Tinh hoa và cảnh giới chơi cờ vây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cầm, Kỳ, Thi, Họa, là bốn bộ môn nghệ thuật văn hóa truyền thống Á Đông, rất thịnh hành trong giới Nho sĩ, quan lại, cung đình các triều đại các nước Á Đông xưa.

Trong ca dao Việt Nam xưa cũng đã nói đến môn nghệ thuật này:

Nỗi về nỗi ở chưa xong
Bối rối trong lòng như đánh cờ vây.

Cũng như Nguyễn Du miêu tả trong Truyện Kiều:

Khi hương sớm khi trà trưa
Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn
Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên....

Tuy nhiên cờ vây không chỉ là nghệ thuật giải trí phát triển trí tuệ, mà còn chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh, vũ trụ quan thâm sâu. Học giả, Đạo sĩ Cát Hồng đời Tấn có viết: “Đỗ phu tử Đỗ Lăng giỏi cờ vây, thiên hạ đệ nhất. Có người chê cười ông phí thời gian, phu tử nói: ‘Người tinh thông đạo lý của cờ vây đủ để trợ giúp Thánh nhân giáo hóa’”.

Nguồn gốc cờ vây

Trương Hoa, thời nhà Tấn, đã viết trong sách “Bác vật chí” rằng: “ Vua Nghiêu nghĩ ra môn chơi cờ vây để dạy dỗ Đan Chu, con trai của mình”.

Trong “Lộ sử hậu ký” của La Bí, thời đại nhà Tống, có viết rằng:

Phi tần của vua Nghiêu là Phú Nghi thị sinh được một hoàng tử, đặt tên là Đan Chu. Hành vi của Đan Chu không được tốt, nên vua Nghiêu đã đi tìm những vị Đạo Tiên để hỏi cách chỉ bảo cách dạy con. Một hôm, ở gần bờ sông Phấn, ông nhìn thấy hai vị Tiên đang ngồi đối diện nhau dưới cây tùng. Ông ngắm họ vạch những đường ngang dọc trên cát, rồi đặt những miếng đá đen trắng trên hàng vẽ như đang bày trận đồ. Vua Nghiêu tiến đến hỏi cách làm thế nào để có thể sửa đổi tính tình Đan Chu. Một vị tiên nói: “Đan Chu hay tranh giành mà lại ngu ngốc, hãy dùng những phương diện gì hắn có sở trường mà uốn nắn tính tình của nó theo con đường tốt”.

Còn vị Tiên kia lấy tay chỉ những đường kẻ trên cát và các viên đá đen trắng nói rằng: “Cái này gọi là bàn cờ vây (Vi kỳ). Bàn cờ này hình vuông mà yên tĩnh, trong khi những viên đá kia hình tròn mà chuyển động. Nó đi theo cách vận chuyển của Trời và Đất. Từ khi bàn cờ vây được thành lập đến nay, chưa có ai có thể hoàn toàn phá giải nó được”.

Sau đó Đan Chu đã được vua Nghiêu dạy chơi cờ vây, và quả thật tính nết cũng thay đổi thành tốt hơn. Từ đó mà thấy, người xưa sáng tạo ra môn cờ vây, không phải chỉ để tiêu khiển giết thời giờ hay học cách tranh giành hơn thua, mà để tu thân dưỡng tính, phát sinh trí tuệ, và biểu lộ tài năng nghệ thuật của người chơi. Hơn nữa, cờ vây còn có liên quan đến đạo lý thiên tượng dịch lý, binh pháp chiến lược, và trị quốc an dân.

Đế Nghiêu, tranh lụa do họa sĩ Mã Lân thời nhà Tống thực hiện
Đế Nghiêu, tranh lụa do họa sĩ Mã Lân thời nhà Tống thực hiện. (Ảnh: Wikipedia)

Bí ẩn cờ vây

Lục Cửu Uyên, một lý học gia người Trung Hoa, treo bàn cờ trên tường và trầm tư suy nghĩ, sau hai ngày có thốt ra một câu: “Cờ vây so với hà đồ cũng chẳng có khác gì nhau”.

Hà đồ và Lạc thư là hai bộ kỳ thư tạo ra nền văn minh Đạo gia và Nho gia. Giống như quyển Lạc Thư, bàn cờ vây có 361 giao điểm, 8 ngôi sao tinh tú chỉ phương vị, và 72 giao điểm dọc theo vòng chu vi, mà tương ứng với 360 ngày, 8 quẻ Bát quái (Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn), và 72 loại thời tiết. Con cờ hình tròn, phía trên nhô lên, phía dưới phẳng ngang, phân biệt nhau bằng hai màu trắng và đen, tượng trưng cho Âm và Dương.

