Tinh thần hiệp sĩ xưa và nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời niên thiếu, bạn bè, anh trai tôi và tôi thường đóng vai hiệp sĩ. Khiên của chúng tôi là nắp thùng rác bằng kim loại, và kiếm của chúng tôi là gậy hoặc gỗ vụn với tay bảo vệ được giữ cố định bằng đinh vít. 

Xung quanh những khu rừng và cánh đồng mà chúng tôi phân chia phụ trách, giả vờ chiến đấu với kẻ xấu, giải cứu những người khốn khổ gặp nạn và giành lấy vinh quang. Đôi khi tôi đứng trên yên con ngựa Fritz, phi nước đại quanh sân và chém vào không trung bằng thanh kiếm mà ông đã làm cho tôi, đồng thời cũng hét lên với những kẻ thù tưởng tượng.

Chúng tôi đọc những câu chuyện về Vua Arthur và các Hiệp sĩ Bàn tròn của ông ấy, xem các bộ phim ‘Ivanhoe’, ‘Robin Hood’ và xem những cuốn sách có hình ảnh những người đàn ông mặc áo giáp từ thời xa xưa.

Một cuốn sách yêu thích nhất trong những năm cuối cấp tiểu học của tôi là cuốn tiểu thuyết ‘Men of Iron’ của Howard Pyle, năm 1891, kể về câu chuyện của Myles Falworth, đầu tiên là một cận thần, sau đó là một hiệp sĩ, và những cuộc đấu tranh để chuộc lại danh dự cho cha mình.

Có lẽ được truyền cảm hứng một cách vô thức bởi tình cảm dành cho các hiệp sĩ và tinh thần hiệp sĩ, sau đó tôi đã dành 2 năm học cao học để lấy bằng thạc sĩ và thực hiện một năm làm tiến sĩ nghiên cứu về thời Trung cổ.

Trong luận văn thạc sĩ của mình, tôi đã viết về giai đoạn vị thành niên của Vua Henry III, người kế vị Vua John nổi tiếng, và rất thích tìm hiểu về một trong những người cố vấn của vị vua trẻ, William Marshal, một hiệp sĩ nổi tiếng thời đó.

Tuy nhiên, các chiến thuật thay đổi của chiến tranh và việc đưa thuốc súng vào chiến trường cuối cùng đã đặt dấu chấm hết cho những hiệp sĩ này, mọi thứ đã biến mất từ ​​lâu và giờ chỉ còn xuất hiện trên phim ảnh hoặc sách báo.

Nhưng tôi tin rằng tinh thần hiệp sĩ vẫn mãi trường tồn.

Cuốn sách kinh điển dành cho trẻ em ‘Men of Iron’ được viết vào năm 1891.
Cuốn sách kinh điển dành cho trẻ em ‘Men of Iron’ được viết vào năm 1891.

Những người đàn ông tận tụy

Nhà sử học quân sự và chuyên gia về chiến tranh thời trung cổ Robert Jones đã dành một chương trong tác phẩm ‘Knight: The Warrior and World of Chivalry’ để nói về tinh thần hiệp sĩ đã được phát triển và thực hành cách đây 1.000 năm.

Giống như một số người nổi tiếng ngày nay, những chiến binh thời Trung cổ này nhận thức sâu sắc về hình ảnh của họ. Họ khao khát được nhìn thấy trên chiến trường và trong các giải đấu như những người dũng cảm có kỹ năng sử dụng kiếm và thương, có thể đánh bại tất cả kẻ thù. Mong muốn được công nhận về năng lực, sức mạnh và lòng dũng cảm đã thúc đẩy họ cố gắng nỗ lực trong chiến đấu và trong các giải đấu.

Như Jones nhắc nhở chúng ta, các hiệp sĩ của thời Trung cổ chỉ có chút gì đó giống với ấn tượng lãng mạn hóa hiện đại của chúng ta về họ. Ông viết: “Tinh thần hiệp sĩ và những lời cầu xin của Giáo hội và các nhà hợp pháp có thể giúp ngăn chặn những cuộc tấn công quá mức nhắm vào dân thường, nhưng trong trái tim của mình, hiệp sĩ là một chiến binh thực tế, sẵn sàng gạt bỏ các nguyên tắc đẳng cấp của mình nếu hoàn cảnh yêu cầu”.

