Tòa nhà sắp đổ, Lưu Bá Ôn chỉ ra sự sụp đổ không thể tránh khỏi, ngụ ý quốc gia cũng vậy [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một tòa nhà sắp sụp đổ, không chỉ vì người kiến tạo đã mất đi chuẩn tắc thừa hành, mà cũng là bởi vì người kiến tạo đã không biết cách sử dụng vật liệu gỗ, khiến chúng bị vứt bỏ và hư hại, đã mất đi đất dụng võ.

Một tòa nhà sụp đổ, cũng không phải là sự kiện dị thường, nhưng người nào có thể đỡ được tòa nhà sắp sụp đổ đây? Trong một câu chuyện ngụ ngôn, nhà tiên tri nổi tiếng triều Minh Lưu Bá Ôn đã dựa vào việc tu sửa phòng ở, chọn lựa vật liệu gỗ, từ đó giảng rõ ra mấy đạo lý dễ hiểu, vẫn còn nguyên tác dụng gợi mở đối với người hiện đại ngày nay.

Đề cập đến Lưu Bá Ôn, mọi người đều biết ông đã nói qua không ít tiên đoán, nói tới không ít bí mật kinh thiên, bao gồm cuộc nội chiến Quốc - Cộng thời cận đại, thậm chí còn tiên đoán ôn dịch hiện nay. Đồng thời ông đã nói cho mọi người biện pháp thoát khỏi ôn dịch. (Xem: 700 năm trước đã có tiên tri năm 2000-2044 sẽ xảy ra đại sự và cách đối phó)

Lưu Bá Ôn là một cao nhân bậc nhất trong giới tiên tri, và ngoài giảng tiên tri, ông còn giảng ngụ ngôn, đồng thời trong mỗi truyện ngụ ngôn đều có hàm ý mà ông muốn biểu đạt.

Chân dung Lưu Cơ do Cố Kiến Long vẽ. (Nguồn ảnh: Wikipedia) 
Chân dung Lưu Cơ do Cố Kiến Long vẽ. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

Trong "Úc Ly Tử - Lỗ Ban" Lưu Bá Ôn kể rằng, có một ngày nọ Úc Ly Tử đi đến chợ, ông nhìn thấy một ngôi nhà bị sập, thế là liền khóc lên. Tiếng khóc cực kỳ bi ai, khiến người bên ngoài cảm thấy rất chua xót.

Lúc này, có một người hỏi ông: "Ngôi nhà này còn có thể sửa được không?".

Úc Ly Tử trả lời: "Nếu như bây giờ còn có những người thợ khéo giống như Lỗ Ban, Vương Nhĩ, thì ngôi nhà kia vẫn còn có thể sửa được. Đáng tiếc là, hiện nay đã không còn những người thợ như vậy nữa, chúng ta có thể thương lượng cùng ai để tu sửa căn nhà này đây?"

Lỗ Ban và Vương Nhĩ mà Úc Ly Tử nhắc đến đều là những người thợ giỏi thời cổ đại. Lỗ Ban (鲁般) là người nước Lỗ thời Xuân Thu, họ Công Thâu, tên là Ban. Bởi vì "Ban" (般) và "Ban" (班) đồng âm, cho nên mọi người cũng gọi ông là "Lỗ Ban" (鲁班). Trong lịch sử Trung Quốc, Lỗ Ban là một nghệ nhân kiến trúc nổi tiếng. Cuốn "Lỗ Ban kinh" do ông lưu lại đã giới thiệu đã giới thiệu các nghề thủ công làm nhà, đóng đồ đạc, chế tạo nông cụ và thủ công mỹ nghệ.