Những đại sư cờ vây thời cận đại cho rằng bàn cờ vây nhìn giống như một vũ trụ, do 360 thiên thể họp lại mà thành. Có 19 đường dọc và 19 đường ngang trên bàn cờ, và 361 điểm tổng cộng. Một điểm dư ở trung tâm, gọi là Thiên Nguyên, tức là Thái Cực, đại biểu cho trung tâm của vũ trụ. Con số 360 chính là số ngày trong một năm âm-lịch, được chia ra làm bốn. Bốn góc là xuân, hạ, thu, đông. Những con cờ đen và trắng đại biểu cho ngày và đêm. Như vậy cả bàn cờ giống như là hình tượng biến hóa của Trời và Đất.

Như vậy, cũng như Chu Dịch, Hà Đồ, Lạc Thư, Bát Quái, cờ vây không phải là văn hóa của nền văn minh nhân loại thời kỳ này sáng tạo ra, mà là văn hóa thuộc về nền văn minh tiền sử. Thật ra, chúng đều là văn hóa do Thần truyền xuống cho nhân loại. Trong sách “Lê hiên mạn diễn” có viết rằng: “Cờ vây ban đầu không phải là sự việc của nhân gian. Nó được phát hiện đầu tiên ở quả quýt của người Ba Cung, sau thấy ở trong mộ của vua Chu Mục Vương, nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, và sau đó còn được tìm thấy trong một thạch thất nằm trên núi Thương Sơn. Đó là Đạo cụ cho các vị Đạo sĩ tu Tiên nuôi dưỡng tính nết và vui với Đạo.”

Điển tích quả quýt của người Ba Cung kể rằng:

Xưa có người đất Ba Cung, không rõ họ tên, nhà trồng vườn quýt. Sau tiết sương giáng, ông thu hoạch hết quýt, chỉ còn lại 2 trái lớn, to như cái chậu sành 3, 4 đấu. Người Ba Cung này lấy làm lạ, bèn sai người hái xuống, nhưng nó chỉ nặng như quả quýt thường. Bổ ra thì thấy trong mỗi trái quýt có 2 ông lão đầu tóc trắng phơ, da dẻ hồng hào, đang ngồi đối diện nhau chơi trò chơi. Những ông lão này chỉ cao 6 thước, cười nói tự nhiên. Sau khi quả quýt bị bổ ra, 4 ông lão cũng chẳng kinh sợ, vẫn thi đấu với nhau. Sau khi chơi xong, một ông lão nói: “Ông đã thua tôi 10 lượng vàng của cô con gái thứ 7 của Hải Long Thần, 12 đồng tiền vàng của Thiên nữ Trí Quỳnh, 2 vựa mây màu núi Đài Sơn, 9 hộc ngọc trần Doanh Châu, 4 chung rượu của Tây Vương Mẫu, ngày kia, hãy hoàn trả tôi ở Thảo đường Thanh Thành của Vương Tiên Sinh nhé”.

Một ông lão nói: “Vương tiên sinh hứa đến thì không thể để ngài chờ đợi được. Niềm vui trong quả quýt tuy không ảnh hưởng đến ai, nhưng không lâu bền, bị người ta hái xuống rồi”.

Một ông lão khác lấy trong tay áo ra một gốc cỏ, hình dáng như con rồng, cho nó ăn và uống nước, nó biến thành con rồng. Bốn ông lão cưỡi rồng bay đi.

Bốn Tiên nhân chơi cờ vây. (Nguồn Baidu)

Cảnh giới chơi cờ vây

Các trạng thái chơi cờ rất nhiều, nên biểu hiện ra sự tu dưỡng tính cách của kỳ thủ. Lo được lo mất, ôn hòa quyết đoán, do dự không quyết, tranh từng tấc đất, trợn mắt báo thù, loạn mưu lớn, bại toàn cuộc, lòng đã tính hết, tỉnh bơ như không, biến bị động thành chủ động.

Thắng cố nhiên là vui, bại cũng đáng mừng. Kỳ phùng địch thủ, tướng gặp lương tài. Tránh xa chốn ồn ào náo nhiệt, đắm chìm vào trong ván cờ, khí an định thần thái nhàn nhã, yên tĩnh sâu xa, ung dung đại lượng.

Cảnh giới chơi cờ cao siêu nhất, đương nhiên là xuất thần nhập hóa, có thể gia nhập hàng ngũ Thần tiên. Kế đến là chơi cờ không lao thần phí sức, vận dụng cái huyền diệu ở nhất tâm. Kế tiếp là ý tứ thế nào cũng được, thập bát ban võ nghệ đều có thể lấy ra sử dụng.

Trong lịch sử, các nhân vật tiêu biểu của Nho – Phật – Đạo, các bậc đế vương, quan tướng, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn, nhà toán học, nhà triết học, v.v… đều ca ngợi cờ vây, cho rằng thọ ích rất nhiều từ chơi cờ.

