Tình yêu làm thay đổi lịch sử: Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mở đầu “Thi Kinh” là ba bài “Quan Thư”, trong thơ viết về một cô gái phi phàm và mối tình làm thay đổi lịch sử. Câu chuyện ấy đã diễn ra như thế nào?

“Thi Kinh” mở đầu bằng những dòng thơ làm lay động lòng người:

Quan quan kìa tiếng thư cưu
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy.
U nhàn thục nữ thế này,
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.

Tình cảm lứa đôi trong bài thơ được ví với đức hạnh của loài chim thư cưu, tình ý son sắt đậm đà mà vẫn giữ gìn được sự tôn nghiêm. Người thục nữ đoan trang, tiết hạnh, thật xứng nên duyên với đấng quân tử. Câu chuyện tình yêu được nhắc đến trong bài thơ cũng chính là mối tình lịch sử của bậc Thánh vương Chu Văn Vương Cơ Xương và nàng Thái Tự hơn 3000 năm về trước.

Thánh vương Cơ Xương

Câu chuyện bắt đầu từ khi dân tộc Chu còn là một bộ tộc sinh sống tại đất Mân. Vì các nhóm người Nhung, Địch và Đổng Dục đến quấy phá, bộ tộc Chu phải di cư đến vùng đất mới để gây dựng cơ nghiệp, dựng nên một vương triều vĩ đại và thịnh vượng.

Khi ấy, thủ lĩnh của bộ tộc Chu là Cổ Công Đản Phủ là một vị quân chủ vô cùng nhân đức. Cổ Công đau lòng khi chứng kiến dân chúng phải chịu nạn binh đao, ông đã tự nguyện rời bỏ vương quốc, nhượng lại đất đai cho người Nhung Địch. Cổ Công dẫn gia quyến vượt qua sông Tất, sông Thư và núi Lương, đến định cư dưới chân núi Kỳ Sơn, bách tính từ già trẻ lớn bé đều dắt díu nhau đi theo ông.

Trên mảnh đất hoang sơ, Cổ Công cùng dân chúng xây dựng thành quách, tổ chức làng ấp, thiết lập chế độ, tạo điều kiện cho bách tính an cư lạc nghiệp. Dần dần dân tộc Chu trở nên giàu mạnh, ai nấy đều cảm tạ ân đức của Cổ Công, họ gảy đàn và cất vang tiếng hát để ca tụng ông. Cảm động trước đức hạnh và lòng nhân đức của Cổ Công, Thần đã ban cho ông một người cháu trai ưu tú, sau này trở thành bậc Thánh vương dẫn dắt dân tộc Chu mở ra kỷ nguyên mới.

Cổ Công sinh được ba người con trai lần lượt là Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch, cả ba đều tài đức song toàn. Người con trai út tên là Quý Lịch sinh ra Cơ Xương. Vào ngày Cơ Xương chào đời, một con chim hồng tước ngậm đan thư bay đến nhà Quý Lịch, đan thư viết về mỹ đức quân vương, báo hiệu sắp có Thánh hiền đế vương xuất thế. Cổ Công nhận ra rằng: Thời khắc hưng thịnh của dân tộc Chu đã đến rồi!

Cổ Công thấy cháu nội Cơ Xương có tướng mạo phi phàm và có tố chất tài giỏi hơn người, vậy nên ông rất muốn truyền ngôi cho Quý Lịch, để sau này Quý Lịch truyền lại ngôi cho Cơ Xương. Người con trai cả là Thái Bá hiểu được ý nguyện của vua cha, bèn bàn với em là Trọng Ung. Hai người rời bỏ đất nước đến sống tại vùng đất của người Kinh và người Man ở phương nam. Họ cắt tóc và xăm mình theo tập tục địa phương, tỏ rõ ý định rằng không muốn trở về. Quý Lịch kế vị, ông lấy lòng nhân nghĩa để trị quốc, được chư hầu các nơi ủng hộ, mở ra con đường xán lạn cho Cơ Xương sau này.