Trong một số truyền thuyết dân gian, Lỗ Ban còn là người tu Đạo thành Tiên, được giới kiến trúc tôn làm Tiên sư, đồng thời cũng được hậu nhân thờ cúng. Trong truyền thuyết, sau khi ông bạch nhật phi thăng, vào các triều đại khác nhau, ông lại hiển hiện Thần tích ở vùng đất Trung Nguyên, trợ giúp hậu nhân hoàn thiện các công trình kiến trúc, ví như: Giác Lâu của Cố Cung, điện Thánh Mẫu đền Tấn Từ ở Sơn Tây, Long Môn thạch của Cầu 17 vòm trong Di Hoà viên, Thạch Phường của Thập Tam lăng ở Bắc Kinh, tường thành Sơn Hải quan, cầu Hoa của công viên Thất Tinh ở Quế Lâm, Quảng Tây.... Truyền thuyết dân gian kể rằng, những công trình này đều là nhờ Lỗ Ban hiển Thánh mới có thể hoàn thành.

Tương truyền Lỗ Ban từng trợ giúp hậu nhân hoàn thiện các công trình kiến trúc, ví như, Giác Lâu của Cố Cung. Hình ảnh chụp Giác Lâu của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. (Nguồn ảnh: Lennon/ Wikipedia)
Tương truyền Lỗ Ban từng trợ giúp hậu nhân hoàn thiện các công trình kiến trúc, ví như, Giác Lâu của Cố Cung. Hình ảnh chụp Giác Lâu của Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. (Nguồn ảnh: Lennon/ Wikipedia)

Vương Nhĩ (còn gọi là Vương Kiển) là đồ đệ của Lỗ Ban. Hai thầy trò chiểu theo phép tắc và hiện tượng của trời đất, dùng loại gỗ mềm tốt nhất của triều Dương (chỉ ngô đồng) chế tạo bàn cờ vây.

Úc Ly Tử cảm thán, hiện tại trên đời đã không có thợ khéo giống như Lỗ Ban, Vương Nhĩ, muốn tu sửa nhà ở bị hư hỏng, thì chắc chắn là một việc khó.

Úc Ly Tử nói: "Nhà ở sụp đổ, nếu như xà nhà chưa biến dạng, thì ngôi nhà vẫn còn có thể sửa được. Nhưng mà hiện tại ngôi nhà này tất cả đòn dông đều đã mục nát đứt gãy, dùng tay hơi đụng một cái là nó sẽ sụp đổ hoàn toàn, đã đến mức không thể đụng vào, thà cứ tạm thời để nó như cũ. Những cái xà nhà còn chưa mục nát, còn có chỗ dựa thì chỉ có thể chờ những người thợ lành nghề như Lỗ Ban, Vương Nhĩ đến xử lý".

"Nếu như bây giờ chạm nhẹ, ngôi nhà kia sẽ bị phá hủy hoàn toàn, người ta chắc chắn sẽ đổ trách nhiệm tội trạng lên thân người tu sửa. Người thợ bình thường không thể gánh trách nhiệm lớn như vậy".

"Huống chi tu sửa một ngôi nhà, nhất định phải đổi vật liệu mới, còn cần phải loại bỏ tất cả những bộ phận bị sâu mọt ăn mòn. Những cái kia bề ngoài nhìn hoàn hảo, nhưng mà ở giữa đã nát rữa, cũng cần phải loại bỏ hết toàn bộ. Không thể đem cây gỗ mảnh (cây rui) buộc thành một bó coi như cây cột, cũng không thể chém đứt cây cột làm thành cái rui".

Lưu Bá Ôn hiệp trợ Chu Nguyên Chương kiến tạo triều Đại Minh, ông tinh thông dự ngôn, từ trước đến nay dự đoán cực kỳ chuẩn xác. Ông giảng thuật ngụ ngôn, chắc hẳn cũng không phải vẻn vẹn chỉ để nói cho mọi người lưu ý về việc sửa nhà. Ông khéo léo ẩn dụ, lấy chuyện sửa nhà để khuyên bảo hậu thế, khi giai tầng quyền lực quốc gia mục nát, mọi người nên đối đãi như thế nào. Bộ phận mục nát nếu như không loại bỏ, chung quy là không trị được từ căn bản.