Hoàng đế Khang Hy cũng là người mê cờ, mỗi khi nhàn rỗi lại chơi một vài ván. Một lần, Khang Hy dẫn tùy tùng đi săn, cơn nghiền cờ bỗng nổi lên, bèn bày cờ ra chơi với một vị đại thần. Khang Hy đã nhanh chóng thắng liền 3 ván. Vẫn còn hứng thú, ông bèn tìm một cao thủ cờ đến chơi, đó là viên thị vệ tên gọi Nhân Phúc. Nhân Phúc cũng là người mê cờ, chơi cờ cũng rất chuyên tâm, chăm chú. Nhân Phúc rất cao cờ, nhất thời quên mất đối thủ là hoàng đế, liên tiếp tấn công đối thủ. Lão thái giám Quách Kế Công đứng quanh xem thấy hoàng đế chắc chắn sẽ thua rồi, thế là cái khó ló cái khôn nói: “Khởi tấu hoàng thượng, dưới núi phát hiện ra có con mãnh hổ, mời hoàng thượng mau chóng đi săn”.

Khang Hy nghe thấy vậy rất mừng, nói với Nhân Phúc: “Ngươi cứ đợi đây, đợi ta săn hổ về chúng ta chơi tiếp”.

Nói rồi lên ngựa xách cung lao xuống núi. Nhưng dưới núi nào có con hổ nào, chỉ phát hiện ra một con hươu. Khang Hy thích săn bắn, là một thợ săn lão luyện, nên ông biết, có hươu thì nhất định không có hổ, nghĩ rằng Quách Kế Công già cả mắt hoa, nhìn hươu thành hổ.

Khang Hy cũng rất thích săn hươu. Con hươu này chạy rất nhanh, Khang Hy thúc ngựa theo sát, vượt qua mấy quả núi cuối cùng cũng bắn hạ được hươu. Qua mấy ngày, Khang Hy mới nhớ ra ván cờ chơi dở với Nhân Phúc, bèn quay trở lại quả núi kia, thấy Nhân Phúc vẫn quỳ bên bàn cờ, không hề nhúc nhích. Lúc đó Khang Hy mới phát hiện ra Nhân Phúc trung hậu thủ chức kia đã chết, ông rất buồn. Từ đó Khang Hy luôn hối lỗi, thề sẽ không bao giờ thất tín nữa.

Qua mấy ngày, Khang  Hy mới nhớ ra ván cờ chơi dở với Nhân Phúc, bèn quay trở lại quả núi kia, thấy Nhân Phúc vẫn quỳ bên bàn cờ, không hề nhúc nhích
Qua mấy ngày, Khang Hy mới nhớ ra ván cờ chơi dở với Nhân Phúc, bèn quay trở lại quả núi kia, thấy Nhân Phúc vẫn quỳ bên bàn cờ, không hề nhúc nhích. Bức tranh miêu tả chuyến tham quan của Hoàng đế Khang Hy (được vẽ bởi họa sĩ triều đình nhà Thanh và được Bảo tàng Cung điện Bắc Kinh sưu tầm)

“Thế thuyết tân ngữ” có ghi lại một câu chuyện nhỏ, thời kỳ Đông Tấn và Tiền Tần đang xảy ra chiến tranh, người thống lĩnh chiến đấu là tể tướng Tạ An cùng bằng hữu đánh cờ, lúc này người hầu đem đến một lá thư, Tạ An xem xong thư liền đặt sang một bên, tiếp tục chuyên tâm đánh cờ. Người bằng hữu hỏi ông về nội dung bức thư, Tạ An trả lời nói: “Lũ trẻ của tôi đã đánh bại quân địch”.

Trận chiến này có ý nghĩa to lớn đến sự tồn vong của đất nước, nhưng Tạ An vẫn có thể bình tĩnh kìm chế được niềm vui mừng trong lòng; như vậy gặp biến mà không sợ cũng là một hàm dưỡng trí huệ mà cờ vây mang đến. Trí tuệ của cờ vây còn bao hàm thiên tượng dịch lý, binh sách lược cùng trị quốc an định.

Lời kết

Cờ vây có hình thức rất giản dị. Chỉ có 2 loại quân cờ đen và trắng, và luật chơi cũng rất đơn giản. Tuy nhiên sự huyền diệu của nó lại vượt xa hơn cả bất cứ loại cờ nào. Chỉ có 361 điểm cho quân cờ, nhưng sự biến ảo là hầu như vô tận. Trầm Quát viết trong sách “Mộng Khê Bút Đàm”, khi bàn đến số lượng biến ảo của cờ vây đã nói rằng: “nó lên tới con số 3 mũ 361 (luỹ thừa 361 của số 3)”.

Cờ vây rất là bác đại tinh thâm, huyền diệu vô cùng, nếu chỉ dùng trí tuệ con người thì không thể nào hiểu thấu đáo được. Là một phần văn hóa do chư Thần lưu lại cho con người, từ thiên cổ đến nay, cờ vây đã được biết bao bậc đế vương, quan tướng, văn nhân nho sĩ cũng như thường dân thưởng thức. Nó cũng mang lại biết bao giai thoại truyền kỳ, văn chương thi phú đẹp đẽ, ngay cả sách viết về binh thư toán pháp và phương lược trị quốc.

Hoàng Mai



BÀI CHỌN LỌC

Tinh hoa và cảnh giới chơi cờ vây