Theo năm tháng, những người khác bên cạnh Giáo hội đã tìm cách xoa dịu và giảm bớt sự ‘hung hãn’ của những hiệp sĩ này.

Tình yêu và danh dự

Trải qua vài trăm năm, văn học, bài hát và phụ nữ tầng lớp thượng lưu đã giúp nâng cao các tiêu chuẩn của tinh thần hiệp sĩ.

Vào cuối thời Trung cổ, tình yêu cao thượng chốn cung đình - tình cảm thuần khiết của một hiệp sĩ dành cho nữ hoàng của anh ta hoặc cho một phu nhân khác trong triều đình, và việc anh ta thực hiện những hành động anh hùng để tôn vinh cô ấy - đã trở thành mốt thời thượng.

Mức độ mà các hiệp sĩ thể hiện tình yêu cao thượng chốn cung đình vẫn còn gây tranh cãi, nhưng chắc chắn nó đã trở thành chủ đề ca tụng cùng những câu chuyện được kể bởi các nhà thơ trong các hội trường lớn.

Văn học vào cuối thời Trung cổ cũng thường xuyên đề cập đến chức danh hiệp sĩ. Bài thơ thế kỷ 14 ‘Sir Gawain and the Green Knight’ (tạm dịch: Ngài Gawain và Hiệp sĩ xanh) lần đầu tiên đưa chúng ta đến tòa án của Arthur tại Christmastide, nơi chúng ta chứng kiến hành vi lịch sự của các hiệp sĩ và quý bà, sau đó là một nhiệm vụ với Sir Gawain, người thánh thiện nhất trong các Hiệp sĩ của Bàn tròn.

Trong ‘The Canterbury Tales’ của Geoffrey Chaucer cho chúng ta sự mô tả tuyệt vời về một hiệp sĩ: một người đàn ông hiền lành và khiêm tốn, ăn mặc giản dị, đã chiến đấu trong nhiều cuộc chiến, và là ‘một người hào hoa, phong nhã, lịch thiệp’.

Tác phẩm ‘Sir Gawain and the Green Knight’ (Ngài Gawain và Hiệp sĩ xanh) từ bản thảo gốc, vào khoảng thế kỷ 14. (Phạm vi công cộng)
Tác phẩm ‘Sir Gawain and the Green Knight’ (Ngài Gawain và Hiệp sĩ xanh) từ bản thảo gốc, vào khoảng thế kỷ 14. (Phạm vi công cộng)

Được xuất bản vào năm 1485, tác phẩm “Le Morte d’Arthur” của Thomas Malory đã lý tưởng hóa việc làm hiệp sĩ và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều cuốn sách và phim về triều đình của Vua Arthur. Malory viết cuốn sách này vào thời điểm những người đàn ông mặc áo giáp và cưỡi ngựa chiến sắp biến mất khỏi chiến trường, nhưng ông ấy đã gửi gắm vào nhân vật trong câu chuyện của mình những đức tính gắn liền với chức danh hiệp sĩ.

Và đây là một số đức tính hiệp sĩ được mô tả trong câu chuyện lãng mạn của Malory:

Một hiệp sĩ phải thể hiện sức mạnh và bản lĩnh trên chiến trường.

Trung thành chiểu theo tôn giáo của mình.

Cam kết bảo vệ phụ nữ, những người bị đàn áp và bị bức hại.

Trung thành với vua và chúa của mình.

Nhân từ và công bình, có thể chịu đựng gian khổ trong hoàn cảnh khắc nghiệt.

Tinh thần hiệp sĩ thời kỳ Phục hưng

Khi nước Anh thời Victoria trở nên say mê văn hóa Trung cổ, những lý tưởng về tinh thần hiệp sĩ này đã trở thành một phần của văn học và nghệ thuật.

Tác phẩm ‘Ivanhoe’ năm 1819 của Sir Walter Scott đã giúp khơi dậy mối quan tâm này ở nước Anh thời trung cổ. Cuốn tiểu thuyết đã rất nổi tiếng ở cả Anh và Mỹ, hiện được coi là một trong những cuốn sách mang tính bước ngoặt của thế kỷ 19. Các mô tả của Scott về Vua Richard, Robin Hood, và các hiệp sĩ và phụ nữ hư cấu đã giúp làm sống lại các giá trị của hiệp sĩ và tinh thần hiệp sĩ.