Từ trong câu chuyện ngụ ngôn này, Lưu Bá Ôn còn giảng đến tiêu chuẩn lựa chọn sử dụng vật liệu, đó chính là một chữ "lương" (tốt, lành). Cho dù là loại gỗ gì, cũng bất kể là loại gỗ trồng ở nơi nào, đều có công dụng của nó. Ví như, "gỗ lớn có thể làm cột trụ, gỗ nhỏ có thể làm cây gỗ và đấu củng, gỗ cong có thể làm bình (tấm gỗ ngang treo ở trên), gỗ thẳng có thể làm cây cột, gỗ dài có thể làm cây rui, gỗ ngắn để làm gỗ ngắn trên xà nhà. Chỉ cần không phải gỗ rỗng và ẩm ướt, thì không loại gỗ nào không thể sử dụng".

Bậc quân vương giỏi sử dụng nhân tài, đem người có năng lực khác nhau sắp đặt tại các vị trí thích hợp, thì có thể sử dụng được toàn bộ nhân tài, cũng giống như vật liệu gỗ chèo chống ngôi nhà vậy, có thể chống đỡ lấy một quốc gia khổng lồ. Cho dù là nhân tài gì, nếu có thể phối hợp nhịp nhàng cân đối với nhau, phát huy được tài năng sở trường của mình, thì có thể bảo đảm ngôi nhà vững chắc không bị hư hại.

Khi một quốc gia đã mất đi tiêu chuẩn phân công nhân tài, bổ nhiệm người không theo tài năng, phẩm đức, thì cũng sẽ nguy hiểm như ngôi nhà sắp đổ. Cũng giống như compa, thước vuông dùng để xây nhà có kích thước lớn nhỏ không cố định, các công cụ như búa cưa đao đục... đã mất đi tiêu chuẩn sử dụng. Đó chính là luật pháp không rõ ràng, không nghiêm minh, kẻ nắm quyền tùy ý lạm dụng và diễn giải pháp luật có lợi cho bản thân và băng nhóm, đưa họ hàng thân thích vào bộ máy cầm quyền, mặc sức mua quan bán chức, vơ vét của cải, hãm hại trung lương.

Nó cũng giống như đem các loại gỗ thượng đẳng như quế, nhãn, nam, lô... chặt làm củi đốt. Khác chi một quốc gia đưa những kẻ tiểu nhân xu nịnh bất tài, tham lam, sao đạo vào bộ máy công quyền, còn những bậc trung lương, hiền tài, những người chính nhân quân tử thì bị vứt bỏ dập vùi, thậm chí tàn hại.

Lúc này ngay cả những thợ giỏi như Lỗ Ban, Vương Nhĩ cũng khó có thể thi triển kỹ xảo của họ, huống chi hiện tại không có người như họ? Vì thế Úc Ly Tử cảm thấy vô cùng bi thương. Ông lấy chuyện nhà sắp đổ, vô phương cứu chữa để nói về một quốc gia, một triều đại, một khi xuất hiện những dấu hiệu trên thì cũng vô phương cứu chữa rồi.

Một tòa nhà sắp sụp đổ, không chỉ vì người kiến tạo đã mất đi chuẩn tắc thừa hành, mà cũng là bởi vì người kiến tạo đã không biết cách sử dụng vật liệu gỗ, khiến chúng bị vứt bỏ và hư hại, đã mất đi đất dụng võ. Nếu như nội bộ tòa nhà xuất hiện sâu mọt, không ngừng gặm nhấm vật liệu gỗ, cách cứu vãn chính là tìm đúng người để tu sửa. Nếu như không thể kịp thời tu sửa, loại bỏ phần hư hỏng, thì tòa nhà đó cuối cùng khó mà thoát khỏi vận mệnh sụp đổ.

Lý Tuệ
Theo Tống Bảo Lam - Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Tòa nhà sắp đổ, Lưu Bá Ôn chỉ ra sự sụp đổ không thể tránh khỏi, ngụ ý quốc gia cũng vậy [Radio]