Sau khi lên ngôi, Cơ Xương tỏ rõ là một bậc quân vương vô cùng nhân đức và trí huệ. Ông kính trọng người già, yêu thương lớp trẻ, đối với các bậc hiền sĩ ông cũng khiêm nhường giữ lễ nghĩa. Có lúc vì để tiếp đãi hiền sĩ, ông bận đến mức quên ăn, mọi người vì lòng nhân đức của ông mà đều đến quy phục.

“Sử Ký” kể rằng, Cơ Xương chiêu hiền đãi sĩ, lấy đức trị quốc, khiến cho vùng Tây Kỳ được cai quản rất tốt. Nước Ngu và nước Nhuế xảy ra tranh chấp, hai nước không thể giải quyết bèn đến nước Chu nhờ Cơ Xương phân xử. Khi người Ngu và người Nhuế vừa đặt chân tới Chu, họ nhận thấy dân chúng nơi đây nhường đất trồng cho nhau, người đi đường đều khiêm nhường tôn kính người già. Hai nước Ngu và Nhuế thấy thế liền nói với nhau rằng: “Điều chúng ta tranh giành chính là điều mà người dân nơi đây cho là ô nhục, chúng ta còn tìm Cơ Xương làm gì, chỉ là làm nhục chính mình mà thôi”. Thế là họ theo đường cũ trở về, từ đó hai nước nhường nhịn lẫn nhau, không còn xảy ra tranh chấp nữa.

Cùng lúc ấy, vua Trụ nhà Thương say mê Đát Kỷ, bỏ bê triều chính, càng ngày càng lộng hành vô đạo, khiến bách tính lê dân chịu khổ trăm bề, ai cũng mong sớm ngày thoát khỏi khổ nạn này. Nhưng nhà Thương vốn có tiếng là dân tộc nhận mệnh Trời, tương truyền tổ tiên của họ là hậu duệ của Huyền Điểu, từng nhận được vô số lời chúc phúc của Thần. Bốn phương vì vậy mà ủng hộ vương triều nhà Thương, thế nên khi chứng kiến vua Trụ hôn quân vô đạo, lòng người lo lắng nhưng không dám nghịch lại ý Trời.

Vì sao nói triều Thương là hậu duệ của Huyền Điểu? Trong “Thi Kinh” có câu: “Thiên mệnh huyền điểu, giáng nhi sinh Thương”, nghĩa là: Trời cho chim Huyền Điểu giáng hạ, sinh ra nhà Thương.

Tương truyền, thứ phi của đế Cốc Cao Tân Thị tên là Giản Địch. Một ngày Giản Địch thấy có quả trứng chim ở bên bờ suối, bà bèn nuốt trứng vào bụng, chẳng bao lâu thì thụ thai rồi sinh ra người con trai đặt tên là Tiết. Sau này lớn lên, Tiết phò trợ Đế Nghiêu và Đế Thuấn, sau lại giúp Hạ Vũ trị thủy nên được ban họ Tử và thụ phong ở đất Thương. Hậu duệ 14 đời của Tử Tiết là Tử Lý (tức Thành Thang) chính là người sáng lập ra Thương triều nổi tiếng trong lịch sử.

Cơ Xương biết rằng với sứ mệnh trên vai, ông cần phải dẫn dắt dân tộc Chu mở ra cục diện mới. Người đương thời vẫn tin rằng vua nhà Thương là huyết mạch của Thần, liệu nhà Chu có thể lĩnh nhận thiên mệnh mới hay không?

Để mở ra tương lai tốt đẹp cho dân tộc Chu, Cơ Xương cần tìm người bạn đồng hành thích hợp. Vương phi của ông vừa phải có dung mạo đoan trang vừa phải có nội tâm cao quý, cùng với ông dùng nhân đức giáo hóa muôn dân.