Cuốn tiểu thuyết đầu thế kỷ 19 ‘Ivanhoe’ của Walter Scott được ghi nhận là đã truyền cảm hứng cho mối quan tâm mới về thời Trung cổ. (Phạm vi công cộng)
Cuốn tiểu thuyết đầu thế kỷ 19 ‘Ivanhoe’ của Walter Scott được ghi nhận là đã truyền cảm hứng cho mối quan tâm mới về thời Trung cổ. (Phạm vi công cộng)
Tinh thần hiệp sĩ thời thời Trung cổ được ưa chuộng trong cuối thời đại Victoria ở nước Anh. (Bộ sưu tập Everett / Shutterstock)
Tinh thần hiệp sĩ thời thời Trung cổ được ưa chuộng trong cuối thời đại Victoria ở nước Anh. (Bộ sưu tập Everett / Shutterstock)
Edmund Blair Leighton, một nghệ sĩ trước thời của Raphael, đã nắm bắt được bản chất của tinh thần hiệp sĩ trong bức tranh ‘ God Speed’ (tạm dịch: Chúc chàng thượng lộ bình an) của mình. (Phạm vi công cộng)
Edmund Blair Leighton, một nghệ sĩ trước thời của Raphael, đã nắm bắt được bản chất của tinh thần hiệp sĩ trong bức tranh ‘ God Speed’ (tạm dịch: Chúc chàng thượng lộ bình an) của mình. (Phạm vi công cộng)

Có phải tinh thần hiệp sĩ đã ‘chết’?

Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, phàn nàn rằng tinh thần hiệp sĩ đã chết, đàn ông không còn cư xử như một quý ông nữa, rằng họ thiếu phong cách và sự trau chuốt.

Rốt cuộc, chúng tôi đã loại bỏ phần lớn các từ ‘thưa quý vị’ (ladies and gentlemen) khỏi bài phát biểu trước đám đông và khi các từ này biến mất, thì các khái niệm mà chúng đại diện cũng vậy.

Nhưng tinh thần hiệp sĩ luôn không chỉ là lịch sự và cách cư xử tốt. Ẩn dưới ô chữ đó là những giá trị như danh dự, lòng trung thành, lòng dũng cảm, sự hào phóng về thời gian và tiền bạc, sẵn sàng bảo vệ phái yếu, và nghe có vẻ cổ hủ khi họ đối xử với phụ nữ như những ‘quý cô’.

Một số người cho rằng ngay cả những đức tính này đã không còn ở nhiều nam giới. Chắc chắn các kênh truyền thông của chúng ta thường đưa tin về những người đàn ông không thể đứng ra bảo vệ một người phụ nữ bị hành hung, những nhà lãnh đạo dường như không có chút cảm giác danh dự nào và những người dễ dàng thất bại khi hoàn cảnh thử thách lòng can đảm của họ.

Vẫn còn những người đàn ông thể hiện tinh thần hiệp sĩ. (BlueSkyImage/ Shutterstock)
Vẫn còn những người đàn ông thể hiện tinh thần hiệp sĩ. (BlueSkyImage/ Shutterstock)

Nếu tinh thần hiệp sĩ đang biến mất, thì cái giá phải trả cho nền văn hóa của chúng ta sẽ rất lớn. Để phát triển những đức tính này, đòi hỏi nhiều thế kỷ làm việc và trau dồi, khi ấy đức tính hiệp sĩ sẽ là các nền tảng cơ bản của xã hội chúng ta.

Cao Nguyên

Theo Jeff Minick - The Epoch Times

Giới thiệu tác giả: Jeff Minick có bốn người con và ‘một tiểu đội cháu đang tuổi lớn’. Suốt 20 năm, ông là giáo viên lịch sử, văn học và dạy tiếng Latinh cho các hội thảo giáo dục học sinh tại nhà ở Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai tiểu thuyết “Amanda bell”, và “Dust On Their Wing” cùng hai tác phẩm phi hư cấu “Learning as I Go”, và “Movies Make the Man”. Hiện nay, ông đang sống và viết sách ở Front Royal, Virginia. Để biết thêm thông tin về tác giả, bạn có thể xem tại blog: JeffMinick.com



BÀI CHỌN LỌC

Tinh thần hiệp sĩ xưa và nay