạp Ông đời Thanh ở trong “Nhàn tình ngẫu ký - Sinh dung” , gọi trang sức tai tinh xảo nhỏ gọn là "Đinh hương"; gọi trang sức tai xa hoa lộng lẫy là "Lạc tác".

Đối với phụ nữ cổ đại, chỉ cần nhỏ bé như cái trâm hay hoa tai cũng đủ để đem theo cả đời. Lấy trang sức đeo tai làm tín vật đính ước, thể hiện vật không ly thân, không vứt bỏ, suốt đời đem theo, tình sâu ý nồng, xuyên qua da thịt. Bởi vậy tín vật vòng đeo tai vẫn thường biểu lộ tình cảm kiên quyết không đổi thay.

Dùng vật gì thể hiện sự da diết? Túi hương buộc khuỷu tay

“Hà dĩ trí khấu khấu? Hương nang hệ trửu hậu”

Dùng vật gì thể hiện chân tình da diết? Chính là túi hương buộc ở khuỷu tay.

Túi hương, “hương nang”, thời cổ còn gọi là “hà bao” (túi sen), “hương anh”, “hương đại” v.v…, tạo hình đa dạng, có cái phức tạp, có cái đơn giản. Thời cổ, dùng túi hương chứa đầy hương liệu có thể xua đuổi uế khí tà khí, cũng có công hiệu dưỡng sinh. Mọi người thường mang túi hương làm vật tùy thân.

Túi hương có thể dùng làm lễ vật biếu tặng cho nhau. Nếu như phụ nữ mang theo túi hương, ấy là thể hiện trong lòng đã có nơi có chốn. Nếu vợ đích thân may túi hương cho chồng, ấy là thể hiện phu thê ân ái, mãi không chia lìa.

Thời cổ, dùng túi hương chứa đầy hương liệu có thể xua đuổi uế khí tà khí, cũng có công hiệu dưỡng sinh. Mọi người thường mang túi hương làm vật tùy thân. Ảnh túi hương bằng vàng có khảm ngọc lam, đời Thanh. (Phạm vi công cộng)

“Tấn thư - Giả Ngọ truyện” ghi chép, Hàn Thọ anh tuấn tài năng, là một vị phụ tá của quyền thần Giả Sung. Một ngày nọ, Hàn Thọ làm khách đến chơi nhà Giả Sung. Hàn Thọ và con gái Giả Sung là Giả Ngọ trúng sét ái tình, yêu thương lẫn nhau. Khi hai người ước hẹn, Giả Ngọ đưa cho Hàn Thọ một túi hương, bên trong chứa hương liệu quý của Tây Vực mà Hoàng đế Tư Mã Viêm ban cho Giả Sung.

Lúc Hàn Thọ vào triều, Giả Sung vô tình ngửi thấy mùi hương phát ra từ người Hàn Thọ rất giống hương liệu Tây Vực của nhà mình. Thuở trước Tây Vực tiến cống Hoàng đế Tư Mã Viêm loại hương liệu này, Tư Mã Viêm thấy hương liệu rất quý báu, chỉ ban cho quyền thần Giả Sung và Đại tư mã Trần Khiên. Các đại thần khác hoàn toàn không thể nào có loại hương này.

Giả Sung trong lòng đoán được vài phần, có thể là con gái Giả Ngọ có người yêu, tự ý đem hương liệu tặng người ta. Cuối cùng, đúng như dự đoán, sau khi Giả Sung biết được tình hình thực tế, liền đem con gái gả cho Hàn Thọ làm vợ. (“Tấn thư quyển 40, Liệt truyện số 10)

(Còn tiếp)

Tác giả: Đỗ Nhược - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tín vật đính ước (1): Lãng mạn mỹ lệ, thề chẳng đổi thay