Hồi tưởng lại, bà nội của Cơ Xương là Thái Khương nổi tiếng là người phụ nữ tiết hạnh và cung kính. Thái Khương phò tá Chu Thái Vương, dẫn dắt con dân đến chân núi Kỳ Sơn lánh nạn, tránh khỏi sự xâm nhiễu của người Nhung Địch. Còn mẫu thân của Cơ Xương là Thái Nhậm, bà có tu dưỡng, có đức hạnh, chỉ làm những điều phù hợp với nhân nghĩa và đạo đức. Khi Thái Nhậm mang thai, mắt không nhìn nhiều tà, tai không nghe thanh âm dâm dật, miệng không nói những lời ngạo mạn tự đại, khi ngủ không bao giờ nằm nghiêng. Bà không ăn những thứ có mùi khó chịu hoặc những đồ ăn bất chính, ghế đặt không ngay ngắn cũng tuyệt đối không ngồi. Người ta đều nói là nhờ chú trọng thai giáo nên Thái Nhậm mới sinh được Cơ Xương thông minh và uyên bác hơn người.

Vậy thì, Cơ Xương phải làm sao để tìm được bậc nữ nhi cao quý, xứng tầm với hai bậc tiền bối đây? Cơ Xương ngước lên trời thỉnh cầu, Thượng Thiên cuối cùng cũng đáp lại ý nguyện của ông.

Mối tình làm thay đổi lịch sử

Một ngày, Cơ Xương vượt qua sông Vị Thủy đến nước Sằn, ông có cơ duyên gặp một cô nương xinh đẹp bên bờ sông. Nàng thuần khiết, nhân từ và cần kiệm, chẳng khác nào tiên nữ hạ phàm. Người dân trong vùng còn truyền tai nhau rằng nàng là em gái của Thượng Đế! Đức hạnh và vẻ đẹp của nàng khiến Cơ Xương rung động, ông hết lời ca ngợi và ái mộ nàng.

Tranh vẽ của Hách Đạt Tư (Ảnh: Bảo tàng Cố cung Đài Loan)

Sằn quốc vốn là hậu duệ của Thần Vương Hạ Vũ, mang trong mình dòng máu của Thần. Phải chăng gặp được nàng là duyên phận trời xanh an bài, và hôn sự này cũng chính là Thiên ý?

Cơ Xương chọn những cây rau hạnh thanh khiết nhất để dâng lên tông miếu, ông cung kính bốc quẻ và nhận được điềm báo: Trời xanh đã tác hợp! (“Thi Kinh - Đại Nhã - Đại Minh”). Kết hôn với người con gái trinh trắng ấy, con cháu bộ tộc Chu sẽ được Thần ban phước lành giống như người Thương.

Cơ Xương tìm người mai mối đến xin kết làm thông gia, hôn sự rất nhanh được tác thành. Nhưng như người ta vẫn nói: Việc tốt thường hay gặp trắc trở. Hai quốc gia bị ngăn cách bởi sông Vị Thủy, phải làm sao mới có thể rước nàng về dinh? Nếu thực lòng trân trọng một người con gái, bạn sẽ không tùy tiện dùng thuyền qua sông, cử hành hôn lễ qua loa chiếu lệ được. Cơ Xương vì vậy mà đắn đo suy nghĩ, trằn trọc mãi không ngủ được.

Cuối cùng, ông nảy ra ý tưởng: nối liền tất cả các con thuyền trên sông Vị Thủy, kết thành một cây cầu nổi. Cơ Xương đứng bên bờ nghênh tiếp, nổi chiêng trống vang rền, ông lấy nghi thức trọng đại nhất để kết hôn với người con gái vừa xinh đẹp lại nết na thùy mị – nàng Thái Tự.

Nàng Thái Tự đã trở thành bậc quốc mẫu của người Chu. Nàng ngưỡng mộ đức hạnh của bà nội Thái Khương và mẹ chồng Thái Nhậm, kế thừa đức tính hoàn mỹ của họ, lấy mỹ đức ấy để giáo hóa muôn dân.

Thái Tự sinh hạ cho Văn Cương mười người con trai, đứa con thứ hai là Cơ Phát chống lại nền chính trị bạo ngược của vua Trụ nhà Thương, giải thoát dân chúng khỏi cảnh dầu sôi lửa bỏng. Người con thứ tư là Chu Công Đán chế tác lễ nhạc, đặt định nền tảng cho tư tưởng đức trị. Sau này, vương nghiệp nhà Chu kéo dài liên tục suốt 800 năm.

Nàng Thái Tự trong bức tranh “Lịch triều hiền hậu cố sự đồ” của Tiêu Bỉnh Trinh (Ảnh: Bảo tàng Cố cung Đài Loan)

Trong mắt người Chu, Thượng Thiên đã ban cho họ người vợ và người mẹ vĩ đại – Thái Tự, giúp họ gây dựng nên đại nghiệp cho vương triều nhà Chu. Nếu như quốc vận nhà Chu đã được Thần an bài thì cuộc hôn nhân của Chu Văn Vương Cơ Xương và nàng Thái Tự chính là yếu tố then chốt nhất.

Người Chu đã viết ba bài thơ “Quan Thư” kể về cuộc hôn nhân trời ban này:

Quan thư 1

Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.

Bản dịch của Tạ Quang Phát:

Quan quan kìa tiếng thư cưu
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy
U nhàn thục nữ thế này
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.

Quan thư 2

Sâm si hạnh thái
Tả hữu lưu chi
Yểu điệu thục nữ
Ngộ mị cầu chi
Cầu chi bất đắc
Ngộ mỵ tư bặc
Du tai! Du tai!
Triển chuyển phản trắc

Bản dịch của Tạ Quang Phát:

So le rau hạnh lơ thơ
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên
U nhàn thục nữ chính chuyên
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời
Nếu cầu mà chẳng được người
Khi mơ khi tỉnh bồi hồi nhớ thương
Xa xôi trông nhớ đêm trường
Chiếc thân trằn trọc trên giường nào yên.

Quan thư 3

Sâm si hạnh thái,
Tả hữu thể chi.
Yểu điệu thục nữ,
Cầm sắt vĩ chi.
Sâm si hạnh thái,
Tả hữu mạo chi.
Yểu điệu thục nữ,
Chung cổ lạc chi.

Bản dịch của Tạ Quang Phát:

Vắn dài rau hạnh bên sông,
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.
Bên sông rau hạnh vắn dài,
Đem về nấu chín mà bầy hai bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Để nàng vui thích, vang rền trống chuông.

Đọc “Quan Thư”, hiểu đạo nghĩa vợ chồng

“Thi Kinh - Đại Tự” viết: “Quan Thư, hậu phi chi đức dã” (Bài ‘Quan Thư’ là nói về đức của Hậu phi Thái Tự), đây cũng là bài thơ đầu tiên trong “Thi Kinh” đại biểu cho văn học thời Chu. “Quan Thư” không chỉ là một bài ca về tình yêu và hôn nhân, mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong toàn bộ Kinh Thi.

“Quan quan” là tiếng hót của loài chim nước Thư Cưu. Truyền thuyết kể rằng Thư Cưu là loài chim trung trinh son sắt, mỗi con chỉ sống với một người bạn đời cố định, vợ chồng gắn bó bên nhau trọn đời, không bao giờ có hành vi phóng đãng. Bài thơ miêu tả vị quân tử bên bến nước nhìn thấy hai con chim Thư Cưu cùng sóng đôi bên nhau, hót họa cùng nhau, từ đó cảm ngộ rằng bản thân cũng cần có một người bạn đời mỹ hảo như vậy.

Hai chữ “quân tử” là tôn xưng của giới quý tộc thời cổ đại. Chữ “thục” trong “yểu điệu thục nữ” nghĩa là thiện, cũng chính là nói, vị cô nương ấy không chỉ có vẻ ngoài mỹ lệ mà còn có nhân cách phi phàm. Chữ “cầu” là có ý đẹp đôi, xứng đôi, do đó “quân tử hảo cầu” là chỉ người bạn đời xứng đôi của bậc quân tử.

Vậy thì, đứng trước vị cô nương đẹp cả ngoại hình lẫn nội tâm, thánh khiết như tiên nga hạ phàm ấy, bậc quân tử phải làm sao mới có được nàng đây? Quân tử không khỏi “trằn trọc trên giường chẳng yên”, đêm đêm lăn qua trở lại mãi không ngủ được! Chàng suy nghĩ: Ta nên gảy đàn Cầm đàn Sắt để khiến nàng cảm động, cùng nàng kết thành bạn tâm giao, khua chiêng gõ trống nghênh rước nàng, như thế mới có thể tỏ rõ lòng ta đối với hôn sự này.

Vì sao Cơ Xương dùng đàn Cầm đàn Sắt để nghênh đón nàng Thái Tự?

Tương truyền, Phục Hy tạo ra đàn Cầm và đàn Sắt, đàn Cầm nhỏ, còn đàn Sắt lại lớn, có tới 50 dây. Một ngày, Hoàng Đế lệnh cho Tố Nữ gảy đàn Sắt, Hoàng Đế thấy tiếng đàn bi thương ai oán đến não lòng, ông bèn phá đi và chế tác thành chiếc đàn chỉ có 25 dây. Từ đó, tiếng đàn thánh thót cả bốn mùa, nhẹ nhàng uyển chuyển cảm hóa cả đất trời.

Vào thời Xuân Thu, có một vị nhạc sư trứ danh tên là Hồ Ba, mỗi khi ông gảy đàn Sắt, trên bầu trời bầy chim bay lượn, dưới hồ đàn cá đang bơi cũng phải nổi lên mặt nước để lắng nghe.

Tiếng đàn Cầm trong trẻo thuộc tính Dương, còn tiếng đàn Sắt nhu thuận thuộc tính Âm. Khi hợp tấu, Âm Dương tương hỗ, giống như vợ chồng xướng họa cùng nhau. Do đó, Cơ Xương gảy đàn Cầm đàn Sắt để thể hiện niềm hạnh phúc khi vợ chồng chung sống thuận hòa.

“Quan Thư” không chỉ miêu tả sự ái mộ của người quân tử đối với bậc thục nữ, mà còn “phát hồ tình, chỉ hồ lễ nghĩa” (phát ra từ tình nhưng dừng lại đúng với lễ nghĩa, cho dù ái tình say đắm thì tình cảm ấy vẫn không vượt quá những khuôn phép của lễ nghi đạo đức). Qua đó bài thơ thể hiện đạo lý rằng giữa vợ và chồng nên có sự tôn trọng và chung sống hòa hợp với nhau. Khổng Tử xếp “Quan Thư” vào vị trí đầu tiên trong “Thi Kinh”, đó là vì hôn nhân là khởi đầu cho nhân luân, trước tiên cần có đạo nghĩa giữa vợ và chồng, sau đó mới có luân thường giữa cha và con, cuối cùng mới có đức Tín giữa bạn bè, đức Nghĩa giữa quân vương và bề tôi. Sự tôn trọng và chừng mực trong mối quan hệ giữa người với người cũng chính là nền tảng cho nền thái bình thịnh vượng của dân tộc Chu.

(Tuyển chọn từ “Một mình câu cá sông tuyết lạnh” trong “Bí mật trong các danh tác kinh điển”).

Minh Hạnh
Theo Văn Dật Phi – Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Tình yêu làm thay đổi lịch sử: